Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

DONALD TRUMP: 4 NĂM, 1 GÃ HỀ, 25 THÀNH TỰU CHO GÁNH XIẾC MỸ

 Nước Mỹ có một tay hề. Gã hay tấu hài. Hơi điên. Đôi khi quái gở. Nhưng gã chính là tiếng nói, giữa xã hội là một gánh xiếc lớn. Tôi không nói đến tên Joker nổi tiếng Arthur Fleck tại thành phố Gotham, mà tôi muốn nói về một vị tổng thống của nước Mỹ dân chủ. Donald Trump. Bao năm qua người ta gọi ông là “gã hề” ở Nhà Trắng.

Chưa bao giờ hình ảnh một vị tổng thống Mỹ bị truyền thông gieo rắc thù hận đến vô lối như thế. Họ dùng những lời lẽ ghê tởm nhất để khắc họa Trump. Họ thống mạ như mê sảng lên từng lời nói và hành động của gã. Nhưng cũng chính gã, bất chấp sự cười nhạo, gã hề xới tung cả chính trường Mỹ, lật mặt toàn bộ chính khách núp bóng vỏ bọc dân chủ và phơi bày bọn quái vật ẩn mình dưới đầm lầy. Thế nên gã bị ghét, thậm chí căm thù. Nhưng nếu bỏ qua cảm xúc yêu ghét mù quáng, liệu còn gì đọng lại trong bạn về những điều lão da cam làm được suốt bốn năm qua?

1. Gã hề “hung hăng” của nước Mỹ đã mang về bốn (04) Hiệp định Hòa bình ở Trung Đông, điều mà 71 năm qua không ai làm được, bất chấp mọi nỗ lực can thiệp về chính trị và chiến tranh triền miên vẫn không mang lại kết quả gì. Thành tựu này, đến nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã phải thốt lên rằng “đây thực sự là một sự thành công vĩ đại của Trump”.

2. Gã hề “không biết gì về chính trị” đã dẹp yên tên chí phèo của thế giới là Triều Tiên mà không tốn một viên đạn, giúp cho nước Mỹ và thế giới thoát khỏi cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc, thúc đẩy hòa bình Liên Triều và mang lại sự an toàn cho đồng minh Nhật Bản và cả Bờ Tây nước Mỹ – điều đã khiến cho Obama đau đầu không tìm được giải pháp sau 8 năm ròng rã.

3. Gã hề “hiếu chiến” của nước Mỹ là Tổng thống đầu tiên ở Nhà Trắng không đưa nước Mỹ vướng vào cuộc chiến tranh mới nào, tính từ thời Eisenhower đến nay.

4. Gã hề “ngu ngốc” đã sắp đặt lại trật tự NATO, buộc các đồng minh phải thực hiện trách nhiệm đóng góp ngân sách quốc phòng của họ, chứ không thể mãi dựa dẫm vào nước Mỹ.

5. Gã hề “hèn nhát” đã loại bỏ tên trùm khủng bố thế giới – tướng Hồi giáo Iran Qasem Soleimani của lực lượng Quds Force, mặc cho hắn ta biết rằng mình sẽ phải đối diện sự trả đũa từ phía kẻ thù, mà cụ thể là khoản treo thưởng 80 triệu USD cho người nào ám sát Trump thành công.

6. Gã hề “không đủ năng lực” (theo khảo sát của đài ABCNews) đã một tay tái xây dựng sức mạnh quân đội Mỹ để thiết lập lại trật tự thế giới, kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như bảo vệ các quốc gia nhỏ khỏi sự đe dọa và xâm lăng từ các nước lớn. Còn ai nhớ một quân đội Mỹ què quặt như thế nào dưới thời Obama, khi 214 tướng lĩnh và đô đốc chủ chốt bị sa thải chỉ trong năm đầu tiên nắm quyền? Còn ai nhớ Trung Quốc lớn mạnh và tung hoành trên Biển Đông thế nào dưới 8 năm của Obama? Có ai còn nhớ vị tổng thống của cường quốc số một thế giới bị cho đi ngõ sau khi viếng thăm Trung Quốc?

7. Gã hề “lưu manh” là tổng thống đầu tiên ghé thăm và cầu nguyện tại Bức tường Than khóc (Wailing Wall) và Nhà thờ Mộ thánh ở Jerusalem. Gã cũng là kẻ đứng đầu Nhà Trắng đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này.

8. Gã hề “nguy hiểm” là tổng thống duy nhất tiêu diệt thành công nỗi khiếp sợ mang tên ISIS – tổ chức khủng bố Hồi giáo lớn nhất thế giới để mang lại bình yên nhân loại. Hoàn thành lời hứa lớn nhất của ông với người Mỹ và nhân dân thế giới.

9. Gã hề “áp bức tôn giáo” lại là kẻ kêu gọi chấm dứt bức hại tôn giáo và ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế, kêu gọi 50 triệu USD cho các chương trình để dập tắt bạo lực tôn giáo và đàn áp ở nước ngoài, cũng như để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo.

10. Gã hề “phá nát nền kinh tế Mỹ” đã xoay chuyển cục diện quan hệ Mỹ – Trung để đưa hàng trăm doanh nghiệp trở về Mỹ, giảm thuế và bảo vệ họ khỏi mưu đồ ăn cắp tài sản trí tuệ và công nghệ của Trung Quốc, phục hồi nền kinh tế thăng trầm từ thời Obama, xác lập đỉnh kỷ lục lịch sử trên sàn cổ phiếu khiến nền kinh tế sôi động trở lại, đưa mức lãi suất về gần bằng 0 và thu nhập bình quân đầu người cao nhất (kể từ năm 1967).

11. Gã hề “tàn ác” này đã giúp người dân Mỹ đóng thuế ít hơn, tăng khoản khấu trừ thuế từ $12,500 lên gần gấp đôi $24,400 cho mỗi cặp vợ chồng, và từ $6,350 lên $12,000 cho người độc thân, tác động tích cực lên hàng chục triệu tài khoản lương hưu của người Mỹ.

12. Gã hề “tham lam” chỉ nhận lấy mức lương 1 USD mỗi năm trong nhiệm kỳ tổng thống, nhằm ủng hộ cắt giảm chi tiêu chính phủ và gánh nặng thuế khóa của người dân.

13. Gã hề “phân biệt chủng tộc” ấy là tổng thống mang lại công ăn việc làm nhiều nhất cho người da đen và dân Latino, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp của hai sắc dân này xuống thấp nhất trong tất cả các đời tổng thống Mỹ. Xin nhắc lại, TẤT CẢ.

14. Gã hề “thiếu hiểu biết” là kẻ nhìn ra trò dối trá và bất công trong Thỏa thuận chung Paris (hay Hiệp định biến đổi khí hậu), kéo nước Mỹ thoát khỏi âm mưu phá hoại nền công nghiệp than – dầu khí và nguy cơ thất nghiệp tràn lan cho nước Mỹ.

15. Gã hề “gian xảo” là kẻ đứng lên phản đối gói cứu trợ COVID-19 phi lý của chính khách thiên tả, để trả lại đúng số tiền hỗ trợ 2000 USD cho mỗi người dân, thay vì chỉ 600 USD và phần còn lại phân phát vào những hạng mục vô bổ không liên quan.

16. Gã hề thường tạo ra “phát ngôn thù hận” (hate speech) lại là người nhận nhiều lời lẽ tấn công, thóa mọa và trù dập nhất từ cánh tả (những người ủng hộ Chủ nghĩa Xã hội tại Mỹ). Nực cười thay, gã lại được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2021.

17. Gã hề hay “miệt thị phụ nữ” lại là Tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm nhiều nữ thẩm phán Phúc thẩm Liên bang nhất kể từ thời Ronald Reagan, chỉ thua đúng 1 người so với thời Obama. Nếu tính riêng các đời tổng thống một nhiệm kỳ, không ai bổ nhiệm nữ thẩm phán nhiều như Trump.

18. Gã hề “chuyên nói dối” đã lột trần bộ mặt đạo đức giả ở phần còn lại của thế giới, phơi bày toàn bộ đầm lầy tham nhũng của đảng Dân Chủ, lẫn Cộng Hòa, FBI, CIA, NSA và Big Tech. Gã hề nói cho bạn nghe những điều mà truyền thông muốn giấu kín. Gã chỉ trích tất cả bộ sậu quan liêu trong chính quyền. Gã, đơn giản, chỉ cất lên tiếng nói của một người dân bộc trực bình thường trước hiện tình đất nước.

19. Gã hề “thất bại trong việc chống virus Vũ Hán” chính là kẻ đầu tiên kêu gọi đóng cửa với Trung Quốc trong khi giới cánh tả còn đang giãy nảy về chuyện phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại. Gã đốc thúc thành công quá trình điều chế và sản xuất vaccine cúm Tàu chỉ trong vỏn vẹn MỘT NĂM, giúp nước Mỹ một lần nữa khẳng định vai trò đầu tàu trên bản đồ khoa học – kỹ thuật thế giới. Đừng quên rằng đến nay thế giới vẫn chưa có vaccine cho bệnh SARS, Ebola, cúm gia cầm và các thể loại bệnh khác dưới đời tổng thống tiền nhiệm.

20. Gã hề được gán mác “độc tài”, “phát xít” hay “Hitler thứ hai của thế giới” lại là kẻ bị truyền thông đánh phá nhiều nhất. Gã muốn bảo vệ người Mỹ, họ gọi đó là Chủ nghĩa Dân túy. Gã muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại, họ gọi đó là Chủ nghĩa Da trắng Thượng đẳng.

21. Gã hề “đồi bại” lại có một gia đình nề nếp và đầm ấm, một người vợ chuẩn mực và tất cả con cái đều tài giỏi và nên người; chứ không hút cần sa và tham gia tổ chức phản loạn Antifa như ái nữ da màu nhà ai đó; chứ không như chàng Thợ Săn nghiện ngập, tham nhũng và bị đuổi cổ khỏi quân đội của ai kia.

22. Gã hề “phá nát nền dân chủ Mỹ” lại là kẻ đang bị nền dân chủ ấy đàn áp ngôn luận thảm thương nhất, bị cấm vĩnh viễn tiếng nói trên mạng xã hội và đằng sau là sự cổ vũ của phe cánh tả (trong đó có Michelle Obama) – những người luôn rêu rao về dân chủ và nhân quyền, phản đối kiểm duyệt của những chế độ độc tài trên thế giới. Lúc gã tại vị, gã không cấm phát ngôn bất cứ ai. Đến khi gã sắp rời Nhà Trắng, bọn họ tìm cách bịt miệng gã.

23. Gã hề KHÔNG “khiến nước Mỹ chia rẽ”. Sự chia rẽ đó vốn dĩ đã tồn tại như một ung nhọt âm ỉ trong lòng nước Mỹ từ lâu. Những con người đáng mến mà tôi biết, những giáo sư khả kính bỗng nhiên ngang ngược sỉ vả những ai không cùng quan điểm mình là ngu xuẩn, là nỗi ô nhục. Tất cả là tại Trump? Không. Đó là do chính họ. Thâm tâm họ tuyệt nhiên bất đồng với quan điểm khác biệt thì dù có-Trump hay không-Trump, chính họ cũng đã chia rẽ bản thân mình khỏi những người không cùng suy nghĩ. Trump không phải thiên sứ hàn gắn, nhưng giật rơi tấm màn đạo mạo của thứ chính trị phải đạo (political correctness) giả dối và áp bức suy nghĩ thực tâm bên trong mỗi người.

24. Gã hề “thua cuộc” và tưởng chừng như “bị ghét nhất” lại là người đàn ông được kính trọng nhất nước Mỹ theo khảo sát của Gallup, soán lấy vị trí mà Obama đã ngự trị suốt 12 năm qua. Trong khi tổng thống đắc cử với số phiếu phổ thông cao nhất lịch sử Joe Biden chỉ nhận được 6% lượng ủng hộ (bằng 1/3 ông Trump), phản ánh điều trái ngược hoàn toàn với kết quả bầu cử tổng thống.

25. Cuối cùng, gã hề mà ai cũng cho là “ngạo mạn” ấy là một kẻ cúi đầu trước Chúa, trước lá cờ nước Mỹ, trước lời cầu nguyện cho các nạn nhân cơn bão Harvey, trước lời hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Gã không nhạo báng Chúa. Gã không đốt cờ. Gã không đứng trên nền pháp trị. Gã không tự cho mình là chân lý. Gã cũng không sắc phong điều gì là chính thống. Gã không tự mãn, gã chỉ muốn viết tiếp giấc mơ Mỹ. Vì lẽ đó, gã không bao giờ để nước Mỹ bị đe dọa và phải quỳ gối trước bất kỳ thế lực nào.

Chỉ còn hai ngày nữa thôi, gã hề Donald Trump sẽ rời khỏi Nhà Trắng trong sự vui sướng và niềm hân hoan tột cùng của những tâm hồn ngập tràn thù hận. Mối thù dành cho Trump sâu sắc đến nỗi, người ta chẳng cần quan tâm ai sẽ đứng ra phát biểu nhậm chức vào hôm 20.1 sắp tới, miễn là #NoTrump, kẻ thay thế kia là ai cũng được, thậm chí là một người suốt 47 năm không đạt được thành tựu chính trị nào.

Phải chăng, cảm xúc yêu ghét đã che mờ hoàn toàn lý trí con người. Họ không thể nhìn nhận di sản của Trump một cách công bằng, lăng kính của họ bị vẩn đục bởi chất chứa quá đỗi lòng thù ghét một cá nhân. Dù luôn miệng nói về dân chủ, nhưng họ sẵn sàng chà đạp giá trị mình theo đuổi bấy lâu để loại bỏ kẻ đối lập khỏi cuộc chơi.

Ta nói, nhìn bên trong từ bên ngoài và nhìn bản thân từ người khác, bạn là người thế nào thì sẽ cho rằng người khác là thế ấy. Đời như tấm gương soi, nhìn người không thấy người, chỉ thấy ta. Nay bạn cười cợt gã hề, mai lại thấy tâm mình phản chiếu qua đó.

Hỏi thật, bạn có công bằng với Trump không?

by trantuansang.com

Nguồn: https://www.facebook.com/TranTuanSangOfficial/posts/1049468558888629

 

 

Đối phó với khủng hoảng thể chế

 

Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng thể chế là năng lực của Nhà nước, vai trò người đứng đầu và niềm tin của xã hội vào chế độ, trong đó yếu tố sau cùng là thách thức lớn nhất đối với Đảng.

Người đứng đầu: chuyển giao quyền lực khó khăn

Người đứng đầu có vai trò quyết định trong chế độ tập quyền. Mỗi khi khủng hoảng thì việc thanh trừng phe phái được đẩy mạnh để tái tập trung quyền lực. Tuỳ thuộc vào bối cảnh mà cách thức tiến hành có thể khác nhau, song tựu chung lại có ba yếu tố quan trọng để ứng phó với khủng hoảng thể chế: người đứng đầu, nhân sự lãnh đạo của bộ máy cai trị và lòng tin của xã hội, trong đó việc lấy lại niềm tin của xã hội là thách thức lớn nhất.

“Bất ổn” thể chế ở Việt Nam thể hiện trước hết về niềm tin chính trị, và cao điểm diễn ra trong nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng Cộng sản (2011-2016) khi kinh tế bị khủng khoảng do những sai lầm về chính sách và điều hành tăng trưởng nóng vội. Ông Nguyễn Phú trọng khi đó giữ cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ nhất. Đặc trưng nổi bật của “bẩt ổn” là quyền lực lãnh đạo tuyệt đối của Tổng Bí thư bị ‘thách thức’. Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ Chính trị, là người phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đề xuất kỷ luật đã không được Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận. Nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ bị lung lay.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội hôm 5/4/2021. AFP

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo kỳ cựu, có thâm niên Bộ Chính trị và ‘tứ trụ’ lâu chỉ sau cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đã ứng phó thành công với “bất ổn” bằng cách vận dụng các quy định phức tạp. Bản lĩnh và  kinh nghiệm chính trường đã giúp ông tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng ở nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) dù đã quá giới hạn quy định về tuổi. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 12 ông đã đẩy mạnh chỉnh đốn đảng đồng thời với chiến dịch “đốt lò” nhằm vào các quan chức suy thoái về “tư tưởng và đạo đức”. Điều đó giúp ông tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba hiện nay (2021-2026). Ông đã vượt qua cả giới hạn hai nhiệm kỳ được ghi trong Điều lệ Đảng với tư cách “trường hợp đặc biệt của đặc biệt”.

Tuy nhiên, ông không thể lãnh đạo mãi vì lý do tuổi tác và sức khoẻ. Bởi vậy, việc chuyển giao cương vị Tổng Bí thư sẽ không tránh khỏi, nhưng cho ai vẫn còn là ẩn số. Hiện thời, ông “tự tin” với quyền lực tập trung đủ mạnh để củng cố vị thế lãnh đạo tuyệt đối và tiến hành cải cách, trước mắt là xây dựng và vận hành bộ máy cai trị mới.

Năng lực Nhà nước: lấp khoảng trống quyền lực

Không ai có thể cai trị một mình. Chỉnh đốn đảng và xây dựng bộ máy lãnh đạo là việc tiếp sau phải làm. Đảng nhận định thực trạng suy thoái về “đạo đức và lối sống” của bộ phận không nhỏ quan chức trong bộ máy là nghiêm trọng, “ăn của dân không từ cái gì”, đến mức đe doạ sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh “công tác cán bộ” là “then chốt của then chốt” trong suốt nhiệm kỳ 12. Kiểm soát quyền lực là ưu tiên, nhưng năng lực của Nhà nước mới là cần thiết.

Thay mới hoàn toàn là điều không thể, “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc”. Bởi vậy, việc sàng lọc đã được tiến hành “thận trọng” bởi các quy trình phức tạp kết hợp với chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp tục, cân nhắc từ “dễ đến khó” và cán cân quyền lực. Đồng thời với việc kỷ luật hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, Trung ương đảng đã kiểm soát nhân sự ngay từ khi đại hội đảng các cấp chuẩn bị cho Đại hội 13. Các thủ thuật tổ chức như luân chuyển vị trí, bố trí lại… cũng diễn ra thường xuyên. Việc xây dựng “lồng thể chế” kiểm soát quyền lực cũng được xúc tiến, mặc dù còn nhiều trở ngại….

Hai trăm Uỷ viên Trung ương Đảng –  bộ máy quyền lực cao nhất của Đảng được chọn ra tại Đại hội 13 là kết quả của những nỗ lực chỉnh đốn nội bộ dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông đã quyết đoán về  “phương án” nhân sự và đã tỏ ra tự tin trước thông tin rò rỉ về “danh sách” trên mạng xã hội. Ông đã chỉ thị “Không để khoảng trống quyền lực” và nhanh chóng giới thiệu các lãnh đạo chủ chốt tham gia bộ máy nhà nước tại kỳ họp cuối cùng để Quốc hội khoá 14 chuẩn thuận.

Ngày 5/3 vừa qua, sự thay thế các vị trí “tứ trụ” đã hoàn tất. Ông Vương Đình Huệ được “bầu” Chủ tịch Quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc được “miễn nhiệm” chức Thủ tướng Chính phủ để trở thành Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính Phủ. Mọi việc được Đảng ‘sắp đặt’ theo lịch trình…

Đảng đã quyết về nhân sự lãnh đạo, bởi vậy quy trình trên tại kỳ họp cuối của Quốc hội 14 cho thấy “bệnh hình thức” còn nặng nề. “Tam trụ” nêu trên đã “tuyên thệ”, nhưng rồi thủ tục này sẽ lặp lại lần nữa khi hoàn tất cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 dự kiến tổ chức vào 23 tháng 5 tới. Không có sự lựa chọn dân chủ, bởi vậy Quốc hội chỉ là nơi “hợp pháp hoá” quyền lực của Đảng.

Niềm tin xã hội: thách thức lớn nhất

Khủng hoảng thể chế luôn kéo theo suy giảm niềm tin của xã hội và, hệ quả khó tránh khỏi là gia tăng bất ổn. Ba nội dung cải cách có thể phải tiến hành đồng thời: chống tham nhũng, tăng trưởng kinh tế và dân chủ hoá xã hội. Mặc dù, ưu tiên cấp bách là củng cố đảng, nhưng giải pháp bền vững, lâu dài phải là việc khôi phục niềm tin. Đây sẽ là thách thức lớn đối Đảng Cộng sản trong cải cách.

Chiến dịch chống tham nhũng do Đảng tự tiến hành, được ví như “tự lấy đá ghè chân mình”, là giải pháp mang tính bạo lực, cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi, ‘răn đe’ quan chức. Phong trào học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn mang nặng hình thức vì thực tế cuộc sống thay đổi sâu sắc. Chiến dịch “đốt lò” mang lại kết quả tức thì, nhìn thấy được có thể xoa dịu sự bức xúc của người dân và đem lại chút hy vọng về sự thay đổi, nhưng không thể khôi phục niềm tin của xã hội. Tự kiểm soát tha hoá quyền lực, thiếu thể chế đối trọng chính trị và cơ chế giải trình trách nhiệm công khai minh bạch của chính quyền, người dân đứng ngoài cuộc là những yếu tố ‘bất ổn’ thấy trước của chính sách này.

Có bao nhiêu hiện tượng phản ánh sự giảm sút niềm tin xã hội thì có từng ấy cách để đánh mất nó. Nguyên nhân chủ yếu là sự tha hoá quyền lực công, trong đó sự lạm dụng bạo lực có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. “Sự cố” Đồng Tâm xảy ra vào đầu năm 2020 là minh chứng. Từ những bức xúc với chính quyền về thực thi chính sách đất đai và cách giải quyết xung đột, một số nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, đã tự lập “Tổ đồng thuận chống tham nhũng” với vai trò thủ lĩnh của cụ Lê Đình Kình, đảng viên với gần 60 năm tuổi đảng. Như đã biết, sau sự đàn áp của chính quyền kết cục là những cái chết kinh hoàng và nhiều án tử hình, tù đày nặng nề. Vụ việc này đã gửi đi thông điệp về quyền lực và gieo rắc nỗi sợ hãi đối với ‘sự bất tuân’, nhưng chính quyền đã làm mất niềm tin của xã hội.

Ứng phó với khủng hoảng thể chế luôn phức tạp và khó khăn. Tập trung quyền lực và củng cố bộ máy cai trị là công việc cấp thiết để duy trì chế độ. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị phụ thuộc vào người đứng đầu dễ tạo nguy cơ độc đoán. Duy trì bộ máy trung thành buộc phải ban phát đặc quyền, đặc lợi, xây dựng nhà nước tập trung mạnh có thể làm cho các công dân ‘nhỏ đi’.

Đại biểu Quốc hội khoá 14 Dương Trung Quốc sau 20 năm hoạt động nghị trường đã phát biểu “lần cuối cùng” tại nghị trường của kỳ họp thứ 11 rằng: Hoạt động Quốc hội đã ‘thụt lùi’ về dân chủ so với Quốc hội khoá 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây. Một trong những ‘món nợ dân chủ’ mà Quốc hội phải trả đó là việc hiện thực hoá những quyền tự do cơ bản của công dân, đã được hiến định năm 2013, nhưng đã luôn bị trì hoãn. Chỉ khi người dân được tham gia thực chất vào hoạt động của chính quyền, thì  niềm tin của xã hội mới có hy vọng trở lại.

TS. Phạm Quý Thọ