Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Tổng bí thư - Chủ tịch nước: "Thời điểm đã chín muồi!"


04/10/2018 11:01 GMT+7
- “Nếu chỉ nghĩ về oai quyền, lợi ích của mình, ai chả muốn bộ máy dưới quyền phình to mãi ra, ai chả thích hoành tráng”.

8h30 phút, sáng ngày 02-10-2018, Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã chia sẻ với Tuần Việt Nam xung quanh các sự kiện quan trọng đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII.

Một số nước đã tiến hành nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước. Ở Trung Quốc, người đứng đầu Đảng và người đứng đầu Nhà nước là một. Ở Lào cũng vậy. Cuba còn nhất thể hóa ở mức độ cao hơn nữa - người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu Chính phủ là một. Việc này ở Việt Nam lần này đang được bàn, nhưng đã rất chín muồi rồi?

Tôi xin nói ngay: Rất chín muồi! Nếu không nói là, đã chín quá mõm mòm!

Thách thức đặt ra kể từ khi lập quốc, và đặc biệt tới Đại hội thứ II của Đảng vào tháng 2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Lịch sử đất nước và lịch sử của Đảng đã cho chúng ta bài học lớn về dĩ bất biến ứng vạn biến; về thời thế thế nào thì hành động thế ấy.

Chỉ có điều trong một thời gian dài, hơn 67 năm qua, kể từ năm 1951, chúng ta chưa tiên lượng hết và hành động tương xứng với bước đi tất yếu của lịch sử, với đòi hỏi của Nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi để chúng ta hành động tương thích và quyết liệt một cách hợp thời. Tầm viễn kiến vô cùng quan trọng. Mà thời cơ lịch sử và cơ hội đất nước cất cánh không chờ đợi ai cả!

Tôi nói lại, rằng tôi đã nói chuyện này từ rất lâu và nhiều lần rồi. Và tôi thấy, tôi tin là nó chín muồi từ rất lâu rồi, giờ là thời khắc quyết định mang tầm lịch sử nữa thôi! Nó đã có trong lịch sử của chúng ta và nó cũng là xu thế của nhiều quốc gia khác. Tôi không bàn về ích lợi hay sức mạnh của nó. Tôi chỉ xin nói gọn một nguyên lý, rằng cái gì vốn đơn giản mà chúng ta làm cho nó càng rối rắm, càng phức tạp thì càng kém hiệu quả, nếu không nói là thất bại.


Nhà báo Nhị Lê: "Nói gọn lại, dùng đức trị quản sẽ chỉ được 10 dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được 100 dặm, mà dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc". Ảnh: Dân Trí

Tôi đã phỏng vấn nhiều nhân sĩ, trí thức, đại biểu Quốc hội, họ nói rằng ở Việt Nam đã có người hội đủ uy tín, đạo đức để làm được như vậy. Quan điểm của ông?

Lịch sử đã sản sinh ra rồi, chỉ có điều là chúng ta còn ngại ngần, chúng ta còn rụt rè. Vấn đề đó không phải bây giờ mới bàn, khi lập quốc đã có rồi, anh có nhớ không?!

Lịch sử đã chuẩn bị, đã mở đường đi cho nó, chỉ có điều chúng ta chưa cảm nhận thấy hết và không hình dung nó nhanh như chúng ta…mong đợi thôi!

Liên quan đến cải cách bộ máy, việc này đã được đặt ra rất lâu rồi và nhiều lần rồi do chi ngân sách dành phải dành tỷ lệ quá lớn, khoảng 70%, để chi tiêu thường xuyên, để duy trì bộ máy. Ông nhận xét như thế nào về quyết tâm cải cách bộ máy lần này?

Có lẽ chả nước nào như nước ta, bộ máy thì cồng kềnh, tỉ lệ công chức tính trên bình quân số dân vô cùng lớn, 40 người dân có một công chức.

Nước Mỹ như thế mà chỉ có 15 bộ, 140 người dân mới có một công chức. Nhật Bản như vậy mà chỉ có 16 bộ. Lớn đến như Trung Quốc mà họ chỉ có 29 tỉnh, thành và 6 đặc khu.

Ta thế nào? Ta có tới 63 tỉnh, thành phố; 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Chúng ta có cồng kềnh không? Quá cồng kềnh! Lại chưa kể tình trạng song trùng. 40 người nuôi một công chức có nặng không? Nặng quá đi chứ! Vấn đề tinh giản bộ máy đáng lẽ phải làm quyết liệt từ rất lâu rồi, chứ không phải đợi đến bây giờ

Nếu hoàn thành tinh giản bộ máy thì ông có hình dung được sự tiết kiệm, sự cắt giảm từ ngân sách nhà nước như thế nào hay không?

Tôi chưa tính toán đầy đủ. Nhưng theo ước tính của tôi thì, chúng ta có thể tiết kiệm được số tiền tương đương 20% GDP để nuôi bộ máy, để dùng vào việc khác quan trọng vô cùng.

Chúng ta có khoảng 11.600 xã và tương đương, 700 huyện, thị và tương đương, 63 tỉnh thành, phố. Khi nhất thể hóa, chúng ta giảm ngay gần 1,2 vạn người. Đó là chỉ tính rất sơ lược mà chưa kể bộ máy, vật lực kèm theo. Tôi không nói về năng lực, tôi chỉ nói về hình thức bộ máy, có gì mà không làm được. 

Nhân dân đang chờ đợi đấy, thuế dân đóng sao đủ để nuôi? Điều này tôi nói công khai lâu rồi. Nay thì mục tiêu chính trị rõ rồi, lộ trình có rồi, biện pháp lớn có rồi, thời khắc này chúng ta phải làm thôi, nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, không do dự.

Bộ máy tinh gọn sẽ linh hoạt, hiệu quả; quản trị quốc gia sẽ thích ứng và linh hoạt hơn. Vị thế, vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng, do đó cũng tập trung hơn, dân chủ hơn, vì nó tinh hoa hơn, gọn gàng hơn, xứng đáng là đội quân tiền phong dẫn dắt dân tộc, và cùng đất nước vượt lên phía trước. Đó là yêu cầu và cũng là thách thức lớn nhất của lịch sử nước nhà lúc này, của đất nước hiện nay.

Như cách làm hiện nay thì cải cách bộ máy vẫn là dưới cơ sở, cấp huyện, cấp xã. Liệu rằng có nên làm ngược lại hay không?

Tại sao lại không? Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, Đảng phải làm gương cho hệ thống chính trị có đúng không? Làm từ Trung ương, làm từ bộ máy của Đảng. Đồng bào dân tộc Mông nói: “Quả bí thối từ ruột thối ra”, dân tộc Kinh ta có câu: “Nhà dột từ trên nóc dột xuống”.

Chúng ta không thể sửa những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Vì thế, hãy làm tuyến trên đi, làm tuyến trong đi, làm khác cách làm trước đây đi. Như thế Đảng càng xứng đáng là người tiên phong, người lãnh đạo chứ, chứ không phải Đảng nói để cho các thành viên chính trị khác làm; cấp trên nói để cấp dưới làm. Đi tiên phong là Đảng, đi tiên phong là cấp trên. Tại sao lại nghĩ là cơ sở phải đi đầu mà không nghĩ Trung ương? Tại sao lại không nghĩ bắt đầu ở trong Đảng mà lại nghĩ ở ngoài Đảng?

Hãy bắt đầu từ Đảng, bắt đầu từ bên trên và bên trong Đảng đi.

Tôi đã trao đổi với một số người ở cấp cơ sở, cấp địa phương là đối tượng để tinh giản, họ tâm tư lắm.

Chuyện đấy là bình thường. Là anh, anh có tâm tư không? Có chứ! Là tôi, tôi có suy nghĩ không? Rất có.

Cuộc cải cách này đụng chạm tới số phận con người nhưng nếu chỉ vì tâm tư mà làm hỏng đại sự có đáng không? Nếu nghĩ về đại cuộc, vì dân tộc chắc sẽ làm được. Nếu chỉ nghĩ cho mình thì ai chả mong bộ máy của mình bị chỉnh lý. Nếu chỉ nghĩ về oai quyền, lợi ích của mình, ai chả muốn bộ máy dưới quyền phình to mãi ra, ai chả thích hoành tráng.

Nhưng tôi đã nói nhiều lần, chỉ cái hợp lý mới có thể tồn tại.

Chúng ta nói rất nhiều về sự thấm nhuần giữa ý Đảng, lòng dân. Hơn lúc nào hết, lòng dân mong muốn có một không gian rộng mở để tự do làm ăn, các quyền được đảm bảo. Ý Đảng, vì thế, cũng hướng đến lòng dân…

Đương nhiên rồi. Bác Hồ đã nói nhiều lần, Đảng ta là đứa con nòi của nhân dân chứ Đảng không chỉ là người lãnh đạo. Đó là sự hòa quyện giữa pháp lý và đạo lý đấy!

Ý Đảng, lòng dân mà tương hợp thì vạn sự tất thành. Đảng sinh ra để dẫn dắt dân tộc, Đảng làm trọng trách như vậy, trong tư thế là đứa con nòi của nhan dân. Lý tưởng của Đảng mà không phù hợp với khát vọng của dân tộc thì chỉ là lý tưởng suông. Ý đảng mà không tương hợp lòng dân thì tự ý Đảng rất khó có đất sống.

Cho nên, để phù hợp với lòng dân, trong công cuộc đổi mới đất nước thì sẽ còn phải sửa nhiều những thể chế, những luật lệ đang còn cản trở người dân?

Hiện nay, Việt Nam có 275 luật và bộ luật. Nhật Bản có bao nhiêu? Họ có tới 500 luật và vẫn tiếp tục ban hành luật. Chúng ta cũng phải có thêm nhiều luật. Nên nhớ, cho dù có đến hàng nghìn bộ luật cũng không khép kín hết được thực tế cuộc sống muôn vẻ và phức tạp. Không có luật thì đất nước sẽ hỗn mang, thiếu luật thì đất nước sẽ khấp khểnh. Nhưng, vấn đề là thực thi pháp luật. Vì thế, đạo đức trong nền pháp quyền đặt ra và đòi hỏi không kém luật pháp. Tôi sẽ bàn vào dịp khác vấn đề này.

Nói gọn lại, dùng đức trị quản sẽ chỉ được 10 dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được 100 dặm, mà dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc.

Tư Giang(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét