Chúng ta cần chăm lo cho hậu dịch covid-19 ngay trong khi còn đang chống dịch
(tiếp theo bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật” ngày 12-03-2020)
Nguyễn Trung
Sau tuyên bố ngày 11-03-2020 của WHO về tình trạng đại dịch toàn cầu covid-19 (pandemic), cho đến nay chưa có dự báo nào về sự kết thúc của đại dịch này. Trên toàn thế giới đại dịch này đang thời kỳ bùng phát với tốc độ và sự lây lan rất cao, tâm điểm là châu Âu. Số người nhiễm bệnh và số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đều lớn hơn số trong nội địa Trung Quốc. Tổng thống Pháp phải nói với dân mình đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Nhiều nước và nhiều vùng phải ban bố tình trạng khẩn cấp…
Dựa vào diễn biến của dịch bệnh ở Trung Quốc, tôi suy đoán có lẽ phải tới tháng 5 hoặc tháng 6-2020 (có thể quá lạc quan?) thế giới mới có thể vượt qua được đại dịch covid-19, để quay trở lại cuộc sống bình thường – với nghĩa là không còn dịch, nhưng kinh tế và toàn bộ đời sống nói chung trên thế giới đã bị đại dịch xáo trộn có lẽ còn lâu mới có thể trở lại bình thường, thậm chí đại dịch có thể để lại hàng loạt hậu quả chưa thấy ở đâu có giải pháp thỏa đáng!..
Dự đoán như vậy, tôi nghĩ trên cả 2 mặt trận chống dịch (bây giờ là giai đoạn 2 đang rất căng thẳng) và cứu kinh tế, cả nước ta phải chống chọi quyết liệt với vài ba tháng cực kỳ bất thường nữa phía trước, rồi mới có thể đi vào thời kỳ phát triển không còn dịch – [với điều kiện y học của loài người loại trừ được dịch bệnh covid-19 này, không có hiện tượng tái phát, và không có làn sóng thứ 2 của đại dịch này vào mùa đông 2020 như một số dự báo đầy lo lắng!].
Có lẽ mỗi người chủ gia đình, mỗi người đang đứng mũi chịu sào của một doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh dù nhỏ hoặc lớn, một đơn vị công tác, nghiên cứu, giảng dậy, vân… vân.., vân… vân.., cho đến từng thành viên trong nội các Chính phủ đang còng lưng gánh vác trên vai mình những trách nhiệm đối với cả một lãnh vực công tác được giao.., sẽ là những người thấm thía hơn ai hết thế nào là chống chọi với vài ba tháng cực kỳ quyết liệt nữa sắp tới! Vâng, có thể nói thấm thía đến mức không thở được! – (Đương nhiên ở đây tôi không nói đến những con người hay hành vi “tuýp Nguyễn Quang Thuấn”!)
Những số liệu có được trong tay thật hãi hùng. Ví dụ sản lượng toàn cầu đến nay đã tổn thất tới 2700 tỷ USD vì covid-19, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 khi chưa có dịch dự báo là 3,1%, nay có dịch sẽ chỉ còn là 2,2% (kịch bản A), hoặc là 1.2% (kịch bản B).., và kịch bản xấu nhất sẽ là tăng trưởng 0% nếu tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm; kinh tế TQ dự kiến trước khi có dịch tăng 6,8%, nay sau dịch có thể sẽ chỉ còn 3,5% (TQ dự báo là 5 – 6%); kinh tế Mỹ, Nhật , Đức… hiện đều đi vào suy thoái – theo Bloomberg. Giám đốc Cục Dự trữ Liên Bang Steven Mnuchin ngày 17-03-2020 cho rằng nạn dịch có thể sẽ làm cho 20% lao động Mỹ thất nghiệp và yêu cầu các thượng nghị sỹ Cộng Hòa phải tính đến kế hoạch huy động khoảng 1000 tỷ USD để chống dịch và kích thích kinh tế Mỹ [1]. Tạp chí Foreign Affairs số 16-03-2020 đặt câu hỏi liệu đại dịch có thể chấm dứt mô hình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay hay không? – không phải vì toàn cầu hóa là sai, mà vì đại dịch đã phá vỡ cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau như một tất yếu của toàn cầu hóa, và kinh tế học hiện nay chưa đề ra được giải pháp khắc phục! Đã có lúc xảy ra trong vòng một ngày của tháng 3-2020 thị trường chứng khoán thế giới bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, ngành du lịch và hàng không thế giới có quy mô khoảng 9 nghìn tỷ Euro năm nay sẽ thiệt hại vài chục phần trăm; nguồn cung và nguồn cầu của toàn bộ kinh tế thế giới đều đổ vỡ do tác động của đại dịch; ở châu Âu và nhiều quốc gia khác riêng việc phong tỏa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không để ngăn chặn lây lan của đai dịch sẽ kéo dài đến giữa tháng 4-2020, kéo theo cơ man sự đình đốn mọi kiểu khác nhau như gián đoạn, đứt gãy, đổ vỡ trong kinh tế và rối loạn trong đời sống, v… v…
Những con số như thế trong nền kinh tế nước ta hiện nay quyết liệt cũng không kém. Trong tháng 3-2020 đã có ngày thị trường chứng khoán nước ta bốc hơi khoảng 10 tỷ USD, vốn ngành hàng không trên thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 1/3 giá trị (37%), doanh thu ngành hàng không VN trải qua đại dịch sẽ mất khoảng 30.000 tỷ VNĐ..; hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ có nguyên liệu sản xuất cho vài chục ngày tới, đang phải tìm cách thay đổi nguồn đầu vào hoặc thay đổi sản xuất; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tiền trả lương cho công nhân vì phải ngừng sản xuất – cả nước và xã hội buộc phải tìm các biện pháp khác bất thường cứu công nhân, ngành du lịch và hàng không điêu đứng vì tác động của đại dịch, các trường học phải đóng cửa kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy… Khảo sát 1200 doanh nghiệp nhỏ và vừa các loại, có tới 74% có thể sẽ phá sản nếu nạn dịch kéo dài tới 6 tháng vì doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động… [2]
Chính phủ sẵn sàng chịu những tổn hại trong kinh tế để chống dịch và cứu các doanh nghiệp; đang phải tìm mọi cách giãn thuế, hạ lãi xuất điều hành và lãi xuất cho vay của các ngân hàng, tăng cường đầu tư khu vực công để kích cầu, vận động sự tương thân tương ái giữa các doanh nghiệp.., và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khác; đồng thời phải phòng ngừa lạm phát, vừa phải huy động mọi nguồn để thúc đẩy sản xuất..; phải chăm lo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng và tránh đầu cơ tích trữ, vừa phải đáp ứng mọi đòi hỏi của nhiệm vụ chống dịch, v… v…
Tuy nhiên, sau đại dịch này thế giới sẽ có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác chưa dự đoán được, tác động sâu sắc vào mọi quốc gia.
Đó là những vấn đề địa chính trị, rồi đến những vấn đề địa kinh tế xuất hiện đồng thời, rồi đến sự tác động qua lại ngay tức khắc của 2 loại vấn đề này gây ra các xáo trộn khu vực và dội vào mọi quốc gia hữu quan.
*
Nổi lên hàng đầu trong những vấn đề địa chính trị vẫn là sự tranh chấp giữa 3 thế lực lớn nhất là Mỹ (và đồng Minh), Trung Quốc và Nga. Xen vào đó là sự tranh chấp giữa 3 thế lực này là các khu vực nóng bỏng nhất, đó là Trung Đông – trong đó có vấn đề Syrie, liên quan đến Thổ và Nga, vấn đề Iran, vai trò của Mỹ; tiếp đến là mối quan hệ căng thẳng Nga – NATO liên quan đến toàn châu Âu và v/đ Ukraina – Grym; tiếp đến là vấn đề Biển Đông liên quan đến Mỹ (và đồng minh) và Trung Quốc. Trong những vấn đề địa chính trị đầy căng thẳng và vô cùng phức tạp này, mối nguy lớn nhất là các đối thủ tham gia (the players) – trước hết là 3 đối thủ chính Mỹ, Trung, Nga – đều có những tính toán quyết liệt có thể dẫn tới những biến động lớn khó lường trước.
Trung Quốc sau khi hứng chịu đòn kép là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch covid-19, nay đã bắt đầu phản đòn, tập trung nhằm vào Mỹ. Về đối nội, TQ đang đẩy mạnh chiến dịch củng cố hơn nữa vai trò của Tập Cận Bình nói riêng và vị thế của TQ nói chung. Nhằm lấy lại lòng tin trong nhân dân để vượt qua mọi hậu quả của đại dịch, TQ đề cao chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã chiến thắng vẻ vang đại dịch covid-19. Về đối ngoại những nỗ lực của chiến dịch này trực tiếp nhằm vào Mỹ, với luận điệu tố cáo Mỹ là thủ phạm của đại dịch và đề cao vai trò TQ đi đầu trong chống dịch trên toàn thế giới (thậm chí còn nói: TQ chịu trận thay cho cả thế giới, và thế giới nợ Trung Quốc lời cảm ơn…). TQ đang tìm mọi cách khoét sâu vào 3 chỗ yếu của nhất của chính quyền Trump là (a)Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, (b)nội bộ Mỹ chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, và (c)đang rất lúng túng trong việc chống dịch [Mỹ hiện chưa kiểm soát có hiệu quả đối với đại dịch, thua Hàn Quốc và Nhật trong v/đ này]. TQ đang chuẩn bị những bước đi mới, kể cả xét lại việc hưu chiến trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay TQ tập trung củng cố đối nội, trước hết tăng cường vai trò của Tập vốn bị thách thức nặng nề trong đại dịch; mặt khác giương cao ngọn cờ bảo vệ toàn cầu hóa và hội nhập (đối nghịch với “America first!” của Trump) để cải thiện vị thế của Trung Quốc trong bàn cờ lớn – đặc biệt chú trọng vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Hongkong.
Lợi dụng lợi thế trước mắt giành được qua vấn đề Syrie, Putin tăng cường vị thế của Nga trong quan hệ với Mỹ và EU, cứng rắn hơn trong quan hệ với NATO và Mỹ - kể cả trong vấn đề chạy đua vũ trang (với lý do phản đối Mỹ/Trump đã rút khỏi những thỏa thuận đã kí trong hiệp định INF), đồng thời quyết không giảm sản xuất dầu, chấp nhận chịu thiệt để cho giá dầu sụt nữa trong đại dịch nhằm tăng áp lực với các nước ả-rập, đánh vào kinh tế dầu lửa của Mỹ (hiện nay giá sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cao hơn giá dầu trên thị trường quốc tế), và đồng thời muốn làm OPEC lụn bại để đánh vào đồng Dollar... Chuẩn bị lâu dài cho chiến lược lấy lại vị thế siêu cường của Nga, Putin đang tiến hành cải tổ hiến pháp, nhằm vào cái đích sẽ ở lại cầm quyền cho đến năm 2036.
Trump vừa mới thoát khỏi nguy cơ bị phế truất (impeachment), lại rơi ngay vào tình trạng: đại dịch covid-19 xảy ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế (hiện nay đã xuất hiện những biểu hiện đầu tiên). Cả 2 vấn đề này (đại dịch và kinh tế suy thoái) đều áp lực mạnh lên khả năng tranh cử sắp tới của Trump. Đồng thời Trump lúc đầu chủ quan và bây giờ khá lúng túng trong chống covid-19. Thêm vào đó những bước đi của Trump trong v/đ Bắc Triều Tiên không đạt kết quả, quan hệ với Iran rất căng thẳng với nguy cơ nổ ra chiến tranh (sau khi Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani trên đất Iraq), mặt khác qua quyết định về công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (để củng cố vị thế của Mỹ ở Trung Đông) càng làm cho tình hình Trung Đông căng thẳng thêm; thỏa thuận hòa bình đạt được với Taliban ở Afghannistan rất mong manh... Khả năng Trump có nhiệm kỳ 2 vẫn còn, song vì các lý do đối nội và đối ngoại, vì tác động của đại dịch, vị thế Mỹ so với các đối thủ chính đã giảm đi phần nào so với đầu nhiệm kỳ của Trump. Cụ thể là do suy yếu trong nội bộ Mỹ, do phương pháp thực hiện, và do nhiều lý do bất khả kháng khác.., nhiều bước đi chiến lược của Trump tuy đúng cho lợi ích nước Mỹ về phương hướng, nhưng trong thực hiện lại gây ra phản tác dụng –: Rút khỏi Syrie để lôi kéo Nga đã biến thành nhượng bộ do yếu đối với Nga – với nghĩa Mỹ bỏ rơi mặt trận này; tranh thủ Kim Châng Un trở thành Mỹ thất thế với TQ và Nga trên phương diện này; gây sức ép “America First!” với đồng minh – trước hết là EU… – để bớt gánh nặng cho Mỹ biến thành chia rẽ với đồng minh; tăng sức ép với Iran trong tình hình Mỹ không có hậu thuẫn của đồng minh biến thành nguy cơ Mỹ lâm chiến với Iran mà Trump hoàn toàn không muốn, hệ quả là mọi rối rắm ở Trung Đông từ thời Bush (con) hầu như còn nguyên vẹn đối với Mỹ hôm nay (mặc dù đã phải trả giá bằng cuộc chiến tranh Iraq tốn kém và đẫm máu kéo dài 6 năm!); nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến khả năng Trump có nhiệm kỳ 2, nên trong ký kết hưu chiến thương mại Mỹ - Trung Trump đã phải nhượng bộ TQ phần nào (cả về nội dung và thể thức ký kết)… Trong khi đó mọi hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông cho đến nay tuy được tăng cường hơn so với thời trước Trump, song vì nhiều lý do của Mỹ và những lý do của chính khu vực này, nên về cơ bản vẫn chưa vượt được ra ngoài khuôn khổ FONOPs có từ thời Obama. Trong khi đó chủ trương của Trump tập hợp liên minh Châu Á-Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương nhằm chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc (còn gọi là tứ giác kim cương) chưa tạo ra được sự hưởng ứng phải có từ các nước hữu quan, nhất là từ phía Ấn Độ... V… v…
Đáng chú ý là trong tranh cử để ra ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ, các nhân vật tranh cử chỉ tập trung vào những vấn đề đối nội và chĩa mũi nhọn vào Trump, hầu như không nói gì về đối ngoại – trong đó có vấn đề TQ - (hiện nay Biden có triển vọng nhất trong đảng Dân chủ). Giới chức nắm được thực chất và có những quan điểm đúng và chiến lược đúng đối với những vấn đề kinh tế, đối nội và đối ngoại phục vụ cao nhất lợi ích của Mỹ trong thế giới hôm nay chủ yếu là giới chuyên gia và giới nghiên cứu, song cả 2 giới này đều không được Trump trọng dụng, thậm chí nhiều khi bị sa thải nếu không chịu phục tùng tính cách thô lỗ, háo thắng và sự thất thường của Trump – và đây là thiệt thòi hay là mối nguy lớn cho nước Mỹ!
Có lẽ phải chờ đến nhiệm kỳ 2 của Trump (nếu có), hoặc chờ triều đại chính quyền mới của Mỹ của đảng Dân chủ, mọi chuyện mới rõ ràng. Tuy nhiên, dù thế nào, với Trump – hoặc với một nhân vật nào khác từ đảng Dân chủ - nước Mỹ có thể thay đổi những biện pháp thực hiện, song trước sau Mỹ có lẽ vẫn phải trụ lại trong chiến lược bảo vệ vị thế số 1 thế giới của Mỹ hiện nay, và Mỹ vẫn có khả năng lớn thực hiện được chiến lược này.
*
Về những vấn đề địa kinh tế. Đập vào mắt mọi người trước hết là câu chuyện toàn cầu hóa kinh tế thế giới là một sự vận động tất yếu khách quan của phát triển; song covid-19 đã phá vỡ trên thực tế hầu như toàn bộ cấu trúc của toàn cầu hóa kinh tế hiện nay: Hiện tượng chủ yếu là nguồn cung và nguồn cầu, và đồng thời là phương thức vận động của kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa dựa trên phát huy tối đa lợi thế sự phụ thuộc lẫn nhau để làm ra của cải nhiều hơn nữa đang bị dịch bệnh covid-19 làm đổ vỡ, rối loạn, đứt gãy… không cưỡng lại được. Kinh tế học của loài người chưa phát minh ra được cấu trúc toàn cầu hóa nào khác cho kinh tế thế giới có thể bền vững trước một thế lực hủy hoại như covid-19.
Mấy tháng vừa qua trong quá trình diễn tiến của đại dịch covid-19, trên mọi diễn đàn của các nước phát triển, lúc đầu – khi nạn dịch còn bó khung trong lãnh thổ Trung Quốc, được bàn cãi sôi nổi nhất là vấn đề làm thế nào thoát Trung, với nghĩa thoát mọi sự lệ thuộc vào Trung Quốc như là một nguồn cung khổng lồ nhiều thứ cho kinh tế thế giới, và đồng thời là một thị trường tiêu thụ còn lớn hơn cả thị trường tiêu thụ của Mỹ rất cần thiết cho kinh tế thế giới. Đơn giản vì TQ là công xưởng của thế giới, kinh tế chiếm 17% GDP thế giới và đóng góp khoảng 33% tăng trưởng của kinh tế thế giới!
Trong khi câu hỏi thoát Trung là thoát cái gì cụ thể và thoát thế nào chưa có lời giải, nạn dịch từ tháng 2-2020 lan ra khắp thế giới, gây ra mọi đổ vỡ, gián đoạn, đứt gẫy… ở các mức độ khác nhau ngay trong lòng mọi nền kinh tế và đời sống của tất cả các nước phát triển. Nguy hiểm hơn nữa giữa lúc này hầu hết những nền kinh tế của các nước phát triển đang có nhiều khó khăn lớn, như nợ lớn và thâm hụt ngân sách ngày càng cao, tăng trưởng kinh tế thấp hoặc thậm chí đang trong tình trạng suy thoái, nội trị phát sinh nhiều vấn đề mới (Đức, Pháp, Anh…)… - đúng với tình trạng họa vô đơn chí!
Cho đến nay, ngoài những biện pháp mọi dạng đã thực hiện (chủ yếu là bơm tiền ra để “cấp cứu” trong chống dịch, và đồng thời để phòng ngừa kinh có thể tế đổ vỡ không cứu vãn được), chưa một nước phát triển nào, kể cả Mỹ, có quốc sách khả thi đối mặt có hiệu quả với sự phá hoại mọi mặt của covid-19, nhất là trong kinh tế.
Trong bàn cãi này, giới nghiên cứu của các nước phát triển hầu như có sự thừa nhận chung: Coi sự hủy hoại của covid-19 và những vấn đề nó đặt ra là hiện tượng nghiêm trọng chưa từng có trong thế hệ đương đại hiện nay đối với kinh tế mỗi quốc gia nói riêng và cho kinh tế thế giới nói chung. Đại dịch xáo trộn hầu như toàn bộ cuộc sống con người: Hàng trăm hàng trăm triệu học sinh và sinh viên không được đến trường. Nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, nhà hát, sân vận động… đóng cửa. Bên cạnh cái chết dịch là quang cảnh chết của hết thành phố này đến thành phố khác. Thậm chí giao tiếp bình thường giữa người và người cũng phải thay đổi – kể từ cái bắt tay!.. Rồi sẽ là gì nữa sau dịch? Một khi cuộc sống sẽ được xổ lồng khỏi cũi chết – sẽ là một cơn ngắc ngoải kéo dài chăng? Hay lại là một làn sóng rối loạn mới trước khi có trời yên bể lặng?!.. Tất cả đều vượt ra khỏi tầm cảm nhận và khả năng suy nghĩ của con người! Và hầu như chưa đâu tìm ra được lời giải cụ thể cho những vấn đề đại dịch đặt ra sau khi nó buông tha thế giới lần này. Trật tự thế giới đang được xắp xếp lại!!!.. Kết luận: Chỉ còn cách phải bắt đầu từ suy nghĩ khác, tìm cách sống khác...
Tuy nhiên, toàn cầu hóa – nhất là trong kinh tế - là tất yếu khách quan không thể tránh né. Sự hủy hoại của covid-19 không phủ nhận toàn cầu hóa và thật ra không thể phủ nhận được. Đại dịch covid-19 chỉ đặt ra vấn đề phải tìm ra mô hình và phương thức mới phù hợp của toàn cầu hóa cho thế giới đương đại hôm nay trước sự xuất hiện một thế lực hủy hoại mới – bao gồm cả vấn đề cả thế giới chỉ có cách hữu hiệu nhất là cùng chung tay chống đại dịch [3].
Thực ra lịch sử của homo sapiens là lịch sử đối phó liên tiếp với những quá trình hủy hoại như thế đã luôn luôn xảy ra trong từng thời kỳ của thế giới tự nhiên (bao gồm cả dịch bệnh) và trong quá trình phát triển của chính bản thân xã hội loài người, thế giới trong những thế kỷ gần đây cũng vậy: Đó chính là quá trình loài người phải tìm cách thích nghi để sống sót và khai phá con đường phát triển tiếp cho một phạm vi không gian và thời gian nào đó phía trước. Số phận của mỗi cộng đồng dân cư / quốc gia tùy thuộc vào khả năng chịu đựng sự sàng lọc và thích nghi như vậy của nó.
Vậy hôm nay, câu trả lời đầu tiên (nguyên thủy) mang tính phương pháp luận của mọi quốc gia bước vào thời kỳ hậu covid-19 sẽ có thể là phải thay đổi tất cả để thích nghi mà sống trong một quá trình toàn cầu hóa mới, với những suy nghĩ, nhận thức và hành động mới! Đặt vấn đề như vậy có nghĩa mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, mọi thể chế, và từng cá nhân con người – nói cho đến cùng và thực ngắn, đó là từng sản phẩm – đều phải chịu sự sàng lọc trong quá trình thích nghi mới này. Hiểu như vậy, ngay tức khắc chúng ta thấy được cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh mới này sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng của nó như là một trong những nhân tố quyết định tham gia vào quá trình sàng lọc và thích nghi này! Đến đây phải chăng có thể kết luận: Sống trong hậu đại dịch covid-19 đòi hỏi phải thấu hiểu quá trình sàng lọc và thích nghi mới này!?
Chưa nói đến nguy cơ chiến tranh thế giới III vốn dĩ đã tiềm tàng trước khi có đại dịch covid-19, nhất là tại khu vực Biển Đông và trong quan hệ Mỹ - Trung; tại những nơi khác có lẽ khó hơn. Thời hậu dịch sẽ đẻ thêm ra nhiều rối ren mới nguy hiểm. Hầu như chắc chắn cuộc giành giật nhau giữa 3 đối thủ chính sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Như là quy luật của trò chơi vương quyền, trận địa chính của họ vẫn là các nước bên thứ ba. Nghĩa là ngay sau khi đại dịch covid-19 kết thúc, không thể hay rất khó có khả năng có ngay hòa bình cho các nước bên thứ ba. Thay vào đấy sẽ là một thế giới được covid-19 bổ sung thêm đầy những bất định mới khó lường – trước hết là đối với các nước bên thứ ba, trước khi thế giới có thể đi tới được một nền hòa bình của một trật tự quốc tế mới – với sự loại bỏ hay thay đổi được chí ít một đối thủ chính nào đó [4].
Ngay từ bây giờ, giữa lúc thế giới đang cao điểm của đại dịch, Trung Quốc và Nga đã và đang triển khai những bước đi quyết liệt đầu tiên để tranh thủ cơ hội. Những mặt yếu kém hiện hữu của Mỹ và sự rối ren của một thế giới thời hậu dịch là những hấp dẫn lợi hại đối với Trung Quốc và Nga [5], có thể dẫn tới những toan tính quá trớn và nguy hiểm (N P Walsh, CNN 17 và 18-03-2020). Cả 2 đối thủ chính này đang quyết tâm sống còn giành lấy cơ hội này để cải thiện vị thế quốc tế của họ so với Mỹ. Phải thừa nhận là với hệ thống chính trị và quyền lực băng nhóm của mình, Tập Cận Bình và Vladimir Vladimirovich Putin là 2 nhân vật thích hợp cho những mưu tính toàn cầu của 2 quốc gia đối thủ này. [Giới quyền lực Trung Quốc hiện nay đánh giá Tập còn cao hơn Mao. Còn Putin được giới quyền lực Nga ca ngợi là vốn quý của nước Nga!]
Tuy không có phép miễn trừ nào được dành riêng cho kinh tế Trung Quốc và kinh tế Nga, song phải thừa nhận, để theo đuổi những mục đích toàn cầu, ngoài đặc thù của Nga có lợi thế rất lớn về địa lý và tài nguyên và sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, Trung Quốc có lợi thế rất lớn vế kinh tế quy mô (economics of scales), chế độ toàn trị của 2 quốc gia này cho phép thực hiện những biện pháp cực đoan ở phạm vi nhất định cho những mục tiêu toàn cầu mà nhân dân 2 nước này phải trả giá, và đồng thời có thể thực hiện nhiều biện pháp bất chính khác – ví dụ như chúng ta đã thấy trong quá trình phát triển 70 năm qua của Trung Quốc. Trong khi đó các nước phát triển không thể làm như vậy được.
Tuy nhiên tiềm lực kinh tế của Nga rất hạn chế là trở lực chính cho tham vọng của Nga.
Kinh tế TQ ngày càng chồng chất những vấn đề nan giải sau đại dịch, ngoài chú trọng đẩy mặt phát triển theo hướng nội, song TQ sẽ vẫn ráo riết phản công trên 2 mặt (a)tiếp tục khai thác khả năng cung ứng của công xưởng thế giới, và (b)tận dụng sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ khổng lồ - vì vậy TQ vẫn là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ, đặc biệt là trên phương diện phân hóa đồng minh của Mỹ, tập trung sức nặng vào các sân sau của Mỹ, và đồng thời tìm cách phát huy những ưu thế tại chỗ mà TQ đang nắm trong tay – trước hết là trong khu vực ĐNÁ.
Tóm lại, sự xuất hiện của đại dịch covid-19 làm nảy sinh thêm những vấn đề địa chính trị và địa kinh tế hoàn toàn mới, đẩy thế giới vào tình trạng bất định hơn nữa chưa lường hết được, chưa đâu tìm ra được giải pháp ứng phó có thể tin cậy... Đấy sẽ là một thế giới mới, do cục diện thế giới sang trang và đại dịch xắp xếp lại. Nên coi đây là một thách thức kép đối với nước ta, đòi hỏi nước ta nhất thiết phải tạo ra cho mình khả năng có thể vượt qua quá trình sàng lọc và thích nghi mới này, để tồn tại và phát triển được trong giai đoạn toàn cầu hóa mới của thế giới đương đại…
*
Trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật”, tôi đã trình bầy sơ bộ những vấn đề nghiêm trọng và quan trọng nhất của đất nước và của ĐCSVN, khuyến cáo Đại hội XIII nên trực tiếp bắt tay vào giải quyết. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những tồn đọng cố hữu của ĐCSVN và thể chế chính trị từ nhiều thập kỷ nay, cục diện thế giới sang trang đòi hỏi quyết liệt phải sớm khắc phục. Trong bài này tôi muốn lưu ý ngay từ lúc còn đang phải chống dịch, chúng ta – trước hết là ĐCSVN - rất cần phải chú trọng đối mặt với những vấn đề sống còn của đất nước thời sau đại dịch. Đơn giản vì tình hình quá khẩn trương, mà thời gian không có nhiều.
Thực tiễn quá trình chống dịch vừa qua đã làm nảy sinh nhiều gương lao động mới, nhiều sáng kiến mới rất quý báu. Theo dõi trên TV hàng ngày, tôi thấy rất nhiều ví dụ làm ấm lòng người. Đó là những nỗ lực từ thay đổi quy trình sản xuất hay cách làm việc hàng ngày, đến tìm ra sản phẩm mới dựa vào nguồn cung ứng mới hay đa dạng hóa nguồn cung ứng, xắp xếp lại và liên kết với nhau giữa những doanh nghiệp cùng chuỗi sản phẩm để cải thiện vấn đề logistic nhằm hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh và đồng thời mở rộng ra thị trường thế giới, ứng dụng công nghệ mới – nhất là công nghệ tin học cho nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đặc biệt là mở rộng thế mạnh mới trong phát triển nông nghiệp sinh học để làm ra những thực phẩm cao cấp cho các thị trường khó tính, vân vân và vân vân, không sao kể hết được…
Có thể nói qua những sự việc cụ thể này, cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu ló mặt ở nước ta, nhất là ở khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của giới trẻ… Tôi đi tới kết luận: Từng sáng kiến và thành quả riêng lẻ như vậy đang gợi ý khá cụ thể cho chúng ta con đường thu hẹp dần nền kinh tế gia công và lắp ráp, để từng bước ngày càng chuyển vào sâu hơn nền kinh tế có công nghệ riêng, công nghệ nguồn của chính chúng ta – đòi hỏi then chốt để chuyển dần vào nền kinh tế của thời kỳ một nước phát triển. Và đây sẽ là con đường sẽ đưa nước ta dần dần thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, đồng thời cũng sẽ là con đường từng bước tự giải phóng mình thoát khỏi thân phận người làm thuê và thân phận là đất nước cho thuê... Đó cũng sẽ là con đường dần dần hình thành những tập đoàn Việt Nam có tên tuổi của nền kinh tế quốc dân do nội lực của chính mình là động lực chủ đạo và dẫn dắt, qua đó độc lập tự chủ của quốc gia sẽ có thực chất đúng với tên gọi của nó… Con đường chúng đang tìm này đang dần dần hiện hình hàng giờ, hàng ngày ngay trước mắt chúng ta, ngay trong thực tiễn quyết liệt giữa lúc cả nước ta phải gồng lên chống đại dịch, chống thiên tai, cứu kinh tế.., chẳng phải tìm ở đâu xa lạ! Miễn là chúng ta có cái tâm, có trí tuệ và có ý chí nhìn nhận ra nó! Phải đủ trí tuệ và sự dũng cảm gạt bỏ mọi yếu kém tiêu cực của đất nước, để khai phá bằng được con đường phát triển đã hé lộ ra này! Hay là cam chịu tha hóa tiếp để sẽ bị đào thải?
Trong quá trình đầy hy vọng đang manh nha và rất sinh động được nói tới trên đây, tôi cảm nhận được sâu sắc: Chung quy là phải thực sự giải phóng con người, để tạo ra cuộc sống và lao động của con người tự do, vì con người và chỉ vì con người mà thôi!.. Muốn thế, đất nước bằng mọi giá phải tạo ra cho được 3 yếu tố cơ bản: (1) Nền giáo dục tiên tiến, (2) phát triển và vận dụng công nghệ (theo tinh thần phát triển khoa học và công nghệ hiện đại), (3) một nhà nước của thể chế kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của tinh thần dân tộc và dân chủ! Cả 3 yếu tố cơ bản này là cái bất biến phải có mãi mãi, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để mang lại cho đất nước ta khả năng vượt qua được sự sàng lọc và thích nghi phải có trong thế giới hôm nay.
Sự thật là duy nhất chỉ có ý thức hệ của tư duy nô dịch và lợi ích ích kỷ của quyền lực đang tìm mọi cách làm mù và uy hiếp chúng ta mà thôi! Sự sống còn của quốc gia đòi hỏi ĐCSVN phải vượt qua được yếu kém này của chính mình. Vì lẽ này, và vì sinh mệnh của ĐCSVN, nhất thiết Đại hội XIII phải dám đối mặt với sự thật này!
Để mở con đường sống đi vào cục diện thế giới đang được xắp xếp lại, cái thiếu nhất của nước ta là ĐCSVN và thể chế chính trị cho đến nay chưa hội tụ được ý chí toàn dân tộc và sự giác ngộ cao nhất của từng công dân và của toàn dân tộc về lợi ích quốc gia trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, và cái thiếu nữa là thời gian (với nghĩa là không bao giờ đủ) – chứ không phải là tiền bạc, của cải..! Để muộn, sẽ có thể mất tất cả!
*
Đại hội XIII được chuẩn bị trong cục diện thế giới đã sang trang. Trong nhiều bài viết tôi đã bày tỏ nỗi lo không biết sự chuẩn bị cho Đại hội XIII có đáp ứng được những đòi hỏi của cục diện quốc tế mới này hay không? Sự chuẩn bị này bắt đầu từ khi chưa có đại dịch covid-19. Bây giờ lại thêm nhiệm vụ Đại hội XIII sẽ phải giải quyết những vấn đề của đất nước thời hậu đại dịch, tôi đoán sự chuẩn bị của toàn Đảng cho Đại hội XIII hiện nay chưa thể bắt kịp. Như thế tôi lại có thêm nỗi lo mới.
Nỗi lo kép trên đây khiến tôi đề nghị nên chuẩn bị lại cho Đại hội XIII, thảo luận công khai minh bạch để huy động trí tuệ và phát huy ý chí của cả nước – đơn giản vì có việc nào của Đại hội XIII không phải là việc của quốc gia? Trên hết cả hậu đại dịch covid-19 đặt ra cho nước ta (và cả thế giới) những vấn đề hoàn toàn khác, phải huy động trí tuệ và sự cố kết dân tộc hơn bao giờ hết để giải quyết./.
Hết
Hà Nội – Võng Thị, ngày 18-03-2020
----------
[1] Xem CNN, USA Today, WP… 18-03-2020.
[2] Hiếu Công, “Doanh nghiệp Việt lo dịch Covid-19 kéo dài, trông đợi gói kích cầu” https://news.zing.vn/doanh-nghiep-viet-lo-dich-covid-19-keo-dai-trong-doi-goi-kich-cau-post1056094.html
[3] Tham khảo thêm: Yuval Harari “Trong cuộc chiến chống Corona, loài người tìm đâu một thống soái?”, dịch giả: Nhã Nhi, https://time.com/5803225/yuval-noah-harari-coronavirus-humanity-leadership/)
[4] Xin lưu ý: Lịch sử thế giới đã chứng mình sự xuất hiện và tiêu vong của một đế chế thường vô cùng quyết liệt cho thế giới chung quanh và kéo dài có khi cả thế kỷ; trong lịch sử đương đại đế chế của Hitler là 3 thập kỷ, của Liên Xô là 7 thập kỷ…
[5] Trong quá khứ thường xảy ra tình huống khi gặp những khó khăn lớn – nhất là trong đối nội – Nga và Trung Quốc thường theo cách ứng xử dấn tới về đối ngoại để hướng khó khăn trong nước ra bên ngoài. Cuộc chiến tranh của TQ đánh VN 17-02-1979 là một trong những ví dụ điển hình.