Vụ án Đặng Văn Hiến: Người dân cáo buộc Công ty Long Sơn vẫn còn hành vi côn đồ
Minh Hải
(VNTB) Vụ án Đặng Văn Hiến (47 tuổi, cư trú tại xã Tuy Đức, huyện Quảng Trực, tỉnh Đak Nông) và đồng phạm nổ súng vào nhóm người của công ty Long Sơn làm 03 người chết và hơn chục người bị thương để giữ đất, bảo vệ tính mạng người thân trong gia đình vào ngày 23/10/2106 làm rúng động rừng xanh đến nay vẫn còn “nóng” dư luận. Ngày 7/5/2018 vừa qua, Tòa án cấp cao tại Sài Gòn đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án, điều đáng nói ở đây là mặc dù vụ án mạng đã diễn ra nhưng người nhà của ông Hiến cho biết phía Công ty Long Sơn vẫn lộng hành, đánh đập và phá tài sản của người dân…
Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, bà Mai Thị Khuyên là vợ của ông Đặng Văn Hiến cho biết vào ngày 7/5/2018 vừa qua, Tòa án cấp cao tại Sài Gòn đã đưa chồng bà cùng 2 người khác trong cùng vụ án nổ súng chống cướp đất ở Đak Nông diễn ra vào ngày 23/10/2016 ra xét xử phúc thẩm, phiên xử được thông báo tổ chức tại trụ sở Tòa án tỉnh Đak Nông. Tuy nhiên, đến ngày diễn ra phiên xử phúc thẩm, người nhà của những bị cáo cũng như đông đảo người dân đến theo dõi phiên xử nhận được thông báo từ Tòa án là phiên xử phúc thẩm hoãn lại với lý do người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đại diện cho công ty Long Sơn không thể có mặt tại phiên xử.
Ông Đặng Văn Hiến (giữa) và nhóm người liên quan đến sự việc trong phiên tòa sáng 7-5-2018. Ảnh: Trung Tân – TTO
“Hôm xử phúc thẩm đã hoãn. Vì bên phía công ty Long Sơn họ không đi lên tòa.”
Ngay sau có thông tin hoãn phiên xử phúc thẩm từ Tòa án, nhiều người dân cũng như một số người nhà của các bị cáo bày tỏ sự bức xúc vì cho rằng, tại sao người của Công ty Long Sơn nhận được thông báo hoãn phiên xử trong khi người nhà các bị cáo cũng như phía luật sư lại không được thông báo khiến mọi người bị thiệt hại về thời gian, công sức và tiền của.
Bà Khuyên nói:
“Lúc đó người dân bức xúc vì người của Công ty Long Sơn còn biết hôm ấy hoãn tòa vậy mà tòa không thông báo cho mình cũng như người dân ở đây được biết. Một công nhân ở công ty Long Sơn có nói với người dân ở khu vực tôi là tòa hoãn nhưng mà tôi nói chẳng thấy ai báo, phía luật sư cũng như phía gia đình chúng tôi cũng không được nhận thông báo là hoãn. Trong khi công nhân của công ty Long Sơn được biết tòa hoãn mà mình lại không được biết”.
Vụ án được Việt Nam Thời Báo thông tin từ trước rằng: Bắt đầu từ năm 2008, tỉnh Đak Nông cho Công ty Long Sơn thuê hơn 1000 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong phần đất cho thuê này có phần đất tranh chấp với các hộ gia đình Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường trồng điều và cà phê từ lâu.
Tranh chấp đất đai căng thẳng diễn ra từ nhiều năm qua, Công ty Long Sơn nhiều lần cho xe ủi đến phá vườn tược của các hộ dân, sẵn sàng dùng côn đồ dưới danh nghĩa là nhân viên của công ty được trang bị đầy đủ khí cụ để đánh đập người dân. Người dân khổ sở đi khiếu nại từ các cấp chính quyền ở Đak Nông cho đến việc lặn lội ra tận Trung ương để cầu cứu nhưng rồi đâu cũng về lại chỗ cũ. Người của công ty Long Sơn ngày càng lộng hành, ác bá hơn.
Ngày 23/10/2016, phó giám đốc công ty Long Sơn là ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu đã cùng hơn 30 nhân viên của công ty mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy vườn điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác. Với khí thế hung hãn, bao vây, ném đá và đe đọa gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Để bảo vệ tài sản gia đình và vợ con, ông Hiến đã dùng đến súng hoa cải bắn chỉ thiên để nhóm người của Công ty Long Sơn dừng ném đá. Tuy nhiên, nhóm người của công ty Long Sơn vẫn không dừng hành vi côn đồ, ông Hiến chạy vào nhà vừa cố thủ vừa bắn vào nhóm người này. Thời điểm này, anh Trường cũng có mặt tại hiện trường với vai trò tiếp đạn cho ông Hiến. Đang ở nhà nghe tin người của công ty Long Sơn đang cướp đất và phá tài sản nên ông Bình đã cầm súng chạy sang nhà ông Hiến hỗ trợ. Kết quả là ông Hiến và ông Trường đã bắn chết 03 người, làm bị thương 13 người của công ty Long Sơn. Sau khi gây án, ông Hiến và ông Trường trốn chạy xuống Bình Phước.
Tại Bình Phước, ông Hiến nhờ ông Diện dùng điện thoại gọi tổng đài để đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Vì lẽ này nên ông Diện phạm vào tội che giấu tội phạm. Ông Hiến và ông Trường sau vài ngày trốn chạy đã ra đầu thú.
Ngày 02 & 03/01/2018, Tòa án tỉnh Đak Nông đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau hai ngày xét xử sơ thẩm, chiều ngày 03/01/2018, Tòa án tỉnh Đak Nông đã tuyên phạt:
- Ông Đặng Văn Hiến tử hình – tội Giết người
- Ông Ninh Viết Bình 20 năm tù giam – tội Giết người
- Ông Hà Văn Trường 12 năm tù giam – tội Giết người
- Ông Đoàn Văn Diện 9 tháng tù giam – tội Che giấu tội phạm
- Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu 6 năm tù giam – tội Hủy hoại tài sản
- Ông Phạm Công Thiện 4 năm tù giam – tội Hủy hoại tài sản.
Ngay sau bản án sơ thẩm Tòa tuyên, đông đảo người dân tham dự phiên xử cũng như dư luận khắp nơi theo dõi phiên xử qua báo đài – truyền thông mạng bày tỏ quan điểm cho rằng bản án tử hình dành cho ông Hiến là quá nặng, không đồng tình, cho rằng ông Hiến phạm tội do bị người của Công ty Long Sơn áp bức đến đường cùng, thêm nữa ông Hiến cũng đã ra đầu thú và phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Ngay sau bản án sơ thẩm mà Tòa án Đak Nông tuyên, ba bị cáo là các ông Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường đồng loạt kháng cáo.
Ngày 22/1/2018, Tòa án tỉnh Đak Nông xác nhận với báo đài Việt Nam là đã nhận được đơn bãi nại của gia đình 2 nạn nhân đã tử vong trong vụ nổ súng của ông Hiến và đồng phạm là Dương Văn Tiến và Điểu Tào.
Điều đáng nói ở đây mà bà Khuyên chia sẻ với Việt Nam Thời Báo là ngay sau vụ án nổ súng xảy ra, người của công ty Long Sơn người bị chết, kẻ bị thương và ông Hiến, ông Bình, ông Trường là những người nổ súng chống cướp đất đang bị án hình sự sơ thẩm nhưng theo bà Khuyên thì người của công ty Long Sơn vẫn tiếp diễn hành vi đánh đập, phá hại tài sản của người dân chí ít là 2 lần mà bà Khuyên được biết.
“Từ lúc vụ anh Hiến đến giờ họ 2 lần đánh người dân. Đánh anh Ba vừa rồi còn đi cấp cứu vì thương tích mà”.
“Có. Đánh người dân 2 lần. Một lần họ đánh anh Tư, một lần gần đây nhất là đánh anh Ba rồi họ đổ chất vào vườn điều để chết hết. Hôm qua hôm kia tòa xử mà họ không lên, họ ở nhà điều hành ba, bốn chục công nhân đến trồng mì, các thứ trên đồi của người dân tên là Sĩ. Họ phá điều của anh Sĩ vào năm ngoái, họ đổ thuốc gì màu trắng vào gốc điều là cây điều tự chết thôi”- Những cáo buộc của bà Khuyên.
Nếu những cáo buộc của bà Khuyên là đúng sự thật thì rõ ràng người của công ty Long Sơn đã quá lộng hành, quá xem thường pháp luật. Hơn hết, dư luận cần các cấp chính quyền Đak Nông phải vào cuộc nghiêm minh, để người dân thấy được sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ đến từ các cấp chính quyền.
Cùng thời gian này, mạng xã hội có rất nhiều lời kêu gọi Tòa án các cấp ở Việt Nam và chính quyền các cấp nên giảm án cho ông Hiến và các bị cáo, đặc biệt là ông Hiến không đáng nhận bản án tử hình. Liệu rằng Tòa án cấp cao Sài Gòn có đáng ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân hay không?
“Mong muốn anh Hiến được giảm án. Nếu được như vậy thì người dân họ mới thấy pháp luật này còn nghiêm minh, xứng đáng và lấy lòng tin của người dân”.
Kết thúc chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, bà Khuyên cho biết anh Hiến hiện vẫn mạnh khỏe, đang bị tạm giam ở trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Nông.
M.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét