Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó với khủng
hoảng thể chế là năng lực của Nhà nước, vai trò người đứng đầu và niềm tin của
xã hội vào chế độ, trong đó yếu tố sau cùng là thách thức lớn nhất đối với
Đảng.
Người đứng
đầu: chuyển giao quyền lực khó khăn
Người đứng đầu có vai trò quyết định trong chế độ tập
quyền. Mỗi khi khủng hoảng thì việc thanh trừng phe phái được đẩy mạnh để tái
tập trung quyền lực. Tuỳ thuộc vào bối cảnh mà cách thức tiến hành có thể khác
nhau, song tựu chung lại có ba yếu tố quan trọng để ứng phó với khủng hoảng thể
chế: người đứng đầu, nhân sự lãnh đạo của bộ máy cai trị và lòng tin của xã
hội, trong đó việc lấy lại niềm tin của xã hội là thách thức lớn nhất.
“Bất ổn” thể chế ở Việt Nam thể hiện trước hết về niềm
tin chính trị, và cao điểm diễn ra trong nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng Cộng sản
(2011-2016) khi kinh tế bị khủng khoảng do những sai lầm về chính sách và điều
hành tăng trưởng nóng vội. Ông Nguyễn Phú trọng khi đó giữ cương vị Tổng Bí thư
nhiệm kỳ thứ nhất. Đặc trưng nổi bật của “bẩt ổn” là quyền lực lãnh đạo tuyệt
đối của Tổng Bí thư bị ‘thách thức’. Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ Chính trị, là
người phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đề xuất kỷ luật đã không được Ban
Chấp hành Trung ương chấp nhận. Nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ bị lung
lay.
Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (trái) và tân Thủ
tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội hôm 5/4/2021. AFP
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo kỳ
cựu, có thâm niên Bộ Chính trị và ‘tứ trụ’ lâu chỉ sau cố Tổng Bí thư Lê Duẩn,
đã ứng phó thành công với “bất ổn” bằng cách vận dụng các quy định phức tạp.
Bản lĩnh và kinh nghiệm chính trường đã giúp ông tái đắc cử chức vụ Tổng
Bí thư Đảng ở nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) dù đã quá giới hạn quy định về tuổi.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 12 ông đã đẩy mạnh chỉnh đốn đảng đồng thời với chiến dịch
“đốt lò” nhằm vào các quan chức suy thoái về “tư tưởng và đạo đức”. Điều đó
giúp ông tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ thứ ba hiện nay (2021-2026). Ông đã
vượt qua cả giới hạn hai nhiệm kỳ được ghi trong Điều lệ Đảng với tư cách
“trường hợp đặc biệt của đặc biệt”.
Tuy nhiên, ông không thể lãnh đạo mãi vì lý do tuổi
tác và sức khoẻ. Bởi vậy, việc chuyển giao cương vị Tổng Bí thư sẽ không tránh
khỏi, nhưng cho ai vẫn còn là ẩn số. Hiện thời, ông “tự tin” với quyền lực tập
trung đủ mạnh để củng cố vị thế lãnh đạo tuyệt đối và tiến hành cải cách, trước
mắt là xây dựng và vận hành bộ máy cai trị mới.
Năng lực Nhà
nước: lấp khoảng trống quyền lực
Không ai có thể cai trị một mình. Chỉnh đốn đảng và
xây dựng bộ máy lãnh đạo là việc tiếp sau phải làm. Đảng nhận định thực trạng
suy thoái về “đạo đức và lối sống” của bộ phận không nhỏ quan chức trong bộ máy
là nghiêm trọng, “ăn của dân không từ cái gì”, đến mức đe doạ sự tồn vong của
chế độ. Bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh “công tác cán bộ”
là “then chốt của then chốt” trong suốt nhiệm kỳ 12. Kiểm soát quyền lực là ưu
tiên, nhưng năng lực của Nhà nước mới là cần thiết.
Thay mới hoàn toàn là điều không thể, “kỷ luật hết thì
lấy ai làm việc”. Bởi vậy, việc sàng lọc đã được tiến hành “thận trọng” bởi các
quy trình phức tạp kết hợp với chiến dịch “đốt lò” vẫn tiếp tục, cân nhắc từ
“dễ đến khó” và cán cân quyền lực. Đồng thời với việc kỷ luật hàng nghìn cán bộ
lãnh đạo, Trung ương đảng đã kiểm soát nhân sự ngay từ khi đại hội đảng các cấp
chuẩn bị cho Đại hội 13. Các thủ thuật tổ chức như luân chuyển vị trí, bố trí
lại… cũng diễn ra thường xuyên. Việc xây dựng “lồng thể chế” kiểm soát quyền
lực cũng được xúc tiến, mặc dù còn nhiều trở ngại….
Hai trăm Uỷ viên Trung ương Đảng – bộ máy quyền
lực cao nhất của Đảng được chọn ra tại Đại hội 13 là kết quả của những nỗ lực
chỉnh đốn nội bộ dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông đã quyết đoán
về “phương án” nhân sự và đã tỏ ra tự tin trước thông tin rò rỉ về “danh
sách” trên mạng xã hội. Ông đã chỉ thị “Không để khoảng trống quyền lực” và
nhanh chóng giới thiệu các lãnh đạo chủ chốt tham gia bộ máy nhà nước tại kỳ
họp cuối cùng để Quốc hội khoá 14 chuẩn thuận.
Ngày 5/3 vừa qua, sự thay thế các vị trí “tứ trụ” đã
hoàn tất. Ông Vương Đình Huệ được “bầu” Chủ tịch Quốc hội thay bà Nguyễn Thị
Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc được “miễn nhiệm” chức Thủ tướng Chính phủ để
trở thành Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính Phủ. Mọi
việc được Đảng ‘sắp đặt’ theo lịch trình…
Đảng đã quyết về nhân sự lãnh đạo, bởi vậy quy trình
trên tại kỳ họp cuối của Quốc hội 14 cho thấy “bệnh hình thức” còn nặng nề.
“Tam trụ” nêu trên đã “tuyên thệ”, nhưng rồi thủ tục này sẽ lặp lại lần nữa khi
hoàn tất cuộc bầu cử Quốc hội khoá 15 dự kiến tổ chức vào 23 tháng 5 tới. Không
có sự lựa chọn dân chủ, bởi vậy Quốc hội chỉ là nơi “hợp pháp hoá” quyền lực
của Đảng.
Niềm tin xã
hội: thách thức lớn nhất
Khủng hoảng thể chế luôn kéo theo suy giảm niềm tin
của xã hội và, hệ quả khó tránh khỏi là gia tăng bất ổn. Ba nội dung cải cách
có thể phải tiến hành đồng thời: chống tham nhũng, tăng trưởng kinh tế và dân
chủ hoá xã hội. Mặc dù, ưu tiên cấp bách là củng cố đảng, nhưng giải pháp bền vững,
lâu dài phải là việc khôi phục niềm tin. Đây sẽ là thách thức lớn đối Đảng Cộng
sản trong cải cách.
Chiến dịch chống tham nhũng do Đảng tự tiến hành, được
ví như “tự lấy đá ghè chân mình”, là giải pháp mang tính bạo lực, cai trị bằng
cách gieo rắc nỗi sợ hãi, ‘răn đe’ quan chức. Phong trào học tập tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh còn mang nặng hình thức vì thực tế cuộc sống thay đổi sâu sắc.
Chiến dịch “đốt lò” mang lại kết quả tức thì, nhìn thấy được có thể xoa dịu sự
bức xúc của người dân và đem lại chút hy vọng về sự thay đổi, nhưng không thể
khôi phục niềm tin của xã hội. Tự kiểm soát tha hoá quyền lực, thiếu thể chế
đối trọng chính trị và cơ chế giải trình trách nhiệm công khai minh bạch của
chính quyền, người dân đứng ngoài cuộc là những yếu tố ‘bất ổn’ thấy trước của
chính sách này.
Có bao nhiêu hiện tượng phản ánh sự giảm sút niềm tin
xã hội thì có từng ấy cách để đánh mất nó. Nguyên nhân chủ yếu là sự tha hoá
quyền lực công, trong đó sự lạm dụng bạo lực có thể gây nên hậu quả nghiêm
trọng. “Sự cố” Đồng Tâm xảy ra vào đầu năm 2020 là minh chứng. Từ những bức xúc
với chính quyền về thực thi chính sách đất đai và cách giải quyết xung đột, một
số nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, đã tự lập “Tổ đồng thuận chống tham nhũng”
với vai trò thủ lĩnh của cụ Lê Đình Kình, đảng viên với gần 60 năm tuổi đảng.
Như đã biết, sau sự đàn áp của chính quyền kết cục là những cái chết kinh hoàng
và nhiều án tử hình, tù đày nặng nề. Vụ việc này đã gửi đi thông điệp về quyền
lực và gieo rắc nỗi sợ hãi đối với ‘sự bất tuân’, nhưng chính quyền đã làm mất
niềm tin của xã hội.
Ứng phó với khủng hoảng thể chế luôn phức tạp và khó
khăn. Tập trung quyền lực và củng cố bộ máy cai trị là công việc cấp thiết để
duy trì chế độ. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị phụ thuộc vào người đứng đầu
dễ tạo nguy cơ độc đoán. Duy trì bộ máy trung thành buộc phải ban phát đặc
quyền, đặc lợi, xây dựng nhà nước tập trung mạnh có thể làm cho các công dân
‘nhỏ đi’.
Đại biểu Quốc hội khoá 14 Dương Trung Quốc sau 20 năm
hoạt động nghị trường đã phát biểu “lần cuối cùng” tại nghị trường của kỳ họp
thứ 11 rằng: Hoạt động Quốc hội đã ‘thụt lùi’ về dân chủ so với Quốc hội khoá 1
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây. Một trong những ‘món nợ dân chủ’
mà Quốc hội phải trả đó là việc hiện thực hoá những quyền tự do cơ bản của công
dân, đã được hiến định năm 2013, nhưng đã luôn bị trì hoãn. Chỉ khi người dân
được tham gia thực chất vào hoạt động của chính quyền, thì niềm tin của
xã hội mới có hy vọng trở lại.
TS. Phạm Quý Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét