Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Chúng ta cần chăm lo cho hậu dịch covid-19 ngay trong khi còn đang chống dịch

(tiếp theo bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật” ngày 12-03-2020)

Nguyễn Trung


Sau tuyên bố ngày 11-03-2020 của WHO về tình trạng đại dịch toàn cầu covid-19 (pandemic), cho đến nay chưa có dự báo nào về sự kết thúc của đại dịch này. Trên toàn thế giới đại dịch này đang thời kỳ bùng phát với tốc độ và sự lây lan rất cao, tâm điểm là châu Âu. Số người nhiễm bệnh và số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đều lớn hơn số trong nội địa Trung Quốc. Tổng thống Pháp phải nói với dân mình đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Nhiều nước và nhiều vùng phải ban bố tình trạng khẩn cấp…

Dựa vào diễn biến của dịch bệnh ở Trung Quốc, tôi suy đoán có lẽ phải tới tháng 5 hoặc tháng 6-2020 (có thể quá lạc quan?) thế giới mới có thể vượt qua được đại dịch covid-19, để quay trở lại cuộc sống bình thường – với nghĩa là không còn dịch, nhưng kinh tế và toàn bộ đời sống nói chung trên thế giới đã bị đại dịch xáo trộn có lẽ còn lâu mới có thể trở lại bình thường, thậm chí đại dịch có thể để lại hàng loạt hậu quả chưa thấy ở đâu có giải pháp thỏa đáng!..

Dự đoán như vậy, tôi nghĩ trên cả 2 mặt trận chống dịch (bây giờ là giai đoạn 2 đang rất căng thẳng) và cứu kinh tế, cả nước ta phải chống chọi quyết liệt với vài ba tháng cực kỳ bất thường nữa phía trước, rồi mới có thể đi vào thời kỳ phát triển không còn dịch – [với điều kiện y học của loài người loại trừ được dịch bệnh covid-19 này, không có hiện tượng tái phát, và không có làn sóng thứ 2 của đại dịch này vào mùa đông 2020 như một số dự báo đầy lo lắng!].

Có lẽ mỗi người chủ gia đình, mỗi người đang đứng mũi chịu sào của một doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh dù nhỏ hoặc lớn, một đơn vị công tác, nghiên cứu, giảng dậy, vân… vân.., vân… vân.., cho đến từng thành viên trong nội các Chính phủ đang còng lưng gánh vác trên vai mình những trách nhiệm đối với cả một lãnh vực công tác được giao.., sẽ là những người thấm thía hơn ai hết thế nào là chống chọi với vài ba tháng cực kỳ quyết liệt nữa sắp tới! Vâng, có thể nói thấm thía đến mức không thở được! – (Đương nhiên ở đây tôi không nói đến những con người hay hành vi “tuýp Nguyễn Quang Thuấn”!)

Những số liệu có được trong tay thật hãi hùng. Ví dụ sản lượng toàn cầu đến nay đã tổn thất tới 2700 tỷ USD vì covid-19, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 khi chưa có dịch dự báo là 3,1%, nay có dịch sẽ chỉ còn là 2,2% (kịch bản A), hoặc là 1.2% (kịch bản B).., và kịch bản xấu nhất sẽ là tăng trưởng 0% nếu tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm; kinh tế TQ dự kiến trước khi có dịch tăng 6,8%, nay sau dịch có thể sẽ chỉ còn 3,5% (TQ dự báo là 5 – 6%); kinh tế Mỹ, Nhật , Đức… hiện đều đi vào suy thoái – theo Bloomberg. Giám đốc Cục Dự trữ Liên Bang Steven Mnuchin ngày 17-03-2020 cho rằng nạn dịch có thể sẽ làm cho 20% lao động Mỹ thất nghiệp và yêu cầu các thượng nghị sỹ Cộng Hòa phải tính đến kế hoạch huy động khoảng 1000 tỷ USD để chống dịch và kích thích kinh tế Mỹ [1]. Tạp chí Foreign Affairs số 16-03-2020 đặt câu hỏi liệu đại dịch có thể chấm dứt mô hình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay hay không? – không phải vì toàn cầu hóa là sai, mà vì đại dịch đã phá vỡ cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau như một tất yếu của toàn cầu hóa, và kinh tế học hiện nay chưa đề ra được giải pháp khắc phục! Đã có lúc xảy ra trong vòng một ngày của tháng 3-2020 thị trường chứng khoán thế giới bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, ngành du lịch và hàng không thế giới có quy mô khoảng 9 nghìn tỷ Euro năm nay sẽ thiệt hại vài chục phần trăm; nguồn cung và nguồn cầu của toàn bộ kinh tế thế giới đều đổ vỡ do tác động của đại dịch; ở châu Âu và nhiều quốc gia khác riêng việc phong tỏa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không để ngăn chặn lây lan của đai dịch sẽ kéo dài đến giữa tháng 4-2020, kéo theo cơ man sự đình đốn mọi kiểu khác nhau như gián đoạn, đứt gãy, đổ vỡ trong kinh tế và rối loạn trong đời sống, v… v…

Những con số như thế trong nền kinh tế nước ta hiện nay quyết liệt cũng không kém. Trong tháng 3-2020 đã có ngày thị trường chứng khoán nước ta bốc hơi khoảng 10 tỷ USD, vốn ngành hàng không trên thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 1/3 giá trị (37%), doanh thu ngành hàng không VN trải qua đại dịch sẽ mất khoảng 30.000 tỷ VNĐ..; hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ có nguyên liệu sản xuất cho vài chục ngày tới, đang phải tìm cách thay đổi nguồn đầu vào hoặc thay đổi sản xuất; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tiền trả lương cho công nhân vì phải ngừng sản xuất – cả nước và xã hội buộc phải tìm các biện pháp khác bất thường cứu công nhân, ngành du lịch và hàng không điêu đứng vì tác động của đại dịch, các trường học phải đóng cửa kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy… Khảo sát 1200 doanh nghiệp nhỏ và vừa các loại, có tới 74% có thể sẽ phá sản nếu nạn dịch kéo dài tới 6 tháng vì doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động… [2]

Chính phủ sẵn sàng chịu những tổn hại trong kinh tế để chống dịch và cứu các doanh nghiệp; đang phải tìm mọi cách giãn thuế, hạ lãi xuất điều hành và lãi xuất cho vay của các ngân hàng, tăng cường đầu tư khu vực công để kích cầu, vận động sự tương thân tương ái giữa các doanh nghiệp.., và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khác; đồng thời phải phòng ngừa lạm phát, vừa phải huy động mọi nguồn để thúc đẩy sản xuất..; phải chăm lo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng và tránh đầu cơ tích trữ, vừa phải đáp ứng mọi đòi hỏi của nhiệm vụ chống dịch, v… v…

Tuy nhiên, sau đại dịch này thế giới sẽ có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác chưa dự đoán được, tác động sâu sắc vào mọi quốc gia.

Đó là những vấn đề địa chính trị, rồi đến những vấn đề địa kinh tế xuất hiện đồng thời, rồi đến sự tác động qua lại ngay tức khắc của 2 loại vấn đề này gây ra các xáo trộn khu vực và dội vào mọi quốc gia hữu quan.

*

Nổi lên hàng đầu trong những vấn đề địa chính trị vẫn là sự tranh chấp giữa 3 thế lực lớn nhất là Mỹ (và đồng Minh), Trung Quốc và Nga. Xen vào đó là sự tranh chấp giữa 3 thế lực này là các khu vực nóng bỏng nhất, đó là Trung Đông – trong đó có vấn đề Syrie, liên quan đến Thổ và Nga, vấn đề Iran, vai trò của Mỹ; tiếp đến là mối quan hệ căng thẳng Nga – NATO liên quan đến toàn châu Âu và v/đ Ukraina – Grym; tiếp đến là vấn đề Biển Đông liên quan đến Mỹ (và đồng minh) và Trung Quốc. Trong những vấn đề địa chính trị đầy căng thẳng và vô cùng phức tạp này, mối nguy lớn nhất là các đối thủ tham gia (the players) – trước hết là 3 đối thủ chính Mỹ, Trung, Nga – đều có những tính toán quyết liệt có thể dẫn tới những biến động lớn khó lường trước.

Trung Quốc sau khi hứng chịu đòn kép là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch covid-19, nay đã bắt đầu phản đòn, tập trung nhằm vào Mỹ. Về đối nội, TQ đang đẩy mạnh chiến dịch củng cố hơn nữa vai trò của Tập Cận Bình nói riêng và vị thế của TQ nói chung. Nhằm lấy lại lòng tin trong nhân dân để vượt qua mọi hậu quả của đại dịch, TQ đề cao chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã chiến thắng vẻ vang đại dịch covid-19. Về đối ngoại những nỗ lực của chiến dịch này trực tiếp nhằm vào Mỹ, với luận điệu tố cáo Mỹ là thủ phạm của đại dịch và đề cao vai trò TQ đi đầu trong chống dịch trên toàn thế giới (thậm chí còn nói: TQ chịu trận thay cho cả thế giới, và thế giới nợ Trung Quốc lời cảm ơn…). TQ đang tìm mọi cách khoét sâu vào 3 chỗ yếu của nhất của chính quyền Trump là (a)Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế, (b)nội bộ Mỹ chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, và (c)đang rất lúng túng trong việc chống dịch [Mỹ hiện chưa kiểm soát có hiệu quả đối với đại dịch, thua Hàn Quốc và Nhật trong v/đ này]. TQ đang chuẩn bị những bước đi mới, kể cả xét lại việc hưu chiến trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay TQ tập trung củng cố đối nội, trước hết tăng cường vai trò của Tập vốn bị thách thức nặng nề trong đại dịch; mặt khác giương cao ngọn cờ bảo vệ toàn cầu hóa và hội nhập (đối nghịch với “America first!” của Trump) để cải thiện vị thế của Trung Quốc trong bàn cờ lớn – đặc biệt chú trọng vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Hongkong.

Lợi dụng lợi thế trước mắt giành được qua vấn đề Syrie, Putin tăng cường vị thế của Nga trong quan hệ với Mỹ và EU, cứng rắn hơn trong quan hệ với NATO và Mỹ - kể cả trong vấn đề chạy đua vũ trang (với lý do phản đối Mỹ/Trump đã rút khỏi những thỏa thuận đã kí trong hiệp định INF), đồng thời quyết không giảm sản xuất dầu, chấp nhận chịu thiệt để cho giá dầu sụt nữa trong đại dịch nhằm tăng áp lực với các nước ả-rập, đánh vào kinh tế dầu lửa của Mỹ (hiện nay giá sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cao hơn giá dầu trên thị trường quốc tế), và đồng thời muốn làm OPEC lụn bại để đánh vào đồng Dollar... Chuẩn bị lâu dài cho chiến lược lấy lại vị thế siêu cường của Nga, Putin đang tiến hành cải tổ hiến pháp, nhằm vào cái đích sẽ ở lại cầm quyền cho đến năm 2036.

Trump vừa mới thoát khỏi nguy cơ bị phế truất (impeachment), lại rơi ngay vào tình trạng: đại dịch covid-19 xảy ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế (hiện nay đã xuất hiện những biểu hiện đầu tiên). Cả 2 vấn đề này (đại dịch và kinh tế suy thoái) đều áp lực mạnh lên khả năng tranh cử sắp tới của Trump. Đồng thời Trump lúc đầu chủ quan và bây giờ khá lúng túng trong chống covid-19. Thêm vào đó những bước đi của Trump trong v/đ Bắc Triều Tiên không đạt kết quả, quan hệ với Iran rất căng thẳng với nguy cơ nổ ra chiến tranh (sau khi Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani trên đất Iraq), mặt khác qua quyết định về công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (để củng cố vị thế của Mỹ ở Trung Đông) càng làm cho tình hình Trung Đông căng thẳng thêm; thỏa thuận hòa bình đạt được với Taliban ở Afghannistan rất mong manh... Khả năng Trump có nhiệm kỳ 2 vẫn còn, song vì các lý do đối nội và đối ngoại, vì tác động của đại dịch, vị thế Mỹ so với các đối thủ chính đã giảm đi phần nào so với đầu nhiệm kỳ của Trump. Cụ thể là do suy yếu trong nội bộ Mỹ, do phương pháp thực hiện, và do nhiều lý do bất khả kháng khác.., nhiều bước đi chiến lược của Trump tuy đúng cho lợi ích nước Mỹ về phương hướng, nhưng trong thực hiện lại gây ra phản tác dụng –: Rút khỏi Syrie để lôi kéo Nga đã biến thành nhượng bộ do yếu đối với Nga – với nghĩa Mỹ bỏ rơi mặt trận này; tranh thủ Kim Châng Un trở thành Mỹ thất thế với TQ và Nga trên phương diện này; gây sức ép “America First!” với đồng minh – trước hết là EU… – để bớt gánh nặng cho Mỹ biến thành chia rẽ với đồng minh; tăng sức ép với Iran trong tình hình Mỹ không có hậu thuẫn của đồng minh biến thành nguy cơ Mỹ lâm chiến với Iran mà Trump hoàn toàn không muốn, hệ quả là mọi rối rắm ở Trung Đông từ thời Bush (con) hầu như còn nguyên vẹn đối với Mỹ hôm nay (mặc dù đã phải trả giá bằng cuộc chiến tranh Iraq tốn kém và đẫm máu kéo dài 6 năm!); nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến khả năng Trump có nhiệm kỳ 2, nên trong ký kết hưu chiến thương mại Mỹ - Trung Trump đã phải nhượng bộ TQ phần nào (cả về nội dung và thể thức ký kết)… Trong khi đó mọi hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông cho đến nay tuy được tăng cường hơn so với thời trước Trump, song vì nhiều lý do của Mỹ và những lý do của chính khu vực này, nên về cơ bản vẫn chưa vượt được ra ngoài khuôn khổ FONOPs có từ thời Obama. Trong khi đó chủ trương của Trump tập hợp liên minh Châu Á-Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương nhằm chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc (còn gọi là tứ giác kim cương) chưa tạo ra được sự hưởng ứng phải có từ các nước hữu quan, nhất là từ phía Ấn Độ... V… v…

Đáng chú ý là trong tranh cử để ra ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ, các nhân vật tranh cử chỉ tập trung vào những vấn đề đối nội và chĩa mũi nhọn vào Trump, hầu như không nói gì về đối ngoại – trong đó có vấn đề TQ - (hiện nay Biden có triển vọng nhất trong đảng Dân chủ). Giới chức nắm được thực chất và có những quan điểm đúng và chiến lược đúng đối với những vấn đề kinh tế, đối nội và đối ngoại phục vụ cao nhất lợi ích của Mỹ trong thế giới hôm nay chủ yếu là giới chuyên gia và giới nghiên cứu, song cả 2 giới này đều không được Trump trọng dụng, thậm chí nhiều khi bị sa thải nếu không chịu phục tùng tính cách thô lỗ, háo thắng và sự thất thường của Trump – và đây là thiệt thòi hay là mối nguy lớn cho nước Mỹ!

Có lẽ phải chờ đến nhiệm kỳ 2 của Trump (nếu có), hoặc chờ triều đại chính quyền mới của Mỹ của đảng Dân chủ, mọi chuyện mới rõ ràng. Tuy nhiên, dù thế nào, với Trump – hoặc với một nhân vật nào khác từ đảng Dân chủ - nước Mỹ có thể thay đổi những biện pháp thực hiện, song trước sau Mỹ có lẽ vẫn phải trụ lại trong chiến lược bảo vệ vị thế số 1 thế giới của Mỹ hiện nay, và Mỹ vẫn có khả năng lớn thực hiện được chiến lược này.

*

Về những vấn đề địa kinh tế. Đập vào mắt mọi người trước hết là câu chuyện toàn cầu hóa kinh tế thế giới là một sự vận động tất yếu khách quan của phát triển; song covid-19 đã phá vỡ trên thực tế hầu như toàn bộ cấu trúc của toàn cầu hóa kinh tế hiện nay: Hiện tượng chủ yếu là nguồn cung và nguồn cầu, và đồng thời là phương thức vận động của kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa dựa trên phát huy tối đa lợi thế sự phụ thuộc lẫn nhau để làm ra của cải nhiều hơn nữa đang bị dịch bệnh covid-19 làm đổ vỡ, rối loạn, đứt gãy… không cưỡng lại được. Kinh tế học của loài người chưa phát minh ra được cấu trúc toàn cầu hóa nào khác cho kinh tế thế giới có thể bền vững trước một thế lực hủy hoại như covid-19.

Mấy tháng vừa qua trong quá trình diễn tiến của đại dịch covid-19, trên mọi diễn đàn của các nước phát triển, lúc đầu – khi nạn dịch còn bó khung trong lãnh thổ Trung Quốc, được bàn cãi sôi nổi nhất là vấn đề làm thế nào thoát Trung, với nghĩa thoát mọi sự lệ thuộc vào Trung Quốc như là một nguồn cung khổng lồ nhiều thứ cho kinh tế thế giới, và đồng thời là một thị trường tiêu thụ còn lớn hơn cả thị trường tiêu thụ của Mỹ rất cần thiết cho kinh tế thế giới. Đơn giản vì TQ là công xưởng của thế giới, kinh tế chiếm 17% GDP thế giới và đóng góp khoảng 33% tăng trưởng của kinh tế thế giới!

Trong khi câu hỏi thoát Trung là thoát cái gì cụ thể và thoát thế nào chưa có lời giải, nạn dịch từ tháng 2-2020 lan ra khắp thế giới, gây ra mọi đổ vỡ, gián đoạn, đứt gẫy… ở các mức độ khác nhau ngay trong lòng mọi nền kinh tế và đời sống của tất cả các nước phát triển. Nguy hiểm hơn nữa giữa lúc này hầu hết những nền kinh tế của các nước phát triển đang có nhiều khó khăn lớn, như nợ lớn và thâm hụt ngân sách ngày càng cao, tăng trưởng kinh tế thấp hoặc thậm chí đang trong tình trạng suy thoái, nội trị phát sinh nhiều vấn đề mới (Đức, Pháp, Anh…)… - đúng với tình trạng họa vô đơn chí!

Cho đến nay, ngoài những biện pháp mọi dạng đã thực hiện (chủ yếu là bơm tiền ra để “cấp cứu” trong chống dịch, và đồng thời để phòng ngừa kinh có thể tế đổ vỡ không cứu vãn được), chưa một nước phát triển nào, kể cả Mỹ, có quốc sách khả thi đối mặt có hiệu quả với sự phá hoại mọi mặt của covid-19, nhất là trong kinh tế.

Trong bàn cãi này, giới nghiên cứu của các nước phát triển hầu như có sự thừa nhận chung: Coi sự hủy hoại của covid-19 và những vấn đề nó đặt ra là hiện tượng nghiêm trọng chưa từng có trong thế hệ đương đại hiện nay đối với kinh tế mỗi quốc gia nói riêng và cho kinh tế thế giới nói chung. Đại dịch xáo trộn hầu như toàn bộ cuộc sống con người: Hàng trăm hàng trăm triệu học sinh và sinh viên không được đến trường. Nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, nhà hát, sân vận động… đóng cửa. Bên cạnh cái chết dịch là quang cảnh chết của hết thành phố này đến thành phố khác. Thậm chí giao tiếp bình thường giữa người và người cũng phải thay đổi – kể từ cái bắt tay!.. Rồi sẽ là gì nữa sau dịch? Một khi cuộc sống sẽ được xổ lồng khỏi cũi chết – sẽ là một cơn ngắc ngoải kéo dài chăng? Hay lại là một làn sóng rối loạn mới trước khi có trời yên bể lặng?!.. Tất cả đều vượt ra khỏi tầm cảm nhận và khả năng suy nghĩ của con người! Và hầu như chưa đâu tìm ra được lời giải cụ thể cho những vấn đề đại dịch đặt ra sau khi nó buông tha thế giới lần này. Trật tự thế giới đang được xắp xếp lại!!!.. Kết luận: Chỉ còn cách phải bắt đầu từ suy nghĩ khác, tìm cách sống khác...

Tuy nhiên, toàn cầu hóa – nhất là trong kinh tế - là tất yếu khách quan không thể tránh né. Sự hủy hoại của covid-19 không phủ nhận toàn cầu hóa và thật ra không thể phủ nhận được. Đại dịch covid-19 chỉ đặt ra vấn đề phải tìm ra mô hình và phương thức mới phù hợp của toàn cầu hóa cho thế giới đương đại hôm nay trước sự xuất hiện một thế lực hủy hoại mới – bao gồm cả vấn đề cả thế giới chỉ có cách hữu hiệu nhất là cùng chung tay chống đại dịch [3].

Thực ra lịch sử của homo sapiens là lịch sử đối phó liên tiếp với những quá trình hủy hoại như thế đã luôn luôn xảy ra trong từng thời kỳ của thế giới tự nhiên (bao gồm cả dịch bệnh) và trong quá trình phát triển của chính bản thân xã hội loài người, thế giới trong những thế kỷ gần đây cũng vậy: Đó chính là quá trình loài người phải tìm cách thích nghi để sống sót và khai phá con đường phát triển tiếp cho một phạm vi không gian và thời gian nào đó phía trước. Số phận của mỗi cộng đồng dân cư / quốc gia tùy thuộc vào khả năng chịu đựng sự sàng lọc và thích nghi như vậy của nó.

Vậy hôm nay, câu trả lời đầu tiên (nguyên thủy) mang tính phương pháp luận của mọi quốc gia bước vào thời kỳ hậu covid-19 sẽ có thể là phải thay đổi tất cả để thích nghi mà sống trong một quá trình toàn cầu hóa mới, với những suy nghĩ, nhận thức và hành động mới! Đặt vấn đề như vậy có nghĩa mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, mọi thể chế, và từng cá nhân con người – nói cho đến cùng và thực ngắn, đó là từng sản phẩm – đều phải chịu sự sàng lọc trong quá trình thích nghi mới này. Hiểu như vậy, ngay tức khắc chúng ta thấy được cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh mới này sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng của nó như là một trong những nhân tố quyết định tham gia vào quá trình sàng lọc và thích nghi này! Đến đây phải chăng có thể kết luận: Sống trong hậu đại dịch covid-19 đòi hỏi phải thấu hiểu quá trình sàng lọc và thích nghi mới này!?

Chưa nói đến nguy cơ chiến tranh thế giới III vốn dĩ đã tiềm tàng trước khi có đại dịch covid-19, nhất là tại khu vực Biển Đông và trong quan hệ Mỹ - Trung; tại những nơi khác có lẽ khó hơn. Thời hậu dịch sẽ đẻ thêm ra nhiều rối ren mới nguy hiểm. Hầu như chắc chắn cuộc giành giật nhau giữa 3 đối thủ chính sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Như là quy luật của trò chơi vương quyền, trận địa chính của họ vẫn là các nước bên thứ ba. Nghĩa là ngay sau khi đại dịch covid-19 kết thúc, không thể hay rất khó có khả năng có ngay hòa bình cho các nước bên thứ ba. Thay vào đấy sẽ là một thế giới được covid-19 bổ sung thêm đầy những bất định mới khó lường – trước hết là đối với các nước bên thứ ba, trước khi thế giới có thể đi tới được một nền hòa bình của một trật tự quốc tế mới – với sự loại bỏ hay thay đổi được chí ít một đối thủ chính nào đó [4].

Ngay từ bây giờ, giữa lúc thế giới đang cao điểm của đại dịch, Trung Quốc và Nga đã và đang triển khai những bước đi quyết liệt đầu tiên để tranh thủ cơ hội. Những mặt yếu kém hiện hữu của Mỹ và sự rối ren của một thế giới thời hậu dịch là những hấp dẫn lợi hại đối với Trung Quốc và Nga [5], có thể dẫn tới những toan tính quá trớn và nguy hiểm (N P Walsh, CNN 17 và 18-03-2020). Cả 2 đối thủ chính này đang quyết tâm sống còn giành lấy cơ hội này để cải thiện vị thế quốc tế của họ so với Mỹ. Phải thừa nhận là với hệ thống chính trị và quyền lực băng nhóm của mình, Tập Cận Bình và Vladimir Vladimirovich Putin là 2 nhân vật thích hợp cho những mưu tính toàn cầu của 2 quốc gia đối thủ này. [Giới quyền lực Trung Quốc hiện nay đánh giá Tập còn cao hơn Mao. Còn Putin được giới quyền lực Nga ca ngợi là vốn quý của nước Nga!]

Tuy không có phép miễn trừ nào được dành riêng cho kinh tế Trung Quốc và kinh tế Nga, song phải thừa nhận, để theo đuổi những mục đích toàn cầu, ngoài đặc thù của Nga có lợi thế rất lớn về địa lý và tài nguyên và sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, Trung Quốc có lợi thế rất lớn vế kinh tế quy mô (economics of scales), chế độ toàn trị của 2 quốc gia này cho phép thực hiện những biện pháp cực đoan ở phạm vi nhất định cho những mục tiêu toàn cầu mà nhân dân 2 nước này phải trả giá, và đồng thời có thể thực hiện nhiều biện pháp bất chính khác – ví dụ như chúng ta đã thấy trong quá trình phát triển 70 năm qua của Trung Quốc. Trong khi đó các nước phát triển không thể làm như vậy được.

Tuy nhiên tiềm lực kinh tế của Nga rất hạn chế là trở lực chính cho tham vọng của Nga.

Kinh tế TQ ngày càng chồng chất những vấn đề nan giải sau đại dịch, ngoài chú trọng đẩy mặt phát triển theo hướng nội, song TQ sẽ vẫn ráo riết phản công trên 2 mặt (a)tiếp tục khai thác khả năng cung ứng của công xưởng thế giới, và (b)tận dụng sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ khổng lồ - vì vậy TQ vẫn là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ, đặc biệt là trên phương diện phân hóa đồng minh của Mỹ, tập trung sức nặng vào các sân sau của Mỹ, và đồng thời tìm cách phát huy những ưu thế tại chỗ mà TQ đang nắm trong tay – trước hết là trong khu vực ĐNÁ.

Tóm lại, sự xuất hiện của đại dịch covid-19 làm nảy sinh thêm những vấn đề địa chính trị và địa kinh tế hoàn toàn mới, đẩy thế giới vào tình trạng bất định hơn nữa chưa lường hết được, chưa đâu tìm ra được giải pháp ứng phó có thể tin cậy... Đấy sẽ là một thế giới mới, do cục diện thế giới sang trang và đại dịch xắp xếp lại. Nên coi đây là một thách thức kép đối với nước ta, đòi hỏi nước ta nhất thiết phải tạo ra cho mình khả năng có thể vượt qua quá trình sàng lọc và thích nghi mới này, để tồn tại và phát triển được trong giai đoạn toàn cầu hóa mới của thế giới đương đại…

*

Trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật”, tôi đã trình bầy sơ bộ những vấn đề nghiêm trọng và quan trọng nhất của đất nước và của ĐCSVN, khuyến cáo Đại hội XIII nên trực tiếp bắt tay vào giải quyết. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những tồn đọng cố hữu của ĐCSVN và thể chế chính trị từ nhiều thập kỷ nay, cục diện thế giới sang trang đòi hỏi quyết liệt phải sớm khắc phục. Trong bài này tôi muốn lưu ý ngay từ lúc còn đang phải chống dịch, chúng ta – trước hết là ĐCSVN - rất cần phải chú trọng đối mặt với những vấn đề sống còn của đất nước thời sau đại dịch. Đơn giản vì tình hình quá khẩn trương, mà thời gian không có nhiều.

Thực tiễn quá trình chống dịch vừa qua đã làm nảy sinh nhiều gương lao động mới, nhiều sáng kiến mới rất quý báu. Theo dõi trên TV hàng ngày, tôi thấy rất nhiều ví dụ làm ấm lòng người. Đó là những nỗ lực từ thay đổi quy trình sản xuất hay cách làm việc hàng ngày, đến tìm ra sản phẩm mới dựa vào nguồn cung ứng mới hay đa dạng hóa nguồn cung ứng, xắp xếp lại và liên kết với nhau giữa những doanh nghiệp cùng chuỗi sản phẩm để cải thiện vấn đề logistic nhằm hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh và đồng thời mở rộng ra thị trường thế giới, ứng dụng công nghệ mới – nhất là công nghệ tin học cho nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đặc biệt là mở rộng thế mạnh mới trong phát triển nông nghiệp sinh học để làm ra những thực phẩm cao cấp cho các thị trường khó tính, vân vân và vân vân, không sao kể hết được…

Có thể nói qua những sự việc cụ thể này, cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu ló mặt ở nước ta, nhất là ở khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của giới trẻ… Tôi đi tới kết luận: Từng sáng kiến và thành quả riêng lẻ như vậy đang gợi ý khá cụ thể cho chúng ta con đường thu hẹp dần nền kinh tế gia công và lắp ráp, để từng bước ngày càng chuyển vào sâu hơn nền kinh tế có công nghệ riêng, công nghệ nguồn của chính chúng ta – đòi hỏi then chốt để chuyển dần vào nền kinh tế của thời kỳ một nước phát triển. Và đây sẽ là con đường sẽ đưa nước ta dần dần thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, đồng thời cũng sẽ là con đường từng bước tự giải phóng mình thoát khỏi thân phận người làm thuê và thân phận là đất nước cho thuê... Đó cũng sẽ là con đường dần dần hình thành những tập đoàn Việt Nam có tên tuổi của nền kinh tế quốc dân do nội lực của chính mình là động lực chủ đạo và dẫn dắt, qua đó độc lập tự chủ của quốc gia sẽ có thực chất đúng với tên gọi của nó… Con đường chúng đang tìm này đang dần dần hiện hình hàng giờ, hàng ngày ngay trước mắt chúng ta, ngay trong thực tiễn quyết liệt giữa lúc cả nước ta phải gồng lên chống đại dịch, chống thiên tai, cứu kinh tế.., chẳng phải tìm ở đâu xa lạ! Miễn là chúng ta có cái tâm, có trí tuệ và có ý chí nhìn nhận ra nó! Phải đủ trí tuệ và sự dũng cảm gạt bỏ mọi yếu kém tiêu cực của đất nước, để khai phá bằng được con đường phát triển đã hé lộ ra này! Hay là cam chịu tha hóa tiếp để sẽ bị đào thải?

Trong quá trình đầy hy vọng đang manh nha và rất sinh động được nói tới trên đây, tôi cảm nhận được sâu sắc: Chung quy là phải thực sự giải phóng con người, để tạo ra cuộc sống và lao động của con người tự do, vì con người và chỉ vì con người mà thôi!.. Muốn thế, đất nước bằng mọi giá phải tạo ra cho được 3 yếu tố cơ bản: (1) Nền giáo dục tiên tiến, (2) phát triển và vận dụng công nghệ (theo tinh thần phát triển khoa học và công nghệ hiện đại), (3) một nhà nước của thể chế kinh tế – chính trị – văn hóa – xã hội của tinh thần dân tộc và dân chủ! Cả 3 yếu tố cơ bản này là cái bất biến phải có mãi mãi, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để mang lại cho đất nước ta khả năng vượt qua được sự sàng lọc và thích nghi phải có trong thế giới hôm nay.

Sự thật là duy nhất chỉ có ý thức hệ của tư duy nô dịch và lợi ích ích kỷ của quyền lực đang tìm mọi cách làm mù và uy hiếp chúng ta mà thôi! Sự sống còn của quốc gia đòi hỏi ĐCSVN phải vượt qua được yếu kém này của chính mình. Vì lẽ này, và vì sinh mệnh của ĐCSVN, nhất thiết Đại hội XIII phải dám đối mặt với sự thật này!

Để mở con đường sống đi vào cục diện thế giới đang được xắp xếp lại, cái thiếu nhất của nước ta là ĐCSVN và thể chế chính trị cho đến nay chưa hội tụ được ý chí toàn dân tộc và sự giác ngộ cao nhất của từng công dân và của toàn dân tộc về lợi ích quốc gia trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, và cái thiếu nữa là thời gian (với nghĩa là không bao giờ đủ) – chứ không phải là tiền bạc, của cải..! Để muộn, sẽ có thể mất tất cả!

*

Đại hội XIII được chuẩn bị trong cục diện thế giới đã sang trang. Trong nhiều bài viết tôi đã bày tỏ nỗi lo không biết sự chuẩn bị cho Đại hội XIII có đáp ứng được những đòi hỏi của cục diện quốc tế mới này hay không? Sự chuẩn bị này bắt đầu từ khi chưa có đại dịch covid-19. Bây giờ lại thêm nhiệm vụ Đại hội XIII sẽ phải giải quyết những vấn đề của đất nước thời hậu đại dịch, tôi đoán sự chuẩn bị của toàn Đảng cho Đại hội XIII hiện nay chưa thể bắt kịp. Như thế tôi lại có thêm nỗi lo mới.

Nỗi lo kép trên đây khiến tôi đề nghị nên chuẩn bị lại cho Đại hội XIII, thảo luận công khai minh bạch để huy động trí tuệ và phát huy ý chí của cả nước – đơn giản vì có việc nào của Đại hội XIII không phải là việc của quốc gia? Trên hết cả hậu đại dịch covid-19 đặt ra cho nước ta (và cả thế giới) những vấn đề hoàn toàn khác, phải huy động trí tuệ và sự cố kết dân tộc hơn bao giờ hết để giải quyết./.

Hết

Hà Nội – Võng Thị, ngày 18-03-2020

----------

[1] Xem CNN, USA Today, WP… 18-03-2020.

[2] Hiếu Công, “Doanh nghiệp Việt lo dịch Covid-19 kéo dài, trông đợi gói kích cầu” https://news.zing.vn/doanh-nghiep-viet-lo-dich-covid-19-keo-dai-trong-doi-goi-kich-cau-post1056094.html

[3] Tham khảo thêm: Yuval Harari “Trong cuộc chiến chống Corona, loài người tìm đâu một thống soái?”, dịch giả: Nhã Nhi, https://time.com/5803225/yuval-noah-harari-coronavirus-humanity-leadership/)

[4] Xin lưu ý: Lịch sử thế giới đã chứng mình sự xuất hiện và tiêu vong của một đế chế thường vô cùng quyết liệt cho thế giới chung quanh và kéo dài có khi cả thế kỷ; trong lịch sử đương đại đế chế của Hitler là 3 thập kỷ, của Liên Xô là 7 thập kỷ…

[5] Trong quá khứ thường xảy ra tình huống khi gặp những khó khăn lớn – nhất là trong đối nội – Nga và Trung Quốc thường theo cách ứng xử dấn tới về đối ngoại để hướng khó khăn trong nước ra bên ngoài. Cuộc chiến tranh của TQ đánh VN 17-02-1979 là một trong những ví dụ điển hình.

Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật


Nguyễn Trung


Đấy là kết luận quan trọng nhất tôi rút ra được từ cuộc chiến gần ba tháng nay nhân dân ta gồng mình lên chống dịch bệnh covid-19 và cứu kinh tế, cứu chính mình, tất cả với tinh thần “Chống dịch như chống giặc!”

“Chúng ta” ở đây tôi hiểu là cả nước không phân biệt một ai – từ người dân bình thường hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, đang thực hiện mọi cố gắng quyết liệt nhất có thể trong tình hình khẩn cấp hiện nay, vừa chống dịch vừa cứu kinh tế, tự bảo vệ mình, giữ gìn cho cộng đồng.., cho đến toàn thể các chiến binh đang trực tiếp ở tuyến đầu chống đại dịch – từ các nhà khoa học, những thầy thuốc và đội ngũ y tế, đến các quân nhân và các đơn vị quân đội, toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức đang trực tiếp tham trận.., từ những nông dân trên đồng ruộng và công nhân trong mọi xí nghiệp, cho đến những người làm khoa học kỹ thuật, những người điều hành các đơn vị kinh tế, những thành viên thuộc giới chủ mọi tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc quốc doanh, những cán bộ viên chức nhả nước.., cho đến các thành viên Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng!

Sẽ không phải là đại ngôn, nếu nói rằng: Gần ba tháng nay, 24/24 giờ, chúng ta như thế trong cả nước đã vào trận, quyết chống dịch với tất cả ý chí và nghị lực có thể, và đã thu được thắng lợi bước đầu:

Cho đến nay nước ta cơ bản vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh covid-19 với kết quả cao nhất có thể, hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất, và cũng là nước đang thành công nhất so với hơn 100 nước đang phải cùng nhau chống đại dịch toàn cầu (pandemic) hiện nay!

Thắng lợi bước đầu này cho chúng ta niềm tin và củng cố hơn nữa ý chí của chúng ta tiếp tục quyết chống đại dịch, cứu kinh tế, gìn giữ đất nước, bảo vệ bản thân mình trong cơn chấn động toàn cầu này! Quan trọng hơn thế nhiều lần, thắng lợi bước đầu này gặt hái cho chúng ta bài học sống còn của chính mình:

Có được thắng lợi này, nguyên nhân hàng đầu là chúng ta có ý chí dám đối mặt với sự thật, bởi vì đại dịch là thực tế khách quan, để sống sót chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải dám đối mặt với nó, quyết chống lại nó!

Sẽ không khó khăn lắm để hình dung: Nước ta sẽ ra sao, nếu chúng ta làm theo kiểu Trung Quốc đối mặt với đại dịch này, … vì những lý do bất minh nào đó, Trung Quốc đã bắt đầu từ bưng bít và trấn áp thông tin đầu tiên về dịch bệnh, bỏ phí mất gần 3 tuần lễ đầu tiên – được coi là thời gian vàng để kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh – rồi đến lúc bắt buộc phải vào cuộc, cô lập hàng chục triệu dân ở Hồ Bắc, rồi tiếp theo là phải cô lập hàng trăm triệu dân nữa ở hàng chục tỉnh Trung Quốc khác.., để cho dịch bệnh lan ra khắp Trung Quốc và đổ ra toàn thế giới – với biết bao nhiêu tai họa toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến hiện nay!..

Vâng, sẽ không khó khăn lắm để hình dung: Nếu ta làm theo kiểu Trung Quốc – trong tình hình tiềm lực kinh tế của nước ta chỉ bằng khoảng 1/50 của Trung Quốc… – sự tàn hại của dịch bệnh, kéo theo mọi hệ quả hoảng loạn, rối ren, phá hoại, cướp bóc… chỉ trong vòng năm, sáu tuần lễ - khoảng thời gian đủ để dịch bệnh lan ra khắp cả nước – hầu như chắc chắn sẽ đủ sức làm đổ sập và tiêu tan Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và cũng hầu như chắc chắn sẽ đẩy cả nước ta vào cảnh bể dâu chưa từng có không biết đến bao giờ mới hồi phục được!..

Cần phải đủ hiểu biết và có lý trí lạnh lùng, để hình dung được hệ lụy mất còn như phác họa trên đây nếu để xảy ra, để nhờ đó thấu hiểu tầm vóc bài học của chính chúng ta thu hoạch được trong chống đại dịch này: Chúng ta đã thắng được bước đầu vì dám đối mặt với sự thật, và phải tiếp tục như thế cho đến khi hoàn toàn xóa bỏ được dịch bệnh!

Thiết nghĩ, bài học này thật dễ hình dung và dễ hiểu, ví dụ - do những lý do nhất định nào đấy – khi xuất hiện bệnh nhân covid-19 thứ 17, ngay lập tức nơi này nơi khác đã xảy ra tâm lý và hiện tượng hoảng loạn ban đầu rất nguy hiểm, nhất là dịch bệnh đang trong quá trình xuất hiện bệnh nhân thứ 44 (tính đến 12-03-2020)!

Lạy trời và hồn thiêng sông núi xui khiến, Chính phủ đã kịp thời quyết liệt đối mặt với mọi diễn biến mới này của dịch bệnh và những hệ quả đi kèm, công khai minh bạch mọi diễn biến khác và mọi biện pháp đối phó, công khai minh bạch mọi lỗ hổng còn sót hay những sơ xuất, công khai minh bạch những biện pháp khắc phục, ráo riết sát cánh hơn nữa với mọi tầng lớp nhân dân khác nhau với mọi nhiệm vụ và công việc khác nhau trong kiểm soát đại dịch cũng như trong tháo gỡ những khó khăn mới thuộc nhiều lĩnh vực do đại dịch gây ra… Thử tưởng tượng xem, giữa cuộc chiến mất còn này, chỉ cần một thông tin về sự thật của dịch bệnh bị che giấu, một quyết định sai lầm được lựa chọn, một lỗ hổng nào đó còn bỏ sót, một giây phút sơ xuất vì ý chí chùng xuống.., ngay tức khắc sẽ có thể làm phá sản toàn bộ công cuộc chống dịch đã thực hiện được cho đến nay, đẩy đất nước vào khủng hoảng khó bề cứu vãn! Đại dịch vẫn đang hoành hành tiếp với nguyên vẹn tính nguy hiểm của nó, nguy cơ lây lan rộng đang uy hiếp từng giờ, cuộc chiến của cả nước chống đại dịch đã chuyển sang giai đoạn 2 quyết liệt hơn! Xin cả nước một lòng cùng nhau làm tất cả mọi việc cần thiết, đừng bao giờ để cho mối nguy này hay bất kỳ sơ xuất nào xẩy ra!

Dù còn một số tồn tại đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục tiếp, nhưng đến giờ phút này có thể nói Chính phủ và nhân dân cả nước ta vẫn cùng nhau làm chủ được tình hình. Một lần nữa giữa chiến trường chống đại dịch, cuộc sống chỉ ra: Chống đại dịch này chẳng khác gì chống thần chết, chúng ta chỉ có con đường phải dám đối mặt với sự thật để sống còn!

*

Bài học nêu trên, thiết nghĩ cũng là bài học quyết định nhất đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì lẽ Đại hội này đang phải đối mặt với những vấn đề mất / còn quyết định vận mệnh của quốc gia và của chính bản thân ĐCSVN hiện nay và sắp tới [1].

Người đảng viên ĐCSVN, từ đảng viên thường cho đến Tổng bí thư, nếu còn lương tri quan tâm đến vận mệnh của đất nước và của Đảng, chắc chắn sẽ hình dung được những vấn đề mất / còn đất nước đang phải đối mặt là những vấn đề gì, khỏi phải kể lể dài dòng. Chỉ xin điểm ra ở đây một vài nét nghiêm trọng nhất.

- Sau hơn 3 thập kỷ công nghiệp hóa kể từ đổi mới 1986, Việt Nam với nguồn lực bỏ ra cho thời kỳ này tính theo đầu người lớn gấp đôi hoặc gấp ba so với Hàn Quốc hay Đài Loan, song về cơ bản chỉ hình thành được nền kinh tế gia công và lắp ráp, người dân chủ yếu trở thành người đi làm thuê, đất nước trở thành đất nước cho thuê, nền kinh tế quốc dân hôm nay chủ yếu do ngoại lực dẫn dắt và chi phối, tạo ra sự lệ thuộc và phụ thuộc ngày càng nghiêm trọng. Thực tế của đất nước và những đòi hỏi mới của quá trình toàn cầu hóa hôm nay đặt ra thách thức: Việt Nam phải sớm chấm dứt thực trạng này để tìm đường đi vào thời kỳ trở thành một nước phát triển, để có thực lực bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và mọi lợi ích chính đáng của mình.

- Con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa 3 thập kỷ vừa qua bị chệch hướng, dẫn tới sự phát triển hoang dã của chủ nghĩa tư bản thân hữu, tiêu cực và tham nhũng hoành hành chưa từng có và làm khuynh bại sơn hà xã tắc, chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 vì thế thất bại. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nguy hiểm này là ĐCSVN không xây dựng được một thể chế chính trị mang tính dân tộc và dân chủ mà giai đoạn CNH-HĐH của đất nước đòi hỏi. Vì vậy nhà nước của dân do dân vì dân đã bị chủ nghĩa tư bản thân hữu chiếm thế thượng phong biến tướng thành nhà nước toàn trị [2]. Thậm chí hiện nay, người đứng đầu đất nước và toàn Đảng, với tính cách là cấp cao nhất hầu như đang ngày đêm phải giành ưu tiên gần như duy nhất cho những giải pháp “lò & củi” suốt khóa Đại hội XII cho đến nay, mà vẫn không xuể...

- ĐCSVN là lực lượng chính trị lớn nhất và duy nhất nắm tuyệt đối mọi quyền lực của đất nước, vì lẽ này ĐCSVN chịu trách nhiệm ràng buộc trước cả nước phải tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước, mở đầu từ xây dựng lại Đảng thành đảng của dân tộc và dân chủ, để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang chuyển đoạn sang trật tự quốc tế mới, với những thách thức mới đối với mọi quốc gia. ĐCSVN hôm nay có dám đối mặt với sự thật này không? Trong khi đó những ý kiến tâm huyết của nhiều trí thức yêu nước – là đảng viên hay không phải đảng viên ĐCSVN – đã chứng minh thuyết phục có một con đường phải đi như thế: Giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, Đảng sẽ được toàn dân khoan dung và ủng hộ, sức mạnh của nhân dân được giải phóng sẽ không gì có thể khuất phục được, đất nước sẽ trụ vững trong thế giới quyết liệt đang chuyển giai đoạn, mở ra thời kỳ quốc gia thực sự có độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc!

- Hậu đại dịch covid-19, sẽ là thời kỳ Mỹ, Trung Quốc và Nga dù mạnh yếu khác nhau thế nào, song hầu như chắc chắn đều giống nhau ở một điểm: Với tất cả nỗ lực gần như là quyết tử (có thể hiểu là ván bài cuối cùng như một phản ứng trỗi dậy sau đại dịch), mỗi địch thủ này sẽ dùng mọi thủ đoạn tranh nhau địa vị thống xoái thế giới cho riêng mình, để khuất phục mọi đối phương – hòng mong từ đó sẽ dẫn tới cho chính mình khả năng lần lượt khuất phục được từng đối thủ chính của mình. Có thể nhìn thấy trước và nói thẳng ở đây: Nước ta trong tình thế này sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc hậu đại dịch covid-19, trong đó “Bãi tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc!” và những hành động tương tự khác sẽ không còn chỉ là lời nói của Cảnh Sảng, mà sẽ là những hành động cụ thể và toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự! Giữa lúc này, trong khi còn chưa ra khỏi nạn dịch, qua những người phát ngôn của các cơ quan chính phủ và trên báo chí, Trung Quốc đã lu loa: Đại dịch Covid-19 là do quân đội Mỹ gây ra, Trung Quốc đã chịu trận thay cho cả thế giới! Cả thế giới đang nợ Trung Quốc một lời cảm ơn!.. Cuộc sống trong một trật tự quốc tế như vậy sẽ chỉ dành cho Việt Nam con đường duy nhất: Việt Nam phải phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và dân chủ để có thực lực bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, và đồng thời để qua đó có được những giá trị cho phép tập hợp được cả thế giới tiến bộ hậu thuẫn cho sự xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình! Xin hỏi: Đại hội XIII có dám coi thực hiện đòi hỏi sống còn này của đất nước là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của toàn ĐCSVN trong giai đoạn mới này hay không?

- Phải nói, vấn đề nhân sự luôn luôn được ĐCSVN coi là vấn đề trọng đại và mang tính quyết định của mỗi Đại hội Đảng cho đến nay, thế nhưng trước thềm Đại hội XIII lần đầu tiên ông Trần Quốc Vượng, người thứ hai trong Đảng, đã phải cảnh báo công khai trước cả nước sự thật nghiêm trọng: “Thành trì XHCN cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu. Nên ta phải hết sức chú ý, phải làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy... ... ... Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta."; Câu hỏi sự thật đặt ra cho Đại hội XIII là: Cho đến nay chưa một Đại hội nào coi nhẹ vấn đề nhân sự, nhưng vì sao vấn đề nhân sự của ĐCSVN hôm nay trước thềm Đại hội XIII này vẫn chứa chấp những nguy cơ đến mức ông Trần Quốc Vượng phải cảnh báo như vậy?

- Vân vân…

Câu hỏi lớn đất nước hôm nay đặt ra cho ĐCSVN là: Từ bài học chống đại dịch covid-19 của chính nước ta như đang diễn ra, Đại hội XIII có dám chấp nhận đối mặt với sự thật như sơ bộ trình bầy trên đây, để tìm đường sống cho đất nước và cho sự tồn tại của chính mình hay không?

Nhân đây xin nói thêm, Tổng bí thư – Chủ tịch nước đòi hỏi văn kiện của Đại hội XIII phải trở thành văn bia cho hậu thế! Một khát vọng, một tham vọng cao siêu!..

Cho đến nay chưa một Đại hội nào dám có mong muốn nói trên.

Tuy nhiên, có một Đại hội VI, cho dù văn kiện của nó không thể coi là văn bia cho hậu thế, vì nội dung văn bản Đại hội VI vẫn còn nhiều hạt sạn lớn, thậm chí rất lớn – vấn đề tránh né cải cách chính trị. Song tinh thần Đại hội VI 1986 và việc thực hiện nghị quyết xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp – được coi là xương sống của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời đó – đã làm được một việc phi thường: Từ bên bờ sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, đã chuyển đổi mạnh mẽ đất nước sang nền kinh tế thị trường (lúc này cũng chưa có khái niệm định hướng XHCN), cứu nguy đất nước, thay da đổi thịt bộ mặt quốc gia, và mở ra con đường phát triển cho đến hôm nay.

Nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI đã dựng lên trong sử đất nước một tấm bia để đời, đánh dấu một bước ngoặt như thế của quốc gia.

Vậy văn bia của Đại hội XIII sẽ phải nên như thế nào? Tôi không đoán được, vì đến giờ phút này Dự thảo văn kiện Đại hội hoặc là chưa xong, hoặc là chưa được công bố!

Điều chắc chắn hơn – có lẽ tương tự như Đại hội VI – Đại hội XIII sẽ có văn bia; nói chuẩn xác hơn: Đại hội XIII trong tình thế đất nước phải chuyển sang giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang sang trang, chắc chắn sẽ để lại cho hậu thế một tấm bia – hoặc là vinh quang như Đại hội VI, nếu Đại hội XIII mở ra cho đất nước một thời kỳ đổi đời… Hoặc là tấm bia của Đại hội XIII sẽ chỉ là cắm thêm một cột mốc mới trên con đường tha hóa tiếp của một đảng toàn trị - nếu ĐCSVN hôm nay nhân danh kiên định định hướng XHCN đi tiếp trên con đường đã làm xuất hiện chủ nghĩa tư bản thân hữu hoang dã, với biết bao nhiêu tai ương mà mọi nỗ lực của “lò & củi” 3 năm nay vẫn chưa sao xử lý xuể, đã gây ra những sự kiện ô nhục và đau lòng như các vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm… …

Không một người Việt Nam nào thương sót giống nòi mong muốn đất nước gần như đã phải oằn lên sau chống đại dịch lần này, rồi đây sẽ lại phải đối mặt tiếp với mọi tai ương mới do sự tha hóa tiếp của ĐCSVN hôm nay đang cai trị đất nước sẽ gây ra trong bối cảnh một thế giới khốc liệt phía trước!

Hầu như chắc chắn mọi người Việt Nam thương yêu tổ quốc mình đều sẵn lòng bao dung và mong muốn hòa giải trong cải cách chính trị đổi đời đất nước, vừa đòi hỏi, vừa sẵn lòng chờ đợi ở ĐCSVN hôm nay một quyết định như thế, sẽ hết lòng ủng hộ một quyết định như thế, mặc dù sau vụ Đồng Tâm rất, rất nhiều người thiện chí này đã tuyệt vọng! Niềm hy vọng còn lại bây giờ vô cùng leo lét! Nhưng chính niềm hy vọng còn đang leo lét này dựa vào lý trí cảnh báo tiếp: Phải bằng mọi giá tránh bằng được cho đất nước một cuộc bể dâu mới!

Cũng chính niềm hy vọng còn lại vô cùng mong manh này đang lên tiếng cảnh báo: Một dân tộc một khi đã vượt qua được đại dịch lần này, hẳn sẽ không còn là một dân tộc có thể dễ bề đóng cũi nó như trước! Trong một thế giới quyết liệt, dân tộc này sẽ càng không để cho ai đóng cũi mình!!! Hãy chờ xem!

Mong rằng, ĐCSVN hôm nay – nhất là qua Đại hội XIII này, sẽ tìm ra sức mạnh được nuôi dưỡng từ lòng yêu nước một khi dám đối mặt với sự thật!

Dân tộc Việt Nam ta hiện cũng đang đứng trước một sự thật vô cùng phũ phàng: Đất nước có độc lập, nhưng nhân dân ta chưa có tự do!

Có nhiều nguyên nhân.

Nhưng ở đây chúng ta đang nói về chính mình với tính cách là một dân tộc. Nhìn nhận như thế, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng chưa có tự do phải nói trước hết là do chúng ta – với nghĩa tự do không bao giờ là một quà biếu hay là một ân sủng, mà phải tự giành lấy! Chỉ có con đường duy nhất:

Cả dân tộc ta phải dám đối mặt với sự thật quyết liệt này, bằng cách mỗi người phải vượt lên nỗi sợ trong riêng mình, vượt lên mọi yếu kém của chính bản thân mình, phải hòa giải với chính mình và với mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc mình, với quyết tâm cùng nhau phục hồi lại danh dự và lòng tự trọng một dân tộc nào cũng phải có! Từng người phải tự học hỏi và rèn luyện để cùng nhau thực hiện bằng được. Đấy chính là con đường dân tộc ta đi tới tự do!

Một dân tộc còn bị nô dịch dưới bất kỳ hình thức nào – từ quyền lực trong nước hay quyền lực bên ngoài, đều như nhau cả thôi! Trên khắp thế giới này không dân tộc nào có tự do nào khác ngoài tự do do chính mình tự giành lấy và bồi đắp nên. Chúng ta, với tính cách là một dân tộc như thế, đang, nên, và phải dám đối mặt với sự thật nghiêm trọng này! Đây chính là thách thực trực tiếp đối với mỗi cá nhân chúng ta! Phải dám đối mặt, vì đây là lẽ sống của chúng ta! Và vì nó, nên phải sống!

Hà Nội – Võng Thị, ngày 12-03-2020

----------

[1] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung,” Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19 sẽ còn là thời hậu sự thật của nó” – 28-02-2020, http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_HauDaiDichCOVID19.html

[2] Tham khảo Thư ngỏ của 61 đảng viên ngày 27-04-2014 trước thềm Đại hội XII ĐCSVN http://xuandienhannom.blogspot.com/2014/07/thu-ngo-cua-61-ang-vien-gui-bch-tw-ang.html

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Lòng Yêu Nước, Đảng CS và Lập Quyền Dân


Nguyễn Đình Cống


Trong hơn một thế kỷ qua chúng ta nói nhiều đến Lòng Yêu Nước. Nó đã là động lực của nhiều thế hệ trong công cuộc giành Độc lập. Nhưng hiện nay và trong tương lai nó sẽ tác động như thế nào..

Tuyên truyền của CSVN cho rằng chính họ đã là chỗ dựa cho Lòng yêu nước của dân Việt. Nhưng hình như không phải thế mà ngược lại. ĐCS đã dựa vào lòng yêu nước của dân Việt để phát triển.giống như tầm gửi bám vào cây chủ. CS theo chủ thuyết Mác Lê về cách mạng vô sản, thế nhưng thời gian đầu họ phải dựa vào lòng yêu nước để tập hợp lực lương. Phần đông người thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập ĐCSVN, đặc biệt là các trí thức, chủ yếu vì lòng yêu nước, muốn đánh đổ thực dân, giành độc lập chứ mấy ai đã quan tâm đến đấu tranh giai cấp, đến vô sản chuyên chính. ĐCSVN, ban đầu là đảng cách mạng dựa vào lòng yêu nước của dân để phát triển, khi giành được chính quyền rồi thì trở thành đảng thống trị. Họ tự tuyên bố là đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền, nhưng thực chất là đảng độc tài toàn trị. Họ tuyên truyền là giành chính quyền về tay nhân dân, nhưng thực ra là dùng sức dân để giành chính quyền cho họ. Thực chất ĐCS đã cướp quyền của dân. Họ lợi dụng và làm hoen ố Lòng yêu nước bằng cách bắt gắn nó với yêu CNXH, tức là yêu ĐCS. Họ dựa vào Lòng yêu nước của các đảng viên và của toàn dân để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, nhưng khi họ thực hành cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản thì phạm phải nhiều thất bại như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiếp, cải tạo công thương, kinh tế quốc doanh, đàn áp tự do tư tưởng, độc quyền đảng trị , lệ thuộc Trung cộng v.v…..

ĐCSVN giống một tập đoàn tầm gửi ôm chặt lấy cây chủ là đất nước và nhân dân VN, nó bám đầy các nhánh từ gốc lên ngọn. Nó không có rễ bám vào đất, không lao động để thu nhận các chất trong đất, nó hút nhựa của cây chủ, bóc lột cây chủ, thống trị cây chủ. CS dụ dỗ, ép buộc yêu nước là phải yêu CNXH, Bây giờ mà nói nhiều đến yêu nước không khéo mắc vào âm mưu của CS.

Nhân dân VN đã để cho ĐCS lợi dụng Lòng yêu nước quá nhiều, họ đã làm ngu dân bằng cách nhồi sọ Chủ nghĩa Mác Lê, không cho ai tự do tư tưởng, ngăn cấm làm phản biện, chủ trương nhấn chìm dân tộc vào vòng tăm tối.

Vậy bây giờ cần hướng lòng yêu nước vào việc gì ? Xin hường vào việc đấu tranh cho Nhân quyền và Dân quyền, đấu tranh cho Tự do, Dân chủ. Đây là cuộc đấu tranh hòa bình, đấu tranh bằng pháp lý. Hãy tranh đấu cho những quyền tự do đã được qui định rõ ràng trong Hiến pháp. Vì quyền tự do, dân chủ mà chống lại mọi sự dối trá, áp bức, mà yêu cầu công khai minh bạch các việc làm của Chính quyền.

Mọi người có Nhân quyền và Dân quyền. Nhân quyền do Thượng đế ban cho, Dân quyền do Hiến pháp qui định. Trong Dân quyền thì quyền ứng cử, bầu cử người đại diện là thiêng liêng. Thực hiện việc đó một cách thật sự tự do dân chủ là mở đầu việc Lập Quyền Dân. Thế mà việc bầu cử đang bị ĐCS lợi dụng bằng trò dân chủ giả hiệu. .

Ở các nước dân chủ, khi bầu cử mà có trên 70% cử tri tham dự, người ta cho rằng đó là con số khá lớn Ở VN, mỗi làn bầu Quốc hội (QH) người ta thúc ép để có gần 100% cử tri tham gia, nhưng tiếc rằng phần lớn trong số cử tri đã bị lợi dụng, bị lừa dối mà không biết hoặc có biết nhưng phải cúi đầu tuân theo. Cử tri không thích thú gì với dân chủ giả hiệu trong bầu cử. Họ giữ lại tên người này, gạch tên người nọ trong lá phiếu mà bản thân không biết những người đó có năng lực và phẩm chất như thế nào. Phải chăng họ chỉ là con rối trong tay ban bầu cử do ĐCS thao túng..

Năm 2021 sẽ có bầu Quốc hội. Toàn dân hãy giác ngộ và đấu tranh để thực hiện Tự do, Dân chủ thật sự trong bầu cử, trong việc thi hành quyền công dân để Lập Quyền Dân.

Với cử tri, hãy vận động nhau đi bầu thật đông đủ, với phương châm “KHÔNG BIẾT KHÔNG BẦU”. Tuy vậy nếu trong danh sách toàn người mà ta không biết thì cũng không nên gạch hết, hãy giữ lại 1 tên, vì có khả năng phiếu trắng bị cho là bất hợp lệ ( thực ra phiếu trắng là hợp lệ, phải được kiểm).

Thế nào là biết người để bầu cho họ hay không. Không phải chỉ biết mặt biết tên mà phải biết họ như một ứng viên đại diện cho mình, nghĩa là phải biết được chương trình hành động của họ thông qua việc tranh cử, biết được phẩm chất, năng lực của họ, biết được và ghi nhận lời hứa hẹn của họ. Ta bầu cho ai thì phải tin chắc rằng người đó đại diện cho mình. Nhất quyết không bầu cho những người mà ta biết họ không đủ trí tuệ, không đủ phẩm chất làm đại biểu để lo việc dân việc nước. Người ta vận động bầu cho những loại không đủ trí tuệ như vậy chỉ vì muốn cơ cấu cho đủ thành phần, họ là những nghi gật. Kiên quyết không bầu cho một người xa lạ ở nơi khác gửi đến dù người ấy có là ông nọ bà kia, Họ có chức vụ và quyền to ở nơi khác, họ vào QH để thêm danh, họ xem QH chỉ là nơi thừa hành các chỉ thị của ĐCS mà họ đã thảo luận ở ngoài QH. Đó là quan chức của Đảng và chính quyền chứ không phải đại diện của dân..Những người này là loại nghị gật kiểu khác, chúng chiềm chỗ trong QH để biến QH thành bù nhìn của ĐCS. Phải tìm các ngăn cản chúng vào QH bằng trách nhiệm công dân khi sử dụng lá phiếu.

Với người ứng cử. Trong thời gian qua có chuyện tự do ứng cử. Đó là việc làm hợp Hiến pháp, nhưng đã bị ĐCS và Mặt trân lợi dụng để thực hiên dân chủ giả hiệu. Ứng cử là quyền chính đáng của công dân, nhưng đã bị Mặt trân tổ chức đấu tố và loại bỏ khỏi danh sách dưới hình thức Hội nghị góp ý của cử tri . Xin những người có tinh thần, có năng lực, có điều kiện làm đại biểu cho dân hãy dũng cảm ứng cử. Vài chục người ứng cử thì có thể bị Mặt trân tổ chức đấu tố để loại ra khỏi danh sách. Nhưng khi có khá nhiều người ứng cử thì người ta không dễ dàng làm cái việc đểu cáng ấy. Và khi Mặt trận vẫn cố làm cái trò đểu cáng với rất nhiều ứng viên tự do thì họ và ĐCS càng lộ rõ bộ mặt thật cho nhân dân biết mà tranh đấu.

Những ai nên ứng cử QH. Trước hết là những người có khả năng hoạt động chính tri, có lòng yêu nước yêu dân. Họ là những trí thức chân chính, đặc biệt là những luật sư tài ba, những nhà hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự. Quan trọng là họ phải có chương trình tranh cử, chương trình hành động, phải trả lời câu hỏi và hứa hẹn trước cử tri. Câu hỏi là : Nếu trúng cử vào QH thì sẽ làm gì và làm như thế nào để xứng đáng là đại biểu của dân ?.

Hỡi những công dân có lương tri. Khi trả lời được câu hỏi vừa nêu bạn nên mạnh dạn ứng cử đại biểu QH, nhân dân đang trông chờ vào những người như thế và bạn thể hiện được Lòng yêu nước chân chính. Khi bạn không thể trả lời thì xin đừng ứng cử và từ chối sự đề cử dù có bị dụ dỗ hay gây áp lực như thế nào. Bạn sẽ phạm tội phản nước hại dân khi không có năng lực hoặc không đủ điều kiện hoạt động mà lại tìm cách chiếm chỗ trong QH. Tội ấy khó có thể gột rửa và tạo ra nghiệp chướng.


Chuyên gia dự đoán xu hướng nổi tiếng thế giới: Virus corona tặng chúng ta “trang giấy trắng cho một khởi đầu mới”


"Tôi nghĩ chúng ta nên biết ơn con virus này vì nó có thể giúp chúng ta sống sót với tư cách một loài".

Lời người dịch: Sinh năm 1950, Li Edelkoort được coi là một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster) có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Dưới đây là bản dịch của Đỗ Hữu Chí từ bài phỏng vấn Li Edelkoort trên Dezeen ngày 9/3/2020, được bà thực hiện qua email từ Nam Phi - nơi bà đang tự cách ly vì ảnh hưởng của virus corona (Các phần in đậm là nhấn mạnh của người dịch).

Marcus Fairs (MF): Theo bà virus corona sẽ tạo ra những ảnh hưởng gì?

Li Edelkoort (LE): Ảnh hưởng của virus corona sẽ rất đa tầng và phức tạp, từ việc mất lòng tin hay yên lòng trở lại, đến các nhận thức cấp tiến về những tác động lên đời sống của chúng ta, đến nỗi sợ hãi kỳ quặc trước những kịch bản có thể xảy ra, đến việc thực hiện các giải pháp cách ly cá thể trong xã hội và việc cách ly các văn phòng, phân xưởng và khu nghỉ.

Khó mà tính toán được khi mà các con số cứ nhảy liên tục trong một thời gian quá ngắn, nên sự mất lòng tin sẽ tiếp tục diễn ra. Bây giờ chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý đang thực hiện các biện pháp mà các quốc gia khác rồi sẽ phải làm theo.

Bất kỳ ai đang lên kế hoạch cho các sự kiện công cộng trong vài tháng tới nên bắt đầu ngừng lại và đi tìm các giải pháp mới cho giao tiếp và truyền thông. Đây có thể là tin buồn cho những bạn trẻ đang sắp tốt nghiệp vì họ có thể sẽ phải tung mũ tốt nghiệp của mình lên trần nhà.

Li Edelkoort - Chuyên gia dự đoán xu hướng (trend forecaster)

MF: Bà đã nói với tạp chí Quartz rằng: "Tôi nghĩ chúng ta nên biết ơn con virus này vì nó có thể giúp chúng ta sống sót với tư cách một loài". Bà có vẫn giữ quan điểm ấy không và ý của bà là gì khi phát biểu nó?

LE: Bài trên Quartz được lấy từ một cuộc phỏng vấn ngắn bên lề hội thảo Design Indaba và virus lúc đó không phải là chủ đề chính, nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình.

Với tư cách là mục tiêu chính của loài virus này, bởi tuổi tác của tôi và bởi tiền sử bệnh về hô hấp, tôi ý thức được sự nguy hiểm và mối đe dọa ngay trước mắt mà nó đang gây ra cho con người trên khắp thế giới. Và tôi rất lấy làm tiếc cho những gia đình đã có người thân mất đi bởi dịch bệnh mới này. Hy vọng rằng, mạng sống của họ đã không phí hoài khi cả thế giới đang nỗ lực để phục hồi lương tri của con người và tiếp tục tồn tại.

Đại dịch này sẽ buộc chúng ta phải chậm lại, ngưng các chuyến bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí giữa bạn bè thân và gia đình, học cách tự cảm thấy đủ đầy và tỉnh thức. Bỗng nhiên các show thời trang trông thật kỳ quặc và xa lạ, các quảng cáo du lịch lọt vào máy tính của chúng ta thật xâm phạm và lố bịch, suy nghĩ về những dự án mới thật mờ mịt và lơ lửng: liệu chúng có thực sự quan trọng không? Mỗi ngày mới chúng ta lại nghi ngờ một hệ thống mà chúng ta đã biết từ thuở bé, và chúng ta buộc phải cân nhắc khả năng cáo chung của chúng.

Trong nhiều năm chúng ta đã hiểu rằng để tồn tại với tư cách một loài và để cho hành tinh này tiếp tục vận hành chúng ta phải liên tục tạo ra các thay đổi khốc liệt trong cách mà chúng ta sống, di chuyển, tiêu thụ và giải trí. Không có cách nào chúng ta có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa và lựa chọn theo lối mà chúng ta đã quen thuộc. Lượng thông tin khổng lồ về những thứ hoàn toàn vô nghĩa đã làm tê liệt nền văn hóa của chúng ta. Có một nhận thức đang lớn dần trong các thế hệ trẻ rằng việc sở hữu và tích trữ quần áo và xe cộ đã thậm chí không còn hấp dẫn nữa.

Nhưng bằng cách nào đó tâm trí của con người luôn phản kháng và muốn thử xem mọi thứ có tự tan biến đi không, tiếp tục chờ thời trong khi chúng ta tiếp tục việc làm ăn y như cũ (business as usual). Bởi vậy sự dừng lại đột ngột của tất cả những thứ này (tạo ra bởi con virus) sẽ tước đi quyền ra quyết định khỏi tay chúng ta, và sẽ kéo mọi thứ xuống một nhịp độ chậm hơn, và khá đáng sợ lúc ban đầu. Chúng ta đã không còn quen với việc làm mà không vội, chờ đợi câu trả lời, tìm kiếm các giải pháp và sản xuất trong sân sau nhà mình. Khả năng ứng biến và sáng tạo sẽ là những tài sản quý giá nhất.

Không nhiều người hiểu được điều gì đang xảy ra với thế giới và nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Thường thì trong các công ty, có thể lên tới 90 phần trăm lượng hàng hóa là made in China bằng các nguyên liệu chiết xuất từ dầu hỏa như nhựa hoặc polyester. Chúng ta sẽ sớm thấy các kệ hàng hết sạch giày, điện thoại, quần áo, thậm chí kem đánh răng. Chúng ta sẽ thiếu vật tư y tế và sẽ chứng kiến sự ngừng sản xuất của các thể loại quà lưu niệm xấu xí và các túi quà vô dụng.

Chúng ta đã biết rằng quy trình thiết kế cho các sản phẩm thu đông đang không diễn ra như thường lệ. Skype và DHL cũng giúp chút đỉnh nhưng chúng ta vẫn sắp có rất nhiều hàng hóa tầm thường, bởi chúng được làm theo các công thức thành công cũ. Ấy là nếu người ta vẫn còn cái khao khát muốn mua một cái khăn len Cashmere hay là một đồ vật gì đó cho nhà họ.

Lượng xuất khẩu không ngừng sa-ri tổng hợp cho Ấn Độ và đồ gia dụng bằng nhựa cho Châu Phi từ Trung Quốc, vốn sau nhiều năm đã làm đình trệ nghiêm trọng nền kinh tế địa phương và tạo ra một lượng lớn người thất nghiệp (và ô nhiễm), cũng sẽ có thể phải dừng lại, mang tới các khả năng mới cho nền sản xuất địa phương.

Chúng ta sẽ có trong tay một trang giấy trắng cho một khởi đầu mới bởi vì rất nhiều các công ty và tiền sẽ bị xóa sổ trong quá trình hãm phanh này. Tái định hướng và khởi động lại sẽ cần rất nhiều sự thấu suốt và táo bạo để xây dựng một nền kinh tế mới với những giá trị mới, cùng các giải pháp mới cho sản xuất, giao thông, phân phối và bán lẻ.

MF: Những tác động nào mà virus đã kịp gây ra cho ngành thiết kế và thời trang?

LE: Cái giá thực sự của việc đóng cửa ở Ý và Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc và Trung Quốc, sẽ dẫn đến một đợt suy thoái toàn cầu ở mức độ chưa từng có. Đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mà là một cuộc khủng hoảng ngừng trệ (a disruption crisis). Người ta dừng việc di chuyển, dừng việc ra ngoài, dừng việc tiêu dùng, dừng đi nghỉ mát, dừng đến các sự kiện văn hóa, thậm chí dừng đến nhà thờ!

Việc hoãn các sự kiện như Tuần lễ Thiết kế Milan (Salone del Mobile), Triển lãm Kiến trúc Venice (Venice Architecture Biennale), cuộc hành hương về thánh địa Mecca của người Hồi Giáo (Hadj), các cuộc cầu nguyện của Giáo Hoàng, và có thể cả Thế vận hội Olympic cùng những sự kiện khác nữa, tự chúng đều là các thảm họa kinh tế; bởi sự dồn tụ của chúng sẽ làm đình trệ việc lưu thông tiền. Mọi khu vực kinh tế đều sẽ rung chuyển, đặc biệt là các nhãn hàng xa xỉ, các hãng hàng không, các dịch vụ nghỉ dưỡng, các loại hàng hóa điện tử và thực phẩm nhập khẩu.

Không may là trong thảm họa này, không có thuốc chữa tức thời. Chúng ta sẽ phải nhặt lên những phần sót lại và tái tạo mọi thứ từ đầu khi chúng ta kiểm soát được con virus. Và đây là chỗ mà tôi thấy có hy vọng: một hệ thống mới tốt hơn, được cài đặt với nhiều sự tôn trọng hơn đối với sức lao động và điều kiện sống của con người. Rốt cuộc, chúng ta sẽ bị buộc phải làm điều mà nhẽ ra chúng ta đã phải làm ngay từ đầu.

MF: Bà nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới?

LE: Ngay bây giờ chúng ta đang chứng kiến việc đóng cửa lần lượt của các quốc gia. Khí hậu ấm hơn của bán cầu Nam có vẻ là một lợi thế nhưng chúng ta vẫn chưa chắc chắn về điều đó. Chúng ta sẽ phải chấp nhận việc sống với ít nhu cầu hơn, ít hàng mới hơn, ít newsletters và pop-ups hơn. Chúng ta sẽ phải bỏ bớt đi các thói quen cũ như thể chúng ta đang cai nghiện vậy. Chẳng hạn như ngưng hẳn việc shopping.

Có vẻ như chúng ta đang bước vào một thời kỳ cách ly tiêu dùng (quarantine of consumption) nơi chúng ta sẽ phải học cách hài lòng với một cái váy giản đơn, tìm lại những sở thích cũ, đọc một cuốn sách ta đã lãng quên hoặc nấu một bữa thịnh soạn để làm cuộc đời đẹp hơn. Virus sẽ gây ảnh hưởng lên văn hóa và mang tính quyết định trong việc xây dựng một thế giới mới hoàn toàn khác biệt.

WF: Bà nghĩ gì về các ảnh hưởng lâu dài đối với xã hội và môi trường?

LE: Những hình ảnh gần đây về khí quyển tại Trung Quốc cho thấy hai tháng ngừng sản xuất đã làm sạch bầu trời và cho phép người dân được hít thở trở lại. Điều này có nghĩa là virus đã chứng minh rằng việc chậm lại và đóng cửa có thể tạo ra một môi trường tốt hơn, vốn chắc chắn có thể nhìn thấy ở quy mô lớn. Nếu chúng ta bao gồm cả việc di chuyển bằng đường thủy và đường hàng không, di chuyển dành cho các kỳ nghỉ và các chuyến công tác, sự làm sạch sẽ rất đáng kể.

Bởi vậy, nếu chúng ta khôn ngoan - vốn, đáng buồn thay, giờ đây chúng ta đã biết là không phải thế - chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu với các luật lệ mới, cho phép các quốc gia trở lại với những giá trị và kỹ năng riêng của mình, mang đến nền công-nghiệp-tại-nhà (cottage industries) vốn sẽ có thể phát triển và nở rộ thành một thế kỷ của nghệ-thuật-và-thủ-công, nơi mà lao động thủ công được tôn vinh hơn tất cả những điều khác.

Việc đóng cửa các cơ sở sản xuất trong vòng hai tháng mỗi năm có thể là một phần của kế hoạch này, cũng như các studio sáng tạo tập thể (collective creative studios) có thể tạo ra ý tưởng cho nhiều nhãn hàng cùng một lúc, mang tới một nền kinh tế giảm hẳn tác động xấu lên môi trường.

Các hoạt động và các ngành công nghiệp địa phương sẽ có đà và các tổ chức lấy con người làm trung tâm sẽ chiếm vị trí chủ đạo, với các hệ thống trao đổi và cởi mở, các khu chợ của nông dân và các sự kiện đường phố, các cuộc thi hát và nhảy múa và óc thẩm mỹ vượt trội của việc tự-làm-lấy (DIY-Do It Yourself). Dự đoán của tôi về Thời kỳ A-ma-tơ (Age of the Amateur) có vẻ như đang tới nhanh hơn tôi tưởng.

THƠ TÂN BÁ THÁI

HAI MẶT


Xin cược với các bác,
Cho vui, không ăn tiền:
Tất cả, từ bác Trọng,
Đến trung ương ủy viên,

Rồi quan tỉnh, quan huyện,
Quan xã và quan phường,
Quan khu phố, quan xóm
Và các đảng viên thường -

Không ai tin cộng sản.
Không tin một tẹo nào,
Dù nói thì ghê lắm.
Ai cũng thế, vì sao?

Một, là vì bệnh sĩ.
Hai, vì chức, vì tiền.
Ba, vì cái quán tính,
Nói mãi rồi thành quen.

Tức là các vị ấy
Sống hai mặt xưa nay.
Để ý, ta sẽ thấy
Cái quy luật thế này:

Còn chức thì cao giọng
Về chủ nghĩa Mác - Lê,
Mặc dù nói vớ vẩn,
Nôm na là trò hề.

Hết chức thì im lặng,
Rồi một thời gian sau
“Tâm tư” và “phản biện”,
“Day dứt” và “buồn đau”...

Bằng chứng, ôi nhiều lắm.
Từ ông Nguyễn Văn An
Đến ông Kiệt, ông Mão
Và cả ông Vũ Khoan.

Cả trưởng ban tuyên huấn,
Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ...
Toàn những người hai mặt,
Thích chơi trò giả vờ.

Còn chức thì mặt đảng.
Hết chức thì mặt dân.
Mặt sáng và mặt tối,
Lần lượt hiện ra dần.

*

Cược thêm phát nữa nhé?
Cho vui, không ăn tiền -
Rồi xem, cả bác Trọng
Và trung ương ủy viên,

Một khi không tại vị,
Sẽ bắt đầu “tâm tư”.
Thề luôn, xin nhắc lại,
Kể cả tổng bí thư.

TÂNTHAI BÁ

Tưởng niệm Thảm sát Gạc Ma 14/3/1988 — 14/3/2020


CLB Lê Hiếu Đằng

12-3-2020

Tưởng niệm vụ thảm sát Gạc Ma (14/3/1988 – 2020), xin thắp nén nhang lòng để tri ân, tưởng nhớ 64 liệt sĩ Gạc Ma và những tử sĩ, anh hùng vị quốc vong thân trong công cuộc giữ gìn lãnh thổ, lãnh hải cho đất nước Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nhớ lại vụ Thảm sát Gạc Ma


“Một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỉ XX đã xảy ra. Cuộc thảm sát tàn bạo ấy diễn ra ở bãi đá Gạc Ma, được biết đến trên các bản đồ của phương Tây với tên gọi Johnson South Reef, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam)”. Ông James G. Zumwalt là con trai Đô đốc Elmo Zumwalt – tư lệnh Hải quân Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam đã viết như trên.

Ông James G. Zumwalt là cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và hiện là đại diện NXB Fortis, Florida (Mỹ) đã đến TP.HCM ký bản quyền tiếng Anh cuốn sách “Gạc Ma, Vòng Tròn Bất Tử” để xuất bản ở Mỹ và dự kiến phát hành toàn cầu trong năm 2018. Ông đã viết thêm:

“Đã có một video ghi lại toàn bộ diễn biến trận giao tranh ấy. Thật ghê rợn khi thấy những họng súng của hải quân Trung Quốc xé nát Gạc Ma trong khi những người lính Việt Nam (lính công binh đang vận chuyển vật liệu xây đảo) hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Co cụm giữa trận địa của Vòng tròn bất tử, họ chỉ đơn giản chờ đợi một cái kết không thể tránh khỏi.

Video ấy khiến người xem không thể tin vào mắt mình bởi những người lính Việt Nam đã bị tàn sát dã man. Người ta chỉ có thể tưởng tượng sự bất lực mà họ cảm thấy khi người Trung Quốc tàn nhẫn xuống tay.

Sáu mươi tư chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ngày hôm đó. Chín người sống sót, tính cả Lanh, bị người Trung Quốc giam cầm 3 năm trước khi được thả.

Ngày nay, Trung Quốc đã chiếm đóng Gạc Ma, biến nó thành một hòn đảo nhân tạo có căn cứ quân sự cùng một sân bay. Ngoài ra, trên đảo còn được trang bị tên lửa đất đối đất và đất đối không.

Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trướng ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền – những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề đếm xỉa đến những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác”. (James Zumwalt, theo Soha ngày 10/7/2018).

Nhận định của Jemes Zumwalt trùng với nhận định của Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, cựu Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam tại Nha Trang, Tướng Lê Kế Lâm,

người từng là Sĩ quan tham mưu Hải quân Việt Nam trong những ngày chống lại Trung Quốc xâm lược nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đầu năm 1988 cho rằng: “Tôi không xem đây là hải chiến. Hải chiến là phải có bắn nhau, phải có đọ pháo. Còn ở đây, trong khi Trung Quốc trang bị nhiều vũ khí hạng nặng, tàu chiến hiện đại thì ta không hề có một tàu chiến nào, mà chỉ có tàu vận tải. Đó là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra”. (Trang 240, sách Gạc Ma Vòng tròn Bất tử, NXB Văn học)

Nhận định


Việc Trung Quốc dùng vũ lực thảm sát công binh Việt Nam đang xây đảo Gạc Ma 14-3-1988 để chiếm Gạc Ma và các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam chỉ là một sự kiện trong chuỗi sự kiện kế tiếp nhau để thực hiện mưu đồ bành trướng, bá quyền độc chiếm Biển Đông và các hòn đảo trong đường chữ “U” (lưỡi bò) phi pháp mà thế lực Đại Hán đã tham lam vẽ thêm vào bản đồ Trung Quốc từ năm 1947.

Năm 1949 đảng Cộng sản Trung Quốc được Liên Xô hậu thuẫn đã cướp được chính quyền ở Trung Quốc từ tay Quốc Dân Đảng (Tưởng Giới Thạch). Nước Cộng Hòa Nhân Nhân Trung Hoa lại kế tục bản đồ chữ “U” (khi đó là 11 đoạn) của Trung Hoa Dân Quốc bao chiếm 75% Biển Đông của Việt Nam.

Ngày 5-9-1951 Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko trình bản Tu chính ở Hội nghị San Francisco (Hội nghị về việc Nhật Bản từ bỏ các lãnh thổ chiếm đóng trong Thế Chiến thứ Hai), đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (vốn thuộc Việt Nam từ thời nhà Lê, Nguyễn, thời Pháp thuộc) trên biển Đông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (khi đó ghế của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đang để trống do tranh chấp Quốc – Cộng). Nhưng yêu cầu trên của Ngoại trưởng Liên Xô đã bị Hội nghị phủ quyết với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận, một phiếu trắng tại phiên họp thứ 8 ngày 5-9-1951 tại Hội nghị San Francisco đó.

Điều trên cho thấy rằng, cầm quyền Cộng sản Trung Quốc khi đó đã thông qua đồng minh cùng ý thức hệ cộng sản (XHCN) là Liên bang CHXHCN Xô Viết (Liên Xô) để đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ vô lý của mình ở Biển Đông trên diễn đàn quốc tế là Liên Hiệp Quốc, dù mãi tới năm 1978 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) mới có ghế chính thức tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ngày 7-9-1951 cũng tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp) Trần Văn Hữu ra Tuyên bố, đã được 46/51 nước trong Hội nghị đồng thuận, có đoạn viết: “… Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa (Spratly), Hoàng Sa (Paracels)”.

Đúng như Ông Trần Văn Hữu đã viết trong Tuyên bố tại Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được ghi trong sử sách Việt Nam từ thời vua Lê, khi Lê Thánh Tông (1460-1490) đi đánh Chiêm Thành đã xuất hiện “Bãi Cát Vàng” trong “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ”…; đến Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) đã có hai đoạn văn đề cập tới Hoàng Sa…; đến Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821) và Hoàng Việt Dư Địa Chí (1833)… đã ghi chép Nhà Nguyễn lập Đội Hoàng Sa để khai thác sản vật, báo cáo các mặt ở Hoàng Sa của các Chúa Nguyễn đến vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Tự Đức … (Trang 154-336 sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn)

Thời kỳ Pháp thuộc có các sử liệu có giá trị lịch sử và pháp lý như An Nam Đại Quốc Họa Đồ 1838 có Paracel (Cát Vàng- Hoàng Sa); Nghị định số 156-SC do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 15/6/1932… (theo Nghị định Thiết lập tổ chức hành chánh quần đảo Hoàng Sa số 3282 ký ngày 5/5/1939); Thông tri ngày 19-7-1933…

Chính phủ Pháp đã sai những đơn vị hải quân chiếm cứ những đảo và tiểu đảo dưới đây: Hải đảo Trường Sa (Spratly), nằm tại 8,39 Bắc vĩ tuyến và 111,55 Kinh tuyến Tây Greenwich…; Nghị định do Thống Đốc Nam Kỳ J. Krautheimer ký ngày 21-12-1933: Điều khoản thứ 1: Đảo Trường Sa (Spratly)… sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa…Cung Lục Dụ số 10 ngày 29 tháng 2 Năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1933)… tháp các Cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên… (Trang 337-350 sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn)

….

Thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam): Sắc Lệnh ngày 22-10-1956 của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm đã sáp nhập Trường Sa (Spratly) được hiểu bao gồm cả Hoàng Sa) vào tỉnh Phước Tuy mới;

Sắc Lệnh số 174-NV ngày 13-7-1961 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm về việc chuyển Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên về tỉnh Quảng Nam, thành lập xã Định Hải gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trực thuộc quận Hòa Vang;

Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận của Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm;

Nghị định số 420-BNV/HCĐP ngày 6-9-1973 về việc Sáp nhập các đảo Trường Sa (Spratly), An Bang (Amboyna Cay), Thái Bình (Itu-Aba), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Loại Ta (Loaita), Thị Tứ (Thi Tu), Nam Ai ( Namyit), Sinh Tồn (Sin-Cowe) và các đảo phụ vào quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy…

Tuyên cáo của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa về hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, Số 015/BNG/TTBC/TT (ngày 19-1-1974).

Tuyên cáo của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa về Chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa ngày 14-2-1974 có đoạn viết: “Trước việc Trung Quốc trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy rằng phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rằng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”. (Trang 350-364) sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn)

Năm 1956 Trung Quốc cho hải quân chiếm đảo Phú Lâm phía Đông Hoàng Sa khi hải quân Việt Nam Cộng Hòa chưa tới kịp.

Năm 1958 Trung Quốc Tuyên bố của Tổng lý Chu Ân Lai về lãnh hải 12 hải lý với các thực thể đảo kể cả các đảo Trung Quốc mạo nhận là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) trên Biển Đông của Việt Nam, dù nó danh chính là thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa thừa kế hợp pháp từ Quốc Gia Việt Nam (thuộc Cộng hòa Pháp) trước đó.

Ngày 19-1-1974 Hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa khi đó thuộc Việt Nam Cộng Hòa …

Năm 2009 là năm mà theo quy định của Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS 1982, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 06/05/2009 Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước…

Ngày 07/05/2009, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia, kèm

theo bản đồ có đường “lưỡi bò” (U-line 9 đoạn, Nine-dash line, đã bỏ hai đoạn ở Vịnh Bắc Bộ, bản đồ năm năm 1949 của Trung Quốc trưng ra LHQ là chữ “U” 11 đoạn) phi pháp của Trung Quốc… Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích chính thức về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 này của Trung Quốc.

Từ năm 2014, Sau khi công bố bản đồ đường “lưỡi bò” phi pháp năm 2009, Trung Quốc tiến hành bồi đắp các đảo cưỡng chiếm được của Việt Nam tại Hoàng Sa,

Trường Sa và xây dựng thành các căn cứ quân sự, có sân bay cho máy bay quân sự, có cảng cho tàu chiến, đưa các giàn tên lửa đất đối không, đối đất và nhiều trang thiết bị quân sự phục vụ hậu cần chiến tranh khác ra đảo chiếm được của Việt Nam. Trung Cộng liên tục đe dọa việc thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, xua đuổi đâm húc, phá ngư cụ và bắn giết ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tháng 5/2014 Trung Quốc cho giàn khoan Hải dương HD981 ngang nhiên xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam mấy tháng.

Bản đồ “lưỡi bò” phi pháp của Trung Cộng và những tuyên bố sai trái dồn dập của Tập Cận Bình tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Thủ đô Washington Mỹ tháng 10/2015, và sau đó tại Anh, tại Singapore rằng “các hòn đảo trên Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”, cùng việc năm 2017 Trung Quốc đe dọa buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha liên kết với Việt Nam phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ. Từ tháng 7 năm 2019 tàu thăm dò địa lý HD8 của Trung Cộng đã ngang nhiên vào thăm dò địa vật lý trên vùng EEZ và thềm lục địa của Việt, cho tàu cá vũ trang và tàu cảnh sát biển quấy nhiễu việc thăm dò khai thác của Việt Nam tại bãi Tư Chính…

Tất cả những sự kiện trên cho thấy quyết tâm nhất quán của nhà cầm quyền Trung Cộng xâm chiếm phần lớn biển Đông, trong đó Việt Nam có chủ quyền trên diện rộng.

Thế hệ hôm nay và mai sau còn nhớ Gạc Ma, Hoàng Sa?


Sự kiện lịch sử Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam ngày 14/3/1988 để chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với hơn một triệu km vuông biển đảo của Việt Nam không hề được viết một dòng nào trong bộ sách “Lịch Sử Việt Nam” dày tới 15 tập gần 10.000 trang, khoảng 290.000 dòng, của Viện Sử Học thuộc Viện KHXH Việt Nam, NXB KHXH 2017, cũng không có dòng nào trong sách giáo khoa Lịch sử của học sinh phổ thông Việt Nam ở bất kỳ cấp học nào. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao?

Điều trên rõ ràng là sự vô ơn, là sự xúc phạm tới công lao khai khẩn, gìn giữ biển đảo bao đời của ông cha, của tiền nhân người Việt Nam và những liệt sĩ quân đội Việt Nam đã chiến đấu hy sinh chống Trung Cộng xâm lược. 

Hiện nay, nhiều người Việt Nam trưởng thành, thậm chí nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên các Trường Đại học cũng không biết tường tận về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc vẽ bản đồ Trung Quốc có đường chín đoạn (còn gọi là đường chữ “U”, đường lưỡi bò) chiếm đến 75% Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc thâm độc quảng cáo nó khắp thế giới và tại Việt Nam trên sách báo, phim ảnh, văn hóa phẩm, trên ô-tô, trên phần mềm của thiết bị năng lượng mặt trời, trên phương tiện truyền thông, TV, smartphone… nhưng nhiều người Việt Nam từ quan chức đến quân nhân, an ninh, trí thức…

đều bàng quan, không biết, không liên quan. Họ không biết thật hay bị Trung Cộng mua chuộc, đe dọa, hay họ bị tẩy não làm cho họ mù về địa lý đất nước và lịch sử dân tộc?

Dẫn chứng có rất nhiều, như vụ sách giáo khoa của Trường Đại học Kinh doanh, Công nghệ Hà Nội: “Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết thực ra cuốn giáo trình có “đường lưỡi bò” được giảng dạy mấy năm trước nhưng trường không biết” (Báo Tuổi trẻ 2/11/2019); vụ các phim “Người tuyết bé nhỏ”, phim “Điệp vụ biển đỏ”, hệ thống kiểm duyệt của đảng Cộng sản, của an ninh văn hóa đông như quân Nguyên nhưng đường chữ “U” của Trung Cộng vẫn chình ình màn hình; và… vụ người Trung Quốc mặc áo có “lưỡi bò” vô tư đi du lịch ở Nha Trang, hay tờ rơi quảng cáo in “lưỡi bò” ở hội trợ TPHCM vô tư như đang ở Trung Cộng.

Trong khi đó cuốn sách “Gạc Ma- Vòng Tròn Bất Tử” viết bằng máu của 64 Liệt sĩ Việt Nam và nhiều thương binh Gạc Ma 14-3-1988 lại bị cấm phát hành, bị thu hồi?! 

Áo No-U, khẩu trang No-U (để phản đối lưỡi bò phi pháp của Trung Cộng) lại bị tịch thu, người sử dụng nó bị đe dọa. Tại sao?

Có phải lũ tay sai bán nước cho Trung Cộng đã thành thế lực lũng đoạn xã hội đến mức không che giấu âm mưu phục vụ cho mưu đồ chính danh hóa “đường lưỡi bò” 

Trung Cộng, để hiện thực hóa âm mưu của Trung Cộng xâm lược 75% Biển Đông?

Những việc làm thiết thực


Tượng niệm 64 Liệt sĩ Gạc Ma, người Việt Nam hôm nay cần làm gì thiết thực để góp phần giành lại Gạc Ma, Hoàng Sa của ông cha về lại cho Tổ quốc Việt Nam?

1.- Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam đưa ngay vào SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ sự kiện Trung Quốc thảm sát dã man 64 Liệt sĩ Gạc Ma 14-3-1988, Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma, và các đảo thuộc Trường Sa thuộc Việt Nam; sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, với sự hy sinh của 74 Tử sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với các sự kiện liên quan đến bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam ở thế kỷ 20 chống Trung Cộng xâm lược với dung lượng thích đáng.

2.- Nhà cầm quyền Việt Nam phải ngăn chặn và trừng trị những kẻ sách nhiễu người dân Việt Nam mặc áo No-U, khẩu trang No-U, hay các sản phẩm khác có nội dung phản đối bản đồ lưỡi bò “chữ U” (U- line) sai trái do Trung Cộng vẽ ra.

3.- Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế về việc Trung Quốc thảm sát 64 công binh Việt Nam ngày 14-3-1988; thảm sát 9 ngư dân Thanh Hóa, Việt Nam năm 2005,… và các vụ việc xâm phạm lợi ích, chủ quyền đất đai, biển đảo của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Đồng thời Việt Nam cần hoan nghênh, ủng hộ Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc Tế La Hay (PCA) ở Hà Lan ngày 12-7-2016 rằng, “đường chín đoạn, chữ “U” trong bản đồ Trung Quốc không có giá trị pháp lý, và Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trong đường chữ “U” đó ở Biển Đông” trong vụ kiện Philippines kiện Trung Quốc năm 2014 lên Tòa PCA và tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982.

4.- Việt Nam cần đẩy mạnh việc thương thảo hòa bình để phân định vùng Đặc quyền kinh tế EEZ và vùng Thềm lục địa chồng lấn trong nội bộ các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN (10 nước Đông Nam Á) theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 có sự quan sát của Úc, Ấn, Nhật, Mỹ. Với tinh thần ASEAN như là một khối các nước “tương quan vận mệnh”, cùng chung lợi ích chiến lược, cùng có mối hiểm họa từ âm mưu chia rẽ của thế lực bành trướng, bá quyền phương Bắc mà các nước ĐNA đều có thể là nạn nhân.

5.- Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cần xây dựng quốc gia Việt Nam thành nước văn minh, thịnh vượng. Việt Nam phải dựa vào và thực tâm áp dụng những giá trị văn minh phổ quát mà loài người đã phải vắt óc suy tư hàng vạn năm, phải trả giá bằng núi xương, sông máu để lựa chọn, chắt lọc mới có được. Đó là các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tòa án Công lý Quốc tế (PCA), WB, IMF… Đó là những Công ước Quốc tế văn minh như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các Công ước Quốc tế về Nhân quyền; Công ước vế Quyền Dân sự và Chính trị; Công ước về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước Quốc tế về Luật biển, Công ước Quốc tế về Bảo vệ Môi trường; Công ước Quốc tế Chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo; Công ước Quốc tế Chống tham nhũng…

Sài Gòn ngày 12/3/2020
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Quyền, Tiền và Bệnh thành tích


Lập Quyền Dân (9/3/2020)


Cả ba căn bệnh không chỉ bóc trần những lỗ hổng chết người trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Những căn bệnh ấy còn bộc lộ các tử huyệt của chế độ, chiếu rọi vào những vụ tham nhũng quyền lực và lãng phí tiền thuế của dân đen.

Đêm và rạng sáng ngày 7/3/2020 có nét gì đó hao hao với đêm và rạng sáng ngày 9/1/2020. Cả hai sẽ đi vào lịch sử như “cái đêm hôm ấy đêm gì”. Sự cố 7/3 không chỉ soi rọi những khuyết tật đáng sợ trong đợt chống dịch, mà cả hai đại hoạ này sẽ còn được nhắc đến như những cột mốc đáng nhớ trong cuộc chiến chưa biết đâu là “trận cuối cùng”, chống lại những lỗ hổng chết người của chế độ. Quyền, tiền và chạy theo thành tích đã gây ra cuộc hành quyết man rợ ở thôn Hoành, Đồng Tâm giáp Tết Canh Tý. Nay, cả ba căn bệnh ấy tiếp tục đoạ đầy dân Việt. Cậu ấm cô chiêu (rich kids) kiểu Hồng Nhung, nấp dưới tiền và quyền, lọt được mọi thủ tục và luật lệ sau khi rời máy bay, đã gây ra tai hoạ. Một nửa số hành khách cùng khoang thương gia với Nhung có dấu hiệu lây nhiễm. Kẻ thứ 21 lại là một phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tay này khi về thành phố đã “kịp” họp với 42 trưởng lão ở độ tuổi dễ xẩy ra rủi ro nhất.

Từ chuyện bệnh nhân số 21 trùm về “ní nuận” (tay Tuấn này không phát âm nổi chữ “lờ”), thần dân nước Việt biết thêm một số điều nghịch lý.

TS. Nguyễn Ngọc Chu nêu câu hỏi: Tại sao đoàn nước ta đi học tư bản để trình đại hội đảng kế hoạch xây dựng CNXH, mà không thấy đoàn các nước tư bản sang ta học hỏi để về xây dựng CNTB ở nước họ, trong khi ta vẫn khẳng định, CNXH ưu việt hơn? Những người chuẩn bị văn kiện không đi chuyến công tác này thì có ảnh hưởng gì đến đại hội 13 không? 

Trước đây, chưa biết tư bản là gì, thì đi cho biết. Nay mở cửa đã 30 năm, CNTB đã tràn ngập vào nước ta, lại vào thời đại Internet, ngồi ở nhà cũng thấy được từng m2 trên thế giới, cớ gì phải đến tận nơi? Từ đó, TS. Chu kết luận: “Công tác nước ngoài là một hình thức tham nhũng để hưởng thụ… rất nhiều người đã núp trong vỏ bọc công tác nước ngoài, dùng tiền ngân sách tiêu xài cho sự xa hoa thịnh vượng cá nhân”.

Trở lại với các nạn nhân của Hồng Nhung và Quang Thuấn, 42 vị bô lão nói trên, nhờ cả “quan hệ” lẫn “tiền tệ” ban đầu chưa phải cách ly. Tin xấu là gia đình các vị ấy và cộng đồng có thể gặp rủi ro, nhưng tin tốt là (lạy Chúa), chúng ta “sẽ không bị” lý luận dẫn dắt một thời gian. Có blogger còn viết rằng, ổ virus lý luận ấy còn nguy hại hơn cả Covid-19.

Nhưng nhờ phước ông bà để lại, CNCS Việt Nam chỉ là phiên bản rởm của Tàu khựa. Nhờ thế, các loại “bò đỏ” (hay dòi bọ đỏ) ở đây chưa có dịp soán ngôi để bắt toàn dân tụng niệm đủ các loại “trước tác” Xít – Mao – Lê kiểu như bài viết từ hai giáo sư nọ trên một tạp chí của Trung cộng.

Trong nước hiện nay, “đại diện” xã hội đen kiểu Năm Cam và “đại sứ” cộng sản đỏ kiểu Nguyễn Thanh Sơn (từ Nga về) được trích dẫn nhiều hơn cả Marx, bởi “ranh ngôn” khét tiếng: “Ở xứ này không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.

Nhân 8/3, nên nhắc lại để mọi người đừng quên quyền lực của phái yếu. Chỉ một “tiểu thư” Nguyễn Hồng Nhung cũng đủ để “hất” mọi nỗ lực của các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương xuống sông xuống biển. Ở đây, vấn đề không phải là thiếu pháp luật mà là thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Và hậu quả nhãn tiền là lãnh đạo họp khẩn giữa nửa đêm như thời chiến. Một số nhà trong phố, một building khu cao tầng và hàng trăm người tiếp xúc gần/xa với cô gái đã bị cách ly. Cả thành phố sững sờ, hoang mang, rồi bật dậy rất nhanh từ bài học Vũ Hán. “Quân tử phòng thân…” nên nhà nhà, người người “thi đua” tích trữ lương thực từ đêm đến sáng. Các dãy thanh toán trong siêu thị xếp hàng rồng rắn. Giấy vệ sinh cùng mỳ sợi, các loại dầu ăn và xà bông… biến mất khỏi các kệ hàng. Các mệ sồn sồn bỏ khiêu vũ, ngồi nhà giã ruốc cho con cháu. Cả thành phố như chuẩn bị đi sơ tán giống thời chiến tranh phá hoại.

Thị trưởng Nguyễn Đức Chung như “gà mắc tóc”, hai ngày rồi mà vẫn chưa xác định đủ danh tính 21 người cùng ngồi hạng thương gia. Chỉ cần cú nhấp chuột là có đủ tất cả thông số của 21vị ấy. Điều cắc cớ là ông thị trưởng chuyên thạo điều tra hình sự đã không dám công bố, vì bọn họ hầu hết đều là VIP. Có tiền, có quyền, hoặc có cả hai, khi tên tuổi họ xuất hiện, sẽ kéo theo danh tính của những người bị nghi là lây nhiễm tăng cấp số nhân. Như thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích chống dịch. Sắp công bố “hết dịch”, nay lại “mắc dịch” thì thật đau đầu cho những kẻ nhiễm virus “bệnh thành tích”. Trước đây, ai cầm đèn chạy trước ô tô, thông tin sớm chuyện dịch bệnh, nhà cai trị cho lên bờ xuống ruộng. Giờ thì sắp nói “đại dịch” rồi, thách ai định phạt, cứ cởi khẩu trang ra mà cãi. Dịch đã vươn tới tận trung ương, tới ông to bà nhớn, đâu phải chỉ “đặc sản” cho dân nghèo. Ít nhiều, đó chính là sự bình đẳng trước dịch.

Thật ra chính quyền dường như cũng đã thấy bất an trước nguy cơ Covid-19 trở lại. Một mặt do dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn trên thế giới, mặt khác chính những người trong bộ máy hiểu rõ, dịch bệnh trong nước không hẳn đã ổn, như các số liệu “trưng ra” để lấy thành tích. Hơn nữa, nhiều khác biệt và những đối chọi ngược nhau trong các phát ngôn của những người có trách nhiệm cho thấy, chính quyền nắm giữ nhiều thông tin đáng lo ngại hơn những gì người dân được biết. Dưới bề nổi của “tảng băng” thành tích, vẫn để lọt lưới hàng rào kiểm soát cửa khẩu sân bay, không yêu cầu dân minh từ nước ngoài về khai báo y tế, nhân viên cơ quan này không thực hiện đúng quy trình khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ngay cả “tiểu thư” Nhung dù bị một bộ phận dân mạng đòi “cắt trọc bôi vôi”, nhưng bộ phận khác tỏ thương hại, vì biết đâu, cô cũng chỉ là “con dê tế thần”. Nhà nước đang “ngấp nghé” muốn tuyên “dịch bệnh trở lại”.

Theo một thuyết âm mưu, cơn hoảng loạn “Covid-19 trở lại” có thể xuất phát từ một nguyên nhân còn “ẩn dấu”. Chuẩn bị “nổ” về “hết dịch” thì nghe tin, sau WB (12 tỷ USD), đến lượt IMF vừa tung gói hỗ trợ 50 tỷ USD cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch. Việt Nam bị loại khỏi danh sách, vì chính phủ sắp tuyên bố hết dịch. “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê!” Quyền, tiền và bệnh thành tích móc ngoặc với nhau như thế thì liệu gỡ có phải chuyện dễ? Nếu cần tranh biếm hoạ, có thể vẽ con virus đang bám đuổi một người chạy hụt hơi về phía trước để mô tả tâm trạng hoảng loạn hiện nay của cả người dân lẫn giới cầm quyền. “Cuộc săn đuổi của quyền, tiền và bệnh thành tích” sẽ được chú thích bên dưới bức tranh đắt giá, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giấc mơ “biến nguy thành cơ”, khôi phục du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của Thủ tướng Phúc trước thời điểm quý một năm 2020 tan thành mây khói!

Trở lại bài viết của hai giáo sư Tàu nói về chủ nghĩa Mác sẽ đánh bại corona! Số tượng Mác – Lê trên thế giới quả là không nhiều. Và mấy ai thấy tượng đài nào vướng Covid-19 chưa, kể cả khu tượng đài Lê Nin xây ước tính 12 tỷ ở Nghệ An? Đọc tiêu đề bài viết của hai giáo sư Tàu cũng khiến thiên hạ cười rớt hàm. Ở ta, có thể đưa bài “Ngạo nghễ Việt Nam” làm đối ứng để xưng tụng. Cho dù vẫn biết rằng, “bài ca” chặn dịch của chính quyền nặng về phần “diễn” lập trường chính trị hơn là phản ánh kết quả thực chất. Thành tích là đỉnh cao có thể đo đếm. Quyền lực thì luôn có tính nhiệm kỳ. Tiền tài lại càng là trạng thái động. Ba thứ thoảng qua ấy thực ra không bền vững chút nào. Con virus corona có thể phá hủy chúng khá nhanh, đặc biệt tại những nơi mà ba thứ ấy quyện lại đậm đặc như ở ta. Nhìn sang Tàu, không thể không đặt câu hỏi: “Nhiệm vụ của những Virus Vũ Hán là gì trong tình thế chính trị toàn cầu hiện nay?”