Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Về với dân, đừng mang súng


Năm 1997, xảy ra "vụ Thái Bình", ông Nguyễn Công Tạn được phân công làm Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị về Thái Bình xử lý vụ việc. Những kinh nghiệm xử lý "điểm nóng" của ông rất đáng được học hỏi, lưu tâm.

 
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn

Ông bình luận ra sao về vụ Tiên Lãng (Hải Phòng)?

Vụ này, tôi theo dõi ngay từ đầu qua đài, báo. Đáng lẽ vụ Tiên Lãng đã không xảy ra vì chúng ta có kinh nghiệm với nông dân rất nhiều, nhất là sau vụ biểu tình ở Thái Bình khi tôi là Tổ phó tổ công tác của Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt làm tổ trưởng.

Nhà lãnh đạo mà biết rút kinh nghiệm thì không xảy ra vụ Tiên Lãng. Khi xảy ra rồi nếu giải quyết ngay lập tức và tốt thì không để phức tạp thêm. Để xảy ra như thế là không hay và để chậm thế là không tốt.

Xử lý vụ việc này theo tôi phải cân nhắc, phải phân tích đầy đủ các khía cạnh để đưa ra những giải pháp sao cho chuẩn xác, công bằng. Tất nhiên là rất phức tạp. Xảy ra rõ ràng do hai phía, một phía của dân, một phía của chính quyền. Cái gì đúng, cái gì sai? Nguyên nhân sai đúng thế nào? Biện pháp xử lý ra sao? Phải đầy đủ, nghiêm túc, có lý có tình để mọi bên chấp nhận được.

Không thấm nhuần điều đó sẽ không được lòng dân. Con người có quyền sở hữu tài sản bất khả xâm phạm trừ khi vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia mà lấy đi phải đền bù thỏa đáng đằng này nhà của người ta không liên quan gì cũng đập mất là sai quá. Phía cơ quan nhà nước phải tính từ xã, huyện, thành phố. Chỉ đạo lực lượng cưỡng chế, có cái của xã, có cái của huyện, có cái của thành phố, theo tôi đều phải có trách nhiệm cả.

Ông có thể đưa ra một mẫu số chung qua những vụ khiếu kiện kéo dài?

Những năm tôi làm Phó Thủ tướng đi xử lý khiếu kiện rất nhiều nơi, kéo dài, từ Bắc chí Nam ở nơi nào có vụ phức tạp tỉnh nghe huyện một chiều, huyện nghe xã một chiều, không nghe phía trái lại, đặc biệt không nghe ý kiến của dư luận đều là những vụ việc phức tạp, kéo dài. Có những vụ kéo dài hàng chục năm, có vụ đến giờ vẫn không xong, tôi về hưu lâu rồi mà vẫn đến nhờ giúp đỡ, giải quyết vì chính quyền cơ sở làm không đầy đủ, không nghiêm.

Nông dân ta chân lấm tay bùn, nhiều người nghèo, có mảnh đất kiếm sống, học vấn thấp, luật pháp cũng không phải ai cũng hiểu hết. Nông dân dễ manh động, tức lên là bất chấp, khi bộc phát lên khó mà tự kìm chế. Cho nên chúng ta là người lãnh đạo phải biết cách xử sự với họ bằng đạo lý, pháp luật, tình cảm. Khi nông dân nghe giải quyết có tình thì “tin sái cổ”, thậm chí thiệt mà không cần đền nhưng khi tức lên một đồng, một xu cũng đối đầu đến cùng.

Đi thực thi pháp luật với nông dân phải đi kiểu khác, vừa nói, vừa giảng giải cho họ, khi họ sai phải biết cảm hóa ấy thế mới là hiểu nông vận. Khi làm Nghị quyết 80 của Chính phủ về nông nghiệp (doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng), lúc anh em hỏi tại sao Chính phủ không đưa ra những quy định xử phạt nếu nông dân sai, tôi đã tránh điều ấy vì đưa vào ở thời điểm nông dân chưa cảm nhận được những chuyện như thế là rất khó.

Khiếu kiện của nông dân chủ yếu là đất đai. Khi tôi là Phó Chủ tịch Hà Nội giữa những năm 80 (TK XX) xảy ra vụ Song Phương (Hoài Đức), mâu thuẫn đến mức hai bên, phía nông dân và phía khác đã dàn trận chuẩn bị đánh nhau. Điều nguy hiểm là trong làng cất trữ nhiều vũ khí của dân quân. Tôi cho lực lượng đặc nhiệm đột nhập lấy vũ khí ra để khỏi đánh nhau nhưng do có canh gác kỹ quá, không lấy được.

Tình hình rất căng. Quân khu Thủ đô hồi ấy định đưa xe bọc thép bao vây làng, tôi bảo như thế chẳng khác đổ dầu vào lửa. Tôi cùng anh Phạm Chuyên, lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, vào đối thoại với dân. Anh Chuyên hỏi: “Anh đi thế này có nguy hiểm không”. Tôi bảo: “Không, cứ vào đấy xem sao”. Anh Chuyên lại hỏi: “Em có mang súng theo không?”. Tôi bảo: “Bỏ súng, chúng ta tay không vào với dân”. “Nguy hiểm thì sao?”. Anh Chuyên vẫn băn khoăn. Tôi mới an ủi: “Dân thấy chúng ta vào tay không vì lợi ích của họ sẽ không nỡ lòng nào. Giả thiết họ đánh lại chúng ta đành chịu vậy vì ổn định xã hội”.

Sau khi nghe tôi giải thích dân rút hết. Lúc ấy anh Bí thư Đảng ủy xã dẫn đầu một phe, Thành ủy Hà Nội nói với tôi cho người bắt anh này. Tôi bảo không, chưa đủ chứng cớ để bắt. Vả lại anh ta đại diện cho một nhóm lợi ích của nông dân, đụng đến anh chưa chắc nông dân đã đồng tình. Tôi cho người đến gặp anh Bí thư này nói nên rút lui. Anh ta nghe ra và xin gặp tôi: “Em ở đây thì em chết, xin bác cho đi chỗ khác”. Tôi cho anh ta vào Lâm Đồng để lánh đi. Giải quyết tiếp dần dần sau đó Song Phương mới yên.

Vụ ở xã Thái Nguyên (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây mười mấy năm cũng rất nóng bỏng. Khiếu kiện, biểu tình ngay ở huyện tôi. Lúc tôi về họ chuẩn bị dùng bạo lực. Cánh bên chính quyền bảo: “Chúng em chuẩn bị súng sẵn sàng rồi, chiến đấu thôi”. Tôi nói chúng ta mấy cuộc chiến tranh đổ máu rồi, các đồng chí có muốn đổ máu nữa không? Mối hận thù này bao giờ nguôi nếu đổ máu. Về bỏ hết súng ống đi. Nếu các anh em kia sai anh dùng súng ống với người ta thì anh cũng sai. Trước súng ống, người ta chống lại, lại sai tiếp. Đua nhau sai. Nghe xong họ mới thôi. Về sau điều tra, tìm hiểu mới biết phe chính quyền hồi đó sai, cậy quyền.

Ông có lời nhắn nhủ, cảnh tỉnh nào cho các cấp chính quyền sau khi xảy ra vụ Tiên Lãng?

Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân học hành ít phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục. Nông dân đã thù là thù rất lâu, rất dai, hết đời này qua đời khác. Tôi ở làng tôi biết chuyện nếu mày đánh tao đến đời con tao cũng còn ghi tội. Khổ thế!

Xin cảm ơn ông!

ĐÌNH TƯỜNG


Nông nghiệp VN 13/02/2012

ĐỒNG TÂM: ĐỪNG ĐỂ OAN OAN TƯƠNG BÁO!


Nguyễn Ngọc Chu


Mấy lần ngồi xuống để viết về Đồng Tâm mà không thể. Nghẹn ngào trào lên. Đau xót. Phải để lắng đi một tuần mới lấy lại được chút tĩnh tâm.

Tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh ở Đồng Tâm là tranh chấp kinh tế, dân sự. Nhưng nó lại được giải quyết bằng súng đạn. Vào đầu thế kỷ 21 rồi mà một tranh chấp kinh tế dân sự lại phải mở cuộc hành quân cả ngàn cảnh sát cơ động với vũ khí làm phương tiện giải quyết, dẫn đến 4 người thiệt mạng, thì thật là đau xót. Trong khi cuộc tấn công 22 quả tên lửa của Iran không làm cho một người lính Mỹ nào bị thiệt mạng. Mới thấy mạng người trong bi kịch Đồng Tâm không được quý trọng. Quyền được sống trong câu mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - “ Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc” - sau 74 năm vẫn còn là điều không đạt được với nhiều người.

Viết đến đây, nghĩ đến cách chết của 4 người ở thôn Hoành trong đêm mồng 9/01/2020 mà nước mắt trào ra. Lẽ ra họ đã không phải chết. Và càng không phải chết thảm thương như vậy.

Nhiều người đợi chờ sự lý giải phải trái đúng sai ở Đồng Tâm vào lúc này. Phải trái đúng sai là để mà giải quyết tranh chấp. Nhưng tranh chấp đã được giải quyết bằng súng đạn, thì ý nghĩa phải trái đúng sai lúc này tuy quan trọng, vẫn không quan trọng bằng giải quyết hậu quả. Bài viết này không bàn về đúng sai của 59 héc ta đất Đồng Sênh giữa hai bên tranh chấp. Vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Về Đồng Tâm dù có nhiều bài viết nữa cũng không bao quát hết sự việc. Bài viết hôm nay chỉ nói về một phần hậu quả của bi kịch đêm 09/01/2020 ở thôn Hoành.

I. NHỮNG HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

1. CHIA RẼ SỰ ĐOÀN KẾT LÀM GIẢM SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC

Việc đưa cả ngàn cảnh sát cơ động đến thôn Hoành đêm 09/01/2020 dẫn đến 4 người bị thiệt mạng, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Đó là sự chia rẽ giữa nhân dân với nhân dân. Và đó còn là sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền. Hãy lướt qua mạng xã hội để thấy sự chia sẽ này rộng lớn đến mức độ nào.

Trong lúc Trung Quốc đang mang tàu đến uy hiếp ở vùng biển Việt Nam thì nội bộ Việt Nam bị chia rẽ. Sức mạnh của Việt Nam bị giảm sút. Tinh lực và đồng lòng của Việt Nam bị phân tán. Tác hại của việc tranh chấp 59 héc ta đất Đồng Sênh thật nguy hiểm.

Phải nhìn nhận cho sáng, rằng sự chia rẽ này còn kéo dài lâu nữa, dẫu trên bề mặt sắp tới đây sẽ lắng xuống. Hơn nữa, sự chia rẽ sẽ còn tiếp tục lan rộng - chừng nào không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Những phát đạn không phải là kết thúc.

2. VẾT THƯƠNG LƯƠNG TÂM

Hãy nhìn vào biểu hiện của cộng đồng mạng để đánh giá cho đúng tình hình. Bi kịch Đồng Tâm là vết thương lòng của nhiều người. Đã có nhiều người khóc khi biết những mất mát ở thôn Hoành đêm 09/01/2020. Họ không trúng đạn mà cũng như bị trúng đạn.

Họ khóc vì thương xót. Họ khóc vì day dứt. Ở bình diện nào đó, trong cái chết của đồng bào ở thôn Hoành đêm 09/01/2020 có lỗi của họ. Những người đã khóc đều cố gắng tìm hiểu lỗi của mình ở đâu.

Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm không thể xóa bỏ bằng tuyên truyền. Vết thương lương tâm ở Đồng Tâm phải chữa trị bằng cách khác.

3. MẤT NIỀM TIN VÀ SỢ BẠO LỰC

Thanh tra không phải là tòa án. Thanh tra là của chính quyền. Khi chính quyền tranh chấp với chính quyền thì có thể dùng thanh tra. Nhưng khi chính quyền tranh chấp với người dân thì phải dùng tòa án. Trong vụ Đồng Tâm không có tòa án. Trong vụ Đồng Tâm, thanh tra của chính quyền giải quyết tranh chấp của chính quyền với người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin vào chính quyền vì sự không công bằng.

Rồi chính quyền dựa vào thanh tra của chính quyền để sử dụng vũ lực. Sau bi kịch Đồng Tâm đêm 09/01/2020, một nỗi sợ hãi nguy cơ bạo lực đang lảng vảng. Khi người dân mất niềm tin vào chính quyền, sợ bạo lực từ chính quyền, thì đó phải là nỗi lo của chính quyền.

4. HỆ LỤY QUỐC TẾ

Việt Nam đang hòa nhập cùng quốc tế. Trên con đường hòa nhập, Việt Nam phải thay đổi cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, các tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ… trong các hiệp ước song phương và đa phương - đều yêu cầu tuân thủ theo những chuẩn mực mà họ đã đeo đuổi. Khi tham gia một trò chơi, phải tuân thủ theo luật của trò chơi đó.

Nhóm người khởi xướng “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 đã không tiên lượng các hệ lụy quốc tế.

Bắt đầu từ tranh chấp 59 héc ta đất đồng Sênh có phải là đất quốc phòng hay không, cho đến việc chính quyền tuyên bố người dân Đồng Tâm “chống đối người thi hành công vụ” đã là một khoảng cách. Nhưng cho đến “Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 thì đó là một trời một vực những bức thành ngăn cách về pháp lý.

“Cuộc hành quân Đồng Tâm” đêm 09/01/2020 không phải là một cuộc cưỡng chế, cũng không phải bảo vệ xây tường rào ở cánh Đồng sênh.

Tập trung cả ngàn CSCĐ với súng đạn đến thôn Hoành vào ban đêm, đưa đến kết quả là Cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình bị triệt hạ bằng nhiều phát đạn. Với thước đo của EU, sự vụ Đồng Tâm đêm 09/01/2020 sẽ lọt vào phạm trù khác.

Một điểm khác nữa ở bi kịch Đồng Tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực lên vai trò quốc tế của Việt Nam - chính là sự hạn chế thông tin.

Việc không cho phép truyền thông đến Đồng Tâm đưa tin trực tiếp - không biện minh được cho sự minh bạch thông tin. Trong khi livestream là công nghệ truyền hình trực tiếp đơn giản mà ai cũng có thể phát được cho cộng đồng theo dõi, thì đã không được phép bất cứ dưới hình thức nào ở Đồng Tâm. Không cho bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, ngoại trừ thông tin của chính quyền, đã dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội về đánh giá vụ việc Đồng Tâm. Chính quyền hành xử đúng luật pháp thì càng phải để tự do thông tin cho toàn dân được rõ. Lúc đó không ai có thể lợi dụng để xuyên tạc.

Có thể giải quyết vụ tranh chấp Đồng Sênh bằng cách khác, không để xảy ra án mạng, không để xảy ra ảnh hưởng uy tín của Việt Nam. Nhưng tiếc thay, thực tế đã xảy ra theo chiều hướng bất lợi.

Đồng Tâm là trường hợp ‘kẻ mạnh làm điều họ có thể làm, kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu đựng’. Ở Đồng Tâm không có chiến công. Ở Đồng Tâm chỉ có thất bại. Không có gì có thể biện minh cho sự mất mát con người ở Đồng Tâm.

Nếu muốn bắt những người có tội thì không khó. Càng không phải huy động đến cả ngàn cảnh sát. Chỉ “bảo vệ xây tường rào từ xa” mà làm mất đi 4 mạng sống! Trong khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ đánh chiếm nơi cứ trú được trang bị vũ khí bảo vệ nhiều lớp của Bin Laden, Abu Al-Baghdad mà không ai phải hy sinh. Chứng cứ nói lên rất nhiều.

Bị kịch Đồng Tâm sẽ còn được nhắc đến nhiều nữa. Bi kịch Đồng Tâm là một cột mốc đen. Không ai che dấu mãi mãi được sự thật. Sự thật Thủ Thiêm phải đến 20 năm mới tìm ra một phần. Sự thật Đồng Tâm chỉ có thể bạch hóa toàn diện sau vài chục năm nữa. Lịch sử sẽ có đánh giá công bằng về bi kịch Đồng Tâm.

ĐỀ XUẤT

Đoàn kết dân tộc là vô cùng quan trọng để đối phó với giặc ngoại xâm đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Bởi thế những vụ như Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng, Đồng Tâm - không thể tái diễn. Muốn vậy chính quyền phải có những thay đổi căn bản trong chính sách đất đai, là một trong những nguồn cơn của các xung đột vừa nêu.

1. Mọi sự việc khiếu kiện về đất đai cần được giải quyết qua con đường tòa án. Vai trò của tòa án phải được đặt đúng vị trí.

2. Mọi sự cưỡng chế đất đai phải thông qua quyết định và phương tiện của tòa án. Lực lượng công an vũ trang, quân đội - không tham gia bất cứ dưới hình thức nào vào các tranh chấp dân sự, kinh tế.

3. Nhất thiết phải sửa đổi luật đất đai, trong đó khẳng định quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

4. Đối với vụ Đồng Tâm hiện nay, phải thực thi tư tưởng KHÔNG TRẢ THÙ. Tư tưởng này được Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thực hiện xuyên suốt trong các vụ tranh chấp đất đai mà ông được phân công phụ trách. Tiếc thay cho đồng bào Đồng Tâm đã không được gặp một người như Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

‘Oan oan tương báo’ thì đến bao giờ mới có thể đoàn kết được dân tộc! Các bị cáo phải có luật sư bào chữa theo đúng quy định pháp luật. Những lời khai của các bị cáo phải được lấy trong chứng kiến của các luật sư và trong điều kiện bình thường. Thực tế đã chứng minh hàng ngàn phản cung do bị ép cung.

Đất nước đã đổ máu trong nhiều thập niên chiến tranh. Trong thời bình đất nước không thể đổ máu vì xung đột kinh tế nội bộ. Không ai dám chống chính quyền cả, ngoại trừ bị dồn vào tình thế bắt buộc. Còn lật đổ chính quyền - thì như ông Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng đã nói hôm 25/12/2019: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta".

Lời thẳng khó nghe. Làm cho kẻ yêu quyền lực bực tức. Chỉ những bậc minh trị mới chịu nghe lời chỉ trích.
_____________


P/S: Để tham chiếu xin xem bài “VỀ VỚI DÂN, ĐỪNG MANG SÚNG” đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 12/02/2012.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Lời ai điếu Cụ Lê Đình Kình,


Được tin, sáng nay 13 tháng Giêng Năm 2020 tức ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, Gia đinh tang quyến cùng đông đảo người dân Đồng Tâm dưới sự giám sát nghặt nghèo của một lực lượng công an, đã tổ chức tang lễ an táng Cụ Lê Đình Kình.Cụ là một đảng viên lão thành,từng kinh qua chức Huyện ủy viên,Bí thư đảng bộ xã Đồng Tâm huyện Mỹ đức nay thuộc Hà nội.Nhân dân xã Đồng Tâm từng đóng góp nhiều cho các cuộc kháng chiến chống quân thù xâm lược, tích cực tham gia các phong trào xây dựng Đất Nước. Cụ là người khẳng khái,kiên quyết đấu tranh chống lũ cường hào ác bá mới trong chính quyền và trong đảng mưu toan đổi trắng thay đen hòng cướp không mấy chục héc ta đất cánh Đồng Sênh giao cho Viettel, một đơn vị làm kinh tế của quân đội. Chúng căm thù Cụ vì đã dám chống lại, không để cho chúng ngang nhiên cướp đất.Nửa đêm,theo một lệnh rất thất nhân tâm,không còn tính người, bất chấp luật lệ,một lực lượng lớn xưng là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã xông vào nhà cụ một cách trái phép,đã bắn Cụ tan nát hình hài.Rồi ngang ngược đưa thi hài Cụ về trụ sở UB Nhân dân xã,lại còn bắt gia đình Cụ ký vào biên bản rằng Cụ đã chết ở Đồng Sênh! Gian xảo và lừa bịp hết chỗ nói.

Lich sử sẽ ghi lại tội ác dã man,ghi lại như một vết nhơ của chế độ luôn xưng là “Vì Nhân Dân quên mình”!

Chúng tôi nuốt uất hận vào trong, căm giận lũ phá nước hại dân!

Oan hồn Cụ không tan. Xin hãy phù hộ cho nhân dân vượt qua tai ách, cùng nhau kiến tạo một chính quyền thật sự là của dân do dân và vì dân, như cụ hằng mơ tưởng!

Trăm ngàn đau thương,xin bái lạy, vĩnh biệt Cụ.

Xin gởi đến Tang quyến lời chia buồn đau đớn.

Nguyễn Khắc Mai, người già Ô Đồng Lầm Hà nội cẩn bút.

ĐIẾU VĂN PHÚNG CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH.



Hỡi ơi! Trời sầu đất thảm,
Gió giật, bão dâng!
Đồng Tâm như gợn sóng thần
Tan hoang nhà cửa, nhân dân kinh hoàng
Nửa đêm, cướp cạn nhập làng
Súng, găm, đạn nổ, sân loang máu người!
Oán than dậy cả đất trời!
Công an, bộ đội giết người thẳng tay!
KÌNH ngư cũng phải phơi thây
LÊ ĐÌNH oan thác, thân này bụi tro.

Nhớ thuở ấy, Cụ Kình chiến sĩ
Một đảng viên oai vĩ xung phong
Nước non: dâng hết một lòng
Tưởng đâu Tổ Quốc dâng vòng hoa trao
Tưởng như thế là vào lịch sử
Trả nợ non sông, chiến sử ghi công
Ai ngờ, khi đã hết lòng
Tuổi già bị lũ lòng tong rỉa mồi
Có mảnh đất, mấy đời gầy dựng
Một ngày kia, bọn chúng ác tâm
Đùng đùng trang bị dao găm
Trời chưa hừng sáng, chúng đâm chết người!
Muốn cướp đất, mặc lời khinh ghét!
Muốn lấy nhà, phải giết người thôi!
Mặc dân than khóc không nguôi
Kệ cho đất ruộng, núi đồi tan hoang!
Nhân dân vô sản thác oan
Để cho Đảng nhét đầy vàng vào kho
Chữ “Xã Hội” bay theo chiều gió
Nghĩa “Cộng Hòa” cũng bó theo người
“Tự do, Dân Chủ” nực cười
Đảng ta làm chủ, còn người làm heo.
Thôi, cụ nhá! Nghỉ yên một nẻo
Lìa cuộc đời bạc bẽo lắm thay
Trở về Quốc Tổ xum vầy
Kình Ngư vùng vẫy trên mây, mỉm cười.
Dân Đồng Tâm Kính cẩn dâng hương.
Ngày 10 tháng 1 năm 2020.
Bắc Kỳ Di Cư Chu Tất Tiến ghi chép.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Lửa Trung Đông đang dịu đi thì ngọn lửa tại Làng Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) bùng lên.


Đã không có một cuộc đối thoại nào xảy ra, một trận tập kết, đánh chiếm, chống trả như thời chiến đã diễn ra vào tối ngày 9 tháng 1, và bốn người đã tử vong, theo Thông cáo của Bộ Công an.

Điều gì đang xảy ra, và cái gì đang diễn ra?

Chính quyền có thắng không? Không, nếu đúng theo Thông cáo từ Bộ Công an, đã có ba chiến sĩ đã “hy sinh” trong sự biến Đồng Tâm, đồng nghĩa gia đình của ba chiến sĩ này đã mất cái Tết đoàn viên, tương tự cho một người dân Đồng Tâm đã “chết”.

Ngọn lửa Đồng Tâm đã không làm cho kẻ thắng hay người thua, chỉ có một thực trạng đáng lo ngại, “nồi da xáo thịt”.

Điều thậm chí còn đau khổ hơn nữa là vũ khí âm thanh [LRAD] đã được mua bằng tiền thuế của người dân và phải được sử dụng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nay trở thành công cụ để trấn áp nhân dân. Cùng lúc đó, vào ngày 9 và 8 tháng 1, hai tàu hàng hải Trung Quốc đã xuất hiện trên thềm lục địa Việt Nam, gần Bãi Tư Chính.

Nếu hành xử khôn ngoan, thì chính quyền phải xem thời điểm hiện tại là đối thoại với dân, gây dựng niềm tin với dân, đoàn kết và hợp lực với dân, tạo nên thế đứng vững chắc để ứng phó với “giặc ngoài”. Tuy nhiên, tự tin vào sức mạnh vũ trang đã khiến 04 người tử vong, và đó là những cái chết không đáng xảy ra.

Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, đối thoại không những không làm suy yếu sức mạnh của nhà nước, mà đó là cách tốt nhất để tránh hoặc giải quyết các xung đột xã hội, và cũng là cách duy nhất để đạt được quyết định được mọi người chấp nhận.

Nhún nhường với dân qua đối thoại không khiến cho chính quyền thua thiệt, mà chỉ làm tăng tính hợp pháp của chính quyền trên nguyên tắc “lắng nghe tâm tư – nguyện vọng của nhân dân”. Thế nhưng, đã không có điều đó xảy ra, và một bộ phận không nhỏ người dân Làng Hoành đã “bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền” [Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948].

“Đối thoại” là trung tâm của một nền văn hóa dân chủ, tiếc rằng điều này vẫn còn quá xa vời tại Việt Nam. Hệ quả là, chính quyền có thể trấn áp được nhưng người phản kháng, nhưng sự kiện ngày 9 tháng 1 đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa người dân và lực lượng vũ trang và chính quyền, khiến mục tiêu “lòng dân đồng thuận và thống nhất với ý chí của Đảng” ngày càng trở nên xa vời. Và đó có phải là lý do vì sao, khẩu hiệu “Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước” năm 2017 lại diễn tiến thành “Quyết tử để giữ đất” năm 2019?

Sự kiện ngày 9 tháng 1 xảy ra lúc 4 giờ sáng vào một ngày trăng tròn và cách Tết Nguyên đán chỉ còn đúng hai tuần.

Trình bày sự thật qua mạng xã hội: nỗi lo của Đảng!


RFA Tiếng Việt


Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 23/12/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam đưa ra cảnh báo rằng kể từ sang năm 2020 mạng xã hội tiếp tục bị sử dụng bởi giới mà những vị phụ trách tư tưởng – văn hóa của Hà Nội gọi là ‘thế lực thù địch’. Mục tiêu cũng được nêu rõ là để ‘gia tăng chống phá trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và dịp Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.’ Ông Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi phát biểu tại Hội nghị cho biết, Ban Tuyên giáo đang triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Ban Tuyên giáo cũng nhận định, trong năm 2020, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để gia tăng các hoạt động chống phá, nói xấu, chia rẽ Đảng với dân…

Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, nhận định:

“Hiện nay Đảng đang ngày một xấu đi, đấy là một sự thật, nó xấu cả về lý thuyết, nó xấu cả về chủ trương đường lối, chính sách… đặc biệt nó xấu về hệ thống tổ chức, nhất là cán bộ cầm quyền của Đảng càng ngày càng xấu, càng thoái hóa, đồi trụy… Đảng không nên cấm người ta nói xấu mà nên vạch ra cái xấu để Đảng thấy mà sửa. Ông Hồ nói như thế, Đảng nói học theo Hồ Chí Minh, nhưng chỉ là nói phét, có học hành gì đâu. Tham nhũng, cậy quyền áp bức dân là chính, cướp bóc của dân, cái đó phải sửa chứ còn gì? Mà ai vào tù, Ủy viên Bộ Chính trị vào tù, Ủy viên Trung ương Đảng vào tù, Bộ trưởng đảng viên vào tù… phải sửa chứ còn sợ người ta nói xấu gì?”

Đây không phải lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam kêu gọi đấu tranh chống âm mưu chống phá Đảng trên mạng xã hội. Vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng kêu gọi đánh bại cái mà người đứng đầu Chính phủ Hà Nội cũng như lãnh đạo Việt Nam lâu nay gọi là ‘âm mưu chống phá Đảng, nhà nước’: “Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước”. Hay tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm ngoái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng từng lên tiếng cảnh báo cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.

Nhà báo Nguyễn Văn Khánh, nguyên phóng viên Ban Khoa giáo, báo Tiền Phong, khi trao đổi với RFA hôm 23/12, nói:

“Theo quan điểm của tôi, việc Ban Tuyên giáo hay Đảng Cộng sản lo ngại
thông tin trên mạng xã hội đã có từ lâu, nhất là trong thời đại bây giờ họ không thể nào bưng bít, dối trá người dân được nữa, cho nên những biện pháp họ đưa ra tôi cho là không khả thi”. Cũng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo phải dự báo, phát hiện sớm “điểm nóng” để tổ chức lực lượng, tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch; ngăn chặn các trang mạng xã hội, blog cá nhân nói xấu Đảng, chống phá Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng…

Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản cao niên, từng công khai lên tiếng từ bỏ Đảng, nói:

“Việc người ngoài có nói xấu Đảng hay không? Tại sao Đảng lại không công khai để đối thoại trực tiếp? Tôi cho rằng đấy là các nhà hoạt động dân chủ, còn Đảng thì cho rằng đấy là thế lực thù địch, tự chuyển biến, tự chuyển hóa nói xấu Đảng. Nhưng mà những người phát ngôn thì họ cho rằng, đó là nói sự thật, nhưng sự thật xấu. Nói xấu có nghĩa là người ta không xấu nhưng mình bịa đặt ra, bôi nhọ người ta, nhưng nếu mình xấu thật, mà người ta vạch chuyện xấu của mình ra thì đấy là nói sự thật”.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống lại cho rằng, có những việc sự thật trong lịch sử rõ ràng, nhưng Đảng lại nói khác đi, Đảng tuyên truyền, nhưng khi có ai nói ra chuyện đấy thì, nhà cầm quyền lại cho rằng là ‘lật sử’, ‘nói ngược với Đảng’. Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trong chuyện này, Đảng đã cố tình, dùng uy lực của mình quy kết người ta, dùng hệ thống tuyên truyền của mình để nói người ta, chứ không dám công khai nói thật. Cũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cho rằng, các thế lực thù địch luôn muốn xóa bỏ hệ tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ đường lối của Đảng, thành tựu cách mạng của Đảng, phi chính trị hóa lực lượng công an, quân đội.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định:

“Chủ nghĩa Mác Lê-Nin vốn bản thân nó đã sai, chính ông Karl Marx cũng đã thừa nhận ý nghĩ trẻ con, lúc ấu thời ảo tưởng, bây giờ cuối đời thấy sai và bỏ đi, không coi lý tưởng cộng sản là đúng nữa. Chính người sáng lập ra nó đã công nhận là sai, thì bây giờ Việt Nam nói đúng thế nào được. Bây giờ Việt Nam nên thay đổi, đừng bám theo cái sai lầm nữa, đi về với dân đi, để dân người ta bày cho cái chuyện tử tế”.

Liên quan đến những lo ngại đảng viên viết bài nói xấu Đảng, đi sai đường lối của Đảng, Ban Tuyên giáo trung ương hôm 23/12 cũng cho biết, sẽ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị “Quy định việc lập và sử dụng các trang web, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội của cán bộ, đảng viên”. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nói tiếp:
  
“Phe nọ chống phe kia thì mới đưa ra cho bàn dân thiên hạ biết, nhưng mà không chỉ như thế, tôi nghĩ trong đảng cũng có người tử tế, và họ muốn vạch trần chuyện ấy cho công luận biết cái xấu ấy để sửa, để mà loại trừ một bầy sâu. Bây giờ không phải chỉ có một con sâu, ông Trương Tấn Sang từng nói là cả một bầy sâu cơ mà. Nói là nội bộ vạch ra, nếu không có cái xấu thì nội bộ nào vạch ra được?”

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, không dám nhìn nhận sự thật, mà chỉ nói loanh quanh thì không thể sửa sai được, thì làm sao có thể tiến bộ được.

RFA Tiếng Việt

21 cái “nhất” kinh hoàng của năm 2019!


Mạnh Quân

30-12-2019

Xem một vòng bình chọn các sự kiện thời sự năm 2019 của các báo thấy chán quá. Nói chung vẫn hải có những sự kiện được cho là tươi sáng, đẹp đẽ của đất nước. Báo về nông nghiệp thì kiểu gì cũng có sự kiện là tái cơ cấu nông nghiệp thành công; chương trình nông thôn mới rực rỡ; Báo về công ghiệp, thương mại thì thế nào cũng có sự kiện về ký kết EVFTA mở ra tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Báo ngành y tế cũng phải có vài sự kiện thành công của ngành…

Để bớt sự nhàm chán này, và cũng nhân dịp cuối năm, mỗ ra tay làm cái tổng hợp riêng, để hầu độc giả review lại 1 năm đầy biến động, đủ thứ chuyện chua, cay, mặn, ngọt… của năm 2019. Mong là được anh em đóng góp cho thêm phần sinh động:

1. Chuyên gia công phu “vỗ mông ngựa” giỏi nhất: TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Fulbritght với câu nói: “Nên trao huy chương vàng thứ 100 cho… Thủ tướng”.

2. Câu nói hớ gây hậu quả tệ nhất: “Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…” của ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Ngân hàng Lienvietbank tại hội nghị Thủ tướng gặp gỡ các doanh nghiệp. Sau câu nói này, 1 tuần sau, ông Thắng tự nguyện xin nghỉ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên.

3. Đại gia “dê” nhất năm: Vũ Anh Cường, Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành: Sàm sỡ tiếp viên và cả tiếp viên trưởng trên chuyến bay của Vietnam Airlines tháng 6/2019.

4. Hành vi kỳ quặc nhất năm: Phạm Văn Khoa – Tổng Giám đốc một Tổng Công ty BĐS: Ngày thì chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, đêm thì lái xe Lexus đột nhập các văn phòng nhà nước để… ăn trộm. Khi bị bắt (tháng 6/2019), anh này khai: Tôi không thiếu tiền, tôi chỉ làm việc này vì… đam mê!

5. Những kẻ tàn ác nhất năm: Chắc chắn là của nhóm nghiện thuốc phiện trên Điện Biên rồi: Vì hành vi bắt cóc, hãm hiếp, giết cô nữ sinh, đã có 6 tên ác thú nhận hình phạt tử hình.

6. Bản án có tính khoan hồng nhất năm: Án chung thân cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, sau khi ông này đã nộp đủ 66 tỷ đồng do hành vi nhận hối lộ. Nếu đúng quy định của luật pháp thì ông này phải nhận án tử hình.

7. Thảm họa tồi tệ nhất năm: 39 người Việt Nam tử nạn trong xe container trong một cố gắng nhằm tìm việc làm, có thu nhập cao tại Anh vào tháng 10/2019.

8. Hành động khốn nạn nhất năm: Là… của Trung Quốc. Trung Quốc đã cho tàu thăm dò cùng với hàng chục tàu quân sự, tàu hộ tống khác xâm phạm Bãi Tư chính của Việt Nam trong nhiều tháng.

9. Hành động ngớ ngẩn nhất: Đó là trò tráo đổi biển số xe từ trắng sang xanh của chủ nhân chiếc xe 30 F 462.75 sang biển số 80 B 4329- người được cho là vợ ông Tô Huy Rứa, nguyên Ủy biên Bộ Chính trị. Sau việc này, tài xế lái chiếc xe trên bị phạt… 5 triệu đồng.

10. Lời khai trơ trẽn nhất: Là của bị cáo Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông. Ông này khai rằng ông nhận 200.000 USD vụ AVG mà nghĩ là đó là khoản người ta mừng ông lên chức Bộ trưởng.

11. Hành vi gian lận kinh tởm nhất: Thuộc về nhóm y, bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn cắt đôi các que thử HIV và viêm gan B. Nhưng bị phát hiện lãnh đạo bệnh viện vẫn nói rằng: Không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm!

12. Vụ tai nạn thương tâm nhất với trẻ: Đó chính là cái chết của em Long, học sinh lớp 1, vào đúng ngày đi học đầu tiên của em đến Trường quốc tế Gateway. Do sự vô trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, người đón trẻ, lái xe… em bị bỏ quên và chết ngạt trong xe. Vụ án đến nay dù đã có kết luận điều tra nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi do còn nhiều vấn đề mờ ám chưa được làm rõ.

13. Công chức láo lếu và hậu quả nhanh thấy nhất: Đại úy công an của quận Đống Đa Nguyễn Thị Hiền đại náo tại sân bay, chửi bới độc ác, bẩn thỉu với một tiếp viên hàng không; Thượng úy Nguyễn Xô Việt (Thái Nguyên) đã không trả tiền mua hàng lại còn hành hung người bán… Cả 2 người này do phản ứng mạnh mẽ của báo chí và cộng đồng mạng đã bị tước quân tịch.

14. Những sự cố môi trường lớn nhất: Đáng lưu ý là vụ cháy kho hàng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến gần 30 kg thủy ngân – 1 loại chất cực độc phát tán ra môi trường. Tiếp theo là vụ đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà khiến hàng vạn dân Thủ đô điêu đứng, khốn khổ hơn 1 tuần lễ. Tuy nhiên, các vụ này đều chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

15. Vụ tự tử khó hiểu nhất: Là của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hải An. Hiện nay người ta vẫn chưa công bố vì sao ông An nhảy lầu.

16. Người vợ giàu đức hi sinh nhất: Đó chắc hẳn là bà vợ của nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh. Do con gái ông Vinh được cho là chạy điểm nhưng bà Phạm Thị Hà, vợ ông Vinh lại bị kiểm điểm vì để em chồng tác động nâng điểm cho con.

17. Việc làm của cơ quan Nhà nước được dân ủng hộ nhất năm: Đó là việc Bộ giao thông hủy đấu thầu quốc tế đại dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam trước làn sóng dư luận lo ngại Trung Quốc lại một lần nữa trúng thầu một dự án có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của Việt Nam.

18. Xung đột lớn nhất năm giữa báo chí và doanh nghiệp: Chắc chắn là vụ việc kiện tụng của Công ty Asanzo với báo Tuổi trẻ rồi.

19. Cô con gái sướng nhất năm: Đó là con gái ông Chủ tịch Công ty Sông Đà 7. Được bố chiều, cô yêu bố quá, post lên mạng khoe mỗi năm bố cho 20 tỷ đồng, để đầu tư, kinh doanh có tính trải nghiệm. Cứ hết là bố lại cho. Con gái cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng có thể tương tự: Vì ông Son ban đầu khai cho con gái 3 triệu USD tiền bố đã hối lộ, đưa cho con bảo đầu tư, không được gửi ngân hàng. Nhưng sau ông lại đổi lời khai, nói rằng, không nhớ đã tiêu vào việc gì mà hết sạch.

20. Bức tranh tươi đẹp nhất 2019: Ắt hẳn là bức tranh cánh đồng hoa cải bất tận ở đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông: Quá thất vọng với tiến độ và triển vọng dự án này, cộng đồng mạng đã chung tay vẽ nó thành một con đường hoa cải tuyệt đẹp, với hy vọng đây là một gợi ý tốt cho Bộ Giao thông vận tải để chuyển hướng đầu tư, tránh thất thoát số tiền thuế khổng lồ của người dân đã nộp để đầu tư vào dự án này.

21. Cái kết bi kịch nhất của một đại gia lừng lẫy một thời: Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV, được cho là đã chết trong tù vào tháng 7/2019.