Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Ý TƯỞNG TỐT ĐẸP CHỈ LÀ GIẤC MƠ!

Dear All
Thời gian trôi nhanh thật, Quốc hội khóa XIV đang họp và chỉ còn 1 kỳ họp quan trọng cuối năm 2020 để chuẩn bị cho khóa mới. Lúc nào rảnh, tôi sẽ viết bài “Vui buồn cùng Quốc hội” để ghi lại dấu ấn, những thành quả cũng như những khắc khoải mà Quốc hội còn “vướng nợ” cử tri.
Lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội phát biểu (kể cả khi cầm giấy đọc) tức là đã có chuẩn bị, cử tri nhận thấy có “độ vênh” rất lớn giữa nhận thức và bản lĩnh của nhiều vị đại biểu của dân. Nguyên nhân cũng chỉ vì cách tuyển chọn “đầu vào”, biết trách ai đây?
Theo dõi hoạt động của Quốc hội trong những năm gần đây, cử tri thấy đã có một số đại biểu có tâm, có tầm. Việt Nam không thiếu người tài đức, nhưng một vài cánh én không đủ để mang lại mùa xuân; ý tưởng hay, góp ý đúng không được thể chế chấp nhận. Đến các vị đại biểu Quốc hội mà còn bất lực thì những người già (hiu hắt!) chỉ còn cách nhìn về quá khứ mong bao giờ cho đến ngày xưa.
Tôi chỉ lấy ví dụ điển hình, cử tri rất quan tâm và ủng hộ phát biểu của đại biểu Lê Thanh Vân về vấn đề xây dựng luật của Quốc hội. Không biết từ bao giờ người ta mặc nhiên coi việc xây dựng luật là của Chính phủ, còn Quốc hội chỉ thẩm tra và thông qua. Nên không lấy làm lạ khi các luật của ta bị chồng chéo và mâu thuẫn nhau, chưa kể “lợi ích nhóm” có thể chi phối, luật của ngành nào thì ưu ái cho ngành đó bất chấp có vênh với luật khác hay không.
Cử tri rất ủng hộ các đại biểu Quốc hội được quyền đề xuất và trực tiếp xây dựng luật, và cũng nên thay đổi quan điểm về làm luật, không nhất thiết luật nào cũng phải dài dòng, bao phủ nhiều vấn đề, nội dung chung chung đến mức muốn hướng dẫn (Thông tư) thế nào cũng được. Nên thay đổi tư duy và chấp nhận có những luật chỉ quy định một vấn đề khi có tình huống khẩn cấp hoặc quan trọng, cần áp dụng ngay. 
Đương nhiên khi đó phải cải tổ Quốc hội, các “nghị sỹ” của ta phải có trình độ cao hơn và phải có bộ máy giúp việc, phải phần lớn là đại biểu chuyên trách (cần hạn chế tối đa những người vừa “đá bóng vừa thổi còi”) xuân thu nhị kỳ về Hà Nội họp mấy tuần vừa tốn kém tiền thuế của dân, vừa “diễn” (không thực chất là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp)! 
Một số vấn đề cử tri rất quan tâm như:
-         Nhiều luật quan trọng đã được ghi trong Hiến pháp, thực tế cuộc sống đòi hỏi phải có, hoặc sửa đổi nhưng trên diễn đàn của Quốc hội vẫn bị “khất lần” hoãn…
-         Trung Quốc tiếp tục ngày càng bành trướng, dở trò ở Biển Đông, bàn tay ma quỷ thò “chân cáo” vào mọi lĩnh vực ở nước ta, Quốc hội hành xử như thế nào để thổi hơi thở cuộc sống vào nghị trường và nghị quyết của Quốc hội để yên lòng dân?
-         Quốc hội đã có số liệu thống kê về đất đai, nhà cửa ở các vùng kinh tế trọng điểm an ninh, quốc phòng (kể cả Vân Đồn)  thực sự do các nhà đầu tư và cư dân Trung Quốc đã và đang chiếm lĩnh?
-         Quan điểm đánh giá về vụ Đồng Tâm.?
-      Cứ nhìn tư pháp với phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải toàn nhân sự cao cấp, đủ biết dân còn khổ dài dài. Buồn lắm!
-         Vụ xử án đô đốc hải quân thấy rõ “lỗ hổng” về quân đội đi làm kinh tế?
-         Đọc báo hàng ngày, người dân thấy trên thế giới và ngay cả ở nước ta xã hội còn nhiều bất ổn. Thế giới phẳng không còn đất cho sự gian trá. Mâu thuẫn lớn nhất và có tính quyết định nhất là mâu thuẫn giữa sự độc tài với nhu cầu tự do dân chủ ngày càng tăng của mọi tầng lớp nhân dân.
-         Bộ Luật Hồng Đức thời nhà Lê (có  dấu ấn của Nguyễn Trãi), có một số điều khoản liên quan đến nhân tài. Ngày nay càng thấy vấn đề thể chế và con người phải được phát triển hữu cơ với nhau, cái nọ là tiền đề của cái kia, thiếu một vế là thất bại. Gần 4 thập kỷ vừa qua công nghiệp hóa của nước VN độc lập thống nhất thất bại không phải vì thiếu người tài, mà trước hết là không có thể chế phù hợp.
-         Lúc này rất cần sự chèo lái uyển chuyển với tầm nhìn chiến lược, đặt lợi ích quốc gia lên trên mọi lợi íchVấn đề là lãnh đạo của ta có ai thực sự muốn thay đổi không? Thể chế mà không được cải cách thì mọi ý tưởng tốt đẹp cũng chỉ là giấc mơ thôi. 
Tô Văn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét