Tylor đề nghị một định nghĩa về văn hóa, mà các sách giáo khoa của khoa học xã hội và nhân văn thường sử dụng để mào đầu cho các đối thoại hoặc tòa đàm: «Văn hóa là một đồ hình được sự xếp đặt qua phong tục, tập quán, truyền thống… như một hệ thống giá trị có nội lực tổ chức các hành động có điều kiện đã trở thành thói quen qua các phản ứng và phản xạ của các thành viên cùng có một niềm tin vào hệ thống giá trị này». Định nghĩa này đi từ định đề của hệ thống giá trị dựa trên phong tục, tập quán, truyền thống để tìm tới một định luận là khi các giá trị được công nhận thì các thành viên của một cộng đồng sẽ sinh hoạt văn hóa vừa bằng ý thức về các giá trị này, mà cũng vừa bằng tiềm thức của phản xạ được lập đi lập lại trong không gian và thời gian của một văn hóa. Đây là loại định nghĩa đi tìm tổng quát để có tổng kết đầy đủ, nhưng chúng ta sẽ có thể có một định nghĩa trọn vẹn về văn hóa chỉ vì phạm trù văn hóa là một phạm trù mở, nơi mà lãnh thổ và biên giới của văn hóa không hề được định hình trong một không gian vĩnh cửu với thời gian vĩnh hằng. Riêng trong tọa đàm này của Hội Minh Triết Việt, tôi đề nghị nghiên cứu văn hóa qua: chủ thể văn hóa, cụ thể là có các thành viên hưởng thụ, hưởng lợi, thậm chí vụ lợi rồi trục lợi qua văn hóa như chúng ta đang thấy các dịch vụ thương mại chung quanh các địa điểm, các lễ hội, các sinh hoạt mang nội chất văn hóa. Nhưng chỉ có các chủ thể văn hóa mới bảo vệ, bảo hành, bảo hiểm được các giá trị chính thống của văn hóa.
Từ định
vị chủ thể tới sự vận hành của chủ thể văn hóa
Chủ thể có những định luận khác nhau
trong khoa học xã hội và nhân văn, nhưng cuối cùng là các định luận này sẽ cùng
nhau hội tụ chung một chân trời. Nơi mà cá thể khi trở thành chủ thể, thì cá
nhân lẻ loi sẽ là công dân sinh hoạt trong nhân tri sáng tạo ra chính nhân kiếp
cho mình, vì mình. Chủ thể văn hóa có không gian tri thức của mình, chúng ta có
ít nhất ba quan niệm chuyên ngành về chủ thể đã biết chung lưng đấu cật
để làm nên phạm trù phân tích và giải thích sự định hình của chủ thể. Triết
học quan niệm chủ thể chính là các tác nhân biết tìm để hiểu sự thật
trong quá trình làm người của mình. Từ đó, xem rồi xét phạm trù tự do mà
mình muốn có, để thấy rồi thấu nhân lộ của chủ thể luôn đi xa hơn cá thể, luôn
đi rộng hơn cá nhân, luôn đi cao hơn công dân, để tự quyết không gian nhân kiếp
của chính chủ thể. Sử học quan niệm chủ thể bắt đầu bằng sự dấn thân chống
bất bình đẳng, rồi chống bất công vì những giá trị của công bằng và bác ái bằng
những nhân lộ khác nhau. Từ cải tổ tới cải cách, từ cải cách tới cách mạng, chủ
thể đi tìm công ích để chống tư lợi, đi tìm công luận để gạt đi vụ lợi. Nên chủ
thể xây gốc, đắp rễ, dựng cội, tạo nguồn từ nhân tính vô vụ lợi, khác hẳn với
tính vị kỷ của cá nhân, khác xa với tính ích kỷ của cá thể. Xã hội học
quan niệm chủ thể bằng đạo lý của trách nhiệm trước xã hội, của bổn phận trước
cộng đồng, bằng chính nhận thức về lợi ích tập thể.
Tại đây, chủ thể luôn đứng về
phía sáng tạo: công bằng rồi thì phải công bằng hơn, bác ái rồi thì phải bác ái
hơn, nên đã tự do rồi thì phải tự do cao hơn, sâu hơn, rộng hơn, xa hơn. Sáng tạo
ngay trong sinh hoạt xã hội bằng sáng kiến làm tốt sinh hoạt xã hội, sáng tác
ngay trong quan hệ xã hội bằng sáng lập ra các quan hệ xã hội mới, biết làm đẹp
hơn cho đời sống xã hội đang có. Chủ thể văn hóa vận hành trong không gian của hệ
sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng tác, sáng lập) này không ngừng ở các
hình thái nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, văn chương… Mà hệ sáng là động
lực thường xuyên và động cơ thường nhật để chủ thể tạo ra hệ hành (hành
vi, hành động, hành tác) dựa trên hệ tự (tự do, tự chủ, tự lập). Lại
được trợ lực bởi hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), vì
được trợ duyên bởi hệ liêm (liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ). Tất
cả các hệ này làm nên: nội công đạo lý, bản lĩnh đạo đức, tầm vóc luân lý của
chủ thể. Đây chính là nguồn cơn mất ăn mất ngủ của bạo quyền độc đảng toàn
trị, tà quyền tham nhũng trị, quỷ quyền ngu dân trị, ma quyền công an trị, âm
quyền tuyên truyền trị… Đó chính là các hoạn nạn mà Việt tộc đang phải gánh
chịu dưới sự cai trị của ĐCSVN, tới từ một sự cai trị vừa diệt sự phát triển của
đất nước, vừa triệt sự tiến bộ của dân tộc, vừa giết văn minh vì giống nòi,
cùng lúc thanh trừng luôn tiền đồ tổ tiên Việt đã làm nên văn hóa Việt.
Trong đầu thế kỷ này, Hội Minh Triết
Việt có vài lần mời triết gia François Jullien và tôi tới Hà Nội, để tham dự
các diễn đàn gần xa có liên quan tới văn hóa, tư tưởng và triết học. Bạn tôi
François Jullien, có đề nghị phân tích: «Văn hóa thì mở nhưng bản sắc thì
đóng, nên khi một chính quyền, một chính phủ khơi mào chuyện bản sắc văn hóa,
thì đây là trò bịp, đây là mưu đểu, mà mọi người phải cẩn trọng, không để bị giật
dây bởi các chính sách lấy bản sắc đóng để đóng khung rồi nhốt tù văn hóa mở. Bản
sắc như loại chứng minh nhân dân, có lý lịch của một thẻ căn cước với các dữ kiện
bất di bất dịch như tên, họ, giới tính… Mà văn hóa thì ngược lại, văn hóa phải
mở để tiếp đón tiến bộ cho xã hội, phát triển cho cộng đồng và văn minh cho dân
tộc».
Riêng tôi, thì tìm cách đi thêm một bước
nữa về phía chủ thể văn hóa bằng định luận: «Văn hóa thì động mà bản
sắc thì đọng ; văn hóa động, vừa giúp chúng ta thích ứng với ngoại giới
nơi mà tha nhân có thông minh để sáng tạo, vừa giúp chúng ta thích nghi với các
tiến bộ xã hội, thích ứng với các phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ...
Động để chủ động! Để có lối sống mới nơi mà ngoại giới có tha nhân, có nhân loại
sẽ trợ lực để chúng ta thăng hoa từ tâm lực tới trí lực, từ nhân tri tới nhân
trí. Ngược lại bản sắc đọng, từ sắc tộc tới giới tính làm nên nhân diện bị động
trong nhân dạng thụ động, bắt chúng ta phải sống hoài với nhân tri hạn hẹp,
nhân trí giới hạn, trong loại nhà tù vô hình của «ao làng», làm nên nhà giam của
loại người luôn tự vỗ ngực kiểu «ta về ta tắm ao ta». Bản sắc đọng vì đọng
trong vòng tự lao lý hóa nhân kiếp của mình, không thấy «nắng sớm mưa chiều» của
nhân thế, nên không thấu «vật đổi sao dời» của nhân gian».
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể giáo lý
Mauss, một
trong những sư tổ của nhân học, đứa con tin yêu của điền dã dân tộc học, yêu cầu
chúng ta dành cho văn hóa một không gian rộng nhất trong sinh hoạt xã hội, với
định nghĩa: «Văn hoá luôn có hành tác rộng và sâu từ quy luật trao đổi tới
quy lệ cưới hỏi, từ quan hệ xã hội tới tổ chức kinh tế, văn hóa mang tính lớp
lang; trong cuộc sống biết sự chia sẻ trong cộng đồng, chính sự chia sẻ làm nên
tính liên kết trong quan hệ xã hội». Trong định nghĩa của Maus có định đề của
trao đổi, của cưới hỏi, có định luận từ xã hội tới kinh tế, như vậy văn hóa
chi phối rất nhiều sinh hoạt của nhân gian.
Sau đó, Lévi-Strauss còn đi xa hơn thầy
của mình, khi đại sư của nhân học cận đại đề nghị một định nghĩa về văn hóa có
chiều rộng của ngôn ngữ, chiều cao của tư tưởng, có chiều sâu của ý thức: «Văn
hoá luôn nói lên một quần thể sinh hoạt ưu tiên của một cộng đồng, trong đó ngôn
ngữ, tư tưởng biết tạo nên ý thức của thành viên trong cộng đồng đó. Văn hoá có
tôn ti trật tự của tổ chức xã hội cho cộng đồng đó, mà cũng là vốn liếng làm
nên cảm xúc cho các thành viên trước các giá trị được tôn vinh trong văn hóa
đó». Trên định nghĩa này, các chuyên gia về văn hóa sẽ nhận ra vai trò của
giáo dục biết bảo vệ ngôn ngữ, bảo đảm tư tưởng, bảo hành ý thức của một cộng đồng.
Nơi mà tình cảm tập thể có trong sự xúc động của các thành viên trước sự thể hiện
các giá trị trong văn hóa đó, giờ đã trở thành niềm tin chung cho cộng đồng
này. Vai trò của giáo dục trong sự sống còn của một văn hóa được trợ lực bằng
giáo lý của tổ tiên, giáo khoa của học đường, với giáo trình qua các thế hệ, với
giáo án trong từng thế hệ, nên giáo dục văn hóa luôn là gốc, rễ, cội, nguồn của
mọi sự thăng hoa của một dân tộc.
Không ai sinh ra đã là chủ thể, mà chủ
thể được ra đời với ít nhất trong năm môi trường giáo dục chủ yếu biết đào tạo
những công dân tốt biết đấu tranh để bảo vệ một xã hội tốt, được bảo quản bởi một
định chế tốt, được bảo trì bởi một cơ chế tốt, được bảo hành từ một chế độ tốt.
Có ít nhất năm môi trường giáo dục để xây dựng các chủ thể văn hóa. Giáo dục
đạo lý, từ gia đình tới học đường, từ nghề nghiệp tới xã hội, công dân xác
nhận chức năng vì công ích của mình trong tập thể, cộng đồng. Cùng lúc xác chứng
được vai trò tích cực của mình qua trách nhiệm với đất nước, qua bổn phận với
dân tộc, nghĩa vụ với giống nòi. Giáo dục học đường, nơi mà hệ thức
(kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) giúp công dân sử dụng
phương trình sự thật-chân lý-lẽ phải để tạo dựng nhân sinh quan cho
chính mình, một nhân sinh quan biết sống cùng, sống chung trong môi trường văn
hóa với dân tộc.
Từ phát triển đất nước tới tiến bộ xã hội
để làm nên văn minh cho dân tộc, giáo dục khoa học là quá trình tự chủ
biết khách quan hóa các kiến thức để có phân tích trúng, giải thích đúng. Nơi
mà chủ thể tiếp nhận kiến thức của khoa học, kỹ thuật như tiếp đón các vốn liếng
cùng các kỹ năng để tạo tiền đề cho phát triển vì đất nước, tiến bộ vì dân tộc,
văn minh vì giống nòi. Chủ thể văn hóa biết mở cửa để đón giáo dục dân chủ,
đây là nhân lộ thiết yếu để nhận ra đa nguyên là cốt lõi của hệ đa (đa tài,
đa dung, đa tri, đa trí, đa hiệu, đa năng) biết dựa trên sự thông minh của
tập thể, của cộng đồng. Sự thông minh này luôn đa diện, đa chiều, và vượt
trội sự thông minh của cá thể trong ích kỷ, của cá nhân trong vị kỷ.
Chủ thể văn hóa biết mở cửa mà còn biết
giữ cửa để bảo vệ giáo dục nhân quyền, nơi mà công bằng giữa các thành
viên trong xã hội được xác nhận bởi hiến pháp, mà công lý là gốc, rễ, cội, nguồn
cho mọi công luật. Nên chủ thể văn hóa còn biết mở lòng để tiếp nhận phương
trình công bằng-công lý-công luật trực tiếp chống lại mọi bất công của độc
đảng-độc quyền-độc tài, lấy đặc quyền để đặc tham, đặc lợi để vụ lợi, chóng
chày sẽ bội ân với dân tộc, với giống nòi, với đất nước, cụ thể là bội phản với
văn hóa của tổ tiên. Chủ thể văn hóa là tổng lực của năm hệ giáo dục này, cụ thể
là sẽ không có dân chủ trong văn hóa, sẽ không có nhân quyền cho văn hóa nếu
không có các hành tác tới từ chủ thể văn hóa. Vì chỉ có chủ thể văn hóa mới biết
bảo vệ các giá trị đạo đức dân tộc, đạo lý đồng bào, luân lý giống nòi, làm nên
tổng lực của các giá trị tâm linh của Việt tộc.
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể tri thức
Morin,
khi vào sâu xã hội hội kiến thức và xã hội học khoa học đã phân tích được sự hiện
diện của văn hóa trong mọi lĩnh vực của tri thức nhân sinh, thầy đã định nghĩa:
“Văn hoá mang một nội lực có tính tổ chức biết biến kinh nghiệm thành kiến thức,
rồi đưa kiến thức vào quỹ đạo của đạo lý để kiến thức trở thành ý thức. Nên văn
hoá vừa có mặt trong hạ tầng kiến trúc ở mọi sinh hoạt xã hội, ngay trong đời sống
xã hội, quan hệ xã hội. Cùng lúc văn hoá hiện diện ngay trong thượng tầng kiến
trúc từ chính quyền tới chính phủ, từ đạo lý tới luân lý, từ giáo dục tới tư tưởng.
Như vậy, văn hoá vừa xuyên tầng, qua lại giữa hạ tầng kiến trúc và thượng tầng
kiến trúc; văn hoá lại vừa siêu tầng lúc ẩn lúc hiện, là hằng số trong tổ chức
của tập thể, của cộng đồng, của sắc tộc…”.
Định nghĩa này đã đặt định đề văn hoá
trong mọi lĩnh vực của nhân sinh, đưa tới định luận theo chiều dọc của nhân
gian nơi mà văn hóa tự sinh rồi tự tồn từ quan hệ thường nhật của con người tới
đời sống tâm linh. Nhưng thầy còn tìm cách đi xa hơn nữa để phân tích rồi giải
thích sự phân hóa ngay trong văn hóa, khi con người đã bước sâu vào thực chất của
xã hội tiêu thụ cuối trong thế kỷ XX qua và đang đi sâu vào xã hội truyền thông
trực tuyến toàn cầu hóa thế kỷ XXI này. Thầy đề nghị phân loại có ba văn hóa đang
sống chung trong không gian của nhân sinh, lúc thì hợp tác với nhau, lúc thì
xung đột nhau:
· Văn hoá
nhân phẩm là văn
hóa thứ nhất mang nội chất hàn lâm, mang nội lực giáo dục, mang sung lực giáo
lý, luôn lấy chân, thiện, mỹ làm giáo khoa để lập giáo trình, để xây
giáo án, có mặt trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Nhưng chính văn hoá nhân phẩm
này dang bị thu hẹp, bị đẩy lùi với sự xuất hiện của văn hóa thứ hai.
· Văn hóa tiêu
thụ là văn hoá thứ
hai, mang bề ngoài đại chúng, mà nội chất được chế tác từ sức mua chính là sức
tiêu thụ, tiêu thụ dễ dàng làm nên tiêu sài dễ dãi, tiêu thụ nhanh chóng làm
nên tiêu sài như phản xạ, nơi mà giáo lý lấy chân, thiện, mỹ không còn là ưu
tiên cho nhân phẩm biết làm nền cho nhân bản.
· Văn hoá
khoa học là văn
hoá thứ ba, nơi mà khám phá khoa học tác dụng ngay vào đời sống xã hội, nơi mà ứng
dụng khoa học làm ra tiến bộ kỹ thuật, phát triển công nghệ, liên tục tạo nền tảng
mới cho văn minh của nhân loại, ngày ngày làm thay đổi định lượng trong sản xuất,
định chất trong hiệu quả ngay trong sinh hoạt văn hóa, đời sống văn hóa. Chính
văn hóa khoa học đang điều kiện hóa về mọi mặt văn hóa nhân phẩm, văn hóa tiêu
thụ, vừa qua văn hóa phẩm, vừa qua mạng xã hội.
Nhưng trước Morin gần một thế kỷ, thì một
trong những sư tổ của xã hội học và kinh tế học là Weber đã luận bàn về văn hóa
khoa học, và khuyên răn chúng ta hãy rất thận trọng từ tổ chức khoa học tới
sinh hoạt khoa học. Tại đây, có những kẻ thất bại trong nghiên cứu khoa học đã tìm
mọi cách từ quan hệ cá nhân tới quan hệ công đoàn, từ đảng phái tới bè nhóm để
nắm quyền lực hành chính, để có con dấu và chữ ký trong quyết định về các ngân
sách nghiên cứu khoa học. Nơi mà sự bất tài của lãnh đạo khoa học quyết định số
phận nghiên cứu khoa học, rồi số kiếp khám phá khoa học của các nhà nghiên cứu thực
tài.
Đây là một bi kịch của khoa học, đã trở
thành thảm kịch của sinh hoạt khoa học tại Việt Nam hiện nay, nơi mà bạo quyền
độc đảng toàn trị luôn độc tài nhưng lại bất tài trong quản lý khoa học, kinh tế,
xã hội, và nhất là vô văn hóa trên các định đề căn bản làm nên nguồn cội của
văn hóa Việt. Chính bạo quyền độc đảng toàn trị luôn độc trị nhưng không hề biết
quản trị từ văn hóa tới giáo dục, từ khoa học tới kinh tế đã biến Việt tộc vừa là
một minh tộc có độc lập tư tưởng về văn hóa, vừa là một dũng tộc có tự chủ tư
duy để bảo vệ văn hóa của mình ; nhưng giờ đây đã trở thành một sắc tộc đi
làm thuê, một dân tộc đi ở đợ cho các quốc gia láng giềng. Một bạo quyền độc đảng
toàn trị luôn độc tôn nhưng không tôn trọng tôn ti nhâm phẩm của tổ tiên Việt,
đã lạm dụng xuất khẩu lao động để tạo một văn hóa quái thai qua xuất khẩu lao động.
Trai thì lao nô, gái thì nô tỳ, một loại văn hóa với số phận ăn nhờ ở đậu,
đây là loại văn hóa suốt kiếp làm công, không biết tự làm chủ, đây là loại văn
hóa của nhân kiếp tôi đòi! Việt tộc có toàn quyền không chấp nhận loại văn hóa
này !
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể đa diện
Camilleri,
khi vận dụng phương pháp luận tâm lý học để lập nên các định luận cho giáo dục
học thì ông đã thấy vai trò vừa chủ động, vừa thụ động của văn hóa:“Nếu gọi
sự xếp đặt các truyền thống, các kinh nghiệm làm nên sự hiểu biết từ truyền thống
tới phong tục là văn hoá, thì đây là sự xếp đặt bằng các thói quen. Mà các thói
quen này được lập đi lập lại từ quá khứ tới hiện tại, lại được hoặc bị lập đi lập
lại nữa trong tương lai, thì bản thân văn hóa này sinh ra tính tuân lệ thụ động,
cụ thể là ngủ quên trên thói quen, mà không cần cải tổ, cải cách bằng các sáng
tạo mới”. Những loại văn hóa thụ động đóng cửa rồi ngủ vùi trên thói quen
luôn bị đe dọa bới các loại văn hóa luôn chủ động đi tìm văn minh mới để củng cố
văn hiến cổ của chính mình và vì mình.
Ricœur, vừa là một ngân hà lạ của hiện
tượng học, lại vừa đã là trường sơn của triết đạo đức, thầy đã nhận ra thói
quen ngủ quên trong sinh hoạt văn hóa, nơi mà tính thủ cựu đã tạo ra các
thành viên bị hủ hóa ngay trong chính văn hóa của mình. Nên thầy đã định nghĩa
văn hóa ngay trên tính chủ động mở về sự sống còn của chính văn hóa đó:
“Văn hoá muốn tồn tại luôn phải là một văn hóa mở, động từ mở này chính là sự
thông minh của các chủ thể văn hóa ngay trong sinh hoạt văn hóa: cởi mở để rộng
mở rồi thông mở! Mở để ra ngoài, mở để gặp bên ngoài, và mở để thấy rồi tiếp,
đón rồi nhận bên ngoài, cụ thể là để tăng nội lực, để nâng nội công cho chính văn
hóa của mình. Mở để tiếp thu rồi tiếp nhận hùng lực bên ngoài để làm mạnh rễ, vững
gốc, chắc cội, bền nguồn cho chính mình; vì bên ngoài văn hóa của chúng ta đã có
sự thông minh của cả nhân loại, biết trợ lực cho văn hoá bên trong của chúng
ta”.
Từ đây, ta hãy phân tích thật cụ thể chức
năng của chủ thể văn hóa của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Hãy giải thích
thật rành mạch vai trò của chủ thể của mỗi công dân Việt hiện nay là gì? Để trả
lời thật minh bạch câu hỏi : chủ thể hóa công dân là gì? Câu trả lời
sẽ là động cơ làm nên hành động của chủ thể trước thảm trạng của xã hội Việt hiện
nay, chính là thảm họa của dân tộc Việt mai sau, và sẻ là thảm nạn của giống
nòi Việt trong trong nhiều thế hệ. Và câu trả lời là bây giờ và ngay trên đất nước
Việt, chủ thể văn hóa Việt phải xây dựng được một tổng lực mới tới từ:
· Hệ
công (công bằng, công lý, công luật)
· Hệ đa
(đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu)
· Hệ lương
(lương thiện, lương tâm, lương tri)
· Hệ liêm
(liêm khiết, liêm chính, liêm sỉ)
· Hệ thức
(kiến thức, tri thức, ý thức, nhận thức)
· Hệ tự
(tự do, tự chủ, tự tin, tự lập)
· Hệ sáng
(sáng kiến, sáng tạo, sáng chế, sáng lập)
· Hệ
thông (thông minh, thông thạo, thông thái).
Tận dụng tổng lực này mà chế tác ra hệ đối
(đối lý, đối luận, đối thoại, đối lực, đối trọng, đối kháng), vừa để nhận
ra bản lai diện mục, vừa để vạch mặt chỉ tên các hệ độc (độc đảng, độc quyền,
độc tôn, độc tài, độc trị) độc đảng giết nhân quyền để diệt dân chủ; độc
quyền để lạm quyền rồi cuồng quyền; độc tôn để triệt mọi tôn ti trật tự ngay
trong cơ đồ của tổ tiên Việt; độc tài nhưng bất tài trước quá trình phát triển
đất nước; độc trị nhưng không biết quản trị vì tiến bộ dân tộc, vì văn minh cho
giống nòi. chủ thể văn hóa Việt cùng lúc phải xem để xét hệ tham
(tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền), nơi mà độc đảng là
có độc quyền vơ vét tiền bạc của dân tộc, nạo vét tài nguyên của đất nước; nơi
mà độc đảng là độc quyền để mua bằng bán chức, rồi mua chức bán quyền,
và sẽ không ngần ngại sa vào quỷ lộ buôn dân bán nước. Hệ gian (gian
dối, gian trá, gian manh) của một hệ thống bạo quyền độc đảng toàn trị, mà
tất cả từ khẩu lệnh tuyên truyền tới chính sách đều dựa vào sự ăn gian nói dối
của ĐCSVN, với phản xạ sở khanh thường xuyên là nói lời rồi lại nuốt lời như
chơi.
Chủ thể văn hóa Việt phải thấy cho thấu hệ bạo (bạo lực,
bạo động, bạo hành) làm nên bạo sách xem dân là các lực lương thù địch,
làm nên bạo quyền bằng công an trị, với bạo tâm sẵn sàng giết
dân, từ Cải cách ruộng đất tới việc đẩy cả dân tộc vào cuộc bạo chiến qua
nội chiến huynh đệ tương tàn trong thế kỷ XX qua. Tại đây, Chủ thể văn hóa
Việt phải tra cho khảo hệ đặc (đặc quyền, đặc lợi, đặc ân) nơi mà đặc
quyền đã thành phản xạ cho lạm quyền, đã thành phản ứng cho cực
quyền, để tham quyền sinh đôi với cuồng quyền. Nơi đây đặc
lợi đã thành phản xạ vụ lợi bè đảng trực tiếp phục vụ cho tư lợi cá nhân,
nơi mà sự ích kỷ với lòng tham không đáy, bất chấp những hậu quả cho đất
nước, hậu nạn cho giống nòi; chỉ để nuôi đặc ân là ăn trên ngồi trốc
trên đầu, trên cổ cả một dân tộc. Tất cả đã tạo ra hệ vô (vô
minh, vô tri, vô giác, vô cảm) tất cả tới từ vô học từ giáo lý tới
kiến thức của các lãnh đạo ĐCSVN. Tại đây, hãy thấy cho thấu biến nạn của vô
văn hóa là vô năng từ lý luận tới lập luận trong cách chính sách, vô
hiệu từ giải luận tới diễn luận trong cách quốc sách đang làm nên bao thảm
nạn, mà một điều đáng sợ nhất cho văn hóa Việt đang bị vô hậu hóa!
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể đấu tranh
Elias,
người thầy thật đáng kính của xã hội học cận đại, đã phân tích văn hóa với tất
cả chiều sâu tình cảm, nơi mà chính ông đã là nạn nhân trực tiếp của thảm họa diệt
chủng của Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến của thế kỷ qua: “Hãy định nghĩa
văn hóa bằng quan hệ giữa người với người, nơi mà các phạm trù của nhân tính
không phải là phạm trù của sinh học, nơi mà đặc tính sinh học không có vai trò
gì trong sự hình thành một văn hóa, nơi mà bản năng của cá nhân sẽ được ngự trị
bằng giáo dục của cộng đồng. Xa hơn nữa văn hoá có khả năng biến quan hệ chóng
chày thành quan hệ dài lâu, vì văn hoá là tổng lực của sự xúc cảm biết liên kết
giữa cái lý, cái lợi, cái muốn ngay trong cái lệ. Văn hoá là nơi tạo được quan
hệ tình cảm để giải quyết nhu cầu tình cảm của nhân sinh, văn hoá có nội dung của
quan hệ tình cảm để giải quyết các kích thích của xúc cảm. Văn hoá ở ngay trong
trung tâm các quan hệ xã hội, qua văn hoá thì quan hệ tình cảm trong sinh hoạt
xã hội sẽ là những quan hệ bền vững”.
Elias đã đặt định đề của văn hóa ngay
trên thượng nguồn không phải là phạm trù của sinh học, và khẳng định sinh học
không có vai trò gì trong sự hình thành một văn hóa. Từ đó đi tới định đề về
hùng lực của văn hóa là chế ngự được loại bản năng đói ăn khát uống, ăn tươi
nuốt sống, chính văn hóa đã chuyển hóa những phản xạ của thú tính thành phản
ứng có nhân tính. Xa hơn nữa, ông đã đặt quan hệ văn hóa là loại quan hệ dài
lâu, vì trong quan hệ này đã có sức mạnh của xúc cảm tạo nên liên hợp
giữa cái lý, cái lợi, cái muốn trong cái lệ. Nơi mà quan hệ văn
hóa trước hết là quan hệ tình cảm giữa cá nhân, tập thể, cộng đồng, sắc tộc, quốc
gia…
Goffman, người thầy tài hoa của
xã hội học vi mô, luôn phân tích các nội dung của sự giao kết giữa các cá nhân
để giải thích mọi sự vận hành trong quan hệ xã hội: “Văn hóa tạo ra không
gian xã hội bằng ý định con người, trong đó các ý muốn con người sẽ chi phối trên
luật nhân quả. Nếu có nhân và có quả trong mọi hành động xã hội, thì chúng ta phải
biết là có văn hoá bảo vệ môi trường, mà cũng có văn hoá phá hoại môi trường. Nên
sự thông minh của con người nằm ngay trong sự thích ứng với thiên nhiên, với
môi trường, với môi sinh trong một tổ chức xã hội phức tạp. Văn hóa có trước luật
pháp ngay trong phương cách thu lợi của con người, vì con người này biết tôn trọng
lệ, luật, quy ước… tới từ văn hóa”. Khi đặt định đề từ đầu là có văn
hoá bảo vệ môi trường, mà cũng có văn hoá tàn phá môi trường, để đi tới định luận
là con người biết tìm ra sự thích ứng với thiên nhiên, với môi trường, với môi
sinh trong một tổ chức xã hội phức tạp, từ đó đi tới định nghĩa văn hóa là sự
thông minh của con người biết đặt tư lợi của mình trong công ích của tập thể, của
cộng đồng. Tại đây, Goffman đã giúp công dân Việt chúng ta nhìn lại thảm trạng
của thiên nhiên, môi trường, môi sinh, ngay trên đất nước Việt.
Và khi công dân Việt này
muốn trở thành chủ thể Việt để quyết định nhân sinh, nhân thế, nhân gian,
cụ thể là nhân kiếp của mình, thì chủ thể Việt phải thấy-cho-thấu lối thoát
cùng lối ra làm nên lối thắng cho Việt tộc chính là quá trình chủ thể hóa
công dân. Bằng sáng kiến và hành động từ cá nhân tới tập thể, từ cộng đồng
tới quần chúng, bằng phong trào, bằng thông tin, bằng truyền thông, với cường độ
của tri thức, với mật độ của kiến thức, với trình độ của nhận thức để chống
lại công an trị. Chủ thể trực diện để chống lại công an giết dân trong
các đồn công an, chủ thể trực tiếp chống lại công an tra tấn bằng nhục hình man
rợ nhất giữa thế giới đã biết văn minh dân chủ, đã hiểu văn hiến nhân quyền. Công
an trị là một chế độ với cơ chế nơi mà cả xã hội là một nhà tù, với công
dân sẽ bị lao lý hóa nếu chống bạo quyền độc đảng toàn trị. Công an trị
là cai trị bằng bắt bớ, tra tấn, tù đày, ám hại, thủ tiêu… nơi mà bạo lực thay
nhân tính, bạo động thay nhân lý, bạo hành thay nhân bản.
Chủ thể hóa công dân để mỗi công
dân là một chủ thể văn hóa mà trực diện để đấu tranh chống tham nhũng
trị, trước phản xạ điếm nhục của lót tay, của bôi trơn, với
phản ứng phong bì, đây không phải là văn hóa Việt. Đây chỉ là tà lộ điếm
lậu của một chế độ độc đảng toàn trị, sinh hoạt như một tập đoàn tội phạm,
không biết quản trị mà chỉ biết cai trị bằng công an trị để vơ vét qua tham
nhũng trị. Và ngay trên thượng nguồn của đấu tranh này thì chủ thể văn hóa phải
trực diện để vạch mặt chỉ tên tuyên truyền trị, với điếm ngôn là biến mọi
thất bại của ĐCSVN thành xảo ngữ: thành công, thành quả, thành tích… Diệt sự thật
bằng các khẩu lệnh gian dối (ơn Đảng), triệt chân lý bằng các khẩu hiệu
gian manh (mừng Đảng), giết lẽ phải bằng các khẩu ngôn gian trá (Đảng
tổ chức mọi thắng lợi…). Điếm để gian, gian để tráo, tráo để lận, lận để lừa
dân phản nước. Để nhận ra bản lai diện mạo của ngu dân trị, sinh đôi
cùng tuyên truyền trị, đã bứng đi hệ thức (kiến thức, tri thức,
ý thức, nhận thức) để cắm vào đó hệ vô (vô minh, vô tri, vô giác, vô cảm)
tới từ vô học sẽ tạo ra vô hậu của một văn hóa. Mà ý đồ độc
hại là giả hóa cả một hệ thống giáo dục, man trá hóa cả một hệ thống tri thức với
học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả, gian lận học vị để biển lận học hàm, mua
bằng bán cấp để mua chức bán quyền bằng chính sự vô học trong vô hậu
của Đảng cầm quyền. Nơi mà thực chất chuyên chính vô sản đã làm ra bản sắc
chuyên chính vô học.
Chủ thể hóa công dân để mỗi công dân là
một chủ thể văn hóa ngày ngày phải đối diện để đối luận chống bản năng trị,
chính là tà sách của ĐCSVN không biết quản trị mà chỉ biết cai trị dân bằng sưu
cao thuế nặng. Biến chuyện miếng cơm manh áo thành phản xạ sống còn
không tình nghĩa với đồng bào. Biến giá áo túi cơm thành phản ứng sống
chết không tình thương với đồng loại. Biến chuyện cơm áo gạo tiền thành
phản hồi sống mái với tha nhân, từ đó đưa xã hội vào vô luân, đẩy dân tộc vào
vô đạo, xua giống nòi vào vô hậu. Các chủ thể văn hóa sẽ xem để xét hậu quả tới
từ thanh trừng trị, lấy thanh lọc trong xung đột nội bộ bằng thanh toán
của bạo quyền giữa các bè, nhóm, phái, bọn… qua thanh trừng không thương tiếc
chính các đồng chí của họ trong quy trình bất nhân hóa vì quyền-tiền. Phản xạ
thanh trừng sinh đôi với phản ứng thanh toán luôn là âm giới của bọn âm binh
thanh lọc nhau không bằng ánh sáng trong sạch của sự thật, của chân lý, của lẽ
phải, mà chỉ qua ám sát để ám hại, thủ tiêu để triệt tiêu.
Tại đây, chủ thể hóa công dân để
mỗi công dân là một chủ thể văn hóa sẽ thấy để thấu mọi hậu nạn của tội
ác trị, luôn là bạo sách của ĐCSVN, nơi mà bắt bớ rồi giam cầm một cách vô
pháp, tra tấn rồi nhục hình một cách vô luân. Nơi mà dân lành một sớm một
chiều trở thành dân đen, nơi mà dân tốt một ngày một tuần trở
thành dân oan. Nơi mà nhân dân yêu nước chống hệ Tàu (Tàu tặc,
Tàu họa, Tàu hoạn, Tàu tà, Tàu nạn) bị buộc tội là những lực lượng thù địch.
Nơi mà, các đứa con tin yêu của Việt tộc đã bị lao lý hóa, trở thành các tù
nhân lương tâm trước một chế độ thất nhân bất đức!
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể dấn thân
Schutz,
luôn đặt ba chuyên ngành tâm (tâm lý học, phân tâm học, tâm thần
học) vào các định luận và định đề để định nghĩa văn hóa: “Trong văn hóa,
luôn có những kinh nghiệm riêng biệt cho mọi thành viên sống trong một văn hóa
mà ta có thể gọi là «choc» (ngạc nhiên trong khoái cảm) đưa ta từ thế giới này
qua thế giới khác. Hãy lấy vài thí dụ, khi xem kịch và khi màn kịch kéo lên ta sẽ
được đưa vào một thế giới khác. Rồi khi ta tập trung nhìn một bức tranh tới mê
hồn để đi vào thế giới riêng của bức tranh. Ngay khi chúng ta chọc nhau cười
khi đùa giỡn giữa bạn bè, tất cả cũng sẵn sàng đi vào một thế giới mộng tưởng chung
ngay trong đời sống thực tế. Tại đây, có một vùng nội tâm trao cho chúng ta một
ý nghĩa sống. Và ý nghĩa sống có đủ nội lực tạo ra niềm tin để đi sâu vào cuộc
sống, có khi niềm tin này đặt lại mọi trật tự ưu tiên đang sẵn có. Văn hoá sẽ
có mãnh lực, nếu văn hoá tới từ niềm tin chung của tập thể và là ý nghĩa sống có
cội, có nguồn biết tạo ra cảm xúc”.
Chủ thể văn hóa Việt cần định luận, định
đề làm nên định nghĩa này của Schutz, để hiểu rằng tết cứ trở đi trở lại,
giỗ cứ quanh đi quay lại, lễ hội cứ lập đi lập lại, vậy mà con
dân Việt luôn có cảm xúc của «choc» (ngạc nhiên trong khoái cảm). Bất chấp
mọi thử thách của thời gian, từ xúc động tới cảm xúc, chúng ta vẫn: yêu tết, quý
giỗ, thương lễ hội, hơn thế nữa chúng ta trân trọng tết, giỗ, lễ hội…
như là phần hồn thiêng liêng trong chiều sâu tâm linh của người Việt. Như vậy,
tự đây thì hãy đi tìm khai sinh và lý lịch của chủ thể văn hóa Việt là
gì? Câu trả lời đã có Việt sử làm nên Việt tính, cụ thể là bản sắc Việt đã song
hành cùng văn hóa Việt:
· Chủ thể thương dân, tình cảm yêu nước
thương nòi hình thành trong nội lực của sự ham muốn phục vụ đất nước, lòng
hoài bão muốn hiến dâng vì dân tộc, chí mong cầu muốn giống nòi được thăng hoa.
Lòng yêu nước thương nòi của một cá nhân, một tập thể, một cộng đồng
chính là tiềm lực sẽ làm nên nội lực của chủ thể. Dù chủ thể không có quyền lực
trong tay, dù chủ thể chưa có quốc sách đưa đường chỉ lối nhưng chủ thể là tiềm
lực của lý trí, nội lực của trí tuệ. Một chủ thể vì nước vì dân thì hơn
vạn cá nhân đã cúi đầu hàng phục trước bạo quyền; một chủ thể yêu nước
thương nòi thì hơn hàng triệu cá nhân đã quỳ gối quy phục trước tà quyền.
·
Chủ thể tuệ giác, biết học hỏi để được học tập, đây
chính là nhu cầu khai sáng của lý trí, học tập để học thật là sự cầu thị của
trí tuệ, học thật bằng học lực là sự cầu tri của tuệ giác. Không có học hỏi, học
tập, học thật, học lực mà muốn có học vị, học hàm thì chỉ còn cách gian, lận,
điếm, xảo như hiện nay trong lò đồ giả của ĐCSVN: học giả-thi giả-điểm giả-bằng
giả.
· Chủ thể
minh tri biết
tuyển chọn chính quyền, biết tuyển lựa chính phủ. Chính chủ thể thấy thật
sâu và thấu tận gốc là những thiểu số được đại diện bởi cá nhân, tập thể, cộng
đồng sẽ dẫn dắt đa số thụ động đã khuất phục rồi quy phục bạo quyền. Chính những
thiểu số được đại diện bởi cá nhân, tập thể, cộng đồng yêu nước thương nòi
là những chủ thể, sẽ chỉ giáo cho một xã hội đã nhắm mắt trước bất công
của tà quyền độc đảng.
· Chủ thể
nhận thức, nơi mà
mỗi công dân sẽ thấy mình bị mất đi cuộc sống ngay trong chính cuộc đời của
mình, nếu mình không thấy dân chủ trong đa nguyên, không thấu dân quyền trong
nhân quyền. Chính chủ thể sẽ khai thị cho các kẻ lãnh đạo phải thấy
rằng họ đang mất dân tộc, đất nước, giống nòi; nếu họ không cải cách đất nước bằng
phát triển, dân tộc bằng tiến bộ, giống nòi bằng văn minh.
· Chủ thể
giáo lý luôn có nhận thức:
bạo quyền độc đảng chỉ là cơn bão đang quật gục tất cả những gì đã được xây dựng.
Tà quyền tham nhũng là cơn lũ sẽ vùi lấp tất cả những gì đã được vun đắp. Ma
quyền tham tiền là cơn sạt lở sẽ nhận chìm tất cả những gì đã được tổ tiên nâng
niu, dân tộc gìn giữ. Chủ thể giáo lý luôn có nhận thức: cực quyền độc trị là
cơn động đất sẽ siết ngộp tất cả những gì đang bền vững; cuồng quyền độc tôn là
đợt sóng thần của quỷ giới, sẽ nhấn chìm tất cả những gì đang được trao truyền,
từ văn minh của dân tộc tới văn hiến của giống nòi.
· Chủ thể
đạo lý, sống với
ý thức thấy tội ác mà không tố cáo tội ác là nhắm mắt để rơi vào quỷ lộ, thấy tội
lỗi mà không nhìn thẳng mặt tội lỗi là cúi đầu để sa vào tà lộ. Thấy tội đồ mà
không vạch mặt tội đồ là khom lưng để chui vào âm lộ của âm binh. Chủ thể không
chấp nhận: nhắm mắt, cúi đầu, khom lưng, vì hành vi phản chủ thể là dễ dãi quỳ
gối trước bạo quyền độc tài, cũng hành động mau chóng nằm rạp đất để cuồng quyền
giết hại đồng loại, tiêu diệt đồng bào của mình.
·
Chủ thể nhân phẩm, nơi mà quan niệm về nhân lý và nhân
tính sẽ xây dựng nhân bản và nhân vị trên nền của nhân đạo
và nhân nghĩa, được trợ duyên bởi nhân tâm và nhân từ, được
chế tác bằng nội công của nhân tri và bản lĩnh của nhân quyền. Tất
cả được bắt đầu xây dựng bằng sự thật bây giờ của một xã hội và ở đây của một
dân tộc. Đây là công trình của nhân trí biết vận dụng lẽ phải để tận dụng
đạo lý của tổ tiên. Chính sự thật và lẽ phải sẽ làm nên quyết đoán trong quyết
định, chính lẽ phải dẫn dắt hành vi trong hành động, để công trình này được đi
tới chủ điểm là chân trời, nơi sự thật và lẽ phải hội tụ để vun đắp nhân phẩm.
· Chủ thể
đa nguyên, đặt niềm
tin vào hệ đa (đa tài, đa trí, đa dung, đa năng, đa hiệu) để tạo đa đảng
mà bảo vệ vừa dân chủ, vừa nhân quyền. Chủ thể không thể nào phát triển được lý
trí lớn của một dân tộc một trăm triệu dân bằng sự quản thúc trong độc lộ của độc
đảng trong độc trị của vài trăm đầu nậu. Chủ thể không thể nào có trí tuệ rộng
trong môi trường độc quyền chỉ biết độc tôn của vài chục đầu sỏ chủ mưu quản chế
dân tộc. Chủ thể không thể nào có tuệ giác cao trong ngõ cụt của độc tài bằng độc
trị của vài tên đầu lãnh. Người ta không thể nào có lý trí lớn, trí tuệ rộng,
tuệ giác cao bằng độc đạo vô cùng độc hại độc đảng.
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể tri luận
Chủ thể văn hóa còn có bản lĩnh
chống lại bản năng của con người, vô tình hay cố ý tạo cơ nguy cho đồng loại,
chỉ vì muốn tha nhân phải làm theo ý của mình, đi theo kinh nghiệm của mình. Chủ
thể văn hóa chọn dân chủ vì chuộng nhân quyền, chỉ vì độc đảng
trong toàn trị bằng công an trị và tham nhũng trị thì nguy hại cho đất nước,
nguy hiểm cho dân tộc, nguy nan cho giống nòi. Độc đảng đã cướp quyền để lạm
quyền, tham quyền để lạm quyền, muốn cực quyền nên dể đi vào con đường cuồng
quyền. Chính bạo quyền độc đảng toàn trị đã lấy khống chế để áp chế, đã tạo áp
lực bằng bạo lực, vận dụng phương tiện bạo động nên để tận dụng bạo hành chống
đồng bào của mình. Chủ thể văn hóa trong các quốc gia có văn minh
dân chủ, có văn hiến nhân quyền luôn biết sử dụng hệ nhân (nhân phẩm, nhân lý
nhân tính, nhân bản, nhân vị, nhân đạo, nhân
nghĩa, nhân tâm, nhân từ, nhân tri, nhân quyền) để
kiểm nghiệm những kẻ lãnh đạo chính trị. Chính khách cũng như chính giới
phải được thường xuyên kiểm định bằng đạo đức học, phải thường xuyên được kiểm
soát bằng tri thức học, phải thường xuyên được kiểm tra bằng tâm thần học. Chủ
thể văn hóa biết nhận trách nhiệm này!
Chủ thể văn hóa còn biết đối xứ với
đồng loại như đối xử với chính đồng bào của mình, còn biết đối xử
với đồng bào như đối xử với kẻ đồng thuyền trong gian nan, và đối xử với
kẻ đồng thuyền trong gian nan như đối xử với kẻ đồng cam cộng khổ trong
đấu tranh vì các giá trị của cộng hòa và dân chủ là: tự do, công bằng, bác ái.
Và đối xử với kẻ đồng cam cộng khổ như đối xử với kẻ sẽ cùng chia ngọt sẻ
bùi với mình, để nhận ra đạo lý đồng hội đồng thuyền là kết quả của đồng
chung đồng chia. Mọi chung chia của thủa nằm gai nếm mật, mọi chia
chung của thời hạt muối cắn làm đôi là những giá trị thực tiễn của chủ
thể. Nên chủ thể văn hóa không bao giờ chấp nhận các giá
trị thực tiễn của cuộc sống bị xóa bỏ bởi đảng cướp quyền để cuồng quyền, lại tự
ban phát đặc quyền, đặc lợi, đặc ân cho chính mình.
Nên chủ thể văn hóa
phải tố cáo đảng cực quyền này trước công luật quốc gia và trước công pháp quốc
tế. Vì đảng này không những bất chính với xã hội mà còn bất lương với dân tộc,
đảng này có hành động vô nhân với hành tác vô phúc trong hành vi vô hậu hóa giống
nòi của nó. Chủ thể văn hóa gởi ước nguyền vào tiến bộ cho
dân tộc, gởi ước nguyện vào phát triển đất nước, gởi ước mơ thăng hoa trong văn
minh cho giống nòi. Ước nguyền tiến bộ, ước nguyện phát triển, ước mơ văn minh.
Nên chủ thể văn hóa đứng về phía đạo đức của tổ tiên, chủ
thể đứng về phía đạo lý của chính nghĩa, chủ thể đứng về phía luân lý của chính
trị.
Chủ thể văn hóa trực
tiếp yêu cầu chính quyền không được xa rời rồi buông bỏ các quốc sách vì
phát triển đất nước, vì tiến bộ dân tộc, vì văn minh giống nòi. Và đảng nào
đi ngược lại phạm trù này chỉ là đảng phản dân hại nước; như bạo
quyền độc đảng toàn trị hiện nay với ý đồ của tà tâm ngay mật nghị Thành Đô trước
Tàu tặc là cứu đảng hơn cứu nước. Chủ thể văn hóa biết
xem-để-xét là bạo quyền này đã sa lầy rồi lún ngập vào quỷ lộ buôn dân bán
nước. Chủ thể văn hóa thấy để thấu và từ chối phải chịu đựng
một số phận mà mình không được chọn lựa, để nhân kiếp không phải là nhân
số. Mà nhân kiếp là quá trình chuyển biến nhân tính thành nhân lý
để nhận lại nhân bản, chính là nơi cõng, bồng, ẵm, bế nhân phẩm
trong bất cứ hoàn cảnh nào của nhân thế, trong bất cứ hiện cảnh nào của nhân
gian, trong bất cứ thực cảnh nào của nhân họa. Đừng hứa hẹn láo
khoét về một xã hội chủ nghĩa đầy đủ vật chất, đừng hẹn hò láo điếm về một xã hội
cộng sản dư thừa vật chất! Mà hãy tạo mọi điều kiện tức khắc bằng những cơ hội
tức thì là lắp đôi cánh cho nhân sinh ra khỏi túng quẩn, chắp đôi cánh cho nhân
thế bay xa bất công, nâng cao đôi cánh cho nhân gian bay cao về hướng công bằng,
để công bằng vừa được tiếp đón tự do, vừa được đón nhận bác ái.
Như vậy,
nhân diện, nhân dạng, nhân cách của chủ thể văn hóa ra sao? Chủ
thể văn hóa bắt đầu bằng phương án lập nên phương trình chung- để-chia,
và chia-để-chung biết dựa trên đạo đức của tổ tiên Việt, đạo lý của giống
nòi Việt, luân lý của dân tộc Việt, tất cả cùng chung chia nhau một thế giới
chung. Vì biết gạt ra cái tôi trung tâm, cái vị kỷ vụ lợi, cái ích kỷ trục lợi,
nên chủ thể văn hóa Việt biết vất đi mà không tiếc nối mọi bản
năng của thú tính: mạnh ai nấy sống, ai chết mặc ai, vất bỏ vô cảm trong
vô tri, vất luôn vô giác trong vô minh. Chủ thể văn hóa Việt đấu
tranh chống lại cái bạo sinh ra cái tà, cái ma sinh ra cái
quỷ, ngày ngày diễn ra trong xã hội Việt hiện nay, với dân tộc Việt như «cá
nằm trên thớt» của bạo quyền độc đảng toàn trị.
Từ chủ thể văn hóa tới chủ thể biết sống
Nếu chủ
thể văn hóa Việt mang nội lực của đạo đức của tổ tiên Việt, đạo lý của giống
nòi Việt, luân lý của dân tộc Việt, thì chủ thể văn hóa Việt này phải biết
xây dựng tương lai của các thế hệ mai hậu ngay trên quá khứ của Việt tộc. Mà
trong Việt sử, Việt tộc vừa là dũng tộc biết thắng mọi ngoại xâm, vừa là minh tộc
biết bảo tồn đạo đức của tổ tiên Việt, biết bảo quản đạo lý của gióng nòi Việt,
biết bảo trì luân lý của dân tộc Việt. Chính kho tàng (Việt tộc = dũng tộc +
minh tộc) mà chúng ta thừa hưởng của quá khứ này sẽ vốn liếng cho ngày mai
của chúng ta và ngày mốt con cháu chúng ta. Cùng chia nhau quá khứ để thấy cho
thấu là quá khứ là một thế giới vô cùng sinh động của văn hoá, để biết mà hiểu
biết nhiệm vụ của chủ thể văn hóa Việt là cội rễ hoá công dân Việt trong
sự xúc cảm của tập thể, bằng phương trình:
Việt tộc
= dũng tộc + minh tộc.
Văn hoá làm nên sung lực của ký ức, mà ký
ức biết nói rõ ràng, biết kể kỹ lưỡng về quan hệ huyết thống của một dân tộc gọi
nhau là đồng bào, vì có cùng cha sinh mẹ đẻ, ra đời cùng một bào thai,
nên đồng hội đồng thuyền trong mọi thử thách, trong mọi thăng trầm. Nơi
đây, chủ thể văn hóa Việt phải phân tích rõ là tự do cá nhân cho ta tính
vô thần, nhưng tự do này không tặng ta quan hệ thân tộc; còn tôn giáo có lúc giới
hạn tự do cá nhân nhưng trao tặng cá nhân quan hệ cộng đồng có cùng một niềm
tin. Tại đây, chúng ta phải phân tích để giải thích sự thảm bại làm nên thảm họa
của bạo quyền độc đảng toàn trị, đã lấy ý thức hệ cộng sản vô thần để truy cùng
diệt tận nội chất hữu thần của tôn giáo. Thảm nạn của bạo quyền độc đảng toàn
trị với ý thức hệ cộng sản vô thần đã không thấy cho thấu là tôn giáo không những
là niềm tin của một cộng đồng, mà còn là quan hệ tâm linh (rất vững nên rất bền)
trước các đe dọa tới từ bạo quyền, tà quyền, quỷ quyền, ma quyền đang sa lầy
trong âm lộ phản văn hóa của nó.
Văn hoá mang quan hệ thân tộc, làm
cầu nối cho thống tộc, khi bạo quyền độc đảng toàn trị khinh chê rồi miệt thị
hoặc coi thường văn hoá, tức nó đang tạo ra sự chia rẽ giữa người và người đang
sống cùng một văn hóa. Chủ thể văn hóa Việt phải ý thức rành mạch điều
này để nhận ra tâm hồn của một văn hóa là: chia nhau hiểu biết để tạo ra sự
đồng cảm, và sự đồng cảm sẽ tạo ra sự thoải mái trong môi trường sống. Vui
sống trong sống vui, chớ không phải sống để bị đe dọa kiểu bởi bạo
quyền, để bị trù ếm nhau bởi tà quyền, để bị vùi dập nhau bởi quỷ quyền, để bị ám
hại nhau bởi ma quyền. Văn hoá không hề là phạm trù của các chuyện tư tưởng cao
xa, văn hóa có khả năng dùng kinh nghiệm hằng ngày để tư duy bằng thực nghiệm cụ
thể, từ đó tìm ra câu trả lời thích đáng cho hiện tại và cho tương lai. Nên định
nghĩa sâu và cao của văn hoá luôn là một quá trình có ý thức, nơi đây
các chủ thể văn hóa Việt có thể cùng nhau tới cùng một chân trời của tri luận: «Nếu được định nghĩa văn hoá là quá trình
sử dụng kiến thức tập thể để phục vụ ý thức cộng đồng, thì chủ thể văn hoá sẽ
là tác nhân chủ động vận dụng tối đa tri thức của dân tộc rồi tận dụng tối đa
nhận thức về
văn minh để phục vụ cho đồng bào và đồng
loại». Đây là định nghĩa về văn hóa và chủ thể văn hoá của riêng
tôi, tình riêng xin một chút này làm tin.
Tuổi đời ngày ngày lấn tuổi người, nhưng
từ tuổi trẻ giờ tới tuổi trọng chúng ta vẫn luôn xúc động về dân ca Việt, ca
dao Việt, châm ngôn Việt, ngạn ngữ Việt, thành ngữ Việt… cụ thể là về nội cảm của
văn hóa Việt. Mỗi lần chúng ta nhớ rồi đọc:
Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy
rơm đun bếp ; chúng ta bồi hồi xúc động, chúng ta đau đáu chờ được xúc
cảm! Bắt đầu là động từ lạy, lạy để thấy cho thấu cái hữu hạn nhỏ bé của
con người trước sự tuần hoàn của trời đất, nhưng ngay sau đó là động từ lấy,
như một hành tác rất chủ động liên tục biết lấy sự thông minh của nhân
trí ra mà sinh tồn. Động từ lấy, như lấy ra cái thấy để làm
ra cái thấu, lấy ra cái khôn để làm ra cái của bằng cái
tài của chính mình, đây chính là mãnh lực của văn hóa. Hai động từ lạy
và lấy, song hành trong tâm giáo, song lứa trong đắc khí, lạy và lấy
hợp vần, tạo nhạc tính cho một hành tác ca dao thật ngắn và gọn, bắt đầu là
lạy trời mưa xuống và kết thúc là lấy rơm đun bếp. Trong quá trình
này, Việt tộc đã biến nước ban đầu của trời thành lửa
để đun bếp, nấu cơm mà nuôi thân, cùng lúc hóa giải sự xung khắc giữa nước
và lửa, rồi tạo ra sự hòa hợp trong hài hòa để bảo bọc sự sống.
Đây chính là hành vi của văn hoá luôn biết: thương, yêu, quý, trọng sự
sống.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao
học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập
cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc *
Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố
vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên
tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch
sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt,
Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê
Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).