Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020


Trình bày sự thật qua mạng xã hội: nỗi lo của Đảng!


RFA Tiếng Việt


Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm 23/12/2019, Ban Tuyên giáo Trung ương Việt Nam đưa ra cảnh báo rằng kể từ sang năm 2020 mạng xã hội tiếp tục bị sử dụng bởi giới mà những vị phụ trách tư tưởng – văn hóa của Hà Nội gọi là ‘thế lực thù địch’. Mục tiêu cũng được nêu rõ là để ‘gia tăng chống phá trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp và dịp Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.’ Ông Võ Văn Phuông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khi phát biểu tại Hội nghị cho biết, Ban Tuyên giáo đang triển khai Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Ban Tuyên giáo cũng nhận định, trong năm 2020, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội để gia tăng các hoạt động chống phá, nói xấu, chia rẽ Đảng với dân…

Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, nhận định:

“Hiện nay Đảng đang ngày một xấu đi, đấy là một sự thật, nó xấu cả về lý thuyết, nó xấu cả về chủ trương đường lối, chính sách… đặc biệt nó xấu về hệ thống tổ chức, nhất là cán bộ cầm quyền của Đảng càng ngày càng xấu, càng thoái hóa, đồi trụy… Đảng không nên cấm người ta nói xấu mà nên vạch ra cái xấu để Đảng thấy mà sửa. Ông Hồ nói như thế, Đảng nói học theo Hồ Chí Minh, nhưng chỉ là nói phét, có học hành gì đâu. Tham nhũng, cậy quyền áp bức dân là chính, cướp bóc của dân, cái đó phải sửa chứ còn gì? Mà ai vào tù, Ủy viên Bộ Chính trị vào tù, Ủy viên Trung ương Đảng vào tù, Bộ trưởng đảng viên vào tù… phải sửa chứ còn sợ người ta nói xấu gì?”

Đây không phải lần đầu tiên Chính quyền Việt Nam kêu gọi đấu tranh chống âm mưu chống phá Đảng trên mạng xã hội. Vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng kêu gọi đánh bại cái mà người đứng đầu Chính phủ Hà Nội cũng như lãnh đạo Việt Nam lâu nay gọi là ‘âm mưu chống phá Đảng, nhà nước’: “Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước”. Hay tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm ngoái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng từng lên tiếng cảnh báo cần phải đấu tranh hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên, nhất là tình trạng viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng.

Nhà báo Nguyễn Văn Khánh, nguyên phóng viên Ban Khoa giáo, báo Tiền Phong, khi trao đổi với RFA hôm 23/12, nói:

“Theo quan điểm của tôi, việc Ban Tuyên giáo hay Đảng Cộng sản lo ngại
thông tin trên mạng xã hội đã có từ lâu, nhất là trong thời đại bây giờ họ không thể nào bưng bít, dối trá người dân được nữa, cho nên những biện pháp họ đưa ra tôi cho là không khả thi”. Cũng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo phải dự báo, phát hiện sớm “điểm nóng” để tổ chức lực lượng, tin, bài đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch; ngăn chặn các trang mạng xã hội, blog cá nhân nói xấu Đảng, chống phá Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng…

Trả lời RFA hôm 23/12, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản cao niên, từng công khai lên tiếng từ bỏ Đảng, nói:

“Việc người ngoài có nói xấu Đảng hay không? Tại sao Đảng lại không công khai để đối thoại trực tiếp? Tôi cho rằng đấy là các nhà hoạt động dân chủ, còn Đảng thì cho rằng đấy là thế lực thù địch, tự chuyển biến, tự chuyển hóa nói xấu Đảng. Nhưng mà những người phát ngôn thì họ cho rằng, đó là nói sự thật, nhưng sự thật xấu. Nói xấu có nghĩa là người ta không xấu nhưng mình bịa đặt ra, bôi nhọ người ta, nhưng nếu mình xấu thật, mà người ta vạch chuyện xấu của mình ra thì đấy là nói sự thật”.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống lại cho rằng, có những việc sự thật trong lịch sử rõ ràng, nhưng Đảng lại nói khác đi, Đảng tuyên truyền, nhưng khi có ai nói ra chuyện đấy thì, nhà cầm quyền lại cho rằng là ‘lật sử’, ‘nói ngược với Đảng’. Vì vậy, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trong chuyện này, Đảng đã cố tình, dùng uy lực của mình quy kết người ta, dùng hệ thống tuyên truyền của mình để nói người ta, chứ không dám công khai nói thật. Cũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội cho rằng, các thế lực thù địch luôn muốn xóa bỏ hệ tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ đường lối của Đảng, thành tựu cách mạng của Đảng, phi chính trị hóa lực lượng công an, quân đội.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nhận định:

“Chủ nghĩa Mác Lê-Nin vốn bản thân nó đã sai, chính ông Karl Marx cũng đã thừa nhận ý nghĩ trẻ con, lúc ấu thời ảo tưởng, bây giờ cuối đời thấy sai và bỏ đi, không coi lý tưởng cộng sản là đúng nữa. Chính người sáng lập ra nó đã công nhận là sai, thì bây giờ Việt Nam nói đúng thế nào được. Bây giờ Việt Nam nên thay đổi, đừng bám theo cái sai lầm nữa, đi về với dân đi, để dân người ta bày cho cái chuyện tử tế”.

Liên quan đến những lo ngại đảng viên viết bài nói xấu Đảng, đi sai đường lối của Đảng, Ban Tuyên giáo trung ương hôm 23/12 cũng cho biết, sẽ xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị “Quy định việc lập và sử dụng các trang web, blog, fanpage, tài khoản mạng xã hội của cán bộ, đảng viên”. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nói tiếp:
  
“Phe nọ chống phe kia thì mới đưa ra cho bàn dân thiên hạ biết, nhưng mà không chỉ như thế, tôi nghĩ trong đảng cũng có người tử tế, và họ muốn vạch trần chuyện ấy cho công luận biết cái xấu ấy để sửa, để mà loại trừ một bầy sâu. Bây giờ không phải chỉ có một con sâu, ông Trương Tấn Sang từng nói là cả một bầy sâu cơ mà. Nói là nội bộ vạch ra, nếu không có cái xấu thì nội bộ nào vạch ra được?”

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, không dám nhìn nhận sự thật, mà chỉ nói loanh quanh thì không thể sửa sai được, thì làm sao có thể tiến bộ được.

RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét