Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

KHI NÀO THÌ MỘT DÂN TỘC XEM NHƯ ĐÃ MẤT NƯỚC?


Song Chi
2017-09-01
Khi nào thì một dân tộc xem như đã mất nước?
Khi độc lập về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải bị xâm phạm thường xuyên mà nhà cầm quyền của nước đó chả dám phản ứng gì.
Khi những người lãnh đạo cao nhất quỵ lụy, coi kẻ thù là thầy, là bạn, còn nhân dân lả kẻ thù.
Khi các quan chức từ trên xuống dưới bắt tay hợp tác với giặc, mở toang cửa cho giặc vào thuê đất dài hạn khắp nơi từ Nam ra Bắc, rước giặc vào nhà làm ăn, xả rác, gây ô nhiễm môi trường và gây ra đủ mọi tác hại lâu dài cho đất nước, dân tộc.
Khi các quan chức từ trên xuống dưới chỉ biết chạy theo chức tước và tiền, chỉ biết vơ vét, chụp giựt cho đầy túi tham, bất chấp hậu quả gây ra cho đất nước, nhân dân.
Khi người dân chỉ biết chịu đựng, và chỉ biết lo làm ăn để vun vén cho bản thân và gia đình, chuyện chính trị, chuyện lớn đã có nhà nước lo, chính phủ lo.
Khi những người có tài có tâm thật sự với nước với dân thì không được sử dụng hoặc tệ hơn, bị xách nhiễu, tống giam vào tù với những bản án bất công, man rợ chỉ vì dám lên tiếng nói sự thật, còn những kẻ bất tài, cơ hội, bán nước buôn dân thì lại chiếm lấy những chỗ ngồi cao nhất để tiếp tục vơ vét và phá hoại.
Khi trí thức, nghệ sĩ cũng chỉ lo kèn cựa nhau cái danh hão, cái bổng lộc, hoặc khúm núm xum xoe dùng ngòi bút, tiếng hát, nét vẽ…để phục vụ nhà cầm quyền, còn giới trẻ thì mãi ăn chơi, hưởng thụ, khóc cười với những “thần tượng” showbiz, bóng đá hay chuyện đời tư của giới biểu diễn…
Khi nỗi đau về mọi chuyện bất công, phi lý, trái tai gai mắt xảy ra hàng ngày chỉ còn đủ sức làm cho người ta xúc động trong giây lát rồi quên; khi nỗi nhục đất nước bị tụt hậu, thua kém xa các nước khác, hình ảnh đất nước cho tới người dân trong mắt thế giới chỉ toàn là tiêu cực, xấu xa, nhưng cũng chỉ đủ làm cho người ta phẫn nộ, tủi hổ trong giây lát rồi quên…
Khi đối với tất cả, Tổ Quốc không còn là giang sơn phải gìn giữ nâng niu, quê hương không còn là ngôi nhà chung phải vun đắp cho một tương lai chung. Trái lại, quê hương chỉ là cái quán trọ, là nơi ở tạm, còn tương lai lâu dài lại nằm ở một đất nước khác.
Thì quốc gia ấy xem như đã mất, chỉ còn lại cái "vỏ" bên ngoài. Dân tộc ấy xem như đã lưu vong ngay trên chính quê hương mình.

Và đó chính là thành quả của đảng và nhà nước cộng sản sau 72 năm ngày 2.9 (2.9.1945-2.9.2017), ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

“Nền kinh tế vỉa hè”


Tác giả: Lê Quang
20-4-2020
Hình ảnh người bán hàng rong bị lực lượng chức năng “xử lý” hàng hóa (hôm qua) gây phản cảm và bức xúc trên mặt báo. Vụ việc này phản ánh thực tế khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề cho nhóm kinh tế phi chính thống trong giai đoạn chuyển giao.
Ta biết rằng có nhiều người sẽ nói lý: ”bán hàng rong là sai, mình sai trước thì đừng kêu”. Vậy cũng xin lưu ý bạn đọc rằng, “Nền kinh tế vỉa hè” này mới là thứ nuôi sống xã hội Việt Nam kể từ sau chiến tranh đến nay, chứ không phải là khu vực kinh tế “chính thống”.
Không có sự linh hoạt và năng động của ”Nền kinh tế vỉa hè” (Pavement economy) thì e là thiếu môi trường nuôi sống mấy chục triệu con người, những người sẵn sàng làm ra bát phở 15k, cái bánh mì 5k để rồi nuôi sống tiếp những người trong khối “chính thống” sáng cắp ô đi tối cắp ô về? Không có khối “phi chính thống” thì ai ship cho bạn cái bánh đến tận nhà? Ai làm ô-sin trông con, nấu bếp cho bạn? Không có “kinh tế vỉa hè” thì lấy đâu ra những ông hoàng bà chúa “trung lưu” – là chính chúng ta – đang có phần ăn bám trên khoảng cách giàu nghèo ấy?
Những nền kinh tế lớn nhìn vào nhìn vào kinh tế Việt Nam, họ học được điều gì từ đó? Từ cái xe ô-tô của Vinfast chăng? Rất đáng ca ngợi, nhưng nơi khác đã sản xuất ô-tô, máy bay, xe tăng, hạm pháo từ 1 thế kỉ trước mất rồi. Thế còn thị trường bất động sản năng động? Không, chính sách xây dựng của người ta đã qua cái thời biến bất động sản thành mặt hàng siêu lãi để đào hố sâu cách biệt xã hội rồi. Vậy thì về tiền tệ, tài chính? Hiển nhiên không, vì người ta đã đi trên con đường ấy từ 300 năm trước rồi. Hay là người ta học mình về phong cách “làm kinh tế kiểu yêu nước”? Không, người ta cũng đã tự biến nước người ta thành cường quốc vang danh bốn bể bằng kinh tế từ tám đời rồi còn đâu?
Thế có cái gì khiến Thế giới say mê ở nền kinh tế VN nhất? Ấy chính là cái “Nền kinh tế vỉa hè” đầy năng động và phi tập quyền kia, bởi vì nó đã giải quyết được cơm ăn áo mặc cho hơn 50 triệu con người hoàn toàn bằng cách tự thân vận động.
Tôi có một anh bạn, hai tuần trước nhắn tin rằng “cách ly rồi ông ơi, sống rồi!”. Ừ thì đấy là bạn tôi nó thấy là nó sống tốt. Tốt cho bạn đó. Thế nhưng có hàng chục triệu những con người khác họ sống dựa vào vỉa hè. Khi không còn ai trên vỉa hè, nền kinh tế ấy bị phá vỡ và rất sớm thôi ta phải đối diện với tình huống có nhiều người có thể sẽ chết đói. Chúng ta có thể biết hay không biết. Như cậu bạn tôi kể phía trên, hiển nhiên không biết. Tôi biết trước, rằng nhiều người sẽ nói rằng bây giờ cách ly là ưu tiên số một. Nhưng cách ly cũng phải có kế hoạch và lưu tâm đến những đối tượng dễ bị tổn thương. Sẽ là quá lạc quan nếu ta nghĩ rằng họ lao ra vỉa hè chỉ vì rửng mỡ hay bởi họ “không yêu nước” được như chúng ta.
Hai tuần gần đây, tôi có tham gia là tài trợ cho các hệ thống ATM gạo ở Việt Nam. Bởi vì hiểm hoạ chết đói đối với một bộ phận người dân là có thật. Nó là điều rất nên quan tâm, chứ không phải là chuyện của mấy mươi năm trước.
Đừng vội hiểu lầm, ”Nền kinh tế vỉa hè” hiển nhiên có những vấn đề nhức nhối về trật tự xã hội và đô thị, nhưng ta không thể phủ nhận sạch trơn những đóng góp to lớn của nó trong lịch sử Việt Nam. Nó năng động, linh hoạt và nhân văn. Nó bẩn thỉu, hôi hám, nhếch nhác, nhưng hàng triệu thân phận con người tìm được chốn dung thân cho mình ở đó. Những con người ấy không may mắn có được sự che chở từ khối kinh tế “chính thống” vốn chiếm một tỉ trọng khá “khiêm tốn” trong nền kinh tế “nhiều thành phần” này.
Do vậy, cách tiếp cận với nền kinh tế vỉa hè cần được quan tâm, cân nhắc bởi vì nó là một yếu tố quan trọng trong xã hội Việt Nam. Chị bán rau mới bị bẻ gập cánh khuỷu ngày hôm qua, cũng đang góp sức nuôi sống một lượng lớn con người trong xã hội trong hệ thống kinh tế phi chính thống đó.
Nếu bạn cho rằng “Nền kinh tế vỉa hè” chỉ toàn sai trái. Thì có lẽ bạn đang phủ nhận công ăn việc làm của mấy chục triệu con người. Nếu bạn nghĩ nó là ”không nên”, thì có lẽ còn quá chủ quan vì hiển nhiên bạn (hoặc cha mẹ bạn) ít có cơ hội được sinh ra trong một xã hội hậu chiến mà vắng bóng nó.
Chúng ta vẫn tự hào những hàng hóa thơm ngon xuất đi khắp nơi cho người ngoại quốc ăn. Rồi cả nền công nghiệp gia công giá rẻ làm giàu cho các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài hay xu hướng siêu đô thị mật độ cao của HN hay SG. Nhưng bên cạnh đó, ”Nền kinh tế vỉa hè” cũng đã giúp đời sống của mấy chục triệu dân trở nên ”phải chăng” hơn, dễ chịu hơn qua những năm tháng đói nghèo. Nó từng và vẫn đang là lựa chọn sống còn trong một tổ chức kinh tế non trẻ và thiếu toàn diện.
Có lẽ chúng ta cần bình tĩnh và bao dung với chính những gì thai nghén ra cuộc đời ta, dù đúng là còn tồn tại những phiền hà trong hiện thực ấy.

NHÀ HOẠT ĐỘNG ĐINH THỊ THU THUỶ BỊ BẮT


Phạm Minh Vũ
20/04/2020
    Chị là một Thạc sỹ, từng làm các công việc về Môi trường với mức thu nhập cả ngàn USD, chị sẵn sàng bỏ việc khi công ty chị có nhiều việc làm mờ ám. Chị về quê để phát triển nông nghiệp sạch để bán vừa kiếm thu nhập vừa tìm nguồn nông sản chất lượng cho người dân.
    Chị về quê nơi chị sinh sống được hàng xóm láng giềng yêu mến, tánh tình hiền lành, chất phác, chị bỏ tiền do bán nông sản ra để mua sách tiếng Anh mở lớp dạy cho các trẻ em quanh xóm, cũng như chăm tụi nhỏ để ba mẹ chúng đi làm khỏi bận tâm, chị cũng có con nhỏ nên ngày nào quanh nhà chị đầy tiếng trẻ thơ, một phần do yêu mến chị một phần chị đối xử tốt với láng giềng. Chị còn tổ chức cùng con những buổi đi nhặt rác quanh khu xóm để bảo vệ môi trường.
    Chị nêu chính kiến mình qua kênh mạng xã hội Facebook rất văn minh, rất nhã nhặn, để mong tiếng nói nhỏ nhoi ấy đến tai các lãnh đạo nhà nước hầu mong thay đổi cho đất nước tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn.
    Chị cũng lên tiếng cho chủ quyền đất nước, bày tỏ và phẫn nộ chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển đông. Chị cũng xuống đường, cũng bị đánh đập hành hạ tra tấn, về quê cũng bị làm khó dễ đủ điều chị không thán trách một điều.
    Nghĩ một người hiền lành như vậy, một người yêu nước sâu sắc, yêu môi trường đến vậy, không hiểu sao cộng sản VN lại bỏ tù chị ấy?
Hôm nay, ngày 18/4, an ninh điều tra tỉnh Hậu Giang đã đọc lệnh bắt và khám xét nhà cô Đinh Thị Thu Thuỷ tại Phường Lái Hiếu, Thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang.
Họ bắt và tạm giam cô theo điều 117 Bộ luật hình sự 2015 (Điều 88 cũ) với cáo buộc: “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Mùa hè 2018 cả nước đang phẫn nộ vì nhà cầm quyền csvn đang chuẩn bị rao bán 3 đặc khu, cô nhận thấy đó là hành động sai trái của nhà cầm quyền và đã bắt xe lên Saigon để xuống đường phản đối. Trong đợt đó cô bị đánh bầm dập.
Facebook cô cũng đăng tải các bài viết phản biện các chính sách sai lầm của chính phủ, và góp nhiều ý kiến, đưa ra các giải pháp mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Thay vì lắng nghe ý kiến nhân dân, đáp trả những ý kiến hay cũng là nguyện vọng nhân dân ấy, nhà cầm quyền đã hành xử một cách vô nhân đạo là bắt giam cho hết nói. Hiện tại FB của cô đã khoá.
Phản đối nhà cầm quyền csvn bắt giam người yêu nước và giam cầm người Mẹ đơn thân này.
P.M.V.

Huy Đức - Vì sao TBT Trọng không muốn Việt Nam kiện Trung Quốc?


Xung đột Biển Đông được đặt lên bàn nghị sự lúc này là cần thiết. Nhưng, trong mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh không chỉ có vấn đề Biển Đông. Để xử lý mối quan hệ ấy, không những cần sách lược khôn ngoan mà còn phải được đặt trong tầm nhìn chiến lược.


Vì sao TBT Trọng không muốn Việt Nam kiện Trung Quốc?
Một người giúp việc gần như trọn đời với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và từ năm 1949 đến 1969, luôn ở bên cạnh Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh - ông Trần Việt Phương - nói rằng: “Trong lịch sử nghìn năm giữ nước của Việt Nam, chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại Hồ Chí Minh”. Sở dĩ có sự “mất cảnh giác” này, theo ông Việt Phương là vì, Hà Nội đã “Có quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa quốc tế vô sản, quan niệm ngây thơ từ người cao nhất của ta chứ không phải ở cấp độ vừa”.

Trong hồi ký được công bố chính thức trên báo Nhân Dân [số ra ngày 25-3-1984], thư ký kiêm phụ trách báo chí của đoàn Việt Nam trong Hội nghị Geneva, ông Nguyễn Thành Lê, cho rằng “Bắc Kinh đã ép buộc Hồ Chí Minh phải chia đôi Việt Nam theo Vĩ tuyến 17”.

Theo ông Hoàng Tùng, ngày 3-7-1954, sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ và Pháp, Chu rời Geneva về Liễu Châu gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, thông báo với Hồ Chí Minh ý kiến của Molotov và của ông ta, dự định chia cắt Việt Nam thành hai miền ở Vĩ tuyến 17. Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh nhất quyết đòi, dẫu có lùi cũng chỉ Vĩ tuyến 15 hoặc tối thiểu là 16. Một mặt, Chu Ân Lai “dọa”, Hoa Kỳ có thể nhảy vào vòng chiến và khi đó, Liên Xô và Trung Quốc sẽ không thể hỗ trợ cho Hồ Chí Minh. Một mặt, ông ta mềm dẻo: “Ghi nhớ lời dặn của Hồ Chủ tịch, nhưng xin phép, tướng ngoài biên ải được căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định”.

“Tướng ngoài biên ải” lúc đó là Phạm Văn Đồng thì gần như lệ thuộc vật chất vào Chu. Những báo cáo của Phạm Văn Đồng về cho Hồ Chí Minh đều phải sử dụng điện đài và mật mã của Đoàn Trung Quốc.

Chia cắt đất nước không những không phải là ý chí của nhân dân miền Nam, không phải của nhân dân Việt Nam, mà ngay cả “Bên Thắng Cuộc” cũng chỉ ký do ép buộc. Thế nhưng, để thống nhất trở lại, để xé chữ ký đó của mình, những người cộng sản đã tiến hành một cuộc chiến kéo dài suốt hơn hai mươi năm sau đó.

Tháng 11-1946, khi cả Việt Minh và người Pháp đang chuẩn bị khí giới trong đất liền, quân Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và tháng 12-1946, đổ bộ lên Itu Aba thuộc Trường Sa. Năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai quần đảo này để cho Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền”. Sau Hiệp định Geneva, khi Chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản Hoàng Sa, hai đảo lớn nhất ở đấy đã bị “quân giải phóng Trung Quốc” thừa cơ chiếm mất.

Tưởng và Mao có thể khác nhau về ý thức hệ và đối đầu về quyền lực nhưng cách thu vén đất đai biển đảo cho Đại Hán thì nhất quán. Họ luôn trục lợi được khi ném súng cho các bên.

Ngày 4-4-1972, ở Quảng Trị, khi da thịt người Việt đang bận “tàn nhau”, Kissinger phái Winston Lord tới New York gặp đại sứ Hoàng Hoa, nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách mười hai dặm kể từ quần đảo Hoàng Sa”. Người Mỹ cần Bắc Kinh làm ngơ cho họ ném bom bằng B52 ra tới Thanh Hóa. Người Trung Quốc sử dụng cam kết miệng ấy để ngày 19-1-1974 họ cướp Hoàng Sa. Hạm đội 7 đã không có bất cứ động thái gì kể cả cứu các quân nhân VNCH đang thoát thân bằng xuồng con giữa biển. Nhiều trí thức VNCH thân Hà Nội đang ở Bắc Âu nhận được thông điệp, Trung Quốc giữ Hoàng Sa hộ.
Người thân luôn luôn kể các câu chuyện cảnh giác của Lê Duẩn với Bắc Kinh. Trên thực tế, khi Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, cái ghế ấy đã bị bỏ trống từ năm 1956. Trong thời gian đó, Trung Quốc tham gia tích cực đưa Lê Duẩn ra thay.

Người lái chiếc xe Ford bốn chỗ chở Lê Duẩn từ Sài Gòn sang Phnom Penh là một nhà tư sản người Hoa, ông Lai Thanh. Người được phái từ Hà Nội vào Phnom Penh chuyển lá thư của ông Phạm Hùng gửi cho ông Lê Duẩn cũng là người Việt gốc Hoa, nữ tình báo Hồ Anh. Người đón và đưa Lê Duẩn đi tàu từ Phnom Penh tới Hồng Kong là một cán bộ thuộc Hoa Kiều vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động tại miền Nam. Ngày 23-5-1957, phái viên Trung Quốc đã cùng với Hồ Anh đưa Lê Duẩn từ Hong Kong về Tỉnh ủy Quảng Châu. Các nhà lãnh đạo ở đây đón tiếp Lê Duẩn vô cùng trọng thị.

Trên đường bay trở lại Việt Nam, những đồng chí Trung Hoa tinh tế đã lấy lý do “thời tiết xấu”, cho dừng máy bay chở Lê Duẩn ở Nam Ninh. Tại đó, các “đồng chí Trung Quốc” sắp xếp để Lê Duẩn có cuộc đoàn tụ cảm động với con gái Lê Tuyết Hồng. Tuyết Hồng được Trung Quốc nuôi ăn học ở ký túc xá Quế Lâm, cũng như sau này, người vợ miền Nam của Lê Duẩn cũng học ở Trung Quốc và luôn được các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tôn trọng.

Cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam cũng không bí mật gì với Bắc Kinh cả.

Bắc Kinh huỵch toẹt ra rằng, từ tháng 6-1965 đến tháng 8-1973 họ đưa sang Việt Nam tổng cộng 320.000 “quân tình nguyện” bao gồm lính phòng không, thợ máy, thông tin, công binh... Quân số lúc đạt mức cao nhất lên tới 170.000. Có khoảng bốn nghìn người Trung Quốc chết tại Việt Nam trong thời gian đó.

Nhiều tài liệu chính thức cho thấy, trước năm 1975, “phóng viên Tân Hoa Xã” đã vào tận Củ Chi và có mặt ở nhiều chiến trường Nam Trung Bộ. Đến cả một kế hoạch tối mật của Lê Duẩn như cuộc đảo chánh của đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng được Bắc Kinh hậu thuẫn từ năm 1964 bằng cách in một lượng tiền lớn, gọi là “Hàng 65”, chuyển vào Trung ương Cục [Số tiền này được dùng để đổi ở miền Nam trong Chiến dịch X2, 10-9-1975]. Khi Lê Duẩn chuẩn bị đánh Mậu Thân, dù rất bí mật với Tướng Giáp, Trung Quốc cũng biết để in một lượng tiền khác chuyển vào Nam, gọi là “Hàng 67”.

Chưa kể dày dép, súng ống, mũ cối, chỉ riêng tiền mặt bằng dollar, Bắc Kinh cung cấp dư dả tới mức, sau ngày 30-4-1975, trong két các mặt trận còn dư tổng cộng 105 triệu USD tiền mặt. Tiền mặt do Trung Quốc trực tiếp viện trợ, mà Hà Nội sang nhận từng va-li, từ năm 1964-1975, lên tới 626.042.653 USD.
“Bên Thắng Cuộc” chịu ơn “sự giúp đỡ” này và nhiều thế hệ được dạy, nhờ sự giúp đỡ “trên tinh thần quốc tế vô sản” ấy mà có Điện Biên Phủ và “Miền Nam giải phóng”. Nhưng đấy chỉ một tiết diện. Phải đặt vai trò của ý thức hệ trong sự chia cắt và binh đao mới thấy, cái giá mà dân tộc ta, nhân dân ta phải trả cho các “khoản vay quốc tế vô sản” thật là đau đớn.

Tinh thần quốc tế vô sản mà Bắc Kinh vẫn sử dụng trước nay chỉ như một miếng bả. Cái mà họ “bẫy” được là biển đảo, là đất đai, chưa kể những cuộc chia chác quốc tế trên máu xương người Việt. Kể từ Hội nghị Thành Đô, khi Bắc Kinh từ chối dùng “giải pháp đỏ” lẽ ra Hà Nội phải thấy họ không còn là cộng sản.

Có thể chỉ là ngẫu nhiên khi Covid-19 đến từ Trung Quốc khiến Việt Nam phải cách li cho tới sát ngày 30-4. Nhưng, thay vì ầm ĩ kỷ niệm 45 năm, “cách li tại nhà” nên là cơ hội để coi lại các bài học, thừa nhận trách nhiệm, nhìn nhận vai trò pháp lý của người anh em miền Nam trong việc xác lập chủ quyền với Hoàng Sa. Dũng cảm coi Công văn 1958 của Phạm Văn Đồng là vô giá trị. Chưa bao giờ là quá trễ để suy ngẫm về “quốc tế vô sản” mà nhận thấy, Trung Quốc chưa từng là bạn và vĩnh viễn chỉ là một quốc gia vận hành bằng các âm mưu Đại Hán.

Trương Huy San

PS: Nhiều thông tin trong này tôi đã công bố rải rác trong cuốn Bên Thắng Cuộc, xuất bản 2012.

Theo FB Trương Huy San

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

TUYÊN BỐ BIỂN ĐÔNG 4- 2020


Xin mời các tổ chức và cá nhân hưởng ứng tuyên bố này ký tên và gửi vào địa chỉ email: tuyenbobiendong04.2020@gmail.com
Tổ chức: ghi rõ tên tổ chức và người đại diện
Cá nhân: ghi rõ họ tên, chức danh/nghề nghiệp (nếu có), nơi cư trú (tỉnh/thành phố, quốc gia).


TUYÊN BỐ BIỂN ĐÔNG 4- 2020

Ngày 18/04/2020, thông tin trên báo chí cho biết Trung Quốc công bố thành lập hai huyện mới là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa mà Trung Quốc đã thành lập năm 2012 để Trung Quốc một lần nữa áp đặt chủ quyền phi pháp với những đảo trong quần đảo Trường Sa và với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng sức mạnh quân sự đánh chiếm của Việt Nam.
Trên thực tế, cái gọi là “Huyện Tây Sa” chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, do Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam tháng 1 năm 1974, với huyện lị là đảo Phú Lâm, do Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1956; cái gọi là “Huyện Nam Sa” là 7 thực thể đảo đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam với huyện lị là đảo Chữ Thập.
Nhà nước Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử xác nhận việc quản lí nhà nước của Việt Nam với quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Đặc biệt chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác định tại Hội nghị quốc tế San Francisco ngày 7 tháng 9 năm 1951. Tiếp đó Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các văn bản pháp lý gửi tới cộng đồng quốc tế. 
Gần đây nhất là Công hàm số 22/HC- 2020 ngày 30/3/2020 của Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc với nội dung:
- Tuyên bố trước toàn thế giới về lập trường phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông .
- Khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 10/4/2020 Chính phủ Việt Nam gởi lên Liên Hiệp Quốc công hàm phản đối tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá cua ngư dân Việt Nam.


Suốt mấy chực năm qua, Trung Quốc đã không ngừng thực hiện dã tâm chiếm đoạt biển Đông bằng nhiều hành động ngang ngược. Trên những thực thể đã xâm chiếm của Việt Nam trên biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng các đường băng cho máy bay chiến đấu, nhà chứa máy bay, rađa, trận địa tên lửa, trại lính, và các những công trình quân sự giả danh dân sự kiểm soát khống chế tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, phục vụ chiến tranh xâm lược, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc còn ngang nhiên biến những đảo đá thành đảo có dân Trung Quốc sinh sống ổn định lâu dài, tạo cớ mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhằm chiếm trọn tài nguyên ở Biển Đông của Việt Nam và các nước.

Thời gian cuối năm 2019 qua năm 2020, Trung Quốc càng hành động ngang ngược trên Biển Đông. Diễn biến có thể tóm tắt như sau:
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019, tàu HD8 và các tàu hộ tống là tàu cảnh sát biển, tàu cá vũ trang của Trung Quốc liên tục xâm phạm Bãi Tư Chính và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Hiệp Hòa Bắc, Tuy Hòa 60 km (15/10/2019).
Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông vào nửa đầu tháng 3/2020.
Ngày 20/03/2020 Trung Quốc thông báo đã lập hai trạm nghiên cứu trên đảo đá Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 29/03/2020 nhiều hãng tin cho biết Trung Quốc cho máy bay Y-8 tiếp tế hậu cần cho căn cứ Trung Quốc chiếm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 02/04/2010, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Ngày 14/04/2020, Trung Quốc đưa tàu cảnh sát biển, nhiều tàu vũ trang khác hộ tống tàu thăm dò địa lý HD8 đi vào vùng biển của Việt Nam, và hiện đang ở phía Nam Biển Đông khu vực EEZ của Malaysia gần khu chồng lấn Việt Nam- Malaysia.
Ngày 17/4/2020 Trung Quốc ra công hàm yêu cầu Việt Nam rút hết nhân viên ra khỏi các đảo ở Trường Sa.
Ngày 18/4/2020 Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện Tam Sa và Nam sa trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.

Những diễn biến dồn dập gần đây chứng tỏ Trung Quốc:      

-      Lợi dụng đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đang lan ra và hoành hành trên thế giới, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai huyện mới trên các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhằm “hợp pháp hóa” việc ăn cướp, việc xâm lược biển đảo của Việt Nam từ mấy chục năm qua.
-      Với hai đơn vị hành chính (huyện) mới thành lập 4/2020 này, Trung Quốc muốn cắm những cái đinh, những cột mốc vào “lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc vẽ ra. Nó cũng tạo tiền lệ “việc đã rồi”, và thông qua đó đè bẹp ý chí độc lập, làm nhụt quyết tâm đấu tranh đòi lại lãnh thổ quốc gia của nhân dân Việt Nam và các nước khác trong khu vực.

Từ những nhận định trên, chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân ký tên dưới đây tuyên bố: Cực lực lên án hành động phi pháp của Trung Quốc trước nhân dân trong nước và nhân dân toàn thế giới và yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam:

1.   Nhanh chóng kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế nhằm:
-Đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, xóa bỏ “lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, thực hiện phân định vùng biển quốc gia theo đúng Công ước Quốc tế Luật biển UNCLOS 1982.

-Đòi Trung Quốc bồi thường cho nhân mạng ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc giết hại, bồi thường tài sản của ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại do Trung Quốc gây ra trên các vùng biển của Việt Nam trong những năm qua.

2.   Tổ chức Hội nghị các nước có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn với Việt Nam như Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia để phân định rành mạch vùng biển của các nước hữu quan, có quan sát viên là các nước văn minh không mâu thuẫn lợi ích, không có ý đồ xâm lược Việt Nam như Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, đảm bảo sự đoàn kết trong khối ASEAN và Việt Nam, tăng cường hợp tác với nhau vì chung lợi ích, chung nguy cơ bị bành trướng bá quyền xâm lược.

3.   Tôn trọng các Xã hội dân sự, đảm bảo người dân Việt Nam được tự do thực hiện quyền yêu nước, quyền quảng bá hình ảnh biển đảo của Việt Nam trên mọi vật phẩm, nhất là hình ảnh “cắt lưỡi bò”, No-U để phản đối đường “lưỡi bò” (đường chữ U, đường 9 đoạn) phi pháp của Trung Quốc. Trừng trị những kẻ đe dọa, bắt bớ người dân dùng những vật phẩm có biểu tượng “cắt lưỡi bò” Trung Quốc.


4.   Trả tự do cho tất cả các Tù nhân lương tâm, những người thực thi quyền công dân và tranh đấu phi bạo lực cho tự do, nhân quyền, môi trường, cho toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam.

5.    Đặt và thực thi kế hoạch để Việt Nam từng bước thay đổi thể chế chính trị quốc gia theo hướng dân chủ phổ quát, đảm bảo người dân có đầy đủ quyền tự do dân chủ để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, đủ thực lực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên đất liền và trên biển.

Ngày 21 tháng 4 năm 2020

CÁC TỔ CHỨC

1.   Lập Quyền Dân. Đại diện: Ông Nguyễn Khắc Mai
2.   Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đại diện: TS Nguyễn Quang A
3.   Ban Vận Động Nhà Văn Độc Lập. Đại diện: Nhà văn Nguyên Ngọc
4.   Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Ông Lê Thân, Nhà hoạt động xã hội.


CÁC CÁ NHÂN
1.   Nguyễn Khắc Mai, Hà Nội,
2.   Nguyễn Quang A, TS Tin học, Hà Nội
3.   Lê Thân, Thành viên Câu lạc bộ LHĐ, TP HCM
4.   Nguyễn Xuân Diện, TS Hán Nôm, Hà Nội
5.   Trần Bang, Kỹ sư, Thành viên Câu lạc bộ LHĐ, TP HCM
6.   Nguyễn Kim Chi, Nghệ sĩ, Thành viên Câu lạc bộ LHĐ, TP HCM
7.   Andre Mendras Hồ Cương Quyết, Thành viên Câu lạc bộ LHĐ, Paris, CH Pháp
8.   Hoàng Hưng, Nhà thơ, TP HCM
9.   Nguyễn Nguyên Bình, Nhà văn, Thành viên Câu lạc bộ LHĐ, Hà Nội
10.        Mạc Văn Trang, TS Tâm lý học, Hà Nội
11.        Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, Thành viên CLB LHĐ, TPHCM
12.        Nguyễn Quang Nhàn, Nhà giáo, Đà Lạt, Lâm Đồng
13.        Võ Văn Thôn, nguyên GĐ Sở Tư pháp TP HCM, Thành viên CLB LHĐ
14.        Nguyễn Thu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư pháp TP HCM
15.        Lại Thị Ánh Hồng, Nghệ sĩ, Thành viên CLB LHĐ, TPHCM
16. Hoàng Dũng, PGSTS, TPHCM
17.        Nguyễn Đông Yên, GS Toán học, Hà Nội
18.  Trần Minh Thảo, Viết văn, Thành viên CLB Phan Tây Hồ, Bảo lộc, Lâm Đồng
19.        Đào Tiến Thi, Nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Hà Nội


Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Chồng em bị kết án oan sai và vô cùng nặng nề


20-4-2020
KÍNH THƯA TOÀN THỂ CỘNG ĐỒNG!
Phiên tòa phúc thẩm chồng em, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, vừa kết thúc lúc 10h30 ngày 20/04/2020. Tòa phúc thẩm y án 11 năm tù và 5 năm quản chế cho tội yêu nước, chống lại bất công, bảo vệ biển đảo! Thật sự bản án vô cùng bất công, phiên tòa diễn ra như vở tuồng ngay lúc đại dịch Covid-19 toàn cầu, sau thời gian dài chồng em tuyệt thực 46 ngày!
Tôi cực lực lên án tòa án cấp cao Hà Nội, tòa án Nghệ An, trại tạm giam đã đối xử bất công và kết án oan sai cho chồng tôi.
Chồng em, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An. Anh bị bắt và giam từ ngày 29/5/2019, bị tòa án tỉnh Nghệ An xử sơ thẩm ngày 15/11/2019. Sau 4,5 tháng tạm giam tại trại giam Nghi Kim, thành phố Vinh và tuyên án 11 năm tù + 5 năm quản chế với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền chống nhà nước” thông qua dẫn chứng luận tội chính yếu là dạy bài bát “TRẢ LẠI CHO DÂN”, lên án mạnh mẽ và tham gia biểu tình bảo vệ biển đảo cho quê hương với khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”, lên án và tham gia biểu tình chống lại Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, yêu cầu nhà máy FORMOSA ngừng xả thải, phản đối luật đặc khu, luật an ninh mạng, lên tiếng những bất công trong xã hội, bảo vệ nhân quyền và chia sẻ một số thông tin người dân cần biết trên facebook.
Bản án bất công, Chồng em bị kết án oan sai và vô cùng nặng nề. Phiên tòa sơ thẩm như một trò hề, không chứng minh được tội trạng, kết án một cách mơ hồ và cực kì hồ đồ.
KÍNH THƯA QUÝ VỊ!
Vừa nghe tin chồng vừa trải qua thời gian dài tuyệt thực đơn côi trong trại tạm giam Nghi Kim 46 ngày ròng rã (từ ngày 3/03/2020 – 17/04/2020), không một ai hay biết, không một ai lên tiếng. Anh là người Công giáo, bị chính quyền bắt cóc bất ngờ khi chưa chuẩn bị tâm hồn theo nghi thức người Công Giáo. Anh yêu cầu được gặp Linh mục cho mùa Chay Thánh năm 2020. Phía trại giam không đáp ứng và anh đã tuyêt thực trong cô đơn, lẻ loi.
Ôi! CHÚA ơi! Một cơ thể khỏe mạnh gần 80kg, bình thường anh ăn 4 bát cơm mỗi bữa, sáng 2 tô bún vợ nấu. Vậy mà, anh không ăn gì trong 46 ngày ư! Có nỗi xót xa nào bằng. Ngay lúc đại dịch thế này, anh con đủ sức hay không. Vậy mà, phía trại giam Nghi Kim và tòa án vẫn vô cảm đến bất nhân, vẫn đưa anh ra tòa ngay lúc đứng không vững giữa đại dịch Covid-19 đe dọa như thế! Họ muốn giết chồng em! Đúng như vậy!
Chồng con vẫn một mực yêu cầu được gặp Linh Mục sau phiên phúc thẩm. Nếu không anh lại tiếp tục tuyệt thực nữa. Nếu tiếp tục tuyệt thực thì chồng con sẽ chết mất!
Con kính mong quý Cha, quý thầy, quý Sr, thân nhân, ân nhân, anh chị em thân hữu, các tổ chức, đài báo, cộng đồng cầu nguyện, quan tâm, cùng lên tiếng giúp chồng em!
Chúng con xin chân thành cảm ơn và kính chúc bình an đến tất cả quý vị!

CÓ TIẾP TỤC CÁCH LY TOÀN QUỐC HAY KHÔNG?


Hết 15/4/2020 là hết thời hạn cách ly toàn quốc. Cả nước đang đối mặt với câu hỏi quan trọng: Có tiếp tục cách ly toàn quốc sau 15/4/2020 hay không?

I. CÁC CÂU HỎI GỢI MỞ

Khi muốn quyết định một vấn đề quan trọng, thường phải đặt ra nhiều câu hỏi để trả lời. Nhưng như một rừng cây, chọn câu hỏi nào đây?

Câu hỏi đặt ra phải phản ánh được cốt lõi vấn đề. Nếu không, sẽ không tìm được lời giải đúng. Và câu trả lời phải ở dạng alternative (loại trừ): Có hoặc không. Để gạt bỏ tính do dự.

Người giỏi luôn chọn đúng những câu hỏi cột sống. Có những câu hỏi mang tính tiên đề, mà vi phạm nó là ngoài vòng xem xét. Người kém luôn luẩn quẩn trong những câu hỏi râu ria vụn vặt, nên không tìm ra giải pháp đúng.

1. Tiếp tục cách ly toàn quốc có hạn chế khả năng lây nhiễm covid 19 không? Có.

Đó là câu hỏi đơn giản vì tìm ngay ra câu trả lời đơn giản. Từ đó suy ra, tiếp tục cách ly toàn quốc là một quyết định đơn giản.

Nhưng đó không phải là quyết định của Thủ tướng. Vì quyết định của Thủ tướng phải rất khó khăn. Điều đó có nghĩa là câu hỏi trên chưa phản ánh đúng vấn đề.

2. Mỗi ngày cách ly toàn quốc thiệt hại bao nhiêu? 1 tỷ USD.

GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2019 theo Quỹ tiền tệ thế giới là 375,6 tỷ USD. Như vậy mỗi ngày cách ly cả nước mất chừng 1 tỷ USD.

3. Có bao nhiêu doanh nghiệp bị vỡ nợ? Có bao nhiêu con người bị khó khăn nếu tiếp tục cách ly toàn quốc?

Không chỉ là 1 tỷ USD. Hàng chục triệu nông dân đang có hoa màu và hoa quả bị thối rục. Hàng chục vạn doanh nghiệp đang trên bờ phá sản. Hàng triệu người đang đối mặt với không có cái ăn vì không có việc làm.

Đến đây thì mới thấy cái khó của quyết định Thủ tướng. Không chỉ tổn thất to lớn về kinh tế, mà sự sống, sạt nghiệp hay tù đày của hàng vạn gia đình đang phụ thuộc vào mỗi ngày toàn quốc cách ly.

Hãy ngồi vào hoàn cảnh nông dân phải vay tiền ngân hàng mà rau quả bị bỏ thối; Hãy ngồi vào ghế các doanh nghiệp, sản xuất bị đóng băng, hàng hóa vật tư tồn đọng, mà vẫn phải trả lương, trả chi phí mặt bằng, trả lãi vay ngân hàng; Hãy ở vào địa vị các hãng hàng không khi cả trăm chiếc máy bay không cất cánh, hàng chục ngàn nhân viên không việc làm... thì mới thấy sự cồn cào lửa đốt của mỗi giờ cách ly!

Cho nên muốn quyết định có tiếp tục cách ly toàn quốc hay không cần trả lời nhiều câu hỏi nữa. Trong trường hợp còn phân vân, thì phải nhìn ra các nước khác như thế nào để mà tham khảo.

4. Có nước nào bị dịch mức độ như Việt Nam mà tiếp tục cách ly toàn quốc không? Hãy lấy một số nước điển hình để tham chiếu?

- Dịch covid 19 ở Nhật Bản trầm trọng hơn Việt Nam. Hiện thời (03 giờ GMT ngày 14/4/2020) Nhật có 7 645 ca nhiễm và 143 ca tử vong. Nhưng cả nước Nhật không cách ly như Việt Nam. Nền kinh tế nội địa Nhật Bản hoạt động hầu như bình thường. Thủ tướng Nhật chỉ quyết định dừng học trong 2 tuần và đã cho học lại. Giao thông nội địa không hạn chế.

- Trung Quốc đã từng là trung tâm dịch của thế giới. Tình trạng dịch của Trung Quốc hiện nay vẫn nguy hiểm hơn Việt Nam rất nhiều. Nhưng hoạt động kinh tế nội địa của Trung Quốc không bị đóng băng như Việt Nam.

- Các nền kinh tế khác ở châu Á, như Hàn Quốc, Hongkong đều có dịch nặng hơn Việt Nam nhưng không đóng băng như Việt Nam.

- Nặng như Tây Ban Nha, tại thời điểm 03 giờ GMT ngày 14/4/2020 với 170 099 người nhiễm và 17 756 người chết, nhưng từ hôm qua khi số người nhiễm (+2665) và người chết (+280) thuyên giảm, thì Tây Ban Nha bắt đầu giảm cách ly để hồi sinh kinh tế.

- Nặng nhất như Mỹ bây giờ (587 155 ca nhiễm và 23 644 ca tử vong), chưa qua đỉnh điểm dịch, nhưng Tổng thống Donald Trump đang dự định “mở cửa” trở lại từ đầu tháng 5/2020 để nền kinh tế hồi phục.

Cái khó của Tổng thống Mỹ là không để dịch trầm trọng, nhưng đồng thời cũng không được để kinh tế đi xuống. Thất bại một trong hai điều đó, ông Donald Trump đều phải đối mặt với mất chức tổng thống trong kỳ bỏ phiếu cuối năm nay. Đó là sự khác biệt sống còn so với quyết định của Thủ tướng Việt Nam.

Quyết định kéo dài cách ly toàn quốc của Thủ tướng Việt Nam dứt khoát là quyết định an toàn về mặt chống dịch covid 19. Nhưng đó là quyết định bất lợi to lớn về kinh tế. Nhưng bất lợi về kinh tế, dẫu lớn đến đâu, cũng không kéo theo hệ quả mất chức. Đó là sự sống sót khác biệt so với quyết định dẫn đến đe dọa mất chức. Nếu quyết định kéo dài cách ly làm tổn thất kinh tế, dẫn đến mất chức, thì chắc chắn kết cục sẽ khác.

5. Việt Nam có hết nguy cơ dịch khi thế giới vẫn còn có dịch không? Không.

Việt Nam vẫn tiềm ẩn lây dịch khi cả thế giới bên ngoài Việt Nam còn có dịch. Từ đó suy ra, không thể tiếp tục cách ly toàn quốc để chống lây nhiễm dịch cho mãi đến khi thế giới hết dịch.
Nói cách khác, là Việt Nam phải khởi động nền kinh tế nội địa, trước khi mở cửa với nước ngoài sau khi thế giới hết dịch.

6. Đóng chặt cửa biên giới, ngăn chặn không cho dịch từ ngoài lọt vào, có hoạt động quốc nội được không? Có.

Đóng chặt cửa biên giới, không có nghĩa là không thông quan hàng hóa. Vẫn có cách để hàng hóa vẫn xuất nhập được, mà không cho người nhập cảnh, và hạn chế được gần tuyệt đối về sự lây dịch bệnh từ ngoài vào.

Và như vậy, có thể mở lại hoạt động quốc nội bình thường. Nhiều nước (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore…) vẫn đang tiến hành như vậy.

7. Có hoạt động cục bộ tại các tỉnh được không? Có.

Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Trên toàn quốc có gần 60 tỉnh thành trong cả nước không bị nhiễm dịch. Tại sao các tỉnh này lại phải đóng băng? Tại sao doanh nghiệp các tỉnh này không hoạt động bình thường trong nội bộ tỉnh? Tại sao hàng hóa, nông sản trong tỉnh lại không được lưu thông bình thường nội tỉnh và liên tỉnh?

Lãnh đạo các tỉnh thành của nước ta chưa bao giờ tự có trách nhiệm như các thống đốc bang ở Mỹ.

Họ sợ trách nhiệm đến nỗi không dám tự quyết định đã đành, còn đẩy trách nhiệm lên cấp trên và xuống cấp dưới. Họ thờ ơ với số phận của người dân trong tỉnh đến mức không đòi hỏi quyền tự quyết để nền kinh tế trong tỉnh phải được hoạt động bình thường. Nếu không hoạt động bình thường thì nhân dân trong tỉnh chết đói, nông dân bị mất nông sản, các doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản.

Không một ai trong lãnh đạo của gần 60 tỉnh thành không bị nhiễm covid 19 dám đứng ra đòi hỏi quyền cát cứ - được lưu thông nội bộ cho tỉnh mình! Dịch bệnh là phải cát cứ. Cớ sao không bị dịch mà phải đóng băng theo các tỉnh bị dịch? Không dám đòi hỏi cát cứ khi tình hình bắt buộc cát cứ nói lên tính nhu nhược của người lãnh đạo.

Các tỉnh không bị nhiễm dịch hoàn toàn có thể để toàn tỉnh hoạt động bình thường trong nội bộ tỉnh. Giữa các tỉnh, ra vào có sự kiểm soát chặt chẽ, thì dịch vẫn không thể xâm nhập. Hơn thế nữa, hàng hóa và nông sản vẫn có thể lưu thông liên tỉnh bình thường với các tỉnh khác.

II. GIẢI PHÁP

Từ các phân tích trên cũng đủ để đưa ra các quyết định.

1. Khóa chặt biên giới về hành khách. Để lưu thông hàng hóa. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng của Chính phủ.

2. Tình hình dịch Việt Nam đang hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cần phải tiếp tục thực thi các biện pháp đã đề ra về phòng và kiểm soát dịch.

3. Không tiếp tục cách ly cùng một lúc trên toàn quốc.

4. Các tỉnh không có dịch, sau 15/4/2020 phải thiết lập cơ chế để nội bộ trong tỉnh lưu thông hoàn toàn bình thường.

5. Giữa các tỉnh đặt hệ thống kiểm soát để duy trì sự lưu thông liên tỉnh. Hạn chế sự di chuyển không cần thiết, kiểm soát được nguồn lây bệnh, nhưng không gián đoạn lưu thông, không cản trở lưu thông.

6. Với Hà Nội và TP HCM phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đây là điều rất quan trọng, phụ thuộc vào tài năng của lãnh đạo hai thành phố.

Có thể cách ly có điều kiện trong 1 đến 2 tuần nữa là cùng. Đầu tháng 5 phải trở lại hoạt động nội đô bình thường.

Với những người lãnh đạo giỏi và đầy tính quyết đoán, thì cả 2 thành phố Hà Nội và HCM đã có thể trở lại hoạt động bình thường sau 15/4/2020.

Nhưng điều đó sẽ không xảy ra với lãnh đạo hiện thời ở cả 2 thành phố.

III. NHẮN GỬI

1. Cùng một chính sách đưa ra, nhưng sự thành công phụ thuộc vào người thực thi.

Mức độ dịch ở Nhật nguy hiểm hơn so với Việt Nam, nhưng lãnh đạo Nhật để nước Nhật hoạt động bình thường, mà kiểm soát được lây nhiễm dịch, và không rơi vào tình thế náo loạn.

Từ đó để thấy, quyết định thôi cách ly toàn quốc ở Việt Nam thắng lợi hay bị đổ lỗi cho không đúng, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch ở hai thành phố quan trọng nhất là Hà Nội và HCM. Chính phủ vì thế mà phải rất coi trọng ở hai mặt trận này, sau mặt trận cửa khẩu biên giới.

2. Thành phố Hải Phòng đã đúng khi đóng cửa kiểm soát dòng lưu thông vào ra Hải Phòng ngay khi bắt đầu có lệnh cách ly toàn quốc. Đây là cách các tỉnh có thể học để vận dụng khi cho nội tỉnh hoạt động bình thường.

3. Tính cách con người quyết định các biện pháp mà họ sử dụng. Người có tính cách mạnh mẽ hành động rất quyết liệt. Trong những hoàn cảnh khó khăn, cần những người mạnh mẽ. Người mạnh mẽ biết dựa vào năng lực mạnh mẽ của mình mà hành động không do dự. Người yếu đuối vì do dự mà không sáng suốt, rồi sinh ra sợ sệt.

Hệ quả là, để quốc gia còn tiếp tục cách ly toàn quốc hay không – phần nhiều phụ thuộc vào tính mạnh mẽ của lãnh đạo.

4. Bởi thế, quyết định như thế nào, thắng lợi hay thất bại – phụ thuộc hoàn toàn vào ai là lãnh đạo!


Nguyễn Ngọc Chu

COVID-19 ĐÃ ĐẶT NHÂN LOẠI Ở NGÃ BA ĐƯỜNG


Ngay trước khi qua đời  Nikita Moiseev (1917-2000, Nga)  đã kịp để lại cho hậu thế một trước tác kinh điển: Tồn tại hay không tồn tại…Loài người?( NXB Tri thức 2019) , trong đó ông chỉ ra rằng loài người  đang đứng trước một tai họa vô cùng nguy hiểm. Đó là, Hệ sinh thái của Trái đất-ngôi nhà chung của chúng ta, có thể bị hủy hoại hoàn toàn trong một tương lai rất gần nếu nhân loại không hợp lực để cứu vãn tình trạng đang ngày càng bi thảm này. Theo ông, từ nửa cuối TK19 nền khoa học&công nghệ đã  hoàn hảo và hùng mạnh đến mức đủ sức để khai thác triệt để Tự nhiên như một “kho trời” vô tận, nơi tích lũy tất cả những gì cần thiết cho sự thỏa mãn những nhu cầu vô độ của con người, đồng thời cũng làm tăng tốc cuộc đại khủng hoảng  Môi trường sinh thái- Sinh quyển của Trái đất đang chín muồi. Moiseev cho rằng: “Loài người như một loài sinh vật mang tính hữu tử, và theo nghĩa ấy thì kết cục của lịch sử loài người một ngày nào đó sẽ đến. Và không phải  trong một tương lai hoàn toàn không xác định, mà có thể ngay vào giữa TK21”.

Rồi mới gần đây thôi thế giới lại xôn xao bàn luận về các tác phẩm trứ danh của Nhà nghiên cứu lịch sử trẻ tuổi người Israel, sinh năm 1976, Yuval Noah Harari :  Sapiens-lược sử về loài người, Homo Deus-lược sử tương lai, và  21 bài học cho TK21 (NXB Thế giới, 2018-2019). Theo ông cuộc CMKH&KT từ TK17 và những thành tựu huy hoàng của nó cho đến cuối TK20 tuy đã làm cho con người vượt qua được nỗi sợ muôn thuở  các nguy cơ  nạn đóibệnh tật và chiến tranh, nhưng lại tự chuốc vạ cho mình bởi những khát vọng trường sinh bất tử, hạnh phúc viên mãn và sức mạnh thần thánh. Nhưng chính khát vọng ấy sẽ mau chóng đưa loài người đến diệt vong bằng cách biến loài HomoSapiens thành một loài “nửa người nửa ngượm” với bộ não gắn “chip” trí khôn nhân tạo và các bộ phận cơ thể sống được chế tạo từ các tế bào gốc và vật liệu nano dẻo. Thế là chấm  hết mọi ý nghĩa thiêng liêng mà Tạo hóa dành cho Con người. Lời cảnh báo nghe có vẻ rất “kỹ trị” (technocrat) ấy xem ra không phải là viển vông. 

Với các cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nhưng họ đều có chung một thông điệp: TK20 là Thế kỷ cảnh báo, còn  TK21, là Thế kỷ lựa chọn giữa ngã ba đường: Sống thế nào hay là chết thế nào?.  Moissev đã không còn cơ hội để nhìn thấy TK lựa chọn sẽ xẩy vào lúc nào nữa. Còn Harari thì khi viết về dịch bệnh trong cuốn sách đầu tiên của mình chắc cũng không thể ngờ rằng đại dịch Covid -19 đang hoành hành trên khắp hành tinh này đã sớm đặt nhân loại giữa ngã ba đường, đứng trước một bước ngoặt lịch sử, đúng vào lúc cuộc khủng hoảng toàn diện toàn cầu đã hé lộ. Loài người thông minh không còn thời gian lưỡng lự hàng thế kỷ nữa, mà phải lựa chọn ngay từ bây giờ, từ những thập kỷ đầu tiên của Thiên niên ký thứ ba này, để sống sót và viết tiếp lịch sử của mình.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ L’Opinion (Pháp) ngày 1 tháng 4 vừa qua Harari cho rằng: “ Chúng ta đã bước vào một cơn lốc lịch sử do cuộc khủng hoảng sức khỏe này gây ra. Những quy luật bình thường của lịch sử đã hoàn toàn thay đổi. Và chỉ trong vài tuần, những gì không thể trong quá khứ giờ đã trở nên bình thường. Sự thay đổi này có nghĩa là, một mặt chúng ta nên cực kỳ thận trọng, mặt khác chúng ta cũng nên cho phép mình có những ước mơ”.  Thật là một phán xét chí lý! Phải cực kỳ thận trọng để đánh giá toàn diện tác động khó lường của cuộc khủng hoảng trầm trọng này, đồng thời cũng phải tổng kiểm duyệt nhằm phát hiện những bất cập cần phải hủy bỏ ( có thể nói là rất, rất nhiều!) trong các văn bản pháp luật ở tầm quốc tế và quốc gia; nhưng mặt  khác lại phải có đủ hoài bão sáng tạo để tận dụng những cơ hội hiếm có mà nó mang lại.

Như chúng ta đã thấy, chỉ trong vài tuần Covid-19 đã  rung chuyển thế giới, làm lung lay nhiều quan niệm truyền thống về cuộc sống của con người và các định chế xã hội (từ cấp độ toàn cầu đến  quốc gia). 

Từ chỗ là một thành  phần cơ hữu của Tự nhiên, mấy thế kỷ vừa qua loài Homo Sapiens đã tự tách mình ra khỏi và đứng trên Tự nhiên, cố gắng đóng vai trò của Chúa thiết kế nên sự sống. Ngay từ năm 1818 Mary Shelley ( Anh,1797-1851 ) đã cảnh báo sự trừng phạt nặng nề sẽ đến đối với cái cố gắng bất kính Tạo hóa ấy thông qua con quái vật Frankenstein- một thực thể động vật nhân tạo do một nhà khoa học chế tác, rồi vô tình làm sổng nó khỏi tầm kiểm soát và gây ra những tai hoạ  khủng khiếp. Con virus Sars-Cov-2  là hiện thân thực thể của con Frankenstein do nhà văn tưởng tượng. Chỉ có điều bà Mary Shelley đã cho Frankenstein được sổng chuồng một cách vô tình, còn con Sars-Cov-2 thì hình như không phải vậy: tuy chưa có bằng chứng chắc chắn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng trước sau sự thật sẽ chỉ mặt vạch tên tác giả của con virus nguy hiểm này và bọn tội phạm diệt chủng nào đã cố tình thả nó ra?

Dù sao ta  cũng phải cám ơn sự xuất hiện của con virus chủng Corona tinh quái đã gây ra đại dich Covid-19 vào đúng lúc này, vào lúc mà lời cảnh báo của Moiseev về ngày tận thế của Sinh quyển rất có thể đang cận kề, trở thành hiện thực. Và đúng như Gael Giraud ( Pháp, Diendan.org 4-2020 ) đã sớm nhận ra: “ Đại dịch này là cơ hội để chúng ta thay đổi cuộc sống và các định chế nhằm tới hạnh phúc trong sự tiết độ và và sự tôn trọng tính hữu hạn [của trí lực con người]”. 

Có nhiều phán xét và dự báo đã được đưa ra, ít nhiều đều có cơ sở, nhưng cũng có những kết luận vội vàng và có cả những ngộ nhận. 

Về phương diện dịch bệnh. Chưa ai biết chắc bao giờ Vovid-19 sẽ qua đi, nhưng với quyết tâm điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng của các chính phủ và nỗ lực sáng tạo phi thường của cộng đồng khoa học thế giới, ta có cơ sở để hy vọng nó sẽ sớm được dập tắt. Tuy nhiên nếu con virus này là nhân tạo ngoài vòng kiềm chế, không theo quy luật virus tự nhiên thì vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nó tiếp tục tạo ra các đỉnh mới? Hay một đại dịch khác đang chờ sẵn trong lai rất gần, và cứ thế tiếp tục… cho đến cho đến thời  hạn chót mà Moiseev đã cảnh báo. Riêng tôi vẫn hy vọng rằng đại dịch này mới  là một cú tát của Tạo hóa chỉ vừa đủ làm cho chàng Homo Sapiens đang say lảo đảo tỉnh ngộ.

Về phương diện knh tế. Nhìn vào các gói trợ cấp khổng lồ mà tuần qua các chính phủ đồng loạt khẩn cấp tung ra để cứu vãn nền kinh tế và sự an sinh xã hội của nước mình, ta có thể thấy được mức độ tàn phá của Covid-19 gây ra. Nếu trong vài ngày tới New York “vỡ trận” thì một cuộc Đại suy thoái mới này có thể còn trầm trọng hơn cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới xẩy ra từ năm 1929 đến đầu những năm 40 thế kỷ trước, cũng xuất phát từ thành phố này khi thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ. Thế nhưng khẳng định rằng : Chủ nghĩa tự do kinh tế, vốn là bùa thiêng cứu các nước công nghiệp vào thập kỷ 70-80 thế kỷ trước, đã hoàn toàn thất bại ; và rằng : Kỷ nguyên cực thịnh của Toàn cầu hóa đã qua [John Gray, New Statement 4-2020 v.v…  ], thì có lẽ là hơi vội.  Sau đại dịch này Chủ nghĩa tự do kinh tế sẽ tự điều chỉnh để thích nghi theo hướng  : Từ bỏ mục tiêu Tăng trưởng không ngừng bằng mọi giá bất chấp sự hủy hoại môi trường sinh thái - nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đại dịch này; điều chỉnh mối tương liên giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng giá trị  toàn cầu để nó “lỏng lẻo’ hơn, linh hoạt hơn. Toàn cầu hóa cũng vậy, nó vẫn không thể đảo ngược được. Chỉ có điều, sau đây nó sẽ không chỉ là sân chơi chủ yếu của nhóm nước “ một tỷ vàng” và các Công ty xuyên quốc gia, luật chơi sẽ được viết lại để sự hợp tác bình đẳng hơn như đang xẩy ra trong đại dịch này, để cùng sống sót sau bất kỳ tai họa nào trong tương lai.

Về phương diện chính trị. Thông thường thì khi phải xử lý tình trạng khẩn cấp, một thể chế chuyên chính có nhiều lợi thế hơn. Nhưng trong đại dịch này con Covid-19 đã buộc mọi quốc gia, không phân biệt thể chế, phải tiến hành các biện pháp cưỡng bức như nhau. Có  người lo   rằng xu hướng này sẽ dẫn đến thất bại của nền dân chủ. Không hẳn vậy, đây lại chính là một cơ hội cho các thể chế dân chủ ( đặc biệt ở những nước “một tỷ vàng” ) điều chỉnh thể chế. Còn nhớ ngày11 tháng 11 năm 1947 cố Thủ tướng Winston Churchill đã có một tuyên bố nổi tiếng trước Quốc hội Anh : “ Dân chủ không phải là hình thức xã hội tối ưu, nhưng hiện nó đang là hợp lý nhất, và vẫn chưa có thể chế nào hay hơn nó.”  Điều này vẫn còn nguyên giá trị  cho đến ngày nay. Mới đây Garett Jone đã xuất bản cuốn sách thú vị “ Ít đi 10% Dân chủ” ( 10% less Democracy, Stanford Univversity Press, 2-2020 ) với ngụ ý rằng ở các nước G-7  nên bớt đi 10% Dân chủ sẽ tốt hơn. Theo ông thì Singapore Dân chủ đã mất đi 50% rồi,[ vậy thì con số ấy của Trung Quốc phải là 90%!?] . Covid-19 là cơ hội để nền Dân chủ thúc đẩy cải cách theo kiểu đó, chứ nó không thể thất bại. Sau đại dịch người dân có thể chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền  bằng căn cước điện tử nhằm phục vụ an sinh, như để phòng chống dịch bệnh…, chứ không dễ dàng từ bỏ khát vọng được tự do biểu đạt ý kiến riêng trên mạng xã hội. Sau đại dịch bất ngờ này nhân dân toàn thế giới càng nhận thức rõ thế nào là một chính quyền thật sự vì Dân, tôn trọng sự minh bạch và trách nhiệm  giải trình. Người dân chỉ cần một chính phủ hành động quyết liệt và hiệu quả, chứ không cần những khẩu hiệu chính trị suông.

Về các giá trị truyền thống. Covid-19 đã làm chúng ta hốt hoảng đến nỗi nhiều người nghĩ rằng sau đây mọi giá trị sẽ đảo lộn. Điều này chỉ là biểu hiện của tình trạng mà Thanh Viêt ( Nhà văn mỹ gốc Việt, Giải Pulitzer 2016 ) đã nhìn thấu : “Kẻ thù thực sự của chúng ta không phải là con virus, mà là phản ứng của chúng ta với virus – một phản ứng đã bị suy thoái và biến dạng bởi sự bất bình đẳng về cấu trúc của xã hội”. Cái phải thay đổi không phải là các giá trị truyền thống cốt lõi như lòng vị tha và tình yêu thương đồng loại, đúng là: “Lòng tốt với người khác là điều quý giá đến mức phải được chia sẻ”. Hàng ngũ Y- Bác sĩ và các nhân viên y tế toàn thế giới lần này đúng là các vị Bồ tát cứu nhân độ thế. Các nhà khoa học khắp nơi chưa bao giờ có dịp hợp tác vô tư đúng với tinh thần học thuật vì mục đích nhân đạo, như đang cùng nhau chung sức chống tác hại của con virus nhỏ bé mà tàn bạo này. Và có lẽ cũng từ khi sinh ra đến giờ loài Homo Sapiens mới có dịp định thần để suy nghĩ và trải nghiệm lại giá trị của gia đình như một tế bào của xã hội. 

Về lối thoát. Đã 20 năm kể từ khi lời kêu gọi thống thiết của Nikita Moiseev về việc ngăn chặn thảm họa Môi trường sinh thái – Sinh quyển của Trái đất, vẫn bị các Tổ chức quốc tế có liên quan, các chính phủ và cộng đồng xã hội ngó lơ. Đề  xuất của ông về việc giới tinh hoa toàn cầu phải mau chóng hợp sức tạo ra Trí quyển – Tập hợp Trí tuệ của nhân loại để cấp cứu Sinh quyển trước khi nghĩ đến những điều to tát hơn, hình như cũng sắp rơi vào quên lãng.

May thay, Covid-19 xuất hiện như một sự sắp xếp của Tạo hóa, nhắc nhở loài người về một ngày “tận thế” không xa…Đi về phía ấy hay rẽ sang ngã khác phụ thuộc vào mỗi chúng ta.


Chu Hảo