Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

“Nền kinh tế vỉa hè”


Tác giả: Lê Quang
20-4-2020
Hình ảnh người bán hàng rong bị lực lượng chức năng “xử lý” hàng hóa (hôm qua) gây phản cảm và bức xúc trên mặt báo. Vụ việc này phản ánh thực tế khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề cho nhóm kinh tế phi chính thống trong giai đoạn chuyển giao.
Ta biết rằng có nhiều người sẽ nói lý: ”bán hàng rong là sai, mình sai trước thì đừng kêu”. Vậy cũng xin lưu ý bạn đọc rằng, “Nền kinh tế vỉa hè” này mới là thứ nuôi sống xã hội Việt Nam kể từ sau chiến tranh đến nay, chứ không phải là khu vực kinh tế “chính thống”.
Không có sự linh hoạt và năng động của ”Nền kinh tế vỉa hè” (Pavement economy) thì e là thiếu môi trường nuôi sống mấy chục triệu con người, những người sẵn sàng làm ra bát phở 15k, cái bánh mì 5k để rồi nuôi sống tiếp những người trong khối “chính thống” sáng cắp ô đi tối cắp ô về? Không có khối “phi chính thống” thì ai ship cho bạn cái bánh đến tận nhà? Ai làm ô-sin trông con, nấu bếp cho bạn? Không có “kinh tế vỉa hè” thì lấy đâu ra những ông hoàng bà chúa “trung lưu” – là chính chúng ta – đang có phần ăn bám trên khoảng cách giàu nghèo ấy?
Những nền kinh tế lớn nhìn vào nhìn vào kinh tế Việt Nam, họ học được điều gì từ đó? Từ cái xe ô-tô của Vinfast chăng? Rất đáng ca ngợi, nhưng nơi khác đã sản xuất ô-tô, máy bay, xe tăng, hạm pháo từ 1 thế kỉ trước mất rồi. Thế còn thị trường bất động sản năng động? Không, chính sách xây dựng của người ta đã qua cái thời biến bất động sản thành mặt hàng siêu lãi để đào hố sâu cách biệt xã hội rồi. Vậy thì về tiền tệ, tài chính? Hiển nhiên không, vì người ta đã đi trên con đường ấy từ 300 năm trước rồi. Hay là người ta học mình về phong cách “làm kinh tế kiểu yêu nước”? Không, người ta cũng đã tự biến nước người ta thành cường quốc vang danh bốn bể bằng kinh tế từ tám đời rồi còn đâu?
Thế có cái gì khiến Thế giới say mê ở nền kinh tế VN nhất? Ấy chính là cái “Nền kinh tế vỉa hè” đầy năng động và phi tập quyền kia, bởi vì nó đã giải quyết được cơm ăn áo mặc cho hơn 50 triệu con người hoàn toàn bằng cách tự thân vận động.
Tôi có một anh bạn, hai tuần trước nhắn tin rằng “cách ly rồi ông ơi, sống rồi!”. Ừ thì đấy là bạn tôi nó thấy là nó sống tốt. Tốt cho bạn đó. Thế nhưng có hàng chục triệu những con người khác họ sống dựa vào vỉa hè. Khi không còn ai trên vỉa hè, nền kinh tế ấy bị phá vỡ và rất sớm thôi ta phải đối diện với tình huống có nhiều người có thể sẽ chết đói. Chúng ta có thể biết hay không biết. Như cậu bạn tôi kể phía trên, hiển nhiên không biết. Tôi biết trước, rằng nhiều người sẽ nói rằng bây giờ cách ly là ưu tiên số một. Nhưng cách ly cũng phải có kế hoạch và lưu tâm đến những đối tượng dễ bị tổn thương. Sẽ là quá lạc quan nếu ta nghĩ rằng họ lao ra vỉa hè chỉ vì rửng mỡ hay bởi họ “không yêu nước” được như chúng ta.
Hai tuần gần đây, tôi có tham gia là tài trợ cho các hệ thống ATM gạo ở Việt Nam. Bởi vì hiểm hoạ chết đói đối với một bộ phận người dân là có thật. Nó là điều rất nên quan tâm, chứ không phải là chuyện của mấy mươi năm trước.
Đừng vội hiểu lầm, ”Nền kinh tế vỉa hè” hiển nhiên có những vấn đề nhức nhối về trật tự xã hội và đô thị, nhưng ta không thể phủ nhận sạch trơn những đóng góp to lớn của nó trong lịch sử Việt Nam. Nó năng động, linh hoạt và nhân văn. Nó bẩn thỉu, hôi hám, nhếch nhác, nhưng hàng triệu thân phận con người tìm được chốn dung thân cho mình ở đó. Những con người ấy không may mắn có được sự che chở từ khối kinh tế “chính thống” vốn chiếm một tỉ trọng khá “khiêm tốn” trong nền kinh tế “nhiều thành phần” này.
Do vậy, cách tiếp cận với nền kinh tế vỉa hè cần được quan tâm, cân nhắc bởi vì nó là một yếu tố quan trọng trong xã hội Việt Nam. Chị bán rau mới bị bẻ gập cánh khuỷu ngày hôm qua, cũng đang góp sức nuôi sống một lượng lớn con người trong xã hội trong hệ thống kinh tế phi chính thống đó.
Nếu bạn cho rằng “Nền kinh tế vỉa hè” chỉ toàn sai trái. Thì có lẽ bạn đang phủ nhận công ăn việc làm của mấy chục triệu con người. Nếu bạn nghĩ nó là ”không nên”, thì có lẽ còn quá chủ quan vì hiển nhiên bạn (hoặc cha mẹ bạn) ít có cơ hội được sinh ra trong một xã hội hậu chiến mà vắng bóng nó.
Chúng ta vẫn tự hào những hàng hóa thơm ngon xuất đi khắp nơi cho người ngoại quốc ăn. Rồi cả nền công nghiệp gia công giá rẻ làm giàu cho các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài hay xu hướng siêu đô thị mật độ cao của HN hay SG. Nhưng bên cạnh đó, ”Nền kinh tế vỉa hè” cũng đã giúp đời sống của mấy chục triệu dân trở nên ”phải chăng” hơn, dễ chịu hơn qua những năm tháng đói nghèo. Nó từng và vẫn đang là lựa chọn sống còn trong một tổ chức kinh tế non trẻ và thiếu toàn diện.
Có lẽ chúng ta cần bình tĩnh và bao dung với chính những gì thai nghén ra cuộc đời ta, dù đúng là còn tồn tại những phiền hà trong hiện thực ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét