Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Những tín hiệu bất thường và nguy hiểm

Nguyễn Việt Trung
2019-07-31


Hình minh họa. Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng cốc tại một cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 5/11/2015

Chúng ta đã/đang chứng kiến cuộc khẩu chiến giữa phát ngôn viên từ hai Bộ Ngoại giao Việt – Trung, mà thực chất là chủ trương từ những cấp cao hơn (Bộ Chính trị của mỗi đảng) dùng tàu cảnh sát biển ghìm nhau mấy tuần qua ngoài Bãi Tư Chính. Cuộc truy đuổi giữa tàu TQ với tàu VN trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN trên một Biển Đông mà “mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…” ấy dường như bắt đầu có mùi máu.
Vì ngửi thấy mùi tanh của máu nên đảng và nhà nước bắt đầu tính đến chuyện phải đẩy “dân đen” vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc huy động toàn dân lần này đang vấp phải sự chống đối của một số tầng lớp tinh hoa. Nhưng… bất luận ý đồ thật – giả của đảng và nhà nước đến đâu, nếu lúc này mà từ bỏ ý thức và hành động phản kháng, thì vô hình trung, người dân Việt đang truyền đi những tín hiệu khá bất thường và nguy hiểm.
Bất thường và nguy hiểm thứ nhất: Từ bỏ quyền xuống đường là chúng ta từ bỏ quyền lựa chọn và đòi hỏi chính đáng của mình trước đại hoạ của đất nước. Vụ Bãi Tư Chính là hành động xâm lăng trắng trợn của lũ giặc Tầu và chuyện Trung Quốc muốn “nuốt chửng” Việt Nam thì vốn “xưa như trái đất”. Có lẽ không người dân Việt nào lại không có ý thức cảnh giác. Kẻ muốn che dấu, chính xác hơn là kẻ không muốn để cho người dân trong nước và cộng đồng quốc tế biết được âm mưu thực sự của Tầu – bi đát thay – lại chính là đảng và nhà nước VN.

Hình minh họa. Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 14/3/2016 nhân kỷ niệm hải chiến Trường Sa 1988 AFP
Nay đảng và nhà nước đã buộc phải lùi một bước, minh bạch hoá một phần cuộc “quấy nhiễu” của Trung Quốc và bắt đầu “chạy” màn hai của vở kịch chống Trung Quốc, bằng lời hiệu triệu “ảo”. Ai cũng dễ nhận ra, kiểu giục giã “huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền và phẩm giá dân tộc”[1] (!) chỉ là một động thái “cuội”. Bởi vì từ lâu, đảng và nhà nước đã/đang thực hiện nhiều kế sách, từ tinh vi đến thô bạo, kể cả dùi cui và nhà tù để “vô hiệu hoá” ý chí chống Trung Quốc của người dân.
Thì đấy, chính Tổng Chủ Nguyễn Phú Trọng trong giờ phút “dầu sôi lửa bỏng” đã tỏ ra run sợ làn sóng biểu tình (như hồi 2014), nên đã ám chỉ người dân “đừng để bị kích động” bằng cảnh cáo “tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động… lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”[2]. Đúng là “miệng kẻ sang” chỉ có thể so với “đồ nhà khó”! Chỉ trong vài ngày mà đảng đã tung ra những lời kêu gọi trái ngược nhau!
Cho nên quyết không thể lùi bước! “Tương kế tựu kế”, nhân dịp này phải gọi sự vật đúng tên, vì báo chí “lề phải” vẫn chưa dám lên án đích danh Trung Quốc xâm lược! Đây còn là dịp chúng ta phải đòi nhà cầm quyền phải thả hết tất cả “tù nhân lương tâm” nói chung, đặc biệt là những anh chị em vì các hoạt động tố cáo chính sách thoả hiệp với Trung Quốc mà tới nay vẫn còn bị đầy đoạ trong các nhà tù khắc nghiệt của chính quyền.
Bất thường và nguy hiểm thứ hai: Nếu chúng ta “quay lưng lại” để cho hai chính quyền – Việt Nam và Trung Quốc – tự giải quyết với nhau các vấn đề từ biển đảo đến đất liền, thì lập tức chúng ta bị rơi ngay vào bẫy của giặc Tầu. Đừng quan tâm đến câu chuyện đất đai và biển đảo mà tiền nhân để lại cho chúng ta, vì đã có đảng và nhà nước lo! Trung Quốc chỉ mong có vậy! Thủ tiêu đấu tranh vào lúc này là không khác gì tự trói tay chúng ta, mặc cho hai tập đoàn cướp nước và bán nước múa gậy vườn hoang để mị dân trên hoang tàn của tổ quốc.
Để thoả mãn lòng tự ái, “quay lưng lại” cuộc đấu tranh hiện nay là chúng ta sẽ trao phẩm giá cuối cùng của những người bị trị cho những kẻ cai trị – đó là ý chí phản biện và những hành động phản kháng. Điều nguy hiểm hơn, “quay lưng lại” là chúng ta không tạo ra được “những giá đỡ” cho chính các lực lượng tiến bộ, các đảng viên “phản tỉnh” trong lòng chế độ.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc ở Thành Đô năm 1990 Photo: RFA

Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm qua, càng gần đến ngày Mật ước Thành Đô có hiệu lực pháp lý thì bộ máy đàn áp của đảng/nhà nước VN càng thẳng tay đối với những người yêu nước. Cho đến nay, hàng trăm những người con đất Việt đang bị đày ải trong các nhà tù cộng sản, giữa những điều kiện mà nhà tù và nền tư pháp của chủ nghĩa thực dân trước đây cũng phải “chào thua”. Tất cả, chỉ vì họ muốn đấu tranh chống lại mọi mưu đồ xâm lược VN của giặc Tầu và mọi chính sách toa rập của những Trần Ích Tắc thời nay.
Hãy chuyển nghịch lý sau đây đến mọi nẻo trên hành tinh này: Ở VN giờ đây, yêu nước trở nên có tội, nếu yêu nước mà không yêu đảng, yêu nước mà không yêu chủ nghĩa xã hội, một mô hình quái thai đã bị lịch sử loại bỏ từ hàng chục năm nay! Bất cứ ai yêu nước, muốn gìn giữ non sông gấm vóc, đấu tranh chống lại bất công, phản đối cuộc xâm lăng toàn diện của Trung Quốc thì đều bị quy chụp vào tội phản động và lật đổ, dầu đó là những người mẹ đơn thân trong tay không tấc sắt. Có nơi nào như nơi này không?
Bất thường và nguy hiểm thứ ba: Nếu chúng ta bài xích biểu tình và các hình thức tập hợp lực lượng yêu nước khác (theo cách của chúng ta), thì dân tộc Việt Nam sẽ xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại toàn tập”. Từ ngày ĐCSTQ ép ĐCSVN chấp nhận Mật ước Thành Đô, tầng lớp tinh hoa yêu nước VN, đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ trai gái, miền xuôi miền ngược, đã kiên cường xông lên tuyến đầu cuộc đấu tranh chống lại sự câu kết và toa rập của hai bộ máy đàn áp hiểm độc duy nhất còn sót lại từ thời cộng sản Xô viết.
Thế giới Âu Mỹ không mù loà, họ không bao giờ “đặt tất cả trứng vào một rổ”. Nhìn vào VN ngày này, cộng đồng quốc tế bao giờ cũng phân biệt giữa hai chủ thể: ĐCSVN và người dân Việt Nam. Một đảng được vận hành theo kiểu mafia như ĐCSVN, trong con mắt thế giới, không thể là tổ chức chính trị có thể “cầm cương” tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc Việt. Đó là một đảng hỏng (ông Hồ Chí Minh đã từng cách báo tình trạng này trước đây khá lâu) và quốc tế cũng rất biết điều đó. Thế giới nhìn vào những đại biểu ưu tú của dân Việt như là một alternative – một nguồn dự trữ lực lượng thay thế trong tương lai!
Nay nếu chúng ta “kéo cờ trắng” rút lui tức là chúng ta tước đoạt mất niềm tin của thế giới dành cho “những đại biểu cho tương lai”. Trong công cuộc quốc tế vận hiện nay ở Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác, thế giới đang hướng đến những đại biểu cho tiến trình dân chủ hoá ở VN. Nhưng tiến trình dân chủ hoá ấy lại phải gắn với quá trình xây dựng hệ thống đối tác chiến lược, với nội hàm thiết thực, cụ thể. Vì vậy, không bao giờ chúng ta được xuất hiện trước thế giới như là “những kẻ thất bại toàn tập”!
[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tang-cuong-suc-de-khang-truoc-chong-pha-xuyen-tac-cua-the-luc-thu-dich-551945.html

Chủ tịch nhà nước,Thủ tướng,Chủ tịch Quốc Hội, Chánh án tối cao:


Hãy Xin Lỗi  Những TNSV và ngườiDân vì Lên Án Trung hoa mà Bị Tù.

Nhiều năm qua đã có nhiều Thanh niên, Sinh viên và người Dân ý thức được hiểm họa Trung hoa đối với Nhân dân và Đất nước Việt nam.Họ đã lên tiếng cảnh báo, lên án và phê phán những hành động sai trái, ngang ngược, chà đạp lẽ phải và  lương tri nhân loại của Trung hoa bành trướng đại Hán, chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp lên lẽ phải và lương tri của thế giới.
Việc làm của họ thật cao quý,có ích, chứng tỏ một tầm nhìn sáng suốt, một tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm đáng khâm phục.Nhưng thay cho việc thừa nhận lòng yêu nước của họ, tôn trọng họ,thì đảng và chính quyền đã vô lương tâm và tàn nhẫn, bắt bớ , hành hạ và kết án tù đối với họ.Tôi biết có trường hợp như em sinh viên Nguyên Minh Mẫn cũng chỉ vì viết bài tố cáo cái sai, cái ác của Trung quốc mà bị kết án 7 năm tù giam và 5 năm quản chế!
Họ không có tội,mà chỉ vì dám nhận thức hiểm họa trung hoa sớm trước đảng và chính quyền, dũng cảm cảnh báo cho nhân dân và xã hội nên đã bị nhà cầm quyền đối xử bạc ác.Trong truyện Kiều Nguyễn Du từng lên án bọn “bạc ác tinh ma”.Nhưng nhà Phật dạy biết buông đao thì cũng có cơ thành Phật. Các Mác của các anh chị cũng bảo”biết sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi(nghĩa là có thể đươc tha thứ,trở thành người thật sự).
Nay khi Đảng và Nhà nước đã thấy được hiểm họa Trung hoa bành trướng, đại Hán, qua vụ Bãi Tư Chính hiện nay, thì phải biết đánh giá cao cái trí cái dũng của những thanh niên yêu nước.
Hãy xin lỗi họ.Trả lại tư do ngay cho họ, xóa bỏ những bản án trái với Đạo lý và tinh thần công minh của Dân tộc.Đồng thời trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm.
Chỉ có như vậy, đảng mới lấy lại dược niềm tin của Dân.Hành động chống lại hiểm họa trung hoa của Nhà nước ta mới được xác tín, nhất quán.Hãy làm cho dân thấy đảng đang thành thưc bảo vệ Đất Nước.Liệu các anh chị có nghe theo Hồ chí Minh, nói đoàn kết, đoàn kết,hay cứ làm theo cách chia rẻ chia rẻ mà có thể đối phó được với hiểm họa trung hoa.
Mấy lời khuyên bảo tử tế xin hãy lắng nghe!
Lập Quyền Dân.


Bài 1: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông


https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/logo/tuanvietnam.gif - 21/7/2019 - Biển Đông được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc, giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường Giang nói tại CLB Cafe Số gần đây về mưu đồ chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt.
Bài 1: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông
Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc.
Thứ ba, Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.
Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài.
Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm.
Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.
Trung Quốc sắp đặt Biển Đông trong chiến lược an ninh - phát triển như thế nào?
Từ các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình nghị sự của chính phủ và thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, nước này xác định Biển Đông là một phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển. Con đường này là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường. Sáng kiến này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc.
Biển Đông là một phần của chiến lược biến Trung Quốc thành một cường quốc biển. Một quốc gia muốn tiến vào vị trí trung tâm quyền lực chính trị của thế giới thì không thể không trở thành một cường quốc biển.
Chính giới Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên.
Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới thường ít nói về vấn đề chủ quyền. Thay vào đó, họ thường để cho những cơ quan có thẩm quyền lên tiếng. Tuy nhiên, liên tiếp trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc đã 3 lần phát biểu câu chuyện này ở nước ngoài, điều trước đây chưa từng có đã thể hiện sự quan tâm đến mức tối đa của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục khẳng định rằng nước này không có gene xâm lược, không xâm phạm vào lợi ích của các nước khác, thế nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình.
Năm 2021, Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Cùng với các sự kiện lớn này, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều hành động lớn, tình hình Biển Đông vì thế cũng sẽ liên quan đến câu chuyện này.
Trung Quốc không đem lợi ích cốt lõi ra trao đổi, không có chuyện nhân nhượng, thỏa thuận và từ bỏ tham vọng Biển Đông. Đây là một thông điệp rất rõ ràng.
Chủ tịch Trung Quốc từng có một câu nói mà chúng ta cần phải lưu ý: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.
Vậy vài chục năm nữa Biển Đông sẽ như thế nào? Biển Đông đại khái sẽ thế này, lúc nóng, lúc lạnh, lúc căng thẳng lúc hòa hoãn. Tất nhiên, chúng ta cần có những nhìn nhận đúng đắn, có những động thái kiên quyết đối với vấn đề này.
Bài 1: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Truyền thông Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc nói, những nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia... là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cuớp tài nguyên của Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).
Có những tờ báo liệt kê 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phải đánh, một trong số đó là cuộc chiến trên Biển Đông để thu hồi những đảo bị các nước chiếm đóng trái phép. Truyền thông Trung Quốc là một dấu hiệu giúp Việt Nam có thể dự báo trước.
Trung Quốc đang làm gì từ năm 1949 đến nay?
1. Đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển.
2. Thực hiện những biện pháp hành chính. Thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, quy thuộc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ Trung Quốc và các đơn vị hành chính thuộc Trung Quốc.
3. Áp đặt nội luật của Trung Quốc vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình.
4. Các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa. Bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một cục diện quân sự thuận lợi cho Trung Quốc, dần dần khống chế, kiểm soát Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông.
5. Sử dụng vũ lực. Từ năm 1956 đến nay, tất cả các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông đều là nhờ vũ lực. Trung Quốc liệu có tiếp tục sử dụng vũ lực nữa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cực kỳ nguy hiểm.
(Còn nữa)
Tư Giang lược ghi


Bài 2: Không gian sinh tồn của dân tộc đang bị thách thức
https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/logo/tuanvietnam.gif - 22/7/2019/ -Cuối thế kỷ này dân số nước ta lên khoảng 140 triệu người, con cháu chúng ta sống ở đâu nếu không tiến ra biển.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường Giang nói tại CLB Cafe Số gần đây về sách lược người Việt Nam cần thực hiện để bảo vệ chủ quyền Biển Đông.
Đầu tiên, cần phải nhận diện được thách thức của mình. Người Việt Nam có một điểm yếu, đó là có thể nhận diện được tất cả mọi thứ, trừ bản thân mình. Nếu chúng ta không sợ chiến tranh và chuẩn bị kỹ cho chiến tranh thì chúng ta sẽ có hòa bình. Còn nếu chúng ta sợ hãi thì lập tức chiến tranh sẽ đến, chúng ta mất hòa bình và mất cả chủ quyền lãnh thổ. Đây là vấn đề căn bản của mọi binh pháp trên thế giới. 
Qua bức tranh thực trạng Biển Đông như tôi đã nói phần 1, có thể thấy mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, tức là chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc). 
Trung Quốc cũng muốn chiếm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này. Bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển. Điều này mang đến thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. 
Trong 6 thập kỷ qua, có thể thấy rõ các biện pháp và kế sách mà Trung Quốc đã áp dụng để triển khai mục tiêu này. Nước này đã dùng đến mọi biện pháp, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến tâm lý và cả thông tin tuyên truyền. 
Do vậy, có thể thấy thông tin tuyên truyền là một trong những mặt trận rất quan trọng. Có những thời điểm, mặt trận tuyên truyền còn quan trọng hơn cả mặt trận quân sự, ngoại giao hay pháp lý. 
Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông 
Người Trung Quốc ngày nay học tập nhiều từ binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng có rất nhiều cải tiến đối với loại binh pháp này. Người Trung Quốc biến các loại mưu kế trở thành một bộ môn khoa học và đưa vào các nội hàm mới cho những mưu kế này. 
Các ví dụ có thể kể đến là kế sách “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”,... 
Trong đó, một trong những kế sách thâm độc nhất của Trung Quốc là chiến thuật “vùng xám”, tức dân sự hoá các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một giới hạn đỏ nào đó. Mục đích của điều này là không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác. 
Nhìn vào quá khứ, dự đoán tương lai 
Trong bức tranh về thực trạng ở Biển Đông, chúng ta có thể dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ để nhìn nhận và dự đoán tương lai. 
Về trung hạn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. Khả năng thứ 2 là Trung Quốc sẽ tạo ra một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể sẽ tiến hành chiếm giữ một số bãi đá ngầm mà chưa có quốc gia nào chiếm đóng. 
Dù rất hãn hữu, thế nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có một thời cơ thích hợp. Người Trung Quốc thường chỉ hành động khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tính toán được rất kỹ cái giá phải trả. Đây chính là điểm để Việt Nam hoạch định các kế sách đối phó. 
Nếu Việt Nam có thể làm cho Trung Quốc không có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa hoặc trong trường hợp có chiến tranh, nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt thì họ sẽ không dám đánh chiếm Trường Sa nữa. 
Trong 2 năm tới trước Đại hội, việc quân sự hoá Biển Đông sẽ được Trung Quốc thực hiện ráo riết hơn. Trung Quốc có thể đưa những lực lượng quân sự đông hơn ra chiếm đóng tại Trường Sa. Nước này cũng có thể vẽ ra lãnh hải của những hòn đảo mà hiện tại họ đang chiếm đóng, cũng như vùng nội thuỷ của các đảo này. Đây là những cảnh báo mà chúng ta cần phải lưu ý. 
Trung Quốc sẽ sớm thông qua Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi. Từ dự thảo của bộ luật này, có thể thấy Trung Quốc có khả năng dựa vào đây để lập các vùng an toàn hàng hải trên biển. Điều gì sẽ xảy ra nếu vùng an toàn bao chùm lên các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Bên cạnh đó,  tàu thuyền sẽ phải xin phép khi tiến vào vùng biển Trường Sa. Điều này cũng có nghĩa là các đảo của Việt Nam sẽ bị phong toả. 
Năm 2016, 2017, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa ra một dự báo cho thấy, Trung Quốc có thể đưa những nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. 
Nếu như các nhà máy điện hạt nhân nổi được triển khai tại Biển Đông, nó sẽ mang lại rất nhiều thách thức về chủ quyền, môi trường, kinh tế, tài nguyên và  đối với mạng sống của hàng trăm triệu người… 
Bài 2: Không gian sinh tồn của dân tộc đang bị thách thức
Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam năm 2014
Đánh giá về tình hình hiện nay, có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng và thách thức này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai. 
Các thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là về chủ quyền, kinh tế biển, an ninh quốc phòng, môi trường phát triển và thách thức đối với không gian sinh tồn của dân tộc. Cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc này chúng ta cần phải tiến ra biển, biển là niềm hy vọng và là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.
Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu xâm lược như vậy: tiến dần dần. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh về thách thức không gian sinh tồn của dân tộc .
Cuối thế kỷ này dân số nước ta lên khoảng 140 triệu người, con cháu chúng ta sống ở đâu nếu không tiến ra biển. Lúc đấy là chúng ta cần có thành phố biển, có làng mạc biển, có nông nghiệp biển, có công nghiệp biển, có cảng biển, có sân bay trên biển. Biển là niềm hi vọng, là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.
Và tôi muốn nhấn mạnh điểm này: không gian sinh tồn của dân tộc mình đang bị thách thức.
(Còn nữa)
Tư Giang lược ghi

Bài 3: Chúng ta có thể giữ được Biển Đông một cách hòa bình

https://vnn-imgs-f.vgcloud.vn/logo/tuanvietnam.gif - 23/7/2019 - Trước hết, chúng ta phải khẳng định chắc chắn 100%, chúng ta có thể giữ được Biển Đông, và có thể giữ được một cách hòa bình.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao - Nguyễn Trường Giang về nhiệm vụ truyền thông của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền Biển Đông tại CLB Cafe Số gần đây.
Câu hỏi tiếp theo là: Sau khi biết tình hình thực trạng rồi, Việt Nam làm gì để bảo vệ chủ quyền Biển Đông? Tôi chỉ nêu một vài điểm vì có hàng nghìn đầu việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải khẳng định chắc chắn 100%, chúng ta có thể giữ được Biển Đông, và có thể giữ được một cách hòa bình.
Tôi xin thưa, Biển Đông không chỉ có thách thức, nó còn là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta.
Việt Nam sở hữu những vũ khí, những giá trị vô cùng quan trọng, trong đó có danh tiếng của mình. Danh tiếng của Việt Nam tương đương với 50 sư đoàn tinh nhuệ nhất trên thế giới.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ mất 12 nhân mạng là do tai nạn trực thăng, còn không thì chẳng mất người nào hết. Trong cuộc chiến ở Iraq, thông tin truyền thông đóng vai trò căn bản, 90% thắng lợi của Mỹ là cuộc chiến tranh truyền thông trước khi diễn ra.
Vào giờ chuẩn bị khởi động chiến tranh, Tổng thống G. Bush (cha) xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi Iraq suy nghĩ. Saddam Hussein cũng xuất hiện trên truyền hình truyền đi một thông điệp: thua cũng đánh.
Tư lệnh của một quân đội 1,5 triệu người được trang bị những vũ khí hiện đại nhất mà chưa vào trận đã nhắc đến thua. Vậy nên, có những đoàn quân 300 nghìn người không bắn một phát súng. Như vậy làm sao lại không thua. Đó là do phát ngôn của Saddam Hussein.
Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của chúng ta, của dân tộc Việt Nam. Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Chúng ta đang sở hữu một vũ khí quan trọng như thế thì chúng ta nên sử dụng như thế nào?
Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông?
Nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này, chúng ta đã trả lời được 50%. Nếu chúng ta tự hỏi làm thế nào để cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, thì chúng ta đã đặt chân lên con đường đi đến hùng cường và thịnh vượng.
Vấn đề truyền thông rất quan trọng. Sự an toàn biển đảo tỷ lệ thuận với sự quan tâm của dân chúng về vấn đề Biển Đông.
Bài 3: Chúng ta có thể giữ được Biển Đông một cách hòa bình
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc
Có mấy việc phải làm, tôi xin nêu ngắn gọn:
-         Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo.
-         Củng cố ý chí quyết tâm.
-         Huy động sức mạnh tổng lực của quốc gia.
-         Phát huy được sức mạnh của thời đại.
-         Xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Thông tin truyền thông cần làm gì?
Thông tin truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin truyền thông là một bộ phận cấu thành của cuộc chiến này, quan trọng không kém gì chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp lý. Bây giờ, thậm chí, nó quan trọng hơn cả quân sự, ngoại giao pháp lý.
Lúc này là thời điểm rất quan trọng để xác định chúng ta giữ được biển hay không. Chúng ta chọn hướng nào? Chúng ta có lựa chọn khác với ông cha mình hay không? Như vậy chúng ta phải coi thông tin truyền thông là một mặt trận.
Thông tin truyền thông không chỉ đưa tin, bình luận, nâng cao nhận thức, không chỉ có tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn phải thêm cả công tác dự báo.
Những việc thông tin truyền thông cần làm bao gồm nêu cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển; góp phần huy động sức mạnh tổng lực quốc gia; phát huy sức mạnh của thời đại; góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Xin giải thích rõ những vấn đề trên như sau:
1. Nêu cao chính nghĩa.
Nêu cao chính nghĩa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thông tin truyền thông. Muốn nêu cao chính nghĩa phải làm hai việc.
Thứ nhất, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa; bác bỏ được yêu sách đường lưỡi bò, bác bỏ cái gọi là chủ quyền lâu đời của Trung Quốc đối với Trường Sa, Hoàng Sa.
Để nêu được chính nghĩa phải đưa ra được các chứng cứ pháp lý và lịch sử xác thực và thuyết phục các cơ quan tài phán quốc tế. Truyền thông báo chí phải kết hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế.
2. Huy động sức mạnh tổng lực quốc gia.
Củng cố ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng biển đảo bằng bất cứ giá nào. Thông tin truyền thông phải biến nó thành ý chí của toàn bộ dân tộc, của cả hệ thống chính trị và của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Cần nâng cao nhận thức của người dân về biển đảo. Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo. Đánh giá Trung Quốc thế nào? Hiện nay, thế giới nhận định về Trung Quốc như con hổ mới trỗi dậy, dữ dằn về quân sự, chính trị, kinh tế. Họ là một con hổ đói: Đói không gian sinh tồn, đói tài nguyên thiên nhiên, đói quyền lực chính trị. Tuy nhiên, con hổ đó có nhiều bệnh về chính trị, văn hóa, dân tộc, sắc tộc, môi trường…
Truyền thông cần đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc, phẩm cách quốc gia. Đặc biệt, củng cố đại đoàn kết dân tộc, xây dựng sức mạnh toàn dân. Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên đồng thuận dân tộc: đồng thuận về nhận thức, ý chí, hành động. Củng cố niềm tin: niềm tin phải có cơ sở, dựa trên điểm mạnh và yếu của Việt Nam và đối thủ, đồng thời tin vào khả năng của chúng ta.
3. Truyền thông phải lan tỏa giấc mơ về đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong vòng 15 năm nữa chúng ta có thể trở thành cường quốc tập trung với 5 tiêu chí: Quân sự, Kinh tế, Văn hóa – Giáo dục, Khoa học – Công nghệ, Chính trị. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hai thứ: Một là minh triết, hai là kế hoạch (giấc mơ).
Truyền thông, tuyên truyền cần nhanh chóng và kịp thời; khách quan và chính xác; hay và hấp dẫn.
Tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa: Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Tư Giang lược ghi

Việt Nam - Hậu HD-981


Những suy tư của một người già U 90. Sái phu minh triết Nguyễn Khắc Mai.
I - Nhận định.
Việc tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh theo chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đem hàng trăm tàu chiến, tàu hải giám vũ trang đưa dàn khoan HD-981 vào định vị ở thềm lục địa của Việt Nam đang gây nên sự phẫn nộ, phản đối của nhân dân VN, và khiến cho khu vực và thế giới lo ngại, lên án.
Đây là sự kiện không đơn lẻ của tập đoàn bá quyền Bắc Kinh. Nó nằm trong một chuỗi sự kiện kẻ cướp từ 1956, 1974,1079, 1988 và hàng loạt hành động vừa có tính cướp biển, vừa xâm phạm trắng trợn chủ quyền của VN.
Từ 2-5-2014, với sự kiện dàn khoan HD-981, Việt Nam bước vào một tiến trình mới. Tôi gọi là VN Hậu HD-981! Có mấy tình hình này để nhân diện.
Một là: Bộ mặt bá quyền đại Hán của tập đoàn cầm quyền Bắc kinh đã bị bóc trần. Những khẩu hiệu “phát triển hòa bình” càng làm dư luận thế giới căm ghét khi chứng kiến hành động dùng vũ lực ngang ngược tron g vụ HD-981. Những chữ vàng, chữ bạc mà tập đoàn Bắc Kinh ban tặng cho nhà cầm quyền Hà Nội đã rơi xuống. Nhân dân VN đã thức tỉnh! Càng đối chiếu với biết bao thủ đoạn chính trị, kinh tế, văn hóa… của phía TQ thời gian qua, nhân dân VN càng căm giận, càng cảnh giác. Kẻ thù đã xông vào nhà!
Hai là: Đường lối đối nội, đối ngoại của Ban lãnh đạo ĐCSVN rõ ràng đã phá sản. Sự lệ thuộc về chính trị, kinh tế… của Ban lãnh đạo VN vào TQ đã dẫn đến hậu quả như ngày nay. Chính trị VN bị cầm tù khiến không thể mở thông được những mối quan hệ quốc tế bình thường, thuận lợi cho cái mà VN luôn nói về nhân tố thời đại có thể góp làm cho nội lực VN phát triển mạnh mẽ như có thể. Đường lối toàn trị thiếu dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vô lối, vô vọng đã đưa dân tộc loanh quanh mất thời gian hàng mấy thập kỷ, tiêu phí rất nhiều tài nguyên, tiền của. Trong khi những nước quanh ta chỉ với thời gian ít hơn chúng ta, tiền của ít hơn chúng ta, họ đã trở thành những nước có kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, xã hội phát triển lành mạnh, vượt xa ta hàng mấy chục lần, trong cùng một thời vào năm 1960 khi ta và họ cùng một trình độ! Họ thực hiện được cái hiệu quả sánh vai với cường quốc 5 châu mà VN từng mơ ước ngót cả thế kỷ trước, đến nay vẫn xa vời! Chúng ta liên tục rơi vào tình thế những rối loạn cục bộ khắp mọi lĩnh vực, dẫn đến suy đồi chính trị, yếu kém, lạc hậu về kinh tế, thoái hóa xã hội và đạo đức. Cả ba vấn đề cốt lõi làm nên sức mạnh của Dân tộc, nội lực cường thịnh của Đất Nước, làDân tríDân quyền, Dân sinh đều sa sút, yếu kém. Dân trí thì nền giáo dục rối loạn suy thoái trầm trọng, đạo đức con người và xã hội xuống cấp, có cả ngót 100 ngàn cử nhân ra trường đang thất nghiệp, có 50% cử nhân kỹ sư tốt nghiệp không đạt yêu cầu… Các quyền tự do, dân chủ của nhân dân mọi tầng lớp bị tước đoạt, cắt xén, chà đạp, quyền sở hữu đất đai bị tước đoạt, quyền tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do báo chí bị xâm phạm thô bạo. Công nông, hai tầng lớp cơ bản của Đất Nước trở nên cùng khốn thảm thương. Đời sống của nhân dân không được cải thiện tương xứng. Vì chế độ lương sai lầm, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cái gọi là lương thực chất chỉ là chế độ phụ cấp kéo dài, công lao động rẻ mạt, càng hấp dẫn đầu tư nước ngoài, công nhân càng bị bóc lột, lâu dài không thể hình thành một tầng lớp công nhân hiện đại, lực lượng xã hội cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban lãnh đạo đất nước hôm nay đang đứng trước sự đánh mất niềm tin của nhân dân, đánh mất tính chính thống của chính nghĩa yêu nước và dân tộc. Đưa Đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, có nguy cơ còn hay mất hiện nay, trách nhiệm to lớn là ở Ban lãnh đạo Đất nước đứng đầu là TƯ ĐCSVN.
Ba là: Khu vực và thế giới cũng đang có nhiều động thái khác trước, có cả thuận lợi mới cho VN mà cũng nhiều thách thức cho VN. Liệu VN có nhanh chóng nhận ra và vận dụng được những cơ hội mới không. Chưa bao giờ thấy rõ lợi ích ngăn ngừa bá quyền Trung Hoa đặc biệt trên Biển Đông giữa Mỹ, châu Âu, châu Á, ASEAN và VN lại trùng hợp như hôm nay. Nhưng hiểm họa về sự lũng đoạn của TQ đối với Miên và Lào lại chưa bao giờ nguy hiểm cho VN như hôm nay. Cuộc hợp tác Trung - Nga hậu Ukraina có thể trở thành một trục ma quỷ, Việt Nam phải cảnh giác, đoàn kết, hợp tác, ủng hộ lẫn nhau giữa các nước ASEAN nhất là những nước có chung lợi ích biển đảo với VN cũng chưa bao giờ cấp thiết như hôm nay. Cơ hội để điều chỉnh, cân bằng đường lối và chính sách đối ngoại, tranh thủ đến tối đa mối quan hệ chiến lược với Mỹ, với EU, với Nhật, với Úc, với Ấn Độ sẽ tạo ra thế và lực mới cho VN để cải thiện mối quan hệ với TQ, mới thoát được cái tròng kim cô của chính sách bá quyền đại Hán. Hơn nữa, mới nâng cao chất lượng trong quan hệ với ASEAN, xây dựng một ASEAN thống nhất, mạnh mẽ phát huy vai trò tương xứng trong khu vực và quốc tế.
Bốn là: Trước hiểm họa xâm lăng, chưa bao giờ yêu cầu hòa giải, hòa hợp dân tộc lại cấp bách và cần thiết mà cũng nhiều cơ hội như hôm nay. Chống lại hòa hợp, hòa giải dân tộc hôm nay lại càng có tội với dân với nước. Chỉ giữ lợi ích cục bộ như ngày xưa gia tộc Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống từng chủ trương nhập Hoa bán rẻ quyền lợi dân Tộc đã bị ngàn đời nguyền rủa, là bài học lớn cho những ai rắp tâm làm hại lợi ích và chủ quyền của Đất Nước hôm nay. Chưa bao giờ dân tộc VN, thế hệ trẻ VN lại đối diện với minh triết phải lớn nhanh như Thánh Gióng, không phải chỉ để chống giặc đã vào nhà, mà là để có đủ sức mạnh mọi mặt nhằm vượt qua cái hiểm họa của hiệu ứng “bóng đè” của bá quyền đai Hán như hôm nay. Không lớn mạnh lên về chính trị về dân chủ dân quyền, về kinh tế về khoa học kỹ thuật, về nhân cách con người, chúng ta không có môi trường xã hội thuận lợi, để làm nên sức mạnh mới của VN. Không có nhân cách con người mới chúng ta sẽ tiếp tục duy trì sự hèn kém, lạc hậu, không có người chỉ huy, quản lý thao lược, không có nguồn nhân lực tài giỏi, anh hùng trong mọi trận địa. Những chủ trương và chính sách bất kỳ nào ngăn cản, không tạo thuận lợi cho phát triển gấp rút nội lực của dân của nước như từng thấy vừa qua phải nhanh chóng tháo gỡ, thay đổi, nếu không sẽ là sự tiếp tay, nối giáo cho giặc!
II - Làm gì? Có hai loại việc.
Những việc cấp bách, trước mắt, và những việc có tính chiến lược lâu dài. Việc trước mắt, nhưng không phải không mang tính chiến lược, trước mắt và lâu dài phải ở trong thế liên hoàn, làm tiền đề, nhân quả lẫn nhau.
A - Những việc trước mắt.
1 - Trả tự do ngay cho tất cả các tù nhân lương tâm. Họ không có tội với Dân, với Nước. Họ chỉ bất đồng chính kiến với đảng CSVN. Chỉ có vô đạo, độc tài mới kết án những người bất đồng chính kiến.
2 - Chưa có luật thì ra sắc lệnh về quyền biểu tình mà HP mới cũng đã quy định. Ngăn cấm quyền biểu tình là độc tài phải lên án. Chính phủ của Dân thì phải tôn trọng và bảo vệ mọi quyền hợp Hiến của Dân. Có nghị sĩ công khai cho rằng đã có một nghị định về vấn đề biểu tình. Nên xóa bỏ nghị định ấy, vì đã có HP 2013, không phải quản lý biểu tình mà là chính quyền tôn trọng quyền biểu tình.
Chưa có luật, thì ra ngay sắc lệnh hoặc nghị định về quyền tự do lập Hội, để xã hội thực hiện sự tự bảo vệ lợi ích, tự giáo dục, tự điều tiết xã hội, mở ra tình thế xã hội có đủ năng lực cùng với nhà nước chăm lo bảo vệ lợi ích xã hội. Xóa bỏ những nghị định, sắc lệnh cũ không còn hợp hiến pháp mới.
3 - Mặt trận Tổ quốc của đảng CSVN phải xúc tiến ngay những cuộc gặp mặt với các tổ chức xã hội dân sự cả trong và ngoài nước để cùng nhau tìm kiếm tiếng nói chung, đối phó với tình hình nghiêm trọng trước mắt, và bàn những vấn đề chiến lược lâu dài để chấn hưng đất nước, nhằm đưa đất nước mau chóng và bình yên giải cấu trúc mô hình chính trị xã hội kiểu xô viết lỗi thời, phản tiến hóa, đi ngược lại trào lưu tiến hóa của dân tộc. Nếu cái mặt trận của đảng không chủ động, thì các tổ chức xã hội dân sự chủ động tổ chức những bàn tròn, kêu gọi mặt trận Tổ quốc tham gia. Nếu từ chối, mặt trận Tổ quốc sẽ đứng trước sự chia rẽ bè phái đáng xấu hổ.
4 - Thi hành ngay những chương trình cải thiện dân sinh.
a - Chương trình việc làm cho 72.000 cử nhân đang thất nghiệp.
b - Chương trình khuyến nông, thu hút lao động nông nghiệp, khuyến khích đầu tư mở mang các vùng nông nghiệp hợp tác, trang trại hóa, hiện đại hóa…
c - Cải thiện chế độ tiền lương, đi đôi với tự do hóa nghiệp đoàn, cắt giảm ngân sách cấp cho TLĐ đem đầu tư hỗ trợ các nghiệp đoàn thật sự là của công nhân (đào tạo, huấn luyện cán bộ).
d - Chương trình hàng tiêu dùng, đối phó với thủ đoạn cấm vận của TQ nếu xảy ra.
e - Cắt giảm ngân sách cấp cho đảng CS và tất cả các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như các hội đoàn có sử dụng ngân sách nhà nước, đem đầu tư cho các chương trình cải thiện dân sinh.
g - Xúc tiến gấp hồ sơ kiện TQ ra các tòa án quốc tế của LHQ. Quá trình này phải đi đôi với phát động chiên dịch tuyên truyền đối ngoại vừa của chính phủ làm vừa do xã hội dân sự làm.
h - Chấn chỉnh ngay sự điều hành của Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Nhiều chủ trương của chính quyền bị phủ quyết do ban tuyên giáo của đảng ra lệnh. Các ban tuyên giáo trước hết phải tôn trọng tính tôn nghiêm của pháp quyền, không cho phép ban tuyên giáo lại có quyền phủ định những chủ trương của Chính phủ, dù là cấp bộ, hay cấp chính quyền tỉnh thành. Một số việc làm của chính Thủ tướng như kêu gọi không biểu tình, nên làm đường đường chính chính, không dùng cách nhắn tin qua điện thoại…
B - Những việc chiến lược.
1 - Cải cách thể chế chính trị. Ai cũng thấy thể chế chính trị hiện nay của Đất Nước là nhân tố chủ yếu làm cho Đất Nước chậm phát triển, kinh tế khủng hoảng, văn hóa xã hội suy thoái, bộ máy nhà nước cồng kềnh, quan liêu tham nhũng. Sự điều chỉnh nhỏ giọt, cục bộ, manh mún, hình thức… đã không đáp ứng đòi hỏi của tình hình, phải đưa nhanh đất nước thoát ra khỏi tình thế suy yếu, khó khăn nguy hiểm như hiện nay. Hậu HD-981 đang làm bộc lộ ra tất cả mọi thế yếu của VN hiện nay. Cải cách thể chế chính trị là mệnh lệnh của dân tộc hôm nay. Ban lãnh đạo của đảng CSVN đã bỏ vuột mất thời cơ khi xây dựng HP mới. Đến nỗi tuy đã có cái gọi là HP mới nhưng QH vẫn là cũ, phương thức, phương pháp vẫn như cũ. Đảng vẫn hoạt động trong khuôn khổ chỉ với một điều 4 HP, mà không có những giải thích mới. Điều 4 vẫn nằm trong HP như một cục bướu không hài hòa với toàn bộ cơ thể mới của HP, như với các điều về tự do, dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật, QH là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước… Đảng có là thành phần của nhà nước, với tư cách là nhà nước hay không… đều không có giải thích. Để điều 4 thật sự có hiệu lực, phải có một đạo luật hoạt động của đảng CSVN. Hiện nay dù còn nhiều bất cập và hạn chế, nhưng tất cả mọi thiết chế xã hội đều tồn tại (dẫu không hoàn chỉnh), đều hoạt động trong pháp quyền (bị kèm theo cái đuôi pháp quyền XHCN, nên cái pháp quyền ấy đã trở nên quái thai, mượn chữ của Các Mác khi nói về luật báo chí), với cả hai yếu tố pháp quyền là vừa có hiến định lại có luật định. Mỗi điều hiến định đếu có luật định đi kèm. Dẫu luôn có nguy cơ luật định nhưng vi phạm HP. Chỉ duy có đảng CSVN là đang hoạt đông “phi pháp”. Vì chưa có luật vẫn hoạt động.
2 - Giải cấu trúc mô hình chính trị xã hội kiểu Xô viết đã bị du nhập vào VN làm biến dạng xã hội và dân tộc VN trong hơn 50 năm qua, gây ra hậu quả tồi tệ làm chậm bước phát triển của dân tộc, khiến nay đứng trước hiểm họa khôn cùng trước nguy cơ lệ thuộc vào chính sách bá quyền đại Hán của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh… Hãy kiến tạo một chế độ chính trị đa nguyên, một thiết chế xã hội đa nguyên. dân tộc VN đã tồn tại và phát triển trong đa nguyên. Nay phải trả lại sự phát triển tự nhiên thuận theo thời đại, thuận theo luật đời hiện đại cho dân tộc.
Đảng cộng sản VN có quyền theo một chủ thuyết dẫu lạc hậu và không hề nhất quán như chủ thuyết Mác-Lê Nin. Nhưng dùng cực quyền, bạo lực ép buộc dân tộc phải tuân theo thuyết Mác-Lê Nin là không văn hóa, không đạo lý mà cũng không hợp tinh thần pháp lý dân chủ. Các lực lượng và tổ chức dân tộc, dân chủ phải được tôn trọng và hoạt động tự nhiên theo luật pháp tiến bộ của nhân loại văn minh. Nói thuyết Mác Lê Nin không nhất quán là có cơ sở. Bởi trong thánh kinh của cộng sản là Bản Tuyên ngôn Cộng sản do Mác và Ăng Ghen công bố đã khẳng định rằng các đảng CS ở khắp nơi phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ. Nhưng tất cả các đảng Mác Lê Nin trên thế giới đều thủ tiêu các đảng dân tộc dân chủ coi họ như thù như địch, kể cả những đảng từng được coi là đảng anh em, như ở VN. Độc quyền toàn trị đã khiến đảng CS thoái hóa cùng cực không có cách gì cứu vãn, hậu quả là đã đưa tình hình đất nước khó khăn và nguy hiểm như hôm nay. Chỉ từ bỏ mô hình Xô viết, đảng CSVN có thể lựa chọn những tư tưởng tiến bộ, hợp lý của Mác và Ăng Ghen, đừng coi là học thuyết, điều mà chính Mác cũng phủ nhận, kết hợp với thành công của những đảng dân chủ xã hội, học hỏi thành tâm những kinh nghiệm nhân văn và tiến bộ của các nước tiên tiến hiện nay trên thế giới, đảng CSVN mới có cơ hội trở về với dân tộc, giữ được những gì mà nhiều đảng viên đã cống hiến cho nền độc lập của đất nước, hòa mình vào dòng chảy trong lành trong lòng dân tộc. Một đảng dày dạn kinh nghiệm chính trị nếu có minh triết nhất định giữ được thân mệnh của mình. Nói như nhà Phật, một khi vứt bỏ đao có thể luân hồi sang một kiếp khác ngay trong cuộc đời hiện tại, làm nên một thân mệnh mới mẽ, lành mạnh, có ơn ích với đời. Không phải là đảng, mà chính là ban lãnh đạo nhiều khóa sau đổi mới đã đi ngược trào lưu lịch sử, đã phản lại những tư tưởng đổi mới, bám giữ quyền lực, bám giữ những suy đồi lạc hậu, kéo dài những “hư hỏng, cũ kỹ” (chữ của Hồ Chí Minh trong di chúc) khiến đã đưa đất nước đến tình hình nguy hiểm như hôm nay. Đổi mới hay là chết! Từ bỏ mô hình Xô viết độc quyền toàn trị hay là để bị nhân dân loại ra khỏi tiến trình chấn hưng đất nước cấp bách hôm nay! Hãy thay đổi nội dung và tiến trình chuẩn bị ĐH12 của đảng.(Nay là ĐH XIII)
3 - Tiến hành Đại Hội Diên Hồng,
Việt Nam - Hậu HD-981 đòi hỏi phải có một Đại hội Diên Hồng. Như trên đã trình bày, Diên Hồng là một thế trận lòng dân mới. Ở đó khối đại đoàn kết chân chính tâm thành của dân tộc sẽ bàn tính và cùng nhau ra sức tạo dựng một thế đứng mới cho VN, tạo dựng một sức mạnh mới về mọi mặt của Dân tộc, cấp bách lớn lên, vượt qua hiểm họa bá quyền đại Hán đang uy hiếp nghiêm trọng sự tồn vong cũng như sự phát triển lành mạnh của Việt Nam. Cần phê phán và nhận rõ đường lối cộng sản đã chia rẽ dân tộc, đánh mất nhiều cơ hội đưa dân tộc phát triển tự nhiên lành mạnh vững chắc như tiềm năng và khả năng vốn có. Nhiều thập kỷ trôi qua mà VN vẫn chưa xây dựng cho xong những hạ tầng cơ bản cả cơ sở vật chất, cả hạ tầng pháp lý, hạ tầng văn hóa khoa học và công nghệ cần thiết, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng vốn xã hội, vừa là như môi trường, như điều kiện, như nguồn năng lượng nội tại dồi dào, luôn tái sinh và phát triển.
Ba thập kỷ qua, từ 1986, đường lối của đảng CSVN, đã không làm tròn trách nhiệm, như đã phân tích ở trên. VN - Hậu HD-981, đảng cộng sản chỉ có hai lựa chọn. Một là đổi mới vòng hai, từ bỏ con đường XHCN vô vọng, theo mô hình Xô viết, từ bỏ độc nguyên, toàn trị, chủ động kiến tạo một tiến trình chấn hưng dân tộc, dân chủ hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo đúng luật chơi của nhân loại văn minh tiến bộ. Các đảng chính trị cùng tồn tại bình đẳng, thi đua hoạt động vì dân, vì nước. Bấy giờ với một thân mệnh lành mạnh, tử tế, đàng hoàng, chắc chắn đảng CS sẽ có chỗ đứng trong lòng dân tộc. Hai là cứ tiếp tục kiên trì cái gọi là chủ nghĩa Mác Lê Nin lỗi thời, lạc hậu và đầy mâu thuẫn, nhân dân hậu HD-981 nhất định sẽ dành cho mình quyền lựa chọn người phục vụ có tài trí, có đức hạnh để giao phó nhiệm vụ cứu nước và chấn hưng đất nước.
Hãy lập ra một Ủy Ban cứu nguy dân tộc, mở Đại hội Diên Hồng trong tình hình mới. Xin gọi là ủy ban 100.
Thành phần:
30 người của đảng CSVN.
30 người lập trường VNCH.
20 nhân sĩ trí thức trung lập.
20 đại diện những tôn giáo chính ở nước ta (hai phái Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo).
Mặt trận Tổ quốc và những Hội đoàn của xã hội dân sự trong và ngoài nước phải vì dân vì nước hiệp thương tiến hành. Xác định và thỏa thuận nội dung. mỗi nhóm cần đưa ra cương lĩnh chương trình để cùng thương thảo. Thắng lợi của Đại hội Diên Hông này là thắng lợi của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Tất cả các nhóm chỉ là người phục vụ cho thắng lợi ấy.
Hãy thực sự làm công bộc của dân, hãy từ bỏ tư tưởng làm cha mẹ dân đi.
Tổ quốc Việt Nam có thật vinh quang hay không, nhân dân VN có thật sự được hưởng hạnh phúc hay không. Đất nước VN có sánh vai với các cường quốc 5 châu được hay không? Tùy thuộc ở sức mạnh Diên Hồng mới!
4 - Việt Nam - Hậu HD-981 phải là thời cơ để mỗi người VN tự xem xét lại mình. Hãy giúp nhau xây dựng một nhân cách người Việt mới. Người xưa nói: “nhà nghèo biết con hiếu, nước loạn biết tôi trung”. Đây là thời cơ lớn để mỗi người dân Việt biết điều chỉnh nhân cách, lối sống của mình, qua đó rèn luyện, hình thành một chất lượng con người mới. Biết cố gắng làm những việc hằng ngày một cách tử tế. Giới trẻ biết nâng mình lên lớn nhanh về trí tuệ, chuyên môn nghề nghiệp, về đạo đức, lối sống. Hãy biết quan tâm đến thời cuộc, không thờ ơ phó mặc để cuộc sống cứ trôi. Chưa bao giờ vấn đề dân trí, dân khí, dân quyền lại trở nên gay gắt, cấp bách như hôm nay. Đối phó với hiểm họa của chủ nghĩa bành trướng đại Hán đang đặt ra trước mặt từng người VN những yêu cầu mới. Không thể sống như cũ. Bài học minh triết về sự lớn nhanh như thánh Gióng chính là bài học của hôm nay (ví dụ: những hiệu trưởng và bí thư trường Đại học nào đó cấm sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm hại chủ quyền đất nước, thật không có ngu xuẩn nào bằng).
Không chỉ có con người công dân bình thường trong xã hội, mà vấn đề nhân cách của người đảng viên, người công chức, người công an, người lãnh đạo… đều đối diện với những yêu cầu rất khác trước.
Không thể sống như cũ trong tình thế Việt Nam - Hậu HD-981!
5 - Kiến tạo một chiến lước đối ngoại mới có năng lực làm đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Cố nhiên muốn có hiệu quả của đối ngoại, phải coi trọng điều chỉnh chính sách đối nội. Quan niệm rằng không xây dựng liên minh để chống nước thứ ba, là tư duy bị cầm tù do bá quyền Bắc Kinh muốn áp đặt. Việt Nam phải nghĩ khác, phải tạo ra liên minh để bảo vệ mình chứ không tạo ra liên minh để chống người khác. Bảo vệ mình và ai chống lại mình thì không thể liên minh với kẻ ấy. Tìm liên minh để bảo vệ mình là trí khôn thông thường của nhân loại./.
N.K.M.